Cách Hà Nội 130 km, thung lũng Mai Châu, Hòa Bình là điểm đến ưa thích của nhiều du khách. Người Thái trắng ở Mai Châu làm du lịch trong chính nhà sàn của họ, đặc biệt là ở bản Pom Coọng và bản Lát. Khi lên đến đỉnh đèo dốc Cun, không ai qua đây là không dừng lại ngắm cảnh. Huyện lỵ Mai Châu xinh đẹp hiện ra dưới tầm mắt du khách: một thung lũng xanh rờn cây lá, đồng lúa và những nếp nhà sàn đều tăm tắp như xếp hàng chào đón khách.
Nhà sàn ở đây cao ráo, sạch sẽ. Sàn nhà cách mặt đất khoảng 1,5 m bằng những cột gỗ chắc chắn. Khách đến nhà xin mời múc nước rửa chân trước khi bước lên cầu thang. Sàn nhà bằng tre hoặc bương. Mái nhà lợp lá gồi hoặc lá mây. Các cửa sổ trong nhà có kích thước khá lớn để đón gió mát và cũng là nơi để chủ nhà treo các giò hoa phong lan, lồng chim cảnh. Một khung dệt vải thổ cẩm được đặt cạnh một ô cửa sổ. Ðây là nơi làm việc của cô con gái lớn. Người con trai hỏi vợ chỉ cần nhìn lên giá xếp chăn đệm gối sạch sẽ với những màu sắc hoa văn trang trí là biết được sự chăm chỉ và tài nữ công của người vợ tương lai. Còn cô gái, muốn biết về người con trai sắp làm chồng mình thì hãy nhìn lên các cột nhà, nếu thấy vô số vảy cá to và nhất là nhiều đuôi cá dán lên cột thì hãy yên tâm là người con trai trong nhà này lao động giỏi, bắt được nhiều cá.
Bạn là khách, sẽ được ông chủ nhà trải chiếu hoa mời ngồi, rồi bày ra giữa chiếu một vò rượu cần bằng nếp cẩm. Còn bà chủ nổi lửa đồ xôi trong cái chõ cao lênh khênh của người Thái. Nhìn qua cửa sổ bạn sẽ thấy ở dưới đất có một ao cá nhỏ hình vuông sát chân cột nhà, những con cá đang bơi lặn ăn mồi trong nước ao trong vắt. Ông chủ sẽ dành cho bạn quyền chỉ vào con cá nào, ông sẽ bắt đúng con đó cho vào nồi cháo cá. Ngôi nhà sàn số 28 của bác Hà Văn Phúc, có 28 cột gỗ, sức chứa tới 100 người. Bác Phúc nói: "Pom Coọng có 64 nhà sàn đón khách du lịch, chúng tôi đặt ra mức giá chung là 60.000 đồng/khách, chẳng bà con nào phá giá đâu, mười năm nay vẫn thế. Khi đông còn san sẻ khách hoặc góp người múa xòe cho nhau nữa".
Dưới chân nhà sàn, các cô gái Thái miệt mài bên khung cửi và đấy cũng là nơi bán đồ lưu niệm do chính người Thái sản xuất: khăn phiêu, váy, ví, áo thổ cẩm. Đặc sản vùng này còn có loại rượu cần tuyệt ngon làm bằng lúa nếp, lá hính ho, mèo, gừng, giá 30.000 đồng/chóe.
Sang bản Lát, nơi có 25 nhà sàn làm du lịch, cụ ông Hà Văn Đội cho hay, ngày xưa, cụ chuyên lên núi săn thú bằng nỏ và bây giờ, cũng làm nỏ nhưng là để bán cho du khách. Mỗi tháng, cụ Đội làm được 3 bộ tên nỏ, bán trên 300.000 đồng. Món cơm nếp trong ống lam của Mai Châu, do có nước dừa nên thơm ngon vô cùng, được bán với giá 2.000 đồng/ống.
Sang bản Lát, nơi có 25 nhà sàn làm du lịch, cụ ông Hà Văn Đội cho hay, ngày xưa, cụ chuyên lên núi săn thú bằng nỏ và bây giờ, cũng làm nỏ nhưng là để bán cho du khách. Mỗi tháng, cụ Đội làm được 3 bộ tên nỏ, bán trên 300.000 đồng. Món cơm nếp trong ống lam của Mai Châu, do có nước dừa nên thơm ngon vô cùng, được bán với giá 2.000 đồng/ống.
Đêm về, trên sàn nhà bằng nứa, ngồi bên bếp lửa bập bùng trong tiết trời lành lạnh mà nhâm nhi vị men cay nồng của vò rượu cần được làm bằng nếp cẩm, được ăn cơm lam, thịt nướng, được ngắm nhìn những cặp mắt lúng liếng của các cô gái Thái, được xem múa hát, được nghe tiếng cồng chiêng quyện với tiếng lá rừng xào xạc…
Ngoài ra, du khách còn có cơ hội được tham quan Nhà máy Thủy điện Hoà Bình, lòng hồ Sông Đà và đặc biệt là khách được thỏa sức đi mua sắm các sản phẩm thủ công, lâm thổ sản và được hoà nhịp vào đêm hội múa xòe, múa sạp với các cô gái Thái duyên dáng ở Bản Lác, Mai Châu…
Nhận xét
Đăng nhận xét