Phong tục làm nhà mới của người Mông xoa ở Lào Cai



Phong tục làm nhà mới của người Mông xoa ở Lào Cai


Với người Mông xoa (cư trú rải rác ở Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai), ngôi nhà không chỉ là nơi cư trú của các thành viên trong gia đình mà còn gắn liền với các yếu tố văn hóa, tín ngưỡng mang đậm nét văn hóa truyền thống, sự phát triển, hưng thịnh của mỗi gia đình.

Người Mông xoa thường ở trong 2 kiểu nhà chính là nhà trình tường và nhà tạm. Khi dựng nhà mới, chọn đất làm nhà là khâu rất quan trọng từ việc chọn vị trí, thế đất lẫn cảnh quan xung quanh. Họ thường chọn những khu vực ở vị trí thuận lợi, có thế đất tương đối bằng phẳng, đằng sau có điểm tựa, mặt trước thoáng đãng. Sau khi chọn đất xong, người Mông xoa có tục bói đất bằng cách đào một chiếc hố tròn bằng chiếc bát con, sau đó đặt 5 hạt thóc xếp đều ở bốn góc, một hạt xếp ở giữa tạo thành các đường chéo nhau. Họ lấy một chiếc bát úp lên trên, đến sáng hôm sau ra mở chiếc bát ra xem, nếu thấy 5 hạt thóc không dịch chuyển thì đó là khu đất tốt.

Sau khi chọn đất, gia đình chọn ngày đẹp (ngày Thìn, ngày Thân, ngày Dần) để làm lễ động thổ san nền. Họ kiêng san nền vào ngày Hợi, ngày mất, ngày sinh của tổ tiên, con cháu trong gia đình. San nền xong, sẽ chọn ngày để làm lễ dựng nhà. Làm lễ xong, chủ nhà lấy hai chiếc xương gà để xem việc dựng nhà có suôn sẻ không, nếu thấy có điềm xấu báo hiệu họ sẽ chuyển việc dựng nhà sang ngày khác. Còn nếu thấy chân gà tốt gia đình mới tiến hành dựng nhà mới.

Khi dựng nhà mới, người Mông xoa thường trình tường trước, sau đó mới dựng bộ khung cột. Trình tường là khâu rất quan trọng, bởi vậy gia đình thường mượn những người nhiều kinh nghiệm đến giúp. Nguyên liệu chính để trình tường là đất sét. Tường nhà thường có độ dầy khoảng 40 cm, chiều cao khoảng 3m, được trình từ bên trái trước rồi vòng về bên phải và ngược lại. Sau khi trình tường xong, gia đình dựng bộ khung gỗ và ngày dựng khung gỗ cũng là ngày làm lễ vào nhà mới.

Lễ vào nhà mới thường được tổ chức vào các ngày tốt trong tháng, họ kiêng ngày con lợn, ngày mất của tổ tiên, ngày sinh của các thành viên trong gia đình. Trước khi dựng hệ thống cột, vì kèo, gia chủ làm lễ lập bàn thờ tổ tiên, đây là nghi lễ rất quan trọng trong phong tục vào nhà mới. Bàn thờ tổ tiên được gắn lên tường ở vị trí gian giữa của ngôi nhà, họ lấy một mảnh ván gỗ đã được chuẩn bị trước (không phải gỗ ở cây đổ, cây cụt ngọt, cây chết với ý nghĩa đó là những loại cây không tốt, sau này gia đình làm ăn không gặp may mắn). Trên ban thờ đặt ba ống hương, số bát hương phụ thuộc vào từng dòng họ, có dòng họ đặt 3 bát, có dòng họ đặt 5 bát. Sau khi mọi công việc chuẩn bị xong, chủ nhà lấy giấy bản, 1 chai rượu, 2 chiếc chén đặt trên chiếc mâm gỗ đối diện với bàn thờ tổ tiên rồi châm hương cắp vào các ống hương trên bàn thờ, mỗi ống 3 nén, 1 nén cắm ở cột cái, 2 nén cắm hai bên cửa, mỗi bếp cắm 1 nén. Chủ nhà ôm con gà đứng quỳ lạy trước bàn thờ để báo cáo với tổ tiên là hôm nay gia đình làm lễ vào nhà mới, cầu mong ma tổ tiên, ma cửa phù hộ con cháu làm ăn được thuận lợi, may mắn.

Sau khi gia chủ làm lễ đặt bàn thờ xong, mọi người mới dựng bộ khung nhà đã được chuẩn bị từ trước. Theo phong tục của người Mông xoa, bao giờ cũng dựng vì kèo từ bên trái trước rồi mới đến các vì kèo khác. Các vì kèo được cố định với nhau bằng các cây xà ngang, xà dọc rồi dùng đá kê các chân cột tạo thành bộ khung vững chãi, rồi đưa các cây đòn tay cố định các vì kèo với nhau. Cây xà nóc được đặt sau cùng, người Mông xoa không có kiêng kỵ nhiều khi đặt cây xà nóc, nhưng phần gốc của cây bao giờ cũng đặt quay về hương mặt trời lặn, còn ngọn quay về hướng mặt trời mọc. Các cây đòn tay cũng được đặt cùng chiều với cây xà nóc...

Ngày vào nhà mới gia đình thường mời đông đủ anh em, bạn bè trong thôn, bản về chia vui, chúc phúc cho gia đình dựng được ngôi nhà chắc chắn, làm ăn thuận lợi, may mắn. Ngày nay, phong tục dựng nhà mới vẫn được các thế hệ con cháu người Mông xoa gìn giữ và trân trọng, tạo nét văn hóa đặc trưng./.

Nhận xét