Nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 8km, di tích Thành Bản Phủ, thuộc xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, được xây dựng cách ngày hơn 200 năm. Đây là nơi ghi dấu các hoạt động nổi bật nhất của người anh hùng áo vải Hoàng Công Chất. Ông là biểu tượng, là niềm tin cho tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, yêu nước, chống giặc ngoại xâm ở nước ta thế kỷ 18.
Cuộc khởi nghĩa nông dân ở thế kỷ 18 do Hoàng Công Chất lãnh đạo nổ ra tại vùng Sơn Nam Hạ thuộc đồng bằng Bắc Bộ có rất nhiều ảnh hưởng ở thời kỳ đó nhưng những đóng góp nổi bật nhất của Ông lại được xây dựng trên vùng Tây Bắc xa xôi của đất nước ta. Hoàng Công Chất hay còn được gọi là Hoàng Công Thư, người thôn Hoàng Xá, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình (ngày nay). Ông sinh vào những năm đầu thế kỷ 18 và mất năm 1768, đây là thời kỳ mà đất nước chứng kiến cảnh Trịnh – Nguyễn phân tranh, đời sống nhân dân vô cùng lầm than loạn lạc. Xuất thân trong một dòng họ có truyền thống yêu nước phò vua giết giặc ngoại xâm (hiện trong nhà thờ tổ của họ Hoàng tại Nguyên Xá, Vũ Thư vẫn còn lưu giữ được 3 đạo sắc phong dò Vua thời tiền Lê phong cho các vị tổ của dòng họ Hoàng). Đối với mỗi người con đất Việt khi đặt chân lên mảnh đất Điện Biên ngoài việc đi thăm lại quần thể di tích chiến trường chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thắp nén hương thơm tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để làm lên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954, thì còn một nơi rất quan trọng nữa mà trong toàn bộ hành trình du khách không thể bỏ qua đó là thăm nơi hoạt động và yên nghỉ của Chúa Hoàng Công Chất (tên gọi kính trọng mà đồng bào nhân dân các dân tộc Tây Bắc dành cho ông). Đây chính là Di tích Thành Bản Phủ được nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1981. Lịch sử ghi lại rằng vào những năm đầu của thế kỷ 18 xuất hiện giặc Phẻ hay còng gọi là giặc cờ vàng, một tàn quân của cuộc khởi nghĩ Thái Bình Thiên Quốc ở Vân Nam Trung Quốc thế kỷ 18, chúng rất mạnh và vô cùng tàn ác, từ phương Bắc tràn xuống vùng Mường Thanh, cướp phá, giết hại dân lành. Đứng đầu đám giặc cỏ là tên tướng Phạ Chẩu Tin Toòng, có thuyết gọi là Phạ chẩu Tín Toòng (ông tướng nhà trời). Khi chiếm được Mường Thanh khoảng năm 1740, chúng đóng quân trong thành Tam Vạn, rồi cướp phá khắp nơi đến tận Thuận Châu ( Sơn La). Trước tội ác của giặc Phẻ nhân dân các dân tộc ở Mường Thanh vô cùng căm giận, giữa lúc đó có hai người đứng lên mưu tính đánh đuổi giặc Phẻ để cứu dân cứu Mường. Đó chính là ông Ngải và ông Khanh (Lò Văn Ngải, Lò Văn Khanh), hai thủ lĩnh người Thái, vốn xuất thân từ gia đình nghèo ở Mường Sại (Sơn La) lên Mường Thanh lập nghiệp, hai ông đã đứng lên tập hợp, lãnh đạo nhân dân các dân tộc ở Mường Thanh chống giặc, song lực còn yếu nghĩa quân do hai ông lãnh đạo đã chịu nhiều tổn thất, phải rút lên vùng núi cao bảo toàn lực lượng. Vào năm 1751 nghe tin có ông tướng người Miền xuôi lên, đang đóng quân ở thượng Lào (các tỉnh giáp biên với Điện Biên). Tướng Ngải cùng tướng Khanh đã sang gặp và liên kết với nghĩa quân của Hoàng Công Chất. Cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất lúc này gặp rất nhiều khó khăn tại vùng Sơn Nam Hạ trước sự đàn áp của triều đình, nghĩa quân phải tạm lánh vào vùng thượng du Thanh Hoá rồi sang thượng Lào để củng cố xây dựng lực lượng. Giữa lúc tướng Ngải cùng tướng Khanh tìm đến với Hoàng Công Chất, ông đã quyết định cùng với tướng Ngải, tướng Khanh lãnh đạo nghĩa quân theo đường rừng núi Sông Mã tiến về giải phóng Mường Thanh. Căn cứ đầu tiên của nghĩa quân đặt tại huyện Sông Mã (Sơn La). Tại đây lực lượng nghĩa quân được bổ sung mỗi ngày một đông, khi lực lượng đã mạnh Hoàng Công Chất cùng tướng Ngải tướng Khanh lãnh đạo nghĩa quân cùng nhân dân các dân tộc đoàn kết một lòng tiến về bao vây thành Tam Vạn (thành do các chúa Lự - một dân tộc thiểu số ở Tây Bắc xây dụng từ thế kỷ 11 bị giặc Phẻ chiếm giữ). Từ năm 1751-1754 nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra liên tiếp, nghĩa quân ta vừa bao vây Mường Thanh vừa phát triển thêm lực lượng, mặc dù thế giặc rất mạnh, chúng có súng thần công, nhưng với tinh thần đoàn kết một lòng, chiến đấu dũng cảm và mưu trí. Tướng Ngải, tướng Khanh đã bày mưu cho Hoàng Công Chất dùng nghĩa quân người người dân tộc Lào, Thái trá hình thành lính của Phạ Chẩu Tin Toòng lọt vào thành, rồi lập mưu trong đánh ra, ngoài đánh vào. Trước sức tấn công mạnh mẽ và bất ngờ của nghĩa quân, chúng đã trở tay không kịp. Tướng giặc bỏ thành chạy đến Pú Văng (chân đồi Độc Lập – một địa điểm đã đi vào thi ca của Tố Hữu trong chiến thắng Điện Biên Phủ 1954), tại đây chúng tập hợp lại đám tàn quân, nhưng nghĩa quân ta đã kéo đến đánh tan lũ giặc bắt sống Phạ Chẩu Tin Toòng giải phóng hoàn toàn Mường Thanh. Sau chiến thắng giặc Phẻ 1754 Hoàng Công Chất đóng quân trong thành Tam Vạn để xây dựng vùng Mường Thanh thành căn cứ địa lâu dài. Năm 1758 Hoàng Công Chất quyết định cho xây dựng thành Bản Phủ một Thành luỹ vững chắc và kiên cố hơn thanh Tam Vạn làm thủ phủ của nghĩa quân, đến năm 1762 sau 4 năm xây dựng thành Bản Phủ đã hoàn thành, Thành dựa lưng vào sông Nậm Rốn, xung quanh phía ngoài Thành có hào sâu bao bọc, chân Thành rộng 15m, mặt Thành rộng 5m , cao 15m, phía ngoài ở tà luy được trồng 3 vạn gốc tre gai đem từ miền Tây Thanh Hóa lên. Trong khoảng thơi gian từ 1758-1762 nghĩa quân Hoàng Công Chất vừa xây dựng thành Bản Phủ vùa hoạt động ra khắp 10 châu của phủ An Tây, phía bắc đến tận vùng Vân Nam (Trung Quốc), phía nam đến tận Ninh Bình, Hoà Bình, Thanh Hoá. Hoàng Công Chất người anh hùng nông dân áo vải cùng với tướng Ngải, Khanh một lần giải phóng Mường Thanh, đây là một hình ảnh đẹp trong lịch sử. Khu di tích lịch sử văn hóa Thành Bản Phủ được xây dựng ở thế kỷ 18, những dấu vết còn lại đến ngày nay vẫn còn có giá trị về nhiều mặt về lịch sử, văn hóa, khoa học, tuy Thành đã bị phá hủy nhiều sau khi quân Trịnh tiến vào chiếm giữ, sau ngày giải phóng Điện Biên 1954 Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư để trùng tu, phục hồi những công trình trong di tích để tri ân nghĩa quân, đồng thời đây cũng là điểm sáng trong lịch sử bảo vệ biên cương tổ quốc của dân tộc ta. Di tích Thành Bản Phủ còn là minh chứng cho cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc dưới sự chỉ huy của Hoàng Công Chất đánh tan giặc Phẻ, bắt sống tướng giặc là Phạ Chẩu Tin Toòng, giải phóng Mường Thanh bảo vệ núi rừng biên cương Tây Bắc của Tổ quốc vào tháng 5 năm 1754. Để rồi 200 năm sau cũng vào ngày 7 tháng 5 năm 1954 tại Điện Biên Phủ ( Mường Thanh xưa) QĐND Việt Nam do đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã đánh tan quân Pháp bắt sống tướng Đờcáctơri. Đối với giặc Phẻ chúng thảm sát đồng bào ta ở Tông Khao (đồng xương trắng), còn giặc Pháp chúng thảm sát đồng bào ở Noong Nhai các tội ác này mãi đựơc ghi nhớ để nhắc nhở cho con cháu mai sau về ý thức bảo vệ tổ quốc. Di tích còn thể hiện tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Hoàng Công Chất nhân dân các dân tộc nơi đây đã đoàn kết một lòng đánh đuổi kẻ thù chung ra khỏi bờ cõi của đất nước, cùng nhau xây dựng Bản, Mường âm no hạnh phúc. Di tích còn là một trường học cách mạng lớn, là nơi tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam về truyền thống anh hùng, truyền thống đã có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. Sự hy sinh của đồng bào các dân tộc nơi đây cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam sẽ mãi được ghi vào những trang sử vàng vẻ vang nhất. Hoàng Công Chất một người con ưu tú của quê hương Thái Bình đã làm rạng danh, lịch sử truyền thống quê lúa, để rồi 200 năm sau cũng một người con ưu tú của Thái Bình là Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật thuộc Đại đoàn 312, gương cao ngọn cờ quyết chiến quyết thắng trên nóc hầm Đờ Cát giữa trận địa Điện Biên Phủ anh hùng. Đến Điện Biên Phủ những ngày đầu xuân du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp chỉ riêng có của thành phố biên giới, đó là những bông hoa Ban trắng muốt tựa như vẻ đẹp của người con gái Thái ngày nào trong câu chuyện cổ tích về loài hoa ban. Còn một điều đặc biệt nữa là đa phần dân số của thành phố là người Thái Bình những người con theo lên từ thời cụ Hoàng Công Chất, sau giải phóng năm 1954 và cả bây giờ dòng chảy đó vẫn đang tiếp tục. |
Nhận xét
Đăng nhận xét