Nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam bắt đầu từ năm nào?

- Từ năm 1925, khi họa sĩ Pháp có tư tưởng tự do Victor Tardieu và họa sĩ Việt Nam Nam Sơn đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.


Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1925.
(DVT.vn) - Từ năm 1925, khi họa sĩ Pháp có tư tưởng tự do Victor Tardieu và họa sĩ Việt Nam Nam Sơn đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
HỮU NGỌC và HÀM CHÂU

Thời kỳ 1925-1945 được coi là những năm hình thành nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Qua các thầy giáo người Pháp tại trường, thế hệ họa sĩ trẻ Việt Nam lúc đó học được rất nhiều từ kỹ thuật hội họa phương Tây cũng như cách áp dụng những kỹ thuật ấy vào mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Dựa trên nền tảng của thế hệ họa sĩ đầu tiên ấy, các thế hệ họa sĩ Việt Nam sau đó tiếp tục sáng tác những tác phẩm yêu nước trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ.

Thế hệ họa sĩ Việt Nam hôm nay đang thử nghiệm với những thể loại đương đại, trong đó có nghệ thuật sắp đặt, nhưng đồng thời vẫn tiếp tục phản ánh truyền thống Việt Nam.

Nam Sơn là ai?

Nam Sơn (Nguyễn Văn Thọ, 1890 - 1973) sinh tại Hà Nội trong một gia đình Nho giáo. Ông học chữ Hán và có thời làm thư ký trong chính quyền thực dân Pháp. Ông dựa vào những ảnh hưởng của Trung Quốc, Pháp và Việt Nam để tạo ra một phong cách độc đáo.

Nam Sơn gặp họa sĩ người Pháp Victor Tardieu năm 1923. Tardieu đưa Nam Sơn sang Paris, ở đó ông làm việc tại Trường Mỹ thuật. Trong suốt những năm 1920 và 1930, ông nổi tiếng về tranh sơn dầu, tranh lụa và tranh khắc gỗ.

Họa sĩ Pháp Victor Tardieu, hiệu trưởng đầu tiên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Ông viết cuốn La Peinture chinoise (Hội họa Trung Quốc), cuốn sách đầu tiên về mỹ thuật của một tác giả Việt Nam. Những bức tranh nổi tiếng nhất của ông bao gồm Chân dung mẹ tôi, Chân dung một nhà Nho yêu nước, Chân dung người ăn mày, Chợ gạo bên sông Hồng... Ông là ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1954 đến khi mất năm 1973 ở tuổi 83.

Họa sĩ Nam Sơn cùng họa sĩ Victor Tardieu là hai đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Vì sao trước thời kỳ đổi mới (1986), nguồn gốc của hội họa hiện đại Việt Nam không được thảo luận một cách cởi mở?

Đã nhiều năm nay, đây vẫn là một chủ đề nhạy cảm bởi lẽ nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại ra đời như là một sản phẩm chung của chủ nghĩa tự do Pháp và chủ nghĩa truyền thống Việt Nam trong suốt thời kỳ của chủ nghĩa thực dân Pháp tàn bạo và chủ nghĩa yêu nước mạnh mẽ ở Việt Nam. Việt Nam hiện đang tiến lên phía trước. Người Việt Nam không chỉ nhìn về tương lai, mà còn nỗ lực tinh lọc quá khứ. Gần đây, giới họa sĩ và các nhà nghiên cứu Việt Nam đã đi đến chỗ chấp nhận nguồn gốc của nền mỹ thuật hiện đại của nước mình.


Tranh Mùa hạ của họa sĩ Tô Ngọc Vân, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội sau Cách mạng.

Tranh Thiếu phụ An Nam của họa sĩ Victor Tardieu.
Tranh Thiếu nữ của họa sĩ Nguyễn Gia Trí.
Trước khi thời kỳ đổi mới bắt đầu vào cuối năm 1986, người Việt Nam không bàn luận đến nguồn gốc của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Những cuộc thảo luận như vậy động chạm tới vai trò của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương do họa sĩ người Pháp có tư tưởng tự do Victor Tardieu sáng lập.

Tranh Mẹ con của họa sĩ Lê Phổ.

Tranh màu dầu Hai thiếu nữ của họa sĩ Dương Bích Liên.

Tranh lụa Thiếu nữ của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.
Trong suốt 20 năm hoạt động (1925-1945), trường đã đào tạo hơn 100 họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư Việt Nam, những người đi tiên phong trong nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Mặc dù, truyền thống Việt Nam vẫn là động lực chủ yếu thúc đẩy những họa sĩ tiên phong ấy, một số người vẫn cho rằng trường có sự gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa thực dân Pháp nên không đáng được nói đến.

Tranh Phố cổ Hà Nội của họa sĩ Bùi Xuân Phái.


Tranh Thiếu nữ trước gương của họa sĩ Mai Trung Thứ.


Tranh Điệu múa cổ của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm.

Tuy nhiên, những sự kiện gần đây đã trả lại công bằng cho trường, công nhận cả vai trò xúc tác của trường cũng như đóng góp quan trọng của các nghệ sĩ Việt Nam tiên phong. Năm 1996, Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, sự đánh giá nghệ thuật cao nhất, cho bảy nghệ sĩ Việt Nam, tất cả đều tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Tranh Nữ dân quân miền biển của họa sĩ Trần Văn Cẩn.
Ngày 9/5/2000, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội cùng với những cơ sở nghệ thuật khác tại Hà Nội đứng ra tài trợ một buổi họp mặt giữa học sinh của trường Cao đẳng trước kia và người thân của họ để kỷ niệm 75 năm thành lập trường. Các nhà nghiên cứu nghệ thuật Hà Nội đã đi đến nhất trí coi ngày thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1925 là cột mốc đánh dấu sự ra đời của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Đâu là điểm khác biệt chính giữa hội họa hiện đại và truyền thống?

Hội họa hiện đại là sự kết hợp giữa truyền thống Việt Nam và ảnh hưởng của phương Tây. Cho đến năm 1925, nền mỹ thuật Việt Nam vẫn dựa vào truyền thống tranh đồ họa đã có từ nhiều thế kỷ trước như tranh khắc gỗ Đông Hồ, tranh đình chùa. Thời bấy giờ, do bị tách ra khỏi các trường phái nghệ thuật châu Âu nổi tiếng nên hội họa Việt Nam có tiếng nói riêng biệt của mình.

Victor Tardieu và hai đồng nghiệp của ông là Joseph Inguimberty và Nam Sơn cũng nhận thấy vẻ đẹp của truyền thống nghệ thuật Việt Nam nhưng vẫn muốn cho sinh viên mỹ thuật tiếp xúc với cả nên nghệ thuật Việt Nam lẫn nghệ thuật Pháp. Cả ba người chú trọng vào những truyền thống Việt Nam để sinh viên của mình không bị phương Tây hóa. Tuy nhiên, Victor Tardieu và hai đồng nghiệp cũng nhận thấy việc trở lại với những truyền thống của Việt Nam cũng phải phụng sự cho bước phát triển tương lai phù hợp với thế giới hiện đại; vì thế sinh viên Việt Nam còn được học về Edouard Manet, Edgar Degas, Claude Monet, Camille Pissarro và Pierre Auguste Renoir.

Nhận xét