Dân tộc Hmông

Dân tộc Hmông cư trú trên một địa bàn rộng ở châu Á, trên lãnh thổ 5 nước: Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanma.

có dịp lên vùng Núi Yên Bái nơi có dân tộc H’mông sinh sống ta sẽ bắt gặp một vẻ đẹp cuốn hút bởi sự mộc mạc bình dị thiên nhiên nơi vùng núi sơn cước và đặc biệt là vẻ đẹp của trang phục dân tộc của người H’mông từ trẻ em đên người già, đàn ông và phụ nữ mà họ đều mặc trên mình những bộ trang phục truyền thống do chính bàn tay họ làm nên, họ  luôn mang trên mình vẻ đẹp ấy,  trong cả lao động cũng như trong những ngày lễ hội.
Quần áo của người Mông chủ yếu may bằng vải tự dệt, đậm đà tính cách tộc người trong tạo hình và trang trí với kỹ thuật đa dạng. Chỉ với 4 màu chủ đạo xanh, đỏ, trắng, vàng của chỉ tơ tằm mà họa tiết của trang phục đã tỏa ra muôn sắc màu, tạo cảm giác trầm ấm. Trang phục của phụ nữ Mông có họa tiết hoa văn đẹp từ khăn đội đầu đến xà cạp quấn chân. Trang phục phụ nữ Mông  có họa tiết tập trung ở cổ áo, nẹp áo, thắt lưng, bồ giáo phía trước. Phụ nữ H’Mông Hoa trang trí họa tiết ở trang phục phong phú hơn, ở cả khăn đội đầu, cổ áo, nẹp áo, thắt lưng, bồ giáo, thân váy, xà cạp, kỹ thuật thêu hoa văn của người H’Mông rất phức tạp và vì thế, nó thể hiện sự tinh tế của người phụ nữ H’Mông. Cách bố cục và họa tiết trên trang phục của người Mông còn thể hiện sức sống, bản lĩnh của người Mông trước thiên nhiên

Người Mông ở Bắc Hà, Lào Cai. 


H’mông Đu (H’mông Đen)
H’mông Đỏ
Nhà vua mèo
1- Người Hmông trong kết cấu tộc người trên thế giới
Dân tộc Hmông cư trú trên một địa bàn rộng ở châu Á, trên lãnh thổ 5 nước: Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanma.
Ở Trung Quốc, người Hmông có dân số đông nhất, khoảng 7.398.000 người, chủ yếu ở tỉnh Quý Châu, gồm 4 nhóm: Hmông trắng, Hmông xanh, Hmông đen, Hmông hoa.
Ở Lào, người Hmông có 315.000 người, chủ yếu từ Trung Quốc và Việt Nam di cư sang, gồm người Hmông trắng, Hmông xanh.
Ở Thái Lan, có 152,có 152.000 người, gồm Hmông trắng, Hmông xanh, chủ yếu di cư từ Trung Quốc, Lào sang.
Tại Myanma có khoảng 25.000 người, di cư từ Trung Quốc và Lào tới.
Ở Việt Nam, người Hmông là dân tộc thiểu số có số dân đông, sinh sống chủ yếu ở vùng núi phía Bắc. Theo điều tra dân số năm 1999, ở nước ta có 787,604 người HMông, chiếm 1% dân số cả nước. Trong những năm gần đây, có sự di chuyển của người Hmông vào các tỉnh phía Nam, chủ yếu vào các tỉnh Tây Nguyên, bên cạnh xu hướng từ Đông sang Tây (Lào) vẫn tiếp tục.
Ngoài ra, hiện nay ở các nước phương Tây như Mỹ, Pháp, Úc… cũng có cộng đồng người Hmông sinh sống, song chủ yếu là ở Mỹ (250.000 đến 300.000 người), di cư từ Lào sang sau năm 1975. Ở Pháp có khoảng 11.400 người, ở Úc có khoảng 2.000 người, Canađa có 600 người …
Về lịch sử, theo các nhà nghiên cứu, dân tộc Hmông là dân tộc thiểu số sống ở Trung Quốc (người Trung Quốc gọi là Miêu). Trong lịch sử, từ thế kỷ thứ IV, ở Trung Quốc đã hình thành Vương quốc HMông. Trong nhiều thế kỷ, họ phải liên tục đấu tranh chống lại sức ép của người Hán. Đến thế kỷ X, Vương quốc Hmông tan rã.
Tuy nhiên, người Hmông không chịu sự đồng hóa của người Hán. Do sự chèn ép của người Hán, người Hmông di cư xuống phía Nam. Như vậy, người Hmông sống ở các nước trên thế giới hiện nay đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Những mâu thuẫn giữa người Hán và người Hmông ở Trung Quốc trong lịch sử dẫn tới sự di cư của người Hmông rất nặng nề, cho đến nay vẫn tồn tại dưới dạng này, dạng khác …
2- Người Hmông ở Việt Nam
Hiện nay, tuyệt đại đa số người Hmông ở Việt Nam cư trú ở vùng núi cao phía Bắc. Người Hmông có mặt ở 2.384 bản, thuộc 538 xã, tập trung đông nhất ở Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng, Nghệ An, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Bắc Thái, Hòa Bình, Lạng Sơn và một số tính khác. Trong lịch sử, người Hmông có xu hướng di cư không thích nghi được với hoàn cảnh. Hướng di cư truyền thống của người Hmông ở Việt Nam là từ Đông sang Tây, bám theo rừng. Từ năm 1990 đến nay thêm hướng di cư mới, từ miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên và một số tỉnh phía Nam (hướng Bắc – Nam).
Người Hmông ở Việt Nam, cũng như người Hmông ở Lào, Thái Lan, Myanma đều có nguồn gốc từ Trung Quốc di cư sang.
Theo các học giả Việt Nam, người Hmông di cư ở Việt Nam có 3 đợt: đợt sớm nhất là vào thế kỷ XVII; lần 2 vào những năm 1769 – 1820; lần 3 vào thời điểm cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc ở Trung Quốc thất bại.
Một học giả Trung Quốc cho rằng, lịch sử di cư của người Hmông (Miêu) vào Việt Nam có 4 đợt, từ giữa thế kỷ XVII đến sau chiến tranh Nha phiến ở Trung Quốc. Nói như vậy không có nghĩa là cuộc dịch chuyển của người Hmông vào Việt Nam hay một số quốc gia đến nay đã hết. Một trong những thuộc tính của người Hmông là dịch chuyển, khi họ không đủ sức ứng phó với hoàn cảnh.
Quá trình dịch chuyển của người Hmông rất phức tạp, sự di cư tự do của người Hmông vào các tính Tây Nguyên (có cả các dân tộc khác, như người Nùng, người Thái, người Dao…) diễn ra do nhiều nguyên nhân. Do có sự chuyển đổi cơ chế kinh tế (giao đất đến các hộ gia đình, có sự đòi đất tổ tiên, thiếu đất canh tác …), đất canh tác xấu, rừng bị tàn phá nhiều… Chiến tranh biên giới 1979 cũng có tác động nhất định. Bên cạnh đó, vấn đề tôn giáo kết hợp với sự lôi kéo của các thế lực thù địch cũng dẫn đến di chuyển cư. Tuy nhiên, sự di cư của người Hmông còn có những yếu tố lịch sử và truyền thống khác.
 
Người Hmông cư trú trên địa bàn rộng, nên ngay trong cộng đồng của họ đã có những cách ứng xử rất đa dạng, thể hiện sự thích nghi của người Mông, đặc biệt là thông qua hệ thống canh tác. Đối với những vùng cao như Mèo Vạc, Đồng Văn (Hà Giang), cách thích nghi của họ chủ yếu là trồng ngô trong các hốc đá và món ưa thích là mèn mén (ngô xay). Nhưng ở Lào Cai, họ lại có những cánh đồng lúa nước khá rộng và những thửa ruộng bậc thang rất đẹp.
3- Nét đặc trưng của xã hội người Hmông
a) Thiết chế dòng họ
Tính đến nay người Hmông có khoảng 20 dòng họ. Cấu kết dòng họ của người Hmông có đặc điểm sau:
- Cấu kết rộng: Theo người Mông, những người có cùng một họ đều là anh em, dù người đó cư trú ở đâu, không phụ thuộc vào biên giới quốc gia.
- Cấu kết hẹp: Những người có cùng huyết thống theo dọng họ cha. Tuy nhiên, mối quan hệ dòng họ của người Hmông dựa vào rất nhiều tiêu chí. Đầu tiên là quan hệ huyết thống và sau đó là tập quán và nghi lễ giống nhau. Những người có cùng một ma (cách thức cúng bái như nhau), được coi là người cùng họ. Người Hmông có một trong những nghi lễ không thể thiếu được là làm nhụ đa (ma bò, lễ vật hiến tế là con bò). Mỗi dòng họ có cách thức cúng, vị trí để con bò, cách bày cúng (có họ bày 1 phần, có họ bày 5 phần …, theo nguyên tắc số lẻ). Theo cách thức của người Hmông, người ta giải thích số lẻ là số của ma, số để cúng. Khi hai người Hmông gặp nhau, người ta không cần hỏi tổ tiên của anh là ai, chỉ cần hỏi anh cúng ma bò bày như thế nào, bày mấy phần. Nếu giống nhau, biết ngay họ là anh em ruột.
Một cách nhận biết khác trong quan hệ thân thuộc là qua cúng ma buồng (cúng để cầu mong cho đàn gia súc). Buồng là nơi ở của người phụ nữ, nhưng người phụ nữ cũng là người chuyên chăm lo cho chăn nuôi. Khi cúng ma buồng, cầu mong cho đàn gia súc phát triển thì mỗi dòng họ cũng có cách cúng khác nhau.
Mỗi dòng họ có một kiểu, nghi thức cúng ma riêng. Cách đặt người chết trong nhà phụ thuộc vào dòng họ. Có dòng họ đặt dọc nhà nhưng sát bàn thờ, nhưng có dòng họ lại đặt ngang. Khâm niệm của các dòng họ cũng khác nhau. Có dòng họ khâm niệm tại nhà, có dòng họ khiêng người chết ra nghĩa trang rồi mới khâm niệm. Những nét riêng của người Hmông đã tạo nên tính cố kết của những người có quan hệ huyết thống với nhau. Người cùng dòng họ người Hmông thì được chết ở bên nhau. Bên cạnh đó là những kiêng cữ về thức ăn và các loại thực phẩm.
b) Tổ chức của dòng họ
- Vai trò lớn nhất là người trưởng họ, dân tộc Hmông gọi là cái gốc. Trưởng họ là người am hiểu các quy định, các bài cúng của dòng họ mình, thành thạo phong tục và cách ứng xử. Trưởng họ là người có uy tín, có hiểu biết về phong tục của dòng họ. Trưởng họ có nơi bầu, có nơi kế thừa, chưa truyền con nối, không có khuôn mẫu, tuỳ từng dòng họ vận dụng khác nhau. Vai trò của người trưởng họ chi phối hầu hết các lĩnh vực của người Hmông (trong sản xuất, tang ma, cưới xin, di chuyển). Công tác tư tưởng muốn đưa chủ trương, đường lối, chính sách…, muốn giải quyết các vấn đề khúc mắc, tranh chấp dứt điểm phải chú ý đến điều này. Trưởng ban tuyên truyền, vận động mà là trưởng họ thì rất tốt. Khi giải quyết các vấn đề giữa các dòng họ, không có gì tốt hơn là các ông trưởng họ dàn xếp với nhau.
- Đối với dân tộc Hmông, sau trưởng họ, người có tiếng nói quan trọng thứ hai trong dòng họ là bà cô. Bà cô có thể thay đổi các nghi thức cúng bái của dòng họ. Khi vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới trong ma chay, cưới xin…, chúng ta cần quan tâm đến vai trò của bà cô trong dòng họ.
- Trong xã hội của người Hmông, vai trò của thầy cúng cũng rất lớn. Khi tiếp xúc với xã hội người Hmông, không thể không tính đến vai trò của thầy cúng, và không nên chỉ hiểu đó là vấn đề mê tín, mà cần đặt trong đặc điểm kết cấu xã hội của họ.
Có thể nói, cái cố kết chủ yếu trong xã hội người Hmông là dòng họ. Nó chi phối các hoạt động của người Hmông, kể cả trong phát triển sản xuất, tổ chức không gian cư trú (nơi ở)… Đối với người Hmông trưởng họ, bà cô, thầy cúng là những người có uy tín và có vai trò rất quan trọng.

Nhận xét