Dân tộc Chăm cư trú ở phía nam Trung bộ nước ta là một trong những dân tộc cổ truyền thống văn hóa phát triển lâu đời. Những kiến trúc cổ, những tác phẩm điêu khắc đá từ xưa còn lại đến nay chẳng những nổi tiếng đối với nhân dân ta mà còn được cả thế giới biết đến.
Tuy nhiên còn một loại hình kiến trúc khác của đồng bào Chăm mà chúng ta cần nghiên cứu và tìm hiểu. Đó là ngôi nhà Tục, một kiến trúc dân gian lâu đời nhưng hiện nay vẫn tiếp tục tồn tại, được nhân dân xây dựng và sử dụng.
Nhà Tục tiếng Chăm là Thang Yơ, một ngôi nhà cổ truyền chính yếu nhất và cũng mang sắc thái dân tộc nhất, trong những ngôi nhà của một khuôn viên gia đình Chăm. Đây là ngôi nhà được quy định chặt chẽ phong tục và trong việc xây dựng cũng như sử dụng.
Khi một gia đình nhỏ tách khỏi gia đình lớn lập một khuôn viên mới để định cư lâu dài thì ngôi nhà được xây dựng đầu tiên phải là nhà Tục. Vì là nhà ở, nên nhà Tục dựng lên cũng thực hiện chức năng thường có của bất kỳ ngôi nhà nào. Đó là: làm nơi để ngủ, tổ chức lễ cưới (gian giữa), làm nơi để thóc và để cất của cải (gian trong cùng), và là nơi để tiếp khách (gian ngoài cùng). Nhưng đáng chú ý là nhà Tục còn là nơi để tiếp nối nhau cho các tiểu gia đình mới tách ra tập dượt làm quen với cuộc sống gia đình. Thang Yơ là chỗ ở của con gái đầu khi mới lấy chồng; đến lượt con gái kế tiếp lập gia đình thì được nhường lại và cặp vợ chồng trước chuyển sang ở Thang mơyâu. Ưu điểm của tập tục này là giúp cho tiểu gia đình mới ra đời có nơi để ở khi chưa có vốn liếng làm nhà trong tay. Nhưng đáng quý hơn nữa là để cho gia đình đó làm quen với tập tục, với cuộc sống độc lập của một gia đình trước khi bước vào thành lập một khuôn viên riêng rẽ.
Một ngôi nhà truyền thống của người Chăm (Ảnh minh họa)
Nhà Tục, nơi cư ngụ của từng tộc họ, được bố trí trong từng ô khoang hình vuông hay hình chữ nhật, bao quanh, nằm ở góc trái, phía trong cùng của khuôn viên, mà thường thường khuôn viên lại quay mặt về hướng nam nên nhà Tục ở vào vị trí đông bắc của khuôn viên..
Về cấu trúc, có một số đặc điểm đáng chú ý:
- Nhà Tục có ba gian, trong đó có hai gian chính và một gian chái, tạo cho ngôi nhà chỉ có ba mái chứ không phải là bốn như nhà của người Kinh.
- Nhà Tục trổ cửa vào theo trục dọc của nhà, nghĩa là cửa được mở vào phía đầu hồi của gian chái, khác với nhà của người Kinh trổ ngang lấy gian giữa làm trung tâm tiếp khách. Nhà Tục bố trí tiếp khách tại gian chái, ngay cửa vào nhưng vì bố cục dọc nên nhà kín đáo hơn.. Từ phòng khách phải qua phòng ngủ bằng một cửa nhỏ mới tới phòng để thóc và của cải. Nhà Tục có sàn rất thấp, chỉ cách mặt đất khoảng 20 đến 25cm, mặt sàn ngày xưa lát bằng tre già nay làm bằng gỗ. Không riêng gì nhà Tục, mà nhà cặp đôi và nhà kho trong cùng một khuôn viên cũng được làm sàn. Người Chăm giải thích phải làm sàn là do sợ động đến thần đất, nhưng khách quan mà nói, đây là vết tích còn bảo lưu của loại nhà sàn xa xưa.
Cấu trúc vì kèo của nhà Tục rất đơn sơ. Mỗi vì kèo gồm một cột chính ở giữa nhằm đội thượng lương và hai cột con hai bên. Hầu như không dùng mộng mà kết cấu chủ yếu là cột bằng dây, nơi thật cần thiết mới làm một vài con xỏ để néo. Nó gần giống với nhà của người Kinh như lều mía, lều chợ…Ngay cả cột và xà cũng để nguyên cả cây và vết cành, chỉ bóc vỏ không cưa xẻ bào đục gì hết. Tường vách cũng không làm gạch mà chỉ đan phên trát vữa. Dưới gầm sàn để trống bốn phía cho thoáng mát, mặc dầu nhà không cửa sổ. Để làm nhà, người ta dùng đơn vị đo chiều dài riêng. Thước đo được lấy theo chiều dài từ khuỷu tay đến ngón tay giữa của người chủ ngôi nhà. Sau đó được tính theo công thức có sẵn như: thượng lương: 11,5 thước; Đòn tay trên đầu các cột con: 13,5 thước…
Về hình tượng nghệ thuật kiến trúc, đồng bào Chăm cho biết nhà Tục tượng trưng cho một người đàn bà. Các cột cái là mồm, rốn, và hậu môn. Gian chứa thóc là bụng, còn gian giữa là ngực vì có hai vợ chồng ở đấy. Cửa thông nhau giữa các phòng thành một đường thẳng là ruột,…
Tóm lại, nhà Tục là một loại hình kiến trúc nhà ở dân gian cổ truyền của đồng bào Chăm. Đi sâu tìm hiểu về ngôi nhà Tục chúng ta có thể hiểu thêm văn hóa dân gian của dân tộc Chăm, về kho tàng văn hóa chung của đại gia đình các dân tộc anh em trên đất Việt Nam. Mặc dù cuộc sống có những thay đổi theo thời gian, những ngôi nhà khang trang bằng gỗ hoặc xi măng cốt thép vững chắc đã được xây dựng để ở. Tuy nhiên ngôi nhà Tục của họ vẫn được gìn giữ ở một góc khuôn viên với niềm tự hào về truyền thống văn hóa xưa của mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét