Nhà cổ ở cù lao Tân Lộc


Nhắc đến nhà cổ ở Cần Thơ, người ta thường nghĩ ngay đến nhà cổ Bình Thủy với những giai thoại về công tử Dương Văn Quảng ăn chơi nổi tiếng. Ít ai biết rằng, ở cù lao (CL) Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), hiện đang còn hơn 10 ngôi nhà cổ thuộc vào hàng “độc” ở vùng ĐBSCL. Mang phong cách “Đông Tây hội ngộ”, những ngôi nhà cổ này dù đã bị thời gian bào mòn, song vẫn giữ được nét kiến trúc riêng, thể hiện “đẳng cấp” của những “đại gia” ngày đó...


Mênh mang sông nước cù lao...    

Cách trung tâm TP.Cần Thơ hơn 40km, CL Tân Lộc mọc lên giữa sông với chiều dài hơn 15km, chiều ngang gần 2km. Theo lời kể của các bậc cao niên, CL Tân Lộc nổi lên mặt nước cách nay trên dưới 400 năm do sự bồi lắng của phù sa cát từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về.  Một số tư liệu khác cho biết, CL này  trước kia có tên là Sa Châu (CL Cát), nằm ở hạ lưu sông Cường Oai (Hậu Giang hiện nay) với tên gọi thôn Tân Lộc (tổng Vĩnh Trung, huyện Vĩnh An, trấn Vĩnh Thanh). Nơi này đường đi đầy lau lách, chim biển và cò quen bóng người. Năm Gia Long thứ 15 (1816), thôn Tân Lộc đổi thành thôn Tân Lộc Đông (huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh).

Khí hậu mát mẻ, sông nước trong lành, cây trái quanh năm tươi tốt..., CL Tân Lộc nghiễm nhiên trở thành nơi “đất lành chim đậu”, từ hàng trăm năm trước đã thu hút đông đảo cư dân về đây sinh sống. Không ít “đại gia”  - quan chức thời Pháp và những bá hộ, hội đồng, điền chủ xứ Nam Kỳ vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 - đã chọn CL Tân Lộc làm nơi xây nhà, nghỉ dưỡng. Hiện CL này còn nhiều nhà cổ thuộc vào hàng “độc” do phong cách và sự giàu có của các gia chủ thời đó. Đặc biệt, có nhiều quan chức, địa chủ giàu có ở Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc tìm đến mua đất đai, xây nhà...

“Biệt thự” của “đại gia” xưa

Ngôi nhà cổ nổi tiếng của ông Hội đồng Trần Thiên Thoại (khu vực Tân An) tọa lạc trên diện tích 10.000m2 do chính ông - người giàu nhất xứ cù lao lúc đó - đứng ra xây dựng năm 1935. Được sự bảo dưỡng của con cháu qua các thế hệ, ngôi nhà hiện vẫn còn giữ được kiến trúc, từ màu nước vôi quét tường đến nội thất. Hiện ông Trần Bá Thế  (Sáu Thế, con trai thứ 6 của ông Thoại) trông giữ ngôi nhà này. Năm nay 91 tuổi, nhưng ông Sáu Thế vẫn còn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Là cháu đời thứ 7 của tổ tiên từ miền Trung vào CL Tân Lộc lập nghiệp, ông Sáu Thế kể lại: Năm 1783, chúa Nguyễn Ánh (Nguyễn Phúc Ánh) bôn tẩu Tây Sơn, trú quân ở Bảo Tiền, Bảo Hậu (nay là Lai Vung, Đồng Tháp). Một lần, vua tôi sang thôn Tân Lộc, chúa Nguyễn Ánh thấy phong cảnh đẹp nên để lại một số thuộc hạ vừa làm tai mắt dò xét đường đi nước bước của Tây Sơn, vừa khai hoang lập ấp. Trong số những người định cư có ông Võ Văn Huấn - một viên quan của chúa Nguyễn Ánh đổi họ là Trần Văn Huấn - chính là ông tổ 7 đời của ông Trần Bá Thế...



Quang cảnh phía trước một ngôi nhà cổ ở cù lao Tân Lộc.

Ngôi nhà xây dựng năm 1935 với phong cách “Đông Tây hội ngộ”, có hình vuông, diện tích nhà trước khoảng 400m2. Toàn bộ ngôi nhà xây tường 20 (2 lớp gạch tiểu xưa) nên khi bước vào nhà rất mát mẻ, luôn có gió thổi kể cả khi đóng kín cửa. Mặt tiền nhà có phong cách theo phương Tây, có hàng cột chống đỡ mái với hoa văn tinh xảo. Trong nhà có nhiều tủ cẩn xà cừ; những bức liễn, hoành phi chạm khắc tinh xảo những hình ảnh theo các truyện tích cổ hoặc đơn giản là phong cảnh thiên nhiên với sinh hoạt của con người. Trên 2 cánh cửa mặt trước chiếc tủ chè khảm xà cừ có 2 bài thơ chữ Hán trích trong khúc “Thanh bình điệu” của Tửu trung tiên Lý Bạch (701 - 762) - nhà thơ lỗi lạc thời thịnh Đường (Trung Quốc)... Theo ông Sáu Thế, xây ngôi nhà tốn 7.000 đồng Đông Dương - số tiền có thể mua hàng ngàn con trâu thời đó.

Những ngôi nhà cổ của ông Hương quản Hòa (khu vực Tân Mỹ), ông Hương bộ Nguyễn Văn Tị, ông Hương cả Trần Ngọc Tánh... cũng có vô số món đồ cổ được trưng bày bên trong. Mỗi món đồ cổ có gốc tích khác nhau, hầu hết đều là “hàng hiệu” dành riêng cho các bậc “vương giả” ngày đó...

Đáng lo là hiện những ngôi nhà cổ ở CL Tân Lộc đang dần bị xuống cấp, rất cần được duy tu, bảo dưỡng nếu không sự bào mòn của thời gian sẽ lấy đi những giá trị lịch sử - văn hóa độc đáo của nó.

Nhận xét