Theo kể lại của những người già nhất làng Lô Lô Chải ở xã Lũng Cú và truyền thuyết còn lưu lại trong cộng đồng dân cư người Mông ở Đồng Văn, thì người Lô Lô có mặt khá sớm (sớm hơn người Mông). Theo nhiều tài liệu cổ cho rằng, người Lô Lô di cư vào Việt Nam đợt đầu vào thế kỷ thứ XII và đợt hai vào thế kỷ thứ XVII. Hiện nay, ở Thị trấn Đồng Văn có một ngôi đình thờ người Lô Lô có công dựng làng, mà người Kinh thường gọi là Thành Hoàng làng. Đặc biệt là người Tày, người Mông khi làm ruộng vẫn có tục cúng ma Lô Lô, vì người có công khai khẩn ruộng đất đầu tiên.
Trong các sử sách cổ của Việt Nam và Trung Quốc, người Lô Lô còn có các tên gọi khác nhau như: Ô Man, Lu Lọc Màn, La La, Qua La, Di Nhân, Di Gia, Quả La, Lạc Tô v.v. và ngày nay họ chính thức công nhận tộc danh là Lô Lô. Người Lô Lô ở Hà Giang có hai ngành Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa. Nhóm Lô Lô Đen sống ở Lũng Cú huyện Đồng Văn; nhóm Lô Lô Hoa sống ở Lũng Táo, Sủng Là. Hai nhóm Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa khác nhau về trang phục, còn ngôn ngữ và phong tục tập quán không khác nhau là mấy. Xét về địa bàn cư trú, thì người Lô Lô chọn những nơi thung lũng rộng lớn và bằng phẳng để dựng làng và họ có truyền thống lâu đời về cấy lúa nước. Theo hồi ức của người già kể lại, trước kia người Lô Lô ở nhà sàn, nhưng do rừng bị tàn phá nhiều nên việc khai thác nguyên vật liệu làm nhà trở lên khó khăn; vì vậy họ chuyển sang làm nhà nửa sàn, nửa đất. Kiến trúc nhà ở của người Lô Lô đơn giản, song có nhiều nét tương đồng với nhà ở của người Hoa và người Cờ Lao. Nhà được trình tường khá chắc chắn, tường dày từ 40 đến 50 cm; trông bề thế, tránh được cái rét mùa đông, vào mùa hè thì dịu mát. Những vì kèo gỗ làm khá đơn giản, với 3 hàng cột (cột chống nóc, cột quân tiền và thường trốn cột quân hậu); có kết cấu xà ngang, xà dọc và kèo gỗ gác lên đầu cột. Tuy nhiên, nó được gác trên một khung tường bằng đất nên ngôi nhà khá vững chắc. Do sinh sống trên vùng núi đá, nên gỗ làm nhà thường là các loại gỗ tốt của núi đá rất khoẻ và bền như thông đá, sa mộc... Quy mô nhà thường chỉ làm ba gian, không có trái và chỉ có hai vì kèo gỗ, hai đầu hồi trốn cột, kèo gác ngay lên tường. Nhà chỉ có một cửa chính ở gian giữa và một cửa phụ ở gian bên trái để đi ra vườn. Ngày xưa hầu hết lợp bằng cỏ tranh, những nhà khá giả lợp bằng ngói âm dương; ngày nay thì hầu hết lợp bằng ngói âm dương và tấm phi prô-xi-măng. Từ xà ngang lên mái được bố trí thành không gian riêng để làm kho chứa lương thực và đồ dùng gia đình. Gian giữa, đối diện với cửa chính là bàn thờ tổ tiên ba đời (duỳ khế) đặt ở sát vách. Ban thờ được làm đơn giản bằng tấm gỗ, trên có đặt bát hương để cắm hương khi hành lễ. Đặc biệt trên ban thờ có các hình nhân bằng gỗ được vẽ mặt với đầy đủ mắt, mũi, mồn v.v bằng than tro, tượng trưng cho các thế hệ tổ tiên được thờ. Đây cũng là nét rất riêng của người Lô Lô. Buồng ngủ của người Lô Lô được làm ở phía giáp tường trước nhà; buồng ngủ của vợ chồng ở bên trái gần cửa phụ; buồng ngủ của con cái ở gian bên phải. Trước buồng ngủ của vợ chồng là bếp nấu ăn, nấu rượu. Buồng của vợ chồng cũng là nơi cất giữ các đồ dụng quý giá của gia đình. Thông thường ở gian này, người Lô Lô có đặt ban thờ (khoan ly) thờ người chết bất đắc kỳ tử. Trước buồng ngủ của con cái là bếp sưởi và cầu thang lên trên gác. Cầu thang làm rất đơn giản, đóng bằng gỗ hoặc bằng tre, có từ 9 đến11 nhịp. Người Lô Lô rất kiêng để đồ uế tạp lên ban thờ, sợ ma quở trách. Cũng ở gian giữa dành bố trí để tiếp khách và kê giường ngủ cho khách. Khi không có khách thì chỉ ông chủ và những con trai lớn của gia đình mới được ngủ ở đây. Họ rất kiêng không được mang đồ uế tạp qua cửa chính, phụ nữ mới sinh cũng không được đi qua cửa này. Quan niệm của người Lô Lô khi làm nhà cũng phải chọn tuổi và chọn hướng đất để thuận lợi cho sinh cơ, lập nghiệp. Dân tộc Lô Lô có những nét văn hoá riêng, khá độc đáo như Múa trống đồng, múa sạp và lễ hội cầu mùa vào tháng 7 dương lịch. Dân ca Lô Lô chứa đựng nhiều nét văn hoá vật chất và tinh thần của bao đời truyền lại. Ngôi nhà của người Lô Lô chính là nơi phản ánh cuộc sống sinh hoạt, văn hóa của người Lô Lô trên Cao nguyên đá Đồng Văn. |
Nhận xét
Đăng nhận xét