Theo Nghị định ngày 17 tháng 10 năm 1924 của Toàn quyền Đông Dương Merlin, trường Mỹ thuật Đông Dương chính thức được thành lập tại Hà Nội, đặt dưới sự kiểm soát của Nha Học chính Đông Dương. | ||||||||
Họa sĩ tài năng Victor Tardieu - người đặt nền móng cho sự nghiệp đào tạo nghệ sĩ xứ Đông Dương, trở thành vị hiệu trưởng đầu tiên. Năm 1922, sau khi giành giải thưởng Mỹ Thuật Đông Dương, Victor Tardieu viếng thăm Đông Dương, ông đã có dịp nghiên cứu các ngành mỹ thuật, mỹ nghệ của nước ta, thăm viếng các lăng tẩm, đền đài và nhận ra rằng Việt Nam có một nền mỹ thuật cổ truyền phong phú, khiếu thẩm mỹ của người Việt rất tinh tế, nếu được hướng dẫn và huấn luyện chu đáo, lại đưa thêm vào một phương pháp mới khoa học hơn thì chắc chắn là nền mỹ thuật Việt Nam sẽ tiến triển nhiều. Với nhận xét xác đáng ấy, ông đã vận động, nhiều lúc cả với tinh thần tranh đấu để trường Mỹ Thuật Đông Dương ra đời, bổ túc cho các trường Mỹ Thuật đã được thành lập trước đây. Năm 1925, ông đưa vào chương trình giảng dạy những khái luận cơ bản về thư viện, bảo tàng cũng như cơ sở vật chất để khởi công ngôi trường. Ông đã tiến cử các ông Inguimberty làm giảng viên môn nghệ thuật trang trí, Sabatier làm giảng viên trang trí nội thất, Ponchemin làm giảng viên phối cảnh và ông Nam Sơn làm cố vấn. Những giảng viên này đã gây ảnh hưởng lớn đối với nền mỹ thuật Đông Dương.
Ông Besson - người công bố giải thưởng Đông Dương (1) - đã quyết định những nghệ sĩ giành giải thưởng này được đi tham quan, tìm hiểu tại 5 nước thuộc Liên bang Đông Dương trong thời gian 1 năm và giảng dạy tại trường Mỹ thuật trong năm lưu trú thứ 2 tại đây. Biện pháp khôn khéo và mở rộng này đã đem đến cho nền giáo dục mỹ thuật một luồng sinh khí mới.
Ban đầu, trường chỉ có duy nhất khoa Hội hoạ với thời gian học là 3 năm. Năm thứ nhất có 12 học sinh. Năm 1926, thời gian học được nâng từ 3 năm lên thành 5 năm. Đến năm 1927, trường có thêm khoa Kiến trúc do ông Roger phụ trách. Năm 1928, ông Inguimberty tiến hành các cuộc nghiên cứu đầu tiên về sơn dầu và nghệ thuật sơn mài. Năm 1930, người ta đã cho xây dựng một số xưởng vẽ và ông Kruze được giao phụ trách khoa Kiến trúc. Tuy nhiên, khi đó sinh viên khoa Kiến trúc vẫn chỉ dừng lại ở khát vọng trở thành nhân viên công chính.
Trên thực tế, thông qua giáo viên và hiệu trưởng, các sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương đã bán được một số bức tranh lụa song để kiếm sống được là một điều rất khó khăn.
Năm 1932, trường Mỹ thuật Đông Dương mở thêm khoa Điêu khắc và giao cho ông Mercier phụ trách.
Sự ra đi của ông Tardieu vào năm 1937 cũng đồng thời chấm dứt thời kỳ sơ khai và đầy khó khăn của trường Mỹ thuật. Ông đã đóng đóp rất nhiều tâm huyết, sức lực cho sự hình thành ngôi trường. Các thế hệ học trò nhớ mãi về ông với một tình cảm đặc biệt và sự kính trọng. Hàng năm, họ tập trung lại vào “ngày Tardieu” để tưởng nhớ về người thày đáng tôn kính này.
Từ năm 1938, ông Jonchère được chỉ định giữ chức Hiệu trưởng. Ông chú trọng tới phát triển nghệ thuật sơn mài. Mặt khác, ông cho mở khoa Đồ gỗ và khoa Gốm sứ. Ông là người đưa ra ý tưởng về việc tổ chức một đơn vị giúp đỡ các cựu sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương trưng bày tác phẩm nghệ thuật của mình mà không phải quá bận tâm về vấn đề cơm áo gạo tiền hàng ngày.
Ngày 25 tháng 4 năm 1938, Toàn quyền Brévié ký ban hành nghị định tái tổ chức trường Mỹ thuật Đông Dương, theo đó, trường chính thức trở thành trường Cao đẳng Mỹ thuật và Nghệ thuật ứng dụng với hai định hướng rõ rệt: một là đào tạo các nghệ sĩ tạo hình thuần tuý, hai là đem lại sự cách tân cho ngành thủ công nghiệp.
Cuộc triển lãm đầu tiên do trường tổ chức diễn ra tại Sài Gòn vào tháng 11 năm 1938, triển lãm tại San-Francisco năm 1939 và các cuộc triển lãm tiếp sau đó đã gặt hái nhiều thành công vang dội, nhanh chóng khẳng định uy tín và chất lượng đào tạo của trường.
Ngày 09 tháng 2 năm 1939, Toàn quyền Brévié ban hành nghị định chính thức công nhận sự tồn tại của Hội Nghệ sĩ trường Mỹ thuật. Năm 1939, trường mở thêm 2 xưởng mới và hoạt động của trường ngày càng được mở rộng. Các cuộc triển lãm năm 1939, 1940 và 1941 là minh chứng cho thấy sự tiến bộ của Hội nghệ sĩ trường Mỹ thuật.
Mặc dù vậy qua biểu đồ kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật, người ta nhận thấy doanh thu đạt được tại các năm không ổn định. Năm 1934, doanh thu mới chỉ là 600 đồng bạc Đông Dương, năm 1935 là 687. Năm 1936 ghi nhận mức doanh thu thấp nhất là 300 đồng bạc Đông Dương. Nhưng kể từ năm 1937, con số này đã lên tới 1.600. Năm 1938 là 7.180, sau đó đến năm 1939 đánh dấu bước nhảy vọt thần kỳ là 24.799 đồng bạc; 25.422 đồng năm 1940; 27116 đồng năm 1941. Năm 1942 ghi nhận con số ấn tượng là 41.087 đồng bạc. Phải thừa nhận rằng dưới sự kiểm soát của trường Mỹ thuật Đông Dương, Hội cựu sinh viên của trường đã có được một lượng lớn khách hàng yêu thích và đánh giá cao các tác phẩm nghệ thuật của họ.
Hội trợ Hà Nội năm 1941 diễn ra tại Bảo tàng Maurice Long là một thắng lợi thực sự đối với trường cũng như Hội Nghệ sĩ Đông Dương.
Được sự ủng hộ của Đô đốc Jean Decoux, năm 1942, trường xây dựng thêm một lò gốm nhằm giúp các nghệ nhân làm quen với nghệ thuật nung gốm. Ngày 22 tháng 10 năm 1942, Toàn quyền Đông Dương ký ban hành nghị định về việc tách trường Cao đẳng Mỹ thuật gồm các khoa Hội hoạ-Sơn mài-Điêu khắc và Kiến trúc ra khỏi trường Mỹ thuật ứng dụng.
Trường Mỹ thuật ứng dụng gồm các khoa Gốm sứ, Đồ gỗ, Điêu khắc chú trọng đào tạo ngành thủ công mỹ nghệ. Về sau, trường còn mở một số khoa khác như: Đồng, Thảm và Đồ đan lát.
Có thể nói chỉ trong thời gian ngắn, trường Cao đẳng Mỹ thuật đã có bước phát triển cực kỳ ấn tượng. Điều đáng nói là các tác phẩm nghệ thuật của sinh viên tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật rất được công chúng ưa chuộng. Nhu cầu về các công trình của họ nhiều đến nỗi không đủ đáp ứng.
Năm 1943, trường Cao đẳng Mỹ thuật có 125 sinh viên trong đó có 17 sinh viên Pháp, 105 sinh viên An Nam và 3 sinh viên Trung Hoa. Trường Mỹ thuật ứng dụng gồm có 37 sinh viên, trong đó có 3 người Pháp và 34 người An Nam.
Toàn quyền từng đưa ra một số kế hoạch hết sức to lớn như: xây dựng những khu nhà hiện đại nhất, phù hợp với hoạt động của 2 ngôi trường này.
Bất chấp sự lo sợ về thời cuộc, nỗi lo lắng tột độ và những khó khăn, tàn khốc do chiến tranh gây ra, Đô đốc Jean Decoux vẫn không ngừng thúc đẩy và tạo động lực phát triển trường Mỹ Thuật mà không cần chờ đến khi hoà bình lập lại, điều này thực sự đã làm rộng mở tương lai của ngôi trường. Với hành động quyết đoán này, sẽ là không quá khi người ta khẳng định Đông Dương đã có một cơ sở đào tạo nghệ thuật phát triển nở rộ do người hiệu trưởng xuất chúng lãnh đạo cùng đội ngũ giảng viên Pháp đầy tài năng, biến Hà Nội trở thành cái nôi truyền bá nghệ thuật Viễn Đông được hồi sinh bằng ngọn lửa của Phương Tây thuộc Pháp.
Hoàng Hằng - Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Tài liệu tham khảo:
- TC 827. Indochine – Hebdomadaire illustré số 135 ngày 01/4/1943
(1) Giải thưởng Đông Dương là giải thưởng của Hội thuộc địa nghệ sỹ Pháp bắt đầu từ năm 1910. Sau sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương, giải thưởng đã nâng từ một năm lên hai năm nghiên cứu ở Đông Dương. Năm đầu tiên dành cho việc tham quan, tìm hiểu, học hỏi và ghi lại những ấn tượng qua tranh vẽ, được học bổng là 400 đồng Đông Dương mỗi tháng. Năm còn lại giữ chức vụ giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, được học bổng là 350 đồng Đông Dương mỗi tháng và nơi cư ngụ miễn phí ở Hà Nội.
|
Nhận xét
Đăng nhận xét