Những người yêu thích nghệ thuật việt-nam nói chung và ngành hội họa nói riêng đều không ít thì nhiều biết đến trường Cao-đẳng Mỹ-thuật Đông-dương (L’École des Beaux-Arts de l’Indochine). Trường là nơi đào tạo một thế hệ họa sĩ cũng như điêu khắc gia đã đi vào lịch sử nghệ thuật việt-nam như Lê Phổ, Vũ Cao-Đàm, Nguyễn Phan-Chánh, Georges Khánh, Mai Trung-Thứ, Tô Ngọc-Vân, Lê văn Đệ, Nguyễn Gia-Trí, Trần văn Cẩn… Nhưng ít người biết rằng một cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa hai nền văn hóa Đông-Tây, đại diện là Victor Tardieu (1870-1937) và Nam-Sơn Nguyễn văn Thọ (1890-1973), đã liên kết với nhau để đồng sáng lập trường Cao-đẳng Mỹ-thuật Đông-dương.
I. Victor Tardieu
Sinh ngày 30 tháng 4 năm 1870 tại Lyon trong một gia đình thương gia chuyên về tơ lụa, từ thuở nhỏ Victor Tardieu đã yêu thích hội họa, ông theo học trường Mỹ-thuật Lyon vào tuổi vị thành niên. Từ 1889 đến 1891, ông lên học trường Mỹ-thuật Paris trong xưởng họa của Gustave Moreau (1826-1898), cùng với các bạn học mà tên tuổi lẫy lừng hiện nay như Henri Matisse (1869-1954), Albert Marquet (1875-1947), Georges Rouault (1871-1958)… Năm 1892, ông sang học tại xưởng họa của Léon Bonnat (1833-1922, môn đồ của Ingres).
Victor Tardieu đã làm rạng danh những người thầy của mình qua nhiều giải thưởng có tầm vóc, đặc biệt là hạng Danh dự (Mention Honorable) năm 1896, huy chương hạng ba năm 1899, huy chương hạng hai năm 1907, huy chương Vàng ("Hors Concours") tại Hội Những Nghệ Sĩ Pháp (Salon des Artistes français)… Đặc sắc hơn là ông đã đoạt được huy chương Đồng tại cuộc Triển-Lãm Hoàn-Cầu (Exposition Universelle) năm 1900.
Là một họa sĩ tài hoa, Victor Tardieu đi vào thế giới hội họa với những tấm tranh có bố cục lớn, ông đã thực hiện những bản vẽ để dùng vào việc ghép những lồng kính màu (vitrail) cho các nhà thờ và công sở. Nổi tiếng nhất trong những kính màu này là tấm "Jean Bart trở về quê hương sau chiến thắng Texel" (Le retour de Jean Bart dans sa ville natal après la victoire du Texel), trưng bày tại sảnh đường Tòa Thị-Chính tỉnh Dunkerque [1].
Năm 1902, với bức sơn dầu "Lao động" (Travail, 4m50 x 4m80) [2], Victor Tardieu đã đoạt giải thưởng Quốc-gia (Prix National), cùng với một học bổng đi du lịch hai năm trong toàn châu Âu. Viễn hành với phu nhân, Caroline Luigini [3], chuyến du lịch ấy đã được Tardieu ghi lại qua nhiều tranh sơn dầu có khuynh hướng nghệ thuật ấn tượng (impressionniste) mô tả hoạt động tại các hải cảng lớn của Âu châu, được lưu ý nhất là "Chân dung bà Rozier" "Kỷ niệm" (Souvenirs), "Hải cảng Liverpool" "Hải cảng Londres" "Hải cảng Gènes" [4]…
Victor Tardieu, tượng đồng của Georges Khánh, 1935, cao 40cm
Năm 1903, tiếng khóc chào đời của người con trai duy nhất trong gia đình Tardieu, Jean, và những năm yên bình tiếp sau đó đã giúp Tardieu hình thành những tấm sơn dầu tỏa ra một niềm vui lồng trong màu sắc lộng lẫy của trường phái ấn tượng. Những nét chấm phá rực rỡ mang đầy hạnh phúc gia đình được vẽ ngoài trời, trong một khu vườn, dưới ánh nắng chan hòa mà ở trong khung cảnh ấy Caroline và Jean, "Mẹ con" đang ngồi "Dưới bóng ô đỏ" (Ombrelle rouge), "Dưới bóng ô trắng" (Ombrelle blanche)… Đó là những tấm tranh đã hình thành vào khoảng năm 1912, lúc ấy Jean được chín hay mười tuổi. Các bức tranh ấy chúng tôi đã hân hạnh được thưởng lãm tại nhà riêng của gia đình Tardieu tại Paris vào những năm 1993, 1994. Sau này, Jean Tardieu (1903-1995) đã trở thành một nhà thơ tiếng tăm vang dội.
Dưới bóng ô đỏ, (Ombrelle rouge) sơn dầu của Victor Tardieu, 1912, 40x50cm
(Tư liệu NgKmKh)
Vào năm 1907, để đáp ứng yêu cầu trang trí trần nhà phòng Lễ Hội (salle des Fêtes) thuộc về Thị-xã Les Lilas, Hội-đồng vùng Seine (Conseil général de la Seine [5]) mở ra một hội thi dành cho các họa sĩ toàn quốc. Khoảng năm mươi bản vẽ đã được trưng bày tại cung Mỹ-thuật (Palais des Beaux Arts) thành phố Paris vào tháng 12 năm 1907. Cuối cùng chỉ có bốn ứng sinh được vào chung kết. Tháng 5 năm 1908, các bản vẽ này đã được tuyển chọn tại toà Thị Chính Paris, tháng 6 cùng năm, Victor Tardieu được xướng danh [6].
Tấm tranh bích họa vĩ đại có tên là "Thời đại của Paul de Kock" (Au temps de Paul de Kock) này có nhiều ảnh hưởng của danh họa người Ý Tiepolo (1696-1770) và trình bày theo kiểu baroque, đã được Victor Tardieu hoàn tất trong ba năm (1909-1911).
Chi tiết "Thời đại của Paul de Kock" (1909-1911, détail), sơn dầu của Victor Tardieu.
(Ảnh NgKmKh)
Chiến tranh thế giới bùng nổ vào mùa thu năm 1914. Dù được hoãn dịch, Victor Tardieu vẫn tình nguyện tòng quân và tham gia những trận chiến tại miền bắc Pháp. Hiện nay, viện Bảo tàng Quân đội Paris (Musée de l’Armée) vẫn còn trân trọng gìn giữ những bức tranh nhỏ của ông, đặc biệt nhất là "Phế tích Verdun" (Ruines de Verdun) được ghi lại một cách não nùng ngay dưới những trận mưa bom.
Sau bốn năm chiến tranh, Victor Tardieu trở về Paris. Năm 1920, trên trần phòng Cố-vấn Thị-xã Montrouge (salle du Conseil Municipal) được nét bút tài hoa của Victor Tardieu điểm trang bằng một bích họa vĩ đại thứ hai lấy tên là "Những niên kỷ cuộc đời" (Les âges de la vie). Cùng năm, cuộc đời của chính ông đã rẽ vào một khúc quanh định mệnh khi ông nhận được Giải thưởng Đông-dương (Prix de l’Indochine) [7] và một học bổng sang Đông-dương nghiên cứu trong vòng một năm.
Ngày 5 tháng 1 năm 1921, Victor Tardieu xuống tàu ở cảng Marseilles, ông đã lần đầu tiên trong đời cảm nhận được không khí miền nhiệt đới vào ngày 2 tháng 2, đồng thời thưởng thức mùa xuân Hà-nội.
II. Nam-Sơn Nguyễn văn Thọ
Sinh trưởng trong một dòng dõi nho gia, Nguyễn văn Thọ chào đời gần hồ Hoàn Kiếm tại Hà-nội vào ngày 15 tháng 2 năm 1890 (Canh Dần), tại số 17 phố Hàng Dầu (rue du Lac). Ông là con trai duy nhất của nho giả Nguyễn văn Khang (1871 1894), thư ký phủ Thống-sứ Bắc-kỳ. Mẹ ông, Nguyễn thị Lân (1870 1951), thuộc một thương gia ở phố Hàng Bạc (rue des Orfèvres).
Tổ tiên của ông, Nguyễn Duy-Thời (1572 1652) và Nguyễn Duy-Hiểu (1602 ?) [8], đã lừng lẫy dưới triều Lê với mỹ danh "Phụ tử đồng triều", tên tuổi hiện nay vẫn còn ghi khắc trên bia Tiến sĩ tại Văn Miếu, Hà-nội.
Cha mất khi lên bốn tuổi, Nguyễn văn Thọ được nuôi dưỡng bởi một bà mẹ quyết tâm dành trọn cuộc đời cho con, ban ngày tảo tần buôn bán tơ lụa tại phố Hàng Đào (rue de la Soie), ban đêm chong đèn khâu thuê vá mướn [9]. Trong cảnh hàn vi, bà đã giao việc đèn sách của đứa con mồ côi cha ấy cho em mình, Nguyễn Sỹ-Đức (tự Cẩm-Thành), và em họ, Phạm Như-Bình, là những nhà nho uyên thâm có tấm lòng yêu nước. Nguyễn văn Thọ vỡ lòng với những chữ hán đầu tiên trong Tam tự kinh rồi Thiên tự kinh …, từ Khổng hiền chi đạo đến hán tự thi thư. Ngoài ra, ông còn được học cách quan sát, thưởng thức nét đẹp thiên nhiên qua các bài thi phú và tranh vẽ. Cuối cùng, ông chập chững đi vào thế giới hội họa với những khái luận ban sơ qua quyển "Giới tử viên họa truyền" [10]. Chính Phạm Như-Bình sau này, qua cái tên Thọ, đã chọn cho ông biệt hiệu Nam-Sơn (Thọ tỉ Nam-Sơn), như một lời chúc trong Kinh Thi :
南 山 至 壽, 不 牽 不 能
"Nam-Sơn chí thọ, bất khiên bất năng" (Thọ vững bền như ngọn núi Nam-Sơn mà không gì lay chuyển nổi).
Năm mười tuổi Nam-Sơn mới bắt đầu học chữ quốc-ngữ tại trường tiểu học Hàng Vôi [11] và vẫn tiếp tục học chữ nho tại nhà.
Tốt nghiệp trường Bưởi (trường Bảo-hộ, lycée du Protectorat) năm hai mươi tuổi, ông vào làm tại sở Tài-chánh Đông-dương (Direction des Finances) cùng với Tú-Mỡ Hồ Trọng-Hiếu (1900-1976) và Nhất-Linh Nguyễn Tường-Tam (1906-1963). Vì có khiếu vẽ và không ngừng tự trau dồi học hỏi qua sách vở, biệt hiệu Nam-Sơn đã xuất hiện thường xuyên qua các tranh bìa, tranh minh họa bằng bút lông, bút sắt, mực nho…, trang trí cho các báo chí thời bấy giờ như Đông-dương tạp-chí (Revue Indochinoise, chủ bút Nguyễn văn Vĩnh), Nam-Phong tạp-chí (Vent du Sud, chủ bút Phạm Quỳnh), Viễn-Á (Extrême-Asie, chủ bút Georges Mignon), Trang Đông-dương (Pages Indochinoises)… Các đề tài của ông qua các tranh bìa và tranh minh họa này thường diễn tả cuộc sống thường nhật và phong cảnh thiên nhiên, ngoài ra ông còn vẽ theo những phù điêu hoặc trầm điêu chạm hoa văn sắc sảo của các miếu đền đông phương.
Nam-Sơn Nguyễn văn Thọ, Hà-Nội 1919
Chúng tôi xin mở ra một dấu ngoặc để kể rằng thuở ấy, Tú-Mỡ mới bắt đầu bước vào văn đàn, tự xuất bản tập thơ đầu tay tựa là "Câu cười tiếng khóc" dưới bút hiệu Nguyên-Trực, đã nhờ Nam-Sơn vẽ cho tấm trang bìa "Đêm thu". Nhất-Linh khi xuất bản quyển sách đầu tay "Nho phong" năm 1926 (Nxb Ngọc-Xuyên, Hà-nội), đã trân trọng đặt tấm tranh sơn dầu "Nhà nho xứ Bắc" (40x50cm, 1923) của Nam-Sơn lên trang bìa.
Năm 1923, Trần Trọng-Kim và Đỗ Thận tại bộ Giáo-dục Đông-dương đã mời Nam-Sơn cộng tác, ông chuyển sang nha Học-Chính (Direction Générale de l’Instuction Publique, thành lập năm 1920) để phụ trách phần minh họa cho các sách giáo khoa như Quốc-văn giáo-khoa-thư, Luân-lý giáo-khoa-thư…
Minh họa của Nam-Sơn, trích từ tạp chí Extrême-Asie, số 12, 6/1927, trang 495.
III. Trường Cao-đẳng Mỹ-thuật Đông-dương
Vào khoảng 1920 – 1921, Nam-Sơn hăng hái gánh vác việc trang trí cho Hội-quán Sinh-viên An-nam (Foyer des Étudiants annamites) tại số 9 đường Vọng-Đức, được thành lập với muôn vàn khó khăn bởi Paul Monet [12]. Xúc động trước bầu nhiệt huyết và tài năng của chàng trai đất Việt, Paul Monet đã nhờ vị Chủ-tịch Danh-dự của Hội-quán là Louis Marty [13], giám đốc Chính-trị-vụ Phủ Toàn-quyền Đông-dương, giới thiệu Nam-Sơn với Victor Tardieu.
Trong buổi gặp gỡ đầu tiên với Nam-Sơn, Victor Tardieu tỏ vẻ ngần ngại vì ông thường tuyên bố rằng "trong thế giới nghệ thuật có rất nhiều người được triệu đến song rất ít người được chọn [14]", nhưng sau khi xem những tranh vẽ của Nam-Sơn, ông đã quyết định chấp nhận hướng dẫn chàng trai trẻ đầy đam mê ấy vào con đường nghệ thuật. Cuộc hạnh ngộ bất ngờ và kỳ diệu đó đã đưa hội họa việt-nam, vốn dĩ có nhiều ảnh hưởng trung-hoa, vào một bước ngoặc lịch sử và lập ra một nền móng nghệ thuật việt-nam hoàn toàn mới lạ mà sau này tiếng vang đã ngân lên khắp hoàn cầu.
Những ngày tháng đầu, Victor Tardieu chỉ hướng dẫn Nam-Sơn trong vòng một giờ vào mỗi chiều chủ nhật hàng tuần. Lần đầu tiên trong đời, Nam-Sơn đã ngỡ ngàng tiếp xúc với hội họa tây phương, cách nhìn xa gần với những phối cảnh, ánh sáng, hình khối, vẽ bóng, đo đạc, màu sắc…
Những khái luận mới mẽ này đã mở ra trước mắt Nam-Sơn một chân trời xa lạ nhưng tràn đầy say mê và lý thú, nét đẹp thiên nhiên trước kia bỗng nhiên trở thành một khung cảnh tràn đầy sắc thái vô cùng vô tận.
Từ trước đến nay, Nam-Sơn chỉ nghiên cứu và học hỏi nghệ thuật trung-hoa hay nhật-bản. Người Trung-hoa vẽ tranh theo phương pháp hoàn toàn khác với nghệ thuật tây phương, được mệnh danh là :
"Thấu thị tẩu mã", 透 視 走 馬, là lối cấu trúc không gian như nhìn từ trên mình ngựa đang chạy, hình ảnh trong tranh được thể hiện theo lối chạy dài, di chuyển theo hàng ngang, cảnh này bên cạnh cảnh kia, trải ra một không gian mênh mông không bờ bến, chứ không phải gần vẽ to, xa vẽ nhỏ như lối nhìn không gian khách quan theo luật viễn cận của nghệ thuật Tây phương. Người Nhật gọi là "Makimono" (rouleau horizontal), người Pháp gọi là "perspective cavalière".
"Thấu thị phi điểu", 透 視 飛 鳥, là lối cấu trúc không gian như nhìn từ trên lưng một con vật đang bay nhìn xuống, hình ảnh trong tranh từ gần đến xa đều bằng nhau và như chồng lên nhau theo hàng dọc, cảnh này đặt lên trên cảnh kia, sắp xếp thành tầng tầng lớp lớp, đường chân trời được tượng trưng rất cao để diễn tả một cái nhìn sâu thẳm, bức tranh trở nên hẹp. Tiêu biểu cho lối cấu trúc này là thể loại tranh đứng, miêu tả sự hùng vĩ của thiên nhiên. Người Nhật gọi là "Kakémono" (tableau à suspendre), người Pháp gọi là "perspective atmosphérique" hay ”perspective aérienne" (?).
Ngày 6 tháng 6 năm 1921, Toàn-quyền Maurice Long (1912-1923) ký một hợp đồng với Victor Tardieu về việc trang trí trường Đại-học Đông-dương, với một diện tích gần 270m2 trong nhiều gian gồm giảng đường, tiền sảnh, mái vòm, ô tường, phòng hội đồng, phòng đọc sách… [15]. Làm sao có thể lý giải một cách chính xác lý do nào đã khiến Victor Tardieu bất chấp muôn vàn khó khăn để thực hiện một tác phẩm lớn nhất trong đời tại một xứ Đông-dương thuộc địa xa xôi ? Trong bức thư gửi con trai Jean Tardieu đề ngày 25 tháng 7 năm 1921, ông đã viết "...và sau đó càng vẽ ra phác thảo, cha càng ý thức được về khối lượng công việc khổng lồ, không chỉ vì bức tranh vẽ theo yêu cầu mà có lẽ là để làm tốt việc này thì cần phải vẽ ngay tại đây với những người mẫu trước mắt…".
Ông quyết định thực hiện bích họa tại Hà-nội và hợp đồng này đã kéo dài thời gian của Victor Tardieu ở tại Đông-dương. Để thực hiện công trình của mình, ông bắt đầu tìm người ngồi mẫu và ngay lập tức ông bối rối nhận ra rằng tại một đất nước mà nghệ thuật chỉ sản sinh ra từ sự tưởng tượng, không cần đến người mẫu bao giờ! Trước trở ngại lớn lao ấy, Nam-Sơn đã tình nguyện ngồi làm mẫu cho người mà ông đã xem như thầy của mình. Và Victor Tardieu, từ ngày ấy, cũng mở rộng cánh cửa cho người mà ông đã xem như một môn đồ, hơn thế nữa, như một người con tinh thần. Vào những ngày nghỉ, đơn sơ trong y phục nông dân hoặc trang nghiêm trong những triều phục rực rỡ, Nam-Sơn đã làm mẫu nhiều giờ và khám phá ra những chân dung sơn dầu từ từ hình thành trên vải, như những nhân vật xuất hiện từ một cõi nào thật xa lạ. Qua sự chân thành khát khao học hỏi của Nam-Sơn, Victor Tardieu đã dành riêng một góc trong xưởng họa để chỉ dẫn phương pháp sơn dầu [16], cách pha mầu, cách vẽ chân dung, phong cảnh, tĩnh vật…, theo trường phái ấn tượng.
Tại Hà-nội vào đầu thế kỷ XX, những cuộc đấu xảo được chính quyền bảo hộ tổ chức là những sự kiện làm nổi bật đời sống văn hóa và nghệ thuật, đáng chú ý nhất là các cuộc đấu xảo năm 1902, 1913, diễn ra tại đại lộ Gambetta (hiện nay là Trần Hưng-Đạo). Nhưng vào năm 1923, từ ngày 25 tháng 11 đến ngày 10 tháng 12, một cuộc đấu xảo không do chính quyền bảo hộ mà do hội Khai-trí Tiến-đức [17] tổ chức tại trụ sở của hội gần hồ Hoàn-Kiếm, đã kêu gọi và quy tụ nhiều tài năng mới.
Lần đầu tiên trong cuộc đời nghệ sĩ, Nam-Sơn tham gia vào một cuộc triển lãm, cùng với những nhà mỹ nghệ thời bấy giờ như họa sĩ Thăng Trần Phềnh, mộc gia Phúc-Mỹ Trần Diễn-Giệm, điêu khắc gia Nguyễn Đức-Thục, họa sĩ Ngô Đặng-Đĩnh… Với những tấm tranh như "Mục đồng" (màu nước), và nhất là những tranh sơn dầu "Nhà nho xứ Bắc" (40x50cm), "Tĩnh vật" (40x50cm) của Nam-Sơn đã làm ông trở thành một trong những người vẽ tranh sơn dầu đầu tiên của nước Việt-nam [18].
Qua bài báo "Cuộc đấu xảo mỹ nghệ của hội Khai- trí", đăng trên tạp chí Nam-Phong số 78, tháng 12 năm 1923, (trang 501-502) Thượng-Chi (bút hiệu của Phạm Quỳnh) đã phê bình "Nhà nho xứ Bắc" và "Tĩnh vật" như sau :
Ông Nguyễn văn Thọ, hiệu Nam-Sơn, cũng là tay vẽ sơn dầu giỏi. Nhưng lối vẽ của ông "khí Tây" quá. Bức vẽ ông nhà nho, xem đã có vẻ linh hoạt lắm ; còn bức vẽ cái liễn, con dao và mấy quả tráng miệng thời dẫu tả thực hệt thật nhưng quyết không hợp với con mắt người Nam ta, (…) tưởng dẫu người hí tân hiếu kì nữa cũng cũng ít ai mua bức tranh vẽ bộ thìa dĩa tây và mấy cái quả tráng miệng về treo nhà !
Chúng ta hiện nay với những bước đi hiện đại có vận tốc siêu hình, nếu được dịp thưởng ngoạn tấm tranh "Tĩnh vật" của Nam-Sơn, khó ai có thể tin rằng ông đã đi trước thời gian để hình thành tác phẩm này, nhất là trong thời điểm ấy !
Riêng về tấm "Nhà nho xứ Bắc", trên nền màu nâu sẫm nổi bật gương mặt quắc thước của một nhà nho yêu nước dã tham gia phong trào Đông-Kinh Nghĩa-thục. Đó là chân dung cụ Sỹ-Đức (vừa là cậu đồng thời là thầy của Nam-Sơn), với cái nhìn rắn rỏi nhưng đượm buồn, trên đầu chít khăn trắng để tang cho nước mất nhà tan.
Tên của Nam-Sơn đã xuất hiện trong danh sách những người đoạt giải "Cuộc đấu xảo mỹ nghệ của hội Khai- trí", là một khích lệ làm tăng thêm niềm say mê cùng nỗi khát khao của ông trên con đường nghệ thuật.
Niềm say mê và nỗi khát khao ấy, như thúc đẩy bởi một bàn tay vô hình, đã hình thành trong Nam-Sơn một ý tưởng "ngông cuồng", ông muốn mọi người dân trong đất nước ông cùng được chung hưởng và học hỏi điều khám phá mới lạ này. Ý định mở ra một trường Mỹ thuật cứ lớn dần trong tâm tưởng, nhưng trước những khó khăn của một con người sống tại một đất nước nhược tiểu, biết phải làm sao ?! Ông đã lặng nghĩ trong bao tháng ngày. Sau nhiều đắn đo, ông trình bày nguyện vọng sôi nổi cuồng nhiệt ấy với Victor Tardieu, bởi ông biết rằng sau khi hoàn thành công trình của mình, Victor Tardieu sẽ trở về Pháp và có thể vĩnh viễn không bao giờ quay lại nơi đây. Nhưng lý do lớn nhất dằn vặt trong tâm hồn là ông biết mình chỉ là một người dân An-nam tầm thường, thấp cổ bé miệng, chỉ có thể trông cậy vào một người Pháp, vừa đoạt Giải thưởng Đông-dương, lại được phủ Toàn-quyền tin tưởng, và điều đáng lưu tâm nhất là người ấy không phải là người của chính quyền thực đân Pháp, lại có một tấm lòng rộng mở, không nhìn quê hương ông như một đất nước nô lệ bị đô hộ.
Chinh phục bởi nguyện vọng của Nam-Sơn, trong một bản phúc trình dưới cái tên "Nghệ thuật An-nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai" (L’Art annamite dans le passé, le présent et le futur), Victor Tardieu đã đề cập đến vấn đề mở ra một trường Mỹ-thuật tại Đông-dương.
Bản phúc trình này được chuẩn y bởi Toàn-quyền Martial-Henri Merlin. Ngày 27 tháng 10 năm 1924, xuất hiện trong Công báo (Journal Officiel) nghị định thành lập một ngôi trường dưới tên trường Mỹ-thuật Đông-dương. Ngôi trường này sẽ được dựng lên tại số 102 đường Reinach, gần trường Viễn-đông Bác-cổ, trực hệ Giáo-đoàn Pháp (l’Université de France) tại Hà-nội, dưới sự hướng dẫn và kiểm soát của nha Học-chính, với Victor Tardieu là Hiệu trưởng.
Được bổ nhiệm tham dụ trong "công sự Victor Tardieu", Nam-Sơn có trách nhiệm giúp đỡ Victor Tardieu trong việc mua dụng cụ cần thiết và tìm giáo sư cho trường Mỹ-thuật Đông-dương. Đầu năm 1925, ông xuống tàu Claude-Chappe tại Hải-phòng để đến Sài-gòn lúc 14 giờ 30 ngày 5 tháng 3. Vào 12 giờ ngày 8 tháng 3, ông có mặt trên tàu Porthos khởi hành đi Marseille. Tại Paris, ông được Victor Tardieu đón về cư ngụ ở tư gia (số 3 đường Chaptal thuộc quận 9).
Nghị định thành lập trường Mỹ-thuật Đông-dương
Với một chương trình học thật nặng nề nhưng không kém phần lý thú, buổi sáng Nam-Sơn theo học tại trường Mỹ-thuật Quốc-gia trong xưởng họa của Jean-Pierre Laurens (1875-1933, môn đồ của Ingres), buổi chiều tại trường Nghệ-thuật Trang-trí Quốc-gia trong xưởng họa của Félix Aubert (1866-1940), buổi tối ông học nắn hình dước sự hướng dẫn của các giáo sư Séguin và Maire. Chỉ còn lại ngày chủ nhật, ông dành thì giờ học hỏi thêm qua các tài liệu trong thư phòng của Victor Tardieu và khám phá Paris qua những cuộc thăm viếng các Bảo tàng viện và danh lam thắng cảnh.
Vào tháng 9, vì bị bệnh nên Victor Tardieu bắt buộc hoãn ngày trở lại Việt-nam, Nam-Sơn phải trở về Hà-nội để kịp buổi khai trường. Cùng đi với ông là một giáo sư tương lai sẽ phụ trách chuyên ngành sơn dầu, Joseph Inguimberty (1896-1971). Ngày 1 tháng 10 năm 1925 đánh dấu buổi khai trường Mỹ thuật Đông-dương. Trong muôn ngàn khó khăn, Nam-Sơn và Inguimberty đã đơn phương chuẩn bị cho kịp buổi tuyển sinh được tổ chức cùng một lúc tại Hà-nội, Huế, Sài-gòn, Phnom Pênh và Vientiane, với sự tham dự của 270 thí sinh.
Khi Victor Tardieu trở lại Đông-dương, tiếng trống trường đã điểm để mở đầu một chương trình học ba năm, với mười thí sinh trúng tuyển và khoảng hai mươi thí sinh dự bị. Trong khi chờ đợi xây cất (hoàn tất năm 1931), trường tạm dựng lên tại số 124 phố Hàng Lọng (route Mandarine).
Vì không có quy chế định biên dành cho người An nam, chức vụ của Nam-Sơn được ghi là Trợ lý (moniteur). Thật ra, vai trò của ông trong buổi đầu tiên này thật là đa hình đa dạng, luôn luôn ông phải hỗ trợ cho Victor Tardieu vì ông này quá bận rộn trong chức vụ Hiệu trưởng, đã lớn tuổi, lại là người Pháp. Cùng một lúc, Nam-Sơn vừa là thư ký, quản lý, giám học…, lại vừa phụ giảng cho Victor Tardieu hay Inguimberty. Chúng ta nên nhớ rằng trong thời thuộc địa, khó ai có thể hình dung ra một người An-nam được giữ chức giáo sư trong một ngôi trường Tây. Trong bài báo dưới tựa đề "L’École des Beaux Arts d’Hanoi", đăng trên "Illustration tạp chí", số 4522, ngày 2 tháng 11 năm 1929 (trang 513), đã khẳng định:
Các công việc và phận sự của những giáo sư trường Mỹ-thuật Hà-nội đã trở nên dễ dàng hơn qua sự giúp đỡ trung gian của một trợ lý người An-nam, ông Nguyễn Nam-Sơn. (…) Tấm gương của ông đã chứng minh những gì chúng ta có thể chờ đợi nơi các học sinh của ngôi trường này.
Rất nhiều nhà chuyên môn và nhà phê bình mỹ thuật Âu cũng như Á không biết rằng Nam-Sơn không bao giờ tốt nghiệp trường Cao-đẳng Mỹ-thuật Đông-dương, điều dễ hiểu là ông chưa từng bao giờ là học trò của trường, và khi trường mở cửa, ông là người đã dạn dày nhiều công lao. Ngày 24 tháng 10 năm 1927, một nghị định do nha Học Chính ban xuống đề cử Nam-Sơn lên làm giáo sư phụ trách lớp dự bị và chuyên ngành trang trí. Ông là người Việt-nam đầu tiên chính thức có chức vụ giáo sư trong ngôi trường này.
IV. Trường hợp Nam-Sơn Nguyễn văn Thọ
Trong quá trình thu thập các tài liệu về Nam-Sơn, chúng tôi không tìm ra được bản văn chính thức nào xác nhận vai trò đồng sáng lập trường Cao-đẳng Mỹ-thuật Đông-dương của Nam-Sơn. Thật sự mà nói, cũng KHÔNG có một tài liệu chính thức nào xác nhận Victor Tardieu là "người sáng lập" trường.
Một tài liệu khi được gọi là chính thức, xem như một nghị-định, nghĩa là có ghi ký hiệu, ngày tháng, được chính quyền đóng mộc, ký tên, đăng trên Công-báo và lưu giữ.
Nghị định thành lập trường, do Toàn-quyền Martial-Henri Merlin ký ngày 27 tháng 10 năm 1924 nói ở phần trên chỉ xác nhận Victor Tardieu là "hiệu trưởng" (directeur), chứ hoàn toàn không nói ông là "người sáng lập" (fondateur) !!! Xin lưu ý rằng ngôn ngữ Pháp rất rõ ràng, minh xác và mạch lạc, chính vì vậy, phần lớn các "Hiệp-định quốc tế" đều chọn Pháp ngữ để trình bày nội dung, hòng tránh những hiểu lầm đáng tiếc. Dĩ nhiên, "hiệu trưởng" chưa hẳn là "người sáng lập".
Nam-Sơn Nguyễn văn Thọ qua nét vẽ của Ngô Kim-Khôi,
sơn dầu trên lụa, 1998, 50x65cm.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, các nhà chuyên môn về hội họa, từ Âu sang Á, khi nói đến Victor Tardieu đều mặc nhiên công nhận ông là người sáng lập trường Cao-đẳng Mỹ-thuật Đông-dương.
Từ lâu, chúng tôi có một bản văn có thể gọi là "bán chính thức", nói lên vai trò sáng lập (fondateur) của Victor Tardieu và đồng sáng lập (co-fondateur) của Nam-Sơn đối với trường Cao-đẳng Mỹ-thuật Đông-dương, đó là quyển "Các trường Mỹ-thuật Đông-dương" (Les écoles d’art de l’Indochine), do Toàn-quyền Đông-Pháp xuất bản vào dịp Triển-lãm Quốc-tế Nghệ-thuật và Kỹ-thuật tại Paris 1937 [19].
"Bán chính thức" vì quyển sách nói trên không phải là một nghị định, không đóng mộc, ký tên, nhưng được Toàn-quyền Đông-Dương kiểm tra và xuất bản, có ghi mạch lạc rõ ràng nguyên nhân và năm tháng.
Quyển sách này lưu trong Thư-viện quốc-gia Pháp (Thư viện François Mitterrand) [20] dưới ký hiệu "QUARTO V 11476", và lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia Hà-Nội dưới ký hiệu "M.10692".
"Các trường Mỹ-thuật Đông-dương" gồm 41 trang, trình bày lịch sử hình thành và cấu trúc của 5 trường Mỹ-thuật tại Đông-dương (Hà-Nội, Phnom-Penh, Biên-Hòa, Gia-Định, Thủ-Dầu-Một). Riêng về trường Hà-Nội, sách còn đề cập đến vai trò của ban chấp hành cũng như nhiệm vụ của các giáo sư.
Tại trang 10, chúng ta đọc được "…trường Mỹ-thuật Đông-dương hay trường Mỹ-thuật Hà-Nội được sáng lập bởi họa sĩ Victor Tardieu, trong thời kỳ ông Merlin là Toàn-quyền Đông-dương (nghị định ngày 27 tháng 10 năm 1924), ông Victor Tardieu hiện nay là Hiệu trưởng" (…l’Écoles des Beaux-Arts de l’Indochine ou École de Hanoi a été fondée par le peintre Victor Tardieu, – son directeur actuel, M. Merlin étant Gouverneur général de l’Indochine (arrêté du 27 octobre 1924))
Tại trang 16, chúng ta đọc được "…Việc giảng dạy môn Đồ-họa và Trang-trí được phụ trách bởi một giáo sư chuyên ngành bậc 2, ông Nam-Sơn, là một trong hai người sáng lập trường Mỹ-thuật Đông-dương. Ông đã đạt được những thành quả lỗi lạc trong việc giáo dục đào tạo và đóng góp một phần rộng lớn trong việc phục hưng nền Mỹ-thuật truyền thống An-nam, cũng là học thuyết và hiến chương của toàn Trường " (…L’enseignement du Dessin et des Arts Décoratifs est assuré par un professeur technique de 2è classe, M. Nam-Son, qui est un des deux fondateurs de l’École. Il a obtenu des résultats remarquables dans son enseignement et contribué pour une large part à la renaissance de l’Art Annamite traditionnel, qui est la doctrine, la charte de l’École tout entière.)
Ngoài tài liệu gọi là "bán chính thức" nói trên, chúng ta còn có rất nhiều những chứng nhân hay những tư liệu thuộc về "tinh thần", tuy không chính thức nhưng phần giá trị và tầm mức quan trọng đôi khi còn hơn tài liệu chính thức. Hai gia đình Victor Tardieu và Nam-Sơn còn giữ rất nhiều những tư liệu, thư từ, và hiện nay, mối liên lạc giữa hai gia đình vẫn còn tiếp nối.
Trong một bức thư của Jean Tardieu, con trai Victor Tardieu, gửi cho Nguyễn thị Nguyệt-Minh, con gái của Nam-Sơn, viết ngày 23/04/1992, chúng ta đọc được :
"Biết bao nhiêu kỷ niệm trỗi dậy một cách bàng hoàng trong tâm tưởng khi ký ức của chúng ta hiện ra hình ảnh cha của bà và cha của tôi, đồng hợp tác với nhau, trong thời gian mà hội họa và văn hóa (việt-nam) là mối bận tâm trường kỳ dai dẵng của họ, và cũng là niềm vui của hai gia đình…" (Que de souvenirs bouleversants se lèvent dans notre pensée quand notre mémoire nous montre l’image de votre père et celle de mon père, associés, au temps où la peinture et la culture étaient leur constante préoccupation et pour la joie de leurs familles…)
Vai trò đồng sáng lập trường Cao-đẳng Mỹ-thuật Đông-dương của Nam-Sơn Nguyễn văn Thọ xem ra đã rõ ràng. Những sự kiện lịch sử, dù muốn hay không, vẫn là những sự kiện không thể chối cãi. Là con dân đất Việt, chúng ta nên tự hào đã có một người Việt góp công lao vào việc xây dựng và phát triển văn hóa nước nhà. Nên nhớ rằng dưới chế độ thực dân Pháp, việc đóng góp quan trọng của người An-Nam trong công cuộc xây dựng nền văn hóa mới không phải là điều dễ dàng được công nhận một cách chính thức. Họa sĩ Lương Xuân-Nhị đã từng viết thư cho chúng tôi "…ta hiểu rằng dưới chế độ thuộc địa của thực dân, người Việt-Nam chúng ta chẳng có quyền hành gì !" [21]
Nguyễn Trường Tộ trong "Tế cấp bát điều" (濟 急 八 條 , "Tám điều cứu vớt"), viết năm 1867 [22], đã nhấn mạnh :
[...] Nước ta trên cũng có trời che, dưới cũng có đất chở [...]. Nước ta cũng có tổ tiên mà sự tích còn lưu truyền lại [...], cũng có việc đáng nêu lên, sao không truyền tụng những gương tốt đó cho người ta phấn khởi bắt chước [...] ?
V. Kết luận
Qua khuôn khổ và giới hạn của một bài báo, chúng tôi không thể đi sâu hơn vào chi tiết. Chỉ xin được tóm lược rằng cuộc hành trình về phương đông của Victor Tardieu những tưởng chỉ trong vòng một năm theo học bổng của Giải-thưởng Đông-dương, ông đã ở lại đến cuối cuộc đời và sáng lập ra một nền móng nghệ thuật việt-nam hoàn toàn mới lạ. Trong suốt thời gian làm Hiệu trưởng, ông đã không ngừng nâng cao trình độ của sinh viên bằng cách dung hòa hai nền mỹ thuật Đông-Tây. Trường Mỹ-thuật Đông-dương đã bao lần bị áp lực của chính quyền thuộc địa hăm dọa đóng cửa, ông đã nhờ đến sự hỗ trợ và thế lực của nghị trưởng Phạm Huy-Lục [23] để ngôi trường thân yêu ấy còn tồn tại. Sau một cơn bệnh viêm phế quản, Victor Tardieu từ trần tại Hà-nội ngày 12 tháng 6 năm 1937.
Về phần Nam-Sơn, không ngừng nổ lực tìm tòi, học hỏi, những tác phẩm phối hợp hài hòa hai phương pháp Đông-Tây của ông đã vang tiếng trong nhiều cuộc triển lãm vào các thập niên 30, 40 tại Pháp, Ý, Đức, Bỉ, Hoa-kỳ, Nhật-bản… Ông đã biết đến niềm vinh quang qua Huy chương Bạc tại Triển lãm Hội các Nghệ sĩ Pháp (Salon des Artistes Français) năm 1932 với tác phẩm sơn dầu "Chân dung mẹ tôi" (Gia từ cận tượng, 家 慈 近 像, Portrait de ma mère), Giải thưởng Mỹ thuật Rome năm 1932 với tranh khắc gỗ "Cò trắng cá vàng"… Một điều đáng lưu ý là tấm tranh mực nho "Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng" (Hồng hà hữu ngạn mãi mại mễ xứ, 紅 河 右 岸 買 賣 米 處, Sur la rive droite du Fleuve Rouge où se vend et s’achète le riz) của Nam-Sơn là tấm tranh việt-nam đầu tiên đã được chính phủ Pháp quốc mua vào năm 1930. Ngoài ra, trong vai trò tiên phong, Nam-Sơn là người đã hình thành tấm tranh phấn tiên (pastel) "Chân dung cụ Sùng Ấm-Tường" vào năm 1927, và đi trước Nguyễn Phan-Chánh, tấm tranh lụa "Về chợ" của ông được hoàn thành vào năm 1927-1928. Đó là tấm tranh phấn tiên và tranh lụa đầu tiên của nước Việt-nam [24]. Vào ngày 9/3/1945, sau cuộc đảo chánh Nhật, các giáo sư người Pháp của trường Mỹ-thuật đã bị bắt hoặc trở về Pháp. Lần đầu tiên cũng là lần duy nhất, trường Cao-đẳng Mỹ-thuật Đông-dương được điều khiển và hướng dẫn bởi một người Việt-nam, Nam-Sơn Nguyễn văn Thọ trở thành Quyền-Hiệu-trưởng. Cuối năm 1945, dưới thời Việt-Minh, khi trường Mỹ-thuật Đông-dương đóng cửa [25], vì đã làm việc với chính quyền Pháp nên tên tuổi của Nam-Sơn bị chìm vào lãng quên. Hiện nay, người ta chỉ nhắc đến Victor Tardieu như người duy nhất sáng lập ra trường Mỹ-thuật Đông-dương, không biết do vô tình hay cố ý, đã quên đi người đồng sáng lập là Nam-Sơn Nguyễn văn Thọ. Lớp bụi thời gian đã phủ lên cuộc đời ông, dày đặc đến nỗi các nhà chuyên môn sau này hiếm có người được thưởng lãm các danh tác vang bóng một thời của ông. Cuối năm 1972, Bắc-Việt lầm than trong biển lửa ngút ngàn dưới hơn 36.000 tấn bom, Nam-Sơn Nguyễn văn Thọ ngã bệnh, từ trần trong khó khăn và quên lãng tại Hà-nội ngày 26 tháng 1 năm 1973. Nếu chúng tôi nhớ không lầm, chỉ có một phân ưu, rất khiêm tốn, đăng trên một tờ báo. Thử hỏi khi ông qua đời, có mấy người còn nhớ tới ông ?
Trên đây là một câu chuyện về hai cuộc đời. Câu chuyện này thuộc về văn hóa của nước Việt-nam, xin kể ra để mong trả lại lịch sử những gì thuộc về lịch sử, góp một phần tài liệu cho các nhà chuyên môn. Hơn nữa, chúng tôi còn nhận ra rằng đây là một bổn phận, vì nếu không sẽ có tội với đất nước tổ tiên, và kẻo lại một lần nữa bị Hàn-Dũ (韓 愈, Bá tước Xương-Lê, 768-824), chính trị gia đời Đường, vừa là thi nhân và nho gia danh tiếng, từ thế kỷ thứ VIII đã phê bình và khẳng định rằng :
"Việt tục bất hiếu cổ, lưu truyền thất kỳ chân".
( 鉞 俗 不 好 古, 流 傳 失 其 眞 )
Xin tạm dịch là người đất nước Việt không biết ưa chuộng quá khứ nên khó có thể tìm thấy được một lịch sử trung thực.
Ngô Kim-Khôi
Thành phố hoa Xoan, 2.2000, cập nhật 5.2008
................
Thư mục và tài liệu tham khảo :
- Cuộc đấu xảo mỹ nghệ của hội Khai trí, Thượng-Chi (Phạm Quỳnh), Nam-Phong tạp chí, số 78, 12/1923, trang 501-502.
- La peinture chinoise. Technique et symbolisme. Manière spéciale des Chinois d’interpréter la Nature, Nam-Sơn Nguyễn văn Thọ, Nam-Phong tạp chí, số 144, 11/1929, phụ trang tiếng Pháp, trang 33-42.
- La peinture chinoise, Nam-Sơn Nguyễn văn Thọ, Đông-kinh ấn quán, nhà xuất bản Lê văn Phúc, Hà-nội 1930.
- L’École des Beaux Arts d’Hanoi, khuyết danh, Illustration tạp chí, số 4522, 2/11/1929, trang 513.
- L’École des Beaux Arts d’Hanoi, Jean Gallotti, Illustration tạp chí, số 4608, 27/06/1931.
- L’Indochine : Un lieu d’Échange Culturel ? Les peintres français et indochinois, Nadine André Pallois, École Français d’Extrême Orient, Paris 1997.
- Les Écoles d’Art de l’Indochine, nha Học-chính, Toàn-quyền Đông-dương, Hà-nội 1937.
- Rénovation de l’art vietnamien, A. N. Beun, Đông-Tây tạp chí (Orient-Occident), số 5, 11/1952, trang 74-88.
- Souverains et Notabilités d’Indochine, Toàn-quyền Đông-dương, I.D.E.O., Hà-nội 1943.
- Tạp chí Extrême Asie, số 12, tháng 6/1927, trang 495.
- Théâtre du Garde Chasse, Tòa Thị chính Thị xã Les Lilas, 1994.
- Tìm hiểu tạp chí Nam-Phong (Introduction au Nam-Phong), Phạm thị Ngoạn, Bulletin de la Société des Études Indochinoises, số 2 3, 2e và 3e tam cá nguyệt, Sài-gòn 1973.
- Trois écoles d’Art de l’Indochine, nha Học-chính, Toàn-quyền Đông-dương, Hà-nội 1931.
[1] Tấm vitrail này đã bị chiến tranh tiêu hủy vào năm 1940, nhưng những bản mẫu (études) hiện nay vẫn còn lưu giữ tại viện Bảo tàng Dunkerque.
[2] Hiện đang trưng bày tại viện Bảo tàng Rennes.
[3] Là con gái nhà soạn nhạc nổi tiếng Alexandre Clément Luigini (sinh tại Lyon năm 1850), bà đã đoạt giải nhất tại Nhạc viện Lyon qua tiếng đàn Hạc-cầm (harpe). Bà còn có người em trai là họa sĩ Ferdinand Luigini. Trong gia đình, bà được gọi một cách thân ái là "Caline" (dịu dàng).
[4] Tất cả những sơn dầu kể trên hiện đang trưng bày tại viện Bảo tàng Lyon.
[5] Vào đầu thế kỷ 20 chưa có l’Ile de France.
[6] Phòng Lễ Hội của Hội-đồng Thị-xã Les Lilas được xây cất vào đầu thế kỷ thứ XIX (1903 1907) dưới bản vẽ của kiến trúc sư Bévière. Năm 1994, phòng Lễ Hội đã được hoàn toàn chỉnh trang và trở thành Kịch viện Garde Chasse, đồng thời cũng là môt phòng chiếu bóng. Khi có dịp, chúng tôi sẽ viết một cách rõ ràng hơn về tấm bích họa này của Victor Tardieu, nhưng quý bạn độc giả nếu có điều kiện đến Lilas (Métro Mairie des Lilas) cũng nên dừng bước ghé thăm.
[7] Nghị định lập Giải thưỏng Đông-dương do Toàn quyền Antony Wladislas Klobukowski ký năm 1910, do "Hội Thuộc-địa Nghệ-sĩ Pháp" (Société Coloniale des Artistes français) đề xướng với ý định phát khởi nghệ thuật phương Tây tại Đông-dương. Giải thưởng này đã ban cho 21 họa sĩ, đầu tiên là Ferdinant Olivier (1873-1956) và cuối cùng là Louis Bâte (1898-1948).
[8] Nguyễn Duy Thời (Thì) đỗ Hoàng giáp triều Lê Thế Tông, từng đi sứ sang nhà Minh, làm quan đến chức Hộ Bộ Thượng thư kiêm Chưởng lục bộ sự, Thái phó, tước Tuyền Quận công (grand Duc), khi mất được truy phong Thái tể. Tác phẩm hiện còn trong Toàn Việt thi lục.
Con trai ông, Nguyễn Duy Hiểu, đỗ Hoàng giáp triều Lê Thần Tông, làm quan đến chức Thiêm đô ngự sử, từng đi sứ sang nhà Minh, mất trên đường đi và được truy phong Hình bộ tả Thị lang, tước Hầu (Marquis).
[9] Những công lao khó nhọc và tấm lòng hy sinh vô bờ bến như nước trong nguồn chảy ra ấy của cụ Nguyễn thị Lân sau này thấu đến triều đình, vào năm 1927, cụ được vua Bảo Đại ngự ban một Kim khánh khắc bốn chữ " 節 行 可 封 " (Tiết hạnh khả phong). Vào đầu thập niên 40, một bức tượng bán thân của cụ đã được hình thành bởi điêu khắc gia Vũ văn Thu (nhạc phụ của họa sĩ Tạ-Tỵ), bức tượng này hiện để trên bàn thờ gia tiên của gia đình Nam-Sơn tại đường Nguyễn Du, Hà-nội.
[10] 芥 子 園 畫 傳, Le jardin aussi gros qu’une graine de moutarde, là một bộ cẩm nang bách khoa về hội họa cổ điển trung hoa, của họa sĩ đồng thời là một văn sĩ danh tiếng đời Khanh-Hy : Lý Ngư (1611 1679). Sở dĩ sách có tên như vậy là vì đã được khởi thảo sau một cuộc luận đàm về hội họa giữa Lý Ngư và Trần Tâm-Hữu trong khu vườn Giới-Tử của Trần Tâm-Hữu ở Nam Kinh. Nhờ có sự cộng tác của Trần Tâm-Hữu và nhất là của Vương An-Tiết (tự Lộc-Sài), cuốn sách này đã ra đời vào năm 1679 và tái bản với nhiều bổ túc vào năm 1701. Sách gồm có những tài liệu di lại của Lý Trường-Hành (1575 1629), tổ tiên của Lý Ngư, một bài tiểu dẫn của Lý Ngư, những mục về cây, về đá, về nhân vật và 130 bản in những cổ họa và mẫu vẽ.
[11] Trường Amiral Courbet, gọi môn na là trường Hàng Vôi, sau là trường Nguyễn Du.
[12] Đại-úy Lục-binh thuộc địa, tác giả quyển "Les Jauniers, histoire vrais", xuất bản năm 1930. Thời đó, chính quyền thuộc địa chỉ chấp nhận những sinh hoạt có tính cách chính trị hay tôn giáo, từ chối cấp kinh phí cho những hoạt động văn hóa xã hội nên việc thành lập Hội-quán Sinh-viên An-nam đã gặp rất nhiều cản trở. Cuối cùng Paul Monet đã xin được kinh phí từ Hoa-Kỳ !
Tác giả Nguyên Hương – Nguyễn Cúc, trong bài viết "Họa sư Nguyễn Khoa Toàn", (Định Hướng số 51, Mùa Xuân 2008, tr. 56, đã ghi nhầm là Jean Mounet.
[13] Trưởng phòng chính trị tại phủ Toàn quyền Pháp (Directeur des Affaires Politiques au Gouvernement Général), còn là người đồng sáng lập Nam-Phong tạp chí cùng với Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá-Trác.
[14] Dựa theo một câu trong Thánh-kinh "il y a beaucoup d’appelés et peu d’élus" (Phúc-Âm, Mathieu 22:14).
[15] Hồ sơ lưu số 372, hộp số 42, Trung-tâm Lưu-trữ Quốc-gia I Hà-nội. Công trình này của Victor Tardieu được hoàn tất vào những năm 1925-1927. Những bích họa nói trên đã hoàn toàn bị bôi xóa vì con người và chiến tranh. Sau này, vào ngày 15/3/2006, một phần của bích họa đã được phục dựng bởi họa sĩ Hoàng Hưng cùng một nhóm họa sĩ. Victor Tardieu dùng 6 năm để hoàn thành bích họa, nhóm họa sĩ Hoàng Hưng chỉ có 3 đến 4 tháng để phục dựng, về chính xác và giá trị nghệ thuật, xin nhường sự đánh giá cho các nhà chuyên môn !!!
[16] Vào thời ấy, tranh sơn dầu rất xa lạ với người Việt chúng ta vì sơn dầu chỉ chủ yếu dùng trong việc sản xuất đồ sơn như tủ, hộp, tráp, bao gươm, tượng, hoành phi, câu đối, bình phong…
[17] Hội Khai-trí Tiến-đức (Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites) được thành lập ngày 2 tháng 5 năm 1919 với chủ tịch là Tổng đốc Hoàng Trọng-Phu, phó chủ tịch Bùi Đình-Tá, tổng thư ký Phạm Quỳnh.
[18] Trước Nam-Sơn, chúng ta có thể nhận ra rằng những tranh sơn dầu đầu tiên xuất hiện tại Đông-dương là tác phẩm của một họa sĩ người Huế, Lê Huy-Miến (1873 1943), sinh tại Nghệ-an. Ông được triều đình An-nam và chính quyền bảo hộ gửi sang Paris năm 1892 để theo học trường Thuộc-địa. Ông vào trường Mỹ-thuật Paris trong xưởng họa Jean-Léon Gérôme, họa sĩ có khuynh hướng đông phương (orientalisme, xuất hiện trong bước đi của chủ nghĩa lãng mạn Pháp nửa đầu thế kỷ XIX). Đó là những tấm tranh "Chân dung cụ Tú mền" (49x60cm, 1896), "Bình văn" (68x97cm, 1898).
[19] Exposition Internationale des Arts et Techniques Paris 1937, Section Coloniale, Indochine Français, Gouvernement Général de l’Indochine, "Les Écoles d’Art de l’Indochine", Hanoi, Imprimerie d’Extrême-Orient, 1937.
[20] Thư-viện quốc-gia Pháp khởi nguyên thuộc hoàng gia (triều vua Charles V, 1338-1380), đặt tại cung điện Louvre. Sau đó thư-viện dời về Blois thuộc vùng Fontainebleau, đến 1568 lại trở về Paris. Dưới triều Louis XIV, thư-viện được khai triển và mở cửa cho quần chúng. Sau nhiều lần dời chỗ đổi tên theo thăng trầm lịch sử Pháp, vào năm 1720, thư-viện cố định tại đường Richelieu (ngày nay gọi là "site Richelieu"). Năm 1988, Tổng-thống François Mitterrand (1916-1996) ra nghị định xây một thư-viện mới rộng lớn và hiện đại hơn, thuộc quận 13, (ngày nay gọi là "site Tolbiac" hay "site François Mitterrand"). Ngày 20/12/1996, thư-viện quốc-gia Pháp khánh thành và chính thức mở cửa cho dân chúng, trong khi "site Richelieu" chỉ dành riêng cho các nhà nghiên cứu. Thư-viện quốc-gia Pháp là một thư viện quan trọng có tầm vóc quốc tế.
[21] Thư Lương Xuân-Nhị viết ngày 23/11/1999.
[22] Bản dịch của Trần Lê Hữu trong "Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ cuối thế kỉ XIX", Đặng Huy Vận & Chương Thâu, nxb Giáo dục 1961.
[23] Con cháu cụ Phạm Huy-Lục tại Paris vẫn còn gìn giữ hai bức tranh lụa của sinh viên Lưu Đình-Khải, quà biếu của Victor Tardieu về sự can thiệp trên.
[24] Những tấm tranh lụa "Chơi ô ăn quan" và "Lên đồng" của Nguyễn Phan-Chánh, được vẽ vào năm 1931, đến nay vẫn được coi là những tranh lụa đầu tiên của nước Việt-nam. Điểm sai lầm này do ở các nhà chuyên môn không tìm hiểu cặn kẽ và không có đủ tài liệu chính xác !
[25] Để sau đó mở cửa tại chiến khu Việt bắc dưới tên "Trường trung học Mỹ-thuật", do họa sĩ Tô Ngọc-Vân làm hiệu trưởng.
I. Victor Tardieu
Sinh ngày 30 tháng 4 năm 1870 tại Lyon trong một gia đình thương gia chuyên về tơ lụa, từ thuở nhỏ Victor Tardieu đã yêu thích hội họa, ông theo học trường Mỹ-thuật Lyon vào tuổi vị thành niên. Từ 1889 đến 1891, ông lên học trường Mỹ-thuật Paris trong xưởng họa của Gustave Moreau (1826-1898), cùng với các bạn học mà tên tuổi lẫy lừng hiện nay như Henri Matisse (1869-1954), Albert Marquet (1875-1947), Georges Rouault (1871-1958)… Năm 1892, ông sang học tại xưởng họa của Léon Bonnat (1833-1922, môn đồ của Ingres).
Victor Tardieu đã làm rạng danh những người thầy của mình qua nhiều giải thưởng có tầm vóc, đặc biệt là hạng Danh dự (Mention Honorable) năm 1896, huy chương hạng ba năm 1899, huy chương hạng hai năm 1907, huy chương Vàng ("Hors Concours") tại Hội Những Nghệ Sĩ Pháp (Salon des Artistes français)… Đặc sắc hơn là ông đã đoạt được huy chương Đồng tại cuộc Triển-Lãm Hoàn-Cầu (Exposition Universelle) năm 1900.
Là một họa sĩ tài hoa, Victor Tardieu đi vào thế giới hội họa với những tấm tranh có bố cục lớn, ông đã thực hiện những bản vẽ để dùng vào việc ghép những lồng kính màu (vitrail) cho các nhà thờ và công sở. Nổi tiếng nhất trong những kính màu này là tấm "Jean Bart trở về quê hương sau chiến thắng Texel" (Le retour de Jean Bart dans sa ville natal après la victoire du Texel), trưng bày tại sảnh đường Tòa Thị-Chính tỉnh Dunkerque [1].
Năm 1902, với bức sơn dầu "Lao động" (Travail, 4m50 x 4m80) [2], Victor Tardieu đã đoạt giải thưởng Quốc-gia (Prix National), cùng với một học bổng đi du lịch hai năm trong toàn châu Âu. Viễn hành với phu nhân, Caroline Luigini [3], chuyến du lịch ấy đã được Tardieu ghi lại qua nhiều tranh sơn dầu có khuynh hướng nghệ thuật ấn tượng (impressionniste) mô tả hoạt động tại các hải cảng lớn của Âu châu, được lưu ý nhất là "Chân dung bà Rozier" "Kỷ niệm" (Souvenirs), "Hải cảng Liverpool" "Hải cảng Londres" "Hải cảng Gènes" [4]…
Victor Tardieu, tượng đồng của Georges Khánh, 1935, cao 40cm
Năm 1903, tiếng khóc chào đời của người con trai duy nhất trong gia đình Tardieu, Jean, và những năm yên bình tiếp sau đó đã giúp Tardieu hình thành những tấm sơn dầu tỏa ra một niềm vui lồng trong màu sắc lộng lẫy của trường phái ấn tượng. Những nét chấm phá rực rỡ mang đầy hạnh phúc gia đình được vẽ ngoài trời, trong một khu vườn, dưới ánh nắng chan hòa mà ở trong khung cảnh ấy Caroline và Jean, "Mẹ con" đang ngồi "Dưới bóng ô đỏ" (Ombrelle rouge), "Dưới bóng ô trắng" (Ombrelle blanche)… Đó là những tấm tranh đã hình thành vào khoảng năm 1912, lúc ấy Jean được chín hay mười tuổi. Các bức tranh ấy chúng tôi đã hân hạnh được thưởng lãm tại nhà riêng của gia đình Tardieu tại Paris vào những năm 1993, 1994. Sau này, Jean Tardieu (1903-1995) đã trở thành một nhà thơ tiếng tăm vang dội.
Dưới bóng ô đỏ, (Ombrelle rouge) sơn dầu của Victor Tardieu, 1912, 40x50cm
(Tư liệu NgKmKh)
Vào năm 1907, để đáp ứng yêu cầu trang trí trần nhà phòng Lễ Hội (salle des Fêtes) thuộc về Thị-xã Les Lilas, Hội-đồng vùng Seine (Conseil général de la Seine [5]) mở ra một hội thi dành cho các họa sĩ toàn quốc. Khoảng năm mươi bản vẽ đã được trưng bày tại cung Mỹ-thuật (Palais des Beaux Arts) thành phố Paris vào tháng 12 năm 1907. Cuối cùng chỉ có bốn ứng sinh được vào chung kết. Tháng 5 năm 1908, các bản vẽ này đã được tuyển chọn tại toà Thị Chính Paris, tháng 6 cùng năm, Victor Tardieu được xướng danh [6].
Tấm tranh bích họa vĩ đại có tên là "Thời đại của Paul de Kock" (Au temps de Paul de Kock) này có nhiều ảnh hưởng của danh họa người Ý Tiepolo (1696-1770) và trình bày theo kiểu baroque, đã được Victor Tardieu hoàn tất trong ba năm (1909-1911).
Chi tiết "Thời đại của Paul de Kock" (1909-1911, détail), sơn dầu của Victor Tardieu.
(Ảnh NgKmKh)
Chiến tranh thế giới bùng nổ vào mùa thu năm 1914. Dù được hoãn dịch, Victor Tardieu vẫn tình nguyện tòng quân và tham gia những trận chiến tại miền bắc Pháp. Hiện nay, viện Bảo tàng Quân đội Paris (Musée de l’Armée) vẫn còn trân trọng gìn giữ những bức tranh nhỏ của ông, đặc biệt nhất là "Phế tích Verdun" (Ruines de Verdun) được ghi lại một cách não nùng ngay dưới những trận mưa bom.
Sau bốn năm chiến tranh, Victor Tardieu trở về Paris. Năm 1920, trên trần phòng Cố-vấn Thị-xã Montrouge (salle du Conseil Municipal) được nét bút tài hoa của Victor Tardieu điểm trang bằng một bích họa vĩ đại thứ hai lấy tên là "Những niên kỷ cuộc đời" (Les âges de la vie). Cùng năm, cuộc đời của chính ông đã rẽ vào một khúc quanh định mệnh khi ông nhận được Giải thưởng Đông-dương (Prix de l’Indochine) [7] và một học bổng sang Đông-dương nghiên cứu trong vòng một năm.
Ngày 5 tháng 1 năm 1921, Victor Tardieu xuống tàu ở cảng Marseilles, ông đã lần đầu tiên trong đời cảm nhận được không khí miền nhiệt đới vào ngày 2 tháng 2, đồng thời thưởng thức mùa xuân Hà-nội.
II. Nam-Sơn Nguyễn văn Thọ
Sinh trưởng trong một dòng dõi nho gia, Nguyễn văn Thọ chào đời gần hồ Hoàn Kiếm tại Hà-nội vào ngày 15 tháng 2 năm 1890 (Canh Dần), tại số 17 phố Hàng Dầu (rue du Lac). Ông là con trai duy nhất của nho giả Nguyễn văn Khang (1871 1894), thư ký phủ Thống-sứ Bắc-kỳ. Mẹ ông, Nguyễn thị Lân (1870 1951), thuộc một thương gia ở phố Hàng Bạc (rue des Orfèvres).
Tổ tiên của ông, Nguyễn Duy-Thời (1572 1652) và Nguyễn Duy-Hiểu (1602 ?) [8], đã lừng lẫy dưới triều Lê với mỹ danh "Phụ tử đồng triều", tên tuổi hiện nay vẫn còn ghi khắc trên bia Tiến sĩ tại Văn Miếu, Hà-nội.
Cha mất khi lên bốn tuổi, Nguyễn văn Thọ được nuôi dưỡng bởi một bà mẹ quyết tâm dành trọn cuộc đời cho con, ban ngày tảo tần buôn bán tơ lụa tại phố Hàng Đào (rue de la Soie), ban đêm chong đèn khâu thuê vá mướn [9]. Trong cảnh hàn vi, bà đã giao việc đèn sách của đứa con mồ côi cha ấy cho em mình, Nguyễn Sỹ-Đức (tự Cẩm-Thành), và em họ, Phạm Như-Bình, là những nhà nho uyên thâm có tấm lòng yêu nước. Nguyễn văn Thọ vỡ lòng với những chữ hán đầu tiên trong Tam tự kinh rồi Thiên tự kinh …, từ Khổng hiền chi đạo đến hán tự thi thư. Ngoài ra, ông còn được học cách quan sát, thưởng thức nét đẹp thiên nhiên qua các bài thi phú và tranh vẽ. Cuối cùng, ông chập chững đi vào thế giới hội họa với những khái luận ban sơ qua quyển "Giới tử viên họa truyền" [10]. Chính Phạm Như-Bình sau này, qua cái tên Thọ, đã chọn cho ông biệt hiệu Nam-Sơn (Thọ tỉ Nam-Sơn), như một lời chúc trong Kinh Thi :
南 山 至 壽, 不 牽 不 能
"Nam-Sơn chí thọ, bất khiên bất năng" (Thọ vững bền như ngọn núi Nam-Sơn mà không gì lay chuyển nổi).
Năm mười tuổi Nam-Sơn mới bắt đầu học chữ quốc-ngữ tại trường tiểu học Hàng Vôi [11] và vẫn tiếp tục học chữ nho tại nhà.
Tốt nghiệp trường Bưởi (trường Bảo-hộ, lycée du Protectorat) năm hai mươi tuổi, ông vào làm tại sở Tài-chánh Đông-dương (Direction des Finances) cùng với Tú-Mỡ Hồ Trọng-Hiếu (1900-1976) và Nhất-Linh Nguyễn Tường-Tam (1906-1963). Vì có khiếu vẽ và không ngừng tự trau dồi học hỏi qua sách vở, biệt hiệu Nam-Sơn đã xuất hiện thường xuyên qua các tranh bìa, tranh minh họa bằng bút lông, bút sắt, mực nho…, trang trí cho các báo chí thời bấy giờ như Đông-dương tạp-chí (Revue Indochinoise, chủ bút Nguyễn văn Vĩnh), Nam-Phong tạp-chí (Vent du Sud, chủ bút Phạm Quỳnh), Viễn-Á (Extrême-Asie, chủ bút Georges Mignon), Trang Đông-dương (Pages Indochinoises)… Các đề tài của ông qua các tranh bìa và tranh minh họa này thường diễn tả cuộc sống thường nhật và phong cảnh thiên nhiên, ngoài ra ông còn vẽ theo những phù điêu hoặc trầm điêu chạm hoa văn sắc sảo của các miếu đền đông phương.
Nam-Sơn Nguyễn văn Thọ, Hà-Nội 1919
Chúng tôi xin mở ra một dấu ngoặc để kể rằng thuở ấy, Tú-Mỡ mới bắt đầu bước vào văn đàn, tự xuất bản tập thơ đầu tay tựa là "Câu cười tiếng khóc" dưới bút hiệu Nguyên-Trực, đã nhờ Nam-Sơn vẽ cho tấm trang bìa "Đêm thu". Nhất-Linh khi xuất bản quyển sách đầu tay "Nho phong" năm 1926 (Nxb Ngọc-Xuyên, Hà-nội), đã trân trọng đặt tấm tranh sơn dầu "Nhà nho xứ Bắc" (40x50cm, 1923) của Nam-Sơn lên trang bìa.
Năm 1923, Trần Trọng-Kim và Đỗ Thận tại bộ Giáo-dục Đông-dương đã mời Nam-Sơn cộng tác, ông chuyển sang nha Học-Chính (Direction Générale de l’Instuction Publique, thành lập năm 1920) để phụ trách phần minh họa cho các sách giáo khoa như Quốc-văn giáo-khoa-thư, Luân-lý giáo-khoa-thư…
Minh họa của Nam-Sơn, trích từ tạp chí Extrême-Asie, số 12, 6/1927, trang 495.
III. Trường Cao-đẳng Mỹ-thuật Đông-dương
Vào khoảng 1920 – 1921, Nam-Sơn hăng hái gánh vác việc trang trí cho Hội-quán Sinh-viên An-nam (Foyer des Étudiants annamites) tại số 9 đường Vọng-Đức, được thành lập với muôn vàn khó khăn bởi Paul Monet [12]. Xúc động trước bầu nhiệt huyết và tài năng của chàng trai đất Việt, Paul Monet đã nhờ vị Chủ-tịch Danh-dự của Hội-quán là Louis Marty [13], giám đốc Chính-trị-vụ Phủ Toàn-quyền Đông-dương, giới thiệu Nam-Sơn với Victor Tardieu.
Trong buổi gặp gỡ đầu tiên với Nam-Sơn, Victor Tardieu tỏ vẻ ngần ngại vì ông thường tuyên bố rằng "trong thế giới nghệ thuật có rất nhiều người được triệu đến song rất ít người được chọn [14]", nhưng sau khi xem những tranh vẽ của Nam-Sơn, ông đã quyết định chấp nhận hướng dẫn chàng trai trẻ đầy đam mê ấy vào con đường nghệ thuật. Cuộc hạnh ngộ bất ngờ và kỳ diệu đó đã đưa hội họa việt-nam, vốn dĩ có nhiều ảnh hưởng trung-hoa, vào một bước ngoặc lịch sử và lập ra một nền móng nghệ thuật việt-nam hoàn toàn mới lạ mà sau này tiếng vang đã ngân lên khắp hoàn cầu.
Những ngày tháng đầu, Victor Tardieu chỉ hướng dẫn Nam-Sơn trong vòng một giờ vào mỗi chiều chủ nhật hàng tuần. Lần đầu tiên trong đời, Nam-Sơn đã ngỡ ngàng tiếp xúc với hội họa tây phương, cách nhìn xa gần với những phối cảnh, ánh sáng, hình khối, vẽ bóng, đo đạc, màu sắc…
Những khái luận mới mẽ này đã mở ra trước mắt Nam-Sơn một chân trời xa lạ nhưng tràn đầy say mê và lý thú, nét đẹp thiên nhiên trước kia bỗng nhiên trở thành một khung cảnh tràn đầy sắc thái vô cùng vô tận.
Từ trước đến nay, Nam-Sơn chỉ nghiên cứu và học hỏi nghệ thuật trung-hoa hay nhật-bản. Người Trung-hoa vẽ tranh theo phương pháp hoàn toàn khác với nghệ thuật tây phương, được mệnh danh là :
"Thấu thị tẩu mã", 透 視 走 馬, là lối cấu trúc không gian như nhìn từ trên mình ngựa đang chạy, hình ảnh trong tranh được thể hiện theo lối chạy dài, di chuyển theo hàng ngang, cảnh này bên cạnh cảnh kia, trải ra một không gian mênh mông không bờ bến, chứ không phải gần vẽ to, xa vẽ nhỏ như lối nhìn không gian khách quan theo luật viễn cận của nghệ thuật Tây phương. Người Nhật gọi là "Makimono" (rouleau horizontal), người Pháp gọi là "perspective cavalière".
"Thấu thị phi điểu", 透 視 飛 鳥, là lối cấu trúc không gian như nhìn từ trên lưng một con vật đang bay nhìn xuống, hình ảnh trong tranh từ gần đến xa đều bằng nhau và như chồng lên nhau theo hàng dọc, cảnh này đặt lên trên cảnh kia, sắp xếp thành tầng tầng lớp lớp, đường chân trời được tượng trưng rất cao để diễn tả một cái nhìn sâu thẳm, bức tranh trở nên hẹp. Tiêu biểu cho lối cấu trúc này là thể loại tranh đứng, miêu tả sự hùng vĩ của thiên nhiên. Người Nhật gọi là "Kakémono" (tableau à suspendre), người Pháp gọi là "perspective atmosphérique" hay ”perspective aérienne" (?).
Ngày 6 tháng 6 năm 1921, Toàn-quyền Maurice Long (1912-1923) ký một hợp đồng với Victor Tardieu về việc trang trí trường Đại-học Đông-dương, với một diện tích gần 270m2 trong nhiều gian gồm giảng đường, tiền sảnh, mái vòm, ô tường, phòng hội đồng, phòng đọc sách… [15]. Làm sao có thể lý giải một cách chính xác lý do nào đã khiến Victor Tardieu bất chấp muôn vàn khó khăn để thực hiện một tác phẩm lớn nhất trong đời tại một xứ Đông-dương thuộc địa xa xôi ? Trong bức thư gửi con trai Jean Tardieu đề ngày 25 tháng 7 năm 1921, ông đã viết "...và sau đó càng vẽ ra phác thảo, cha càng ý thức được về khối lượng công việc khổng lồ, không chỉ vì bức tranh vẽ theo yêu cầu mà có lẽ là để làm tốt việc này thì cần phải vẽ ngay tại đây với những người mẫu trước mắt…".
Ông quyết định thực hiện bích họa tại Hà-nội và hợp đồng này đã kéo dài thời gian của Victor Tardieu ở tại Đông-dương. Để thực hiện công trình của mình, ông bắt đầu tìm người ngồi mẫu và ngay lập tức ông bối rối nhận ra rằng tại một đất nước mà nghệ thuật chỉ sản sinh ra từ sự tưởng tượng, không cần đến người mẫu bao giờ! Trước trở ngại lớn lao ấy, Nam-Sơn đã tình nguyện ngồi làm mẫu cho người mà ông đã xem như thầy của mình. Và Victor Tardieu, từ ngày ấy, cũng mở rộng cánh cửa cho người mà ông đã xem như một môn đồ, hơn thế nữa, như một người con tinh thần. Vào những ngày nghỉ, đơn sơ trong y phục nông dân hoặc trang nghiêm trong những triều phục rực rỡ, Nam-Sơn đã làm mẫu nhiều giờ và khám phá ra những chân dung sơn dầu từ từ hình thành trên vải, như những nhân vật xuất hiện từ một cõi nào thật xa lạ. Qua sự chân thành khát khao học hỏi của Nam-Sơn, Victor Tardieu đã dành riêng một góc trong xưởng họa để chỉ dẫn phương pháp sơn dầu [16], cách pha mầu, cách vẽ chân dung, phong cảnh, tĩnh vật…, theo trường phái ấn tượng.
Tại Hà-nội vào đầu thế kỷ XX, những cuộc đấu xảo được chính quyền bảo hộ tổ chức là những sự kiện làm nổi bật đời sống văn hóa và nghệ thuật, đáng chú ý nhất là các cuộc đấu xảo năm 1902, 1913, diễn ra tại đại lộ Gambetta (hiện nay là Trần Hưng-Đạo). Nhưng vào năm 1923, từ ngày 25 tháng 11 đến ngày 10 tháng 12, một cuộc đấu xảo không do chính quyền bảo hộ mà do hội Khai-trí Tiến-đức [17] tổ chức tại trụ sở của hội gần hồ Hoàn-Kiếm, đã kêu gọi và quy tụ nhiều tài năng mới.
Lần đầu tiên trong cuộc đời nghệ sĩ, Nam-Sơn tham gia vào một cuộc triển lãm, cùng với những nhà mỹ nghệ thời bấy giờ như họa sĩ Thăng Trần Phềnh, mộc gia Phúc-Mỹ Trần Diễn-Giệm, điêu khắc gia Nguyễn Đức-Thục, họa sĩ Ngô Đặng-Đĩnh… Với những tấm tranh như "Mục đồng" (màu nước), và nhất là những tranh sơn dầu "Nhà nho xứ Bắc" (40x50cm), "Tĩnh vật" (40x50cm) của Nam-Sơn đã làm ông trở thành một trong những người vẽ tranh sơn dầu đầu tiên của nước Việt-nam [18].
Qua bài báo "Cuộc đấu xảo mỹ nghệ của hội Khai- trí", đăng trên tạp chí Nam-Phong số 78, tháng 12 năm 1923, (trang 501-502) Thượng-Chi (bút hiệu của Phạm Quỳnh) đã phê bình "Nhà nho xứ Bắc" và "Tĩnh vật" như sau :
Ông Nguyễn văn Thọ, hiệu Nam-Sơn, cũng là tay vẽ sơn dầu giỏi. Nhưng lối vẽ của ông "khí Tây" quá. Bức vẽ ông nhà nho, xem đã có vẻ linh hoạt lắm ; còn bức vẽ cái liễn, con dao và mấy quả tráng miệng thời dẫu tả thực hệt thật nhưng quyết không hợp với con mắt người Nam ta, (…) tưởng dẫu người hí tân hiếu kì nữa cũng cũng ít ai mua bức tranh vẽ bộ thìa dĩa tây và mấy cái quả tráng miệng về treo nhà !
Chúng ta hiện nay với những bước đi hiện đại có vận tốc siêu hình, nếu được dịp thưởng ngoạn tấm tranh "Tĩnh vật" của Nam-Sơn, khó ai có thể tin rằng ông đã đi trước thời gian để hình thành tác phẩm này, nhất là trong thời điểm ấy !
Riêng về tấm "Nhà nho xứ Bắc", trên nền màu nâu sẫm nổi bật gương mặt quắc thước của một nhà nho yêu nước dã tham gia phong trào Đông-Kinh Nghĩa-thục. Đó là chân dung cụ Sỹ-Đức (vừa là cậu đồng thời là thầy của Nam-Sơn), với cái nhìn rắn rỏi nhưng đượm buồn, trên đầu chít khăn trắng để tang cho nước mất nhà tan.
Tên của Nam-Sơn đã xuất hiện trong danh sách những người đoạt giải "Cuộc đấu xảo mỹ nghệ của hội Khai- trí", là một khích lệ làm tăng thêm niềm say mê cùng nỗi khát khao của ông trên con đường nghệ thuật.
Niềm say mê và nỗi khát khao ấy, như thúc đẩy bởi một bàn tay vô hình, đã hình thành trong Nam-Sơn một ý tưởng "ngông cuồng", ông muốn mọi người dân trong đất nước ông cùng được chung hưởng và học hỏi điều khám phá mới lạ này. Ý định mở ra một trường Mỹ thuật cứ lớn dần trong tâm tưởng, nhưng trước những khó khăn của một con người sống tại một đất nước nhược tiểu, biết phải làm sao ?! Ông đã lặng nghĩ trong bao tháng ngày. Sau nhiều đắn đo, ông trình bày nguyện vọng sôi nổi cuồng nhiệt ấy với Victor Tardieu, bởi ông biết rằng sau khi hoàn thành công trình của mình, Victor Tardieu sẽ trở về Pháp và có thể vĩnh viễn không bao giờ quay lại nơi đây. Nhưng lý do lớn nhất dằn vặt trong tâm hồn là ông biết mình chỉ là một người dân An-nam tầm thường, thấp cổ bé miệng, chỉ có thể trông cậy vào một người Pháp, vừa đoạt Giải thưởng Đông-dương, lại được phủ Toàn-quyền tin tưởng, và điều đáng lưu tâm nhất là người ấy không phải là người của chính quyền thực đân Pháp, lại có một tấm lòng rộng mở, không nhìn quê hương ông như một đất nước nô lệ bị đô hộ.
Chinh phục bởi nguyện vọng của Nam-Sơn, trong một bản phúc trình dưới cái tên "Nghệ thuật An-nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai" (L’Art annamite dans le passé, le présent et le futur), Victor Tardieu đã đề cập đến vấn đề mở ra một trường Mỹ-thuật tại Đông-dương.
Bản phúc trình này được chuẩn y bởi Toàn-quyền Martial-Henri Merlin. Ngày 27 tháng 10 năm 1924, xuất hiện trong Công báo (Journal Officiel) nghị định thành lập một ngôi trường dưới tên trường Mỹ-thuật Đông-dương. Ngôi trường này sẽ được dựng lên tại số 102 đường Reinach, gần trường Viễn-đông Bác-cổ, trực hệ Giáo-đoàn Pháp (l’Université de France) tại Hà-nội, dưới sự hướng dẫn và kiểm soát của nha Học-chính, với Victor Tardieu là Hiệu trưởng.
Được bổ nhiệm tham dụ trong "công sự Victor Tardieu", Nam-Sơn có trách nhiệm giúp đỡ Victor Tardieu trong việc mua dụng cụ cần thiết và tìm giáo sư cho trường Mỹ-thuật Đông-dương. Đầu năm 1925, ông xuống tàu Claude-Chappe tại Hải-phòng để đến Sài-gòn lúc 14 giờ 30 ngày 5 tháng 3. Vào 12 giờ ngày 8 tháng 3, ông có mặt trên tàu Porthos khởi hành đi Marseille. Tại Paris, ông được Victor Tardieu đón về cư ngụ ở tư gia (số 3 đường Chaptal thuộc quận 9).
Nghị định thành lập trường Mỹ-thuật Đông-dương
Với một chương trình học thật nặng nề nhưng không kém phần lý thú, buổi sáng Nam-Sơn theo học tại trường Mỹ-thuật Quốc-gia trong xưởng họa của Jean-Pierre Laurens (1875-1933, môn đồ của Ingres), buổi chiều tại trường Nghệ-thuật Trang-trí Quốc-gia trong xưởng họa của Félix Aubert (1866-1940), buổi tối ông học nắn hình dước sự hướng dẫn của các giáo sư Séguin và Maire. Chỉ còn lại ngày chủ nhật, ông dành thì giờ học hỏi thêm qua các tài liệu trong thư phòng của Victor Tardieu và khám phá Paris qua những cuộc thăm viếng các Bảo tàng viện và danh lam thắng cảnh.
Vào tháng 9, vì bị bệnh nên Victor Tardieu bắt buộc hoãn ngày trở lại Việt-nam, Nam-Sơn phải trở về Hà-nội để kịp buổi khai trường. Cùng đi với ông là một giáo sư tương lai sẽ phụ trách chuyên ngành sơn dầu, Joseph Inguimberty (1896-1971). Ngày 1 tháng 10 năm 1925 đánh dấu buổi khai trường Mỹ thuật Đông-dương. Trong muôn ngàn khó khăn, Nam-Sơn và Inguimberty đã đơn phương chuẩn bị cho kịp buổi tuyển sinh được tổ chức cùng một lúc tại Hà-nội, Huế, Sài-gòn, Phnom Pênh và Vientiane, với sự tham dự của 270 thí sinh.
Khi Victor Tardieu trở lại Đông-dương, tiếng trống trường đã điểm để mở đầu một chương trình học ba năm, với mười thí sinh trúng tuyển và khoảng hai mươi thí sinh dự bị. Trong khi chờ đợi xây cất (hoàn tất năm 1931), trường tạm dựng lên tại số 124 phố Hàng Lọng (route Mandarine).
Vì không có quy chế định biên dành cho người An nam, chức vụ của Nam-Sơn được ghi là Trợ lý (moniteur). Thật ra, vai trò của ông trong buổi đầu tiên này thật là đa hình đa dạng, luôn luôn ông phải hỗ trợ cho Victor Tardieu vì ông này quá bận rộn trong chức vụ Hiệu trưởng, đã lớn tuổi, lại là người Pháp. Cùng một lúc, Nam-Sơn vừa là thư ký, quản lý, giám học…, lại vừa phụ giảng cho Victor Tardieu hay Inguimberty. Chúng ta nên nhớ rằng trong thời thuộc địa, khó ai có thể hình dung ra một người An-nam được giữ chức giáo sư trong một ngôi trường Tây. Trong bài báo dưới tựa đề "L’École des Beaux Arts d’Hanoi", đăng trên "Illustration tạp chí", số 4522, ngày 2 tháng 11 năm 1929 (trang 513), đã khẳng định:
Các công việc và phận sự của những giáo sư trường Mỹ-thuật Hà-nội đã trở nên dễ dàng hơn qua sự giúp đỡ trung gian của một trợ lý người An-nam, ông Nguyễn Nam-Sơn. (…) Tấm gương của ông đã chứng minh những gì chúng ta có thể chờ đợi nơi các học sinh của ngôi trường này.
Rất nhiều nhà chuyên môn và nhà phê bình mỹ thuật Âu cũng như Á không biết rằng Nam-Sơn không bao giờ tốt nghiệp trường Cao-đẳng Mỹ-thuật Đông-dương, điều dễ hiểu là ông chưa từng bao giờ là học trò của trường, và khi trường mở cửa, ông là người đã dạn dày nhiều công lao. Ngày 24 tháng 10 năm 1927, một nghị định do nha Học Chính ban xuống đề cử Nam-Sơn lên làm giáo sư phụ trách lớp dự bị và chuyên ngành trang trí. Ông là người Việt-nam đầu tiên chính thức có chức vụ giáo sư trong ngôi trường này.
IV. Trường hợp Nam-Sơn Nguyễn văn Thọ
Trong quá trình thu thập các tài liệu về Nam-Sơn, chúng tôi không tìm ra được bản văn chính thức nào xác nhận vai trò đồng sáng lập trường Cao-đẳng Mỹ-thuật Đông-dương của Nam-Sơn. Thật sự mà nói, cũng KHÔNG có một tài liệu chính thức nào xác nhận Victor Tardieu là "người sáng lập" trường.
Một tài liệu khi được gọi là chính thức, xem như một nghị-định, nghĩa là có ghi ký hiệu, ngày tháng, được chính quyền đóng mộc, ký tên, đăng trên Công-báo và lưu giữ.
Nghị định thành lập trường, do Toàn-quyền Martial-Henri Merlin ký ngày 27 tháng 10 năm 1924 nói ở phần trên chỉ xác nhận Victor Tardieu là "hiệu trưởng" (directeur), chứ hoàn toàn không nói ông là "người sáng lập" (fondateur) !!! Xin lưu ý rằng ngôn ngữ Pháp rất rõ ràng, minh xác và mạch lạc, chính vì vậy, phần lớn các "Hiệp-định quốc tế" đều chọn Pháp ngữ để trình bày nội dung, hòng tránh những hiểu lầm đáng tiếc. Dĩ nhiên, "hiệu trưởng" chưa hẳn là "người sáng lập".
Nam-Sơn Nguyễn văn Thọ qua nét vẽ của Ngô Kim-Khôi,
sơn dầu trên lụa, 1998, 50x65cm.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, các nhà chuyên môn về hội họa, từ Âu sang Á, khi nói đến Victor Tardieu đều mặc nhiên công nhận ông là người sáng lập trường Cao-đẳng Mỹ-thuật Đông-dương.
Từ lâu, chúng tôi có một bản văn có thể gọi là "bán chính thức", nói lên vai trò sáng lập (fondateur) của Victor Tardieu và đồng sáng lập (co-fondateur) của Nam-Sơn đối với trường Cao-đẳng Mỹ-thuật Đông-dương, đó là quyển "Các trường Mỹ-thuật Đông-dương" (Les écoles d’art de l’Indochine), do Toàn-quyền Đông-Pháp xuất bản vào dịp Triển-lãm Quốc-tế Nghệ-thuật và Kỹ-thuật tại Paris 1937 [19].
"Bán chính thức" vì quyển sách nói trên không phải là một nghị định, không đóng mộc, ký tên, nhưng được Toàn-quyền Đông-Dương kiểm tra và xuất bản, có ghi mạch lạc rõ ràng nguyên nhân và năm tháng.
Quyển sách này lưu trong Thư-viện quốc-gia Pháp (Thư viện François Mitterrand) [20] dưới ký hiệu "QUARTO V 11476", và lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia Hà-Nội dưới ký hiệu "M.10692".
"Các trường Mỹ-thuật Đông-dương" gồm 41 trang, trình bày lịch sử hình thành và cấu trúc của 5 trường Mỹ-thuật tại Đông-dương (Hà-Nội, Phnom-Penh, Biên-Hòa, Gia-Định, Thủ-Dầu-Một). Riêng về trường Hà-Nội, sách còn đề cập đến vai trò của ban chấp hành cũng như nhiệm vụ của các giáo sư.
Tại trang 10, chúng ta đọc được "…trường Mỹ-thuật Đông-dương hay trường Mỹ-thuật Hà-Nội được sáng lập bởi họa sĩ Victor Tardieu, trong thời kỳ ông Merlin là Toàn-quyền Đông-dương (nghị định ngày 27 tháng 10 năm 1924), ông Victor Tardieu hiện nay là Hiệu trưởng" (…l’Écoles des Beaux-Arts de l’Indochine ou École de Hanoi a été fondée par le peintre Victor Tardieu, – son directeur actuel, M. Merlin étant Gouverneur général de l’Indochine (arrêté du 27 octobre 1924))
Tại trang 16, chúng ta đọc được "…Việc giảng dạy môn Đồ-họa và Trang-trí được phụ trách bởi một giáo sư chuyên ngành bậc 2, ông Nam-Sơn, là một trong hai người sáng lập trường Mỹ-thuật Đông-dương. Ông đã đạt được những thành quả lỗi lạc trong việc giáo dục đào tạo và đóng góp một phần rộng lớn trong việc phục hưng nền Mỹ-thuật truyền thống An-nam, cũng là học thuyết và hiến chương của toàn Trường " (…L’enseignement du Dessin et des Arts Décoratifs est assuré par un professeur technique de 2è classe, M. Nam-Son, qui est un des deux fondateurs de l’École. Il a obtenu des résultats remarquables dans son enseignement et contribué pour une large part à la renaissance de l’Art Annamite traditionnel, qui est la doctrine, la charte de l’École tout entière.)
Ngoài tài liệu gọi là "bán chính thức" nói trên, chúng ta còn có rất nhiều những chứng nhân hay những tư liệu thuộc về "tinh thần", tuy không chính thức nhưng phần giá trị và tầm mức quan trọng đôi khi còn hơn tài liệu chính thức. Hai gia đình Victor Tardieu và Nam-Sơn còn giữ rất nhiều những tư liệu, thư từ, và hiện nay, mối liên lạc giữa hai gia đình vẫn còn tiếp nối.
Trong một bức thư của Jean Tardieu, con trai Victor Tardieu, gửi cho Nguyễn thị Nguyệt-Minh, con gái của Nam-Sơn, viết ngày 23/04/1992, chúng ta đọc được :
"Biết bao nhiêu kỷ niệm trỗi dậy một cách bàng hoàng trong tâm tưởng khi ký ức của chúng ta hiện ra hình ảnh cha của bà và cha của tôi, đồng hợp tác với nhau, trong thời gian mà hội họa và văn hóa (việt-nam) là mối bận tâm trường kỳ dai dẵng của họ, và cũng là niềm vui của hai gia đình…" (Que de souvenirs bouleversants se lèvent dans notre pensée quand notre mémoire nous montre l’image de votre père et celle de mon père, associés, au temps où la peinture et la culture étaient leur constante préoccupation et pour la joie de leurs familles…)
Vai trò đồng sáng lập trường Cao-đẳng Mỹ-thuật Đông-dương của Nam-Sơn Nguyễn văn Thọ xem ra đã rõ ràng. Những sự kiện lịch sử, dù muốn hay không, vẫn là những sự kiện không thể chối cãi. Là con dân đất Việt, chúng ta nên tự hào đã có một người Việt góp công lao vào việc xây dựng và phát triển văn hóa nước nhà. Nên nhớ rằng dưới chế độ thực dân Pháp, việc đóng góp quan trọng của người An-Nam trong công cuộc xây dựng nền văn hóa mới không phải là điều dễ dàng được công nhận một cách chính thức. Họa sĩ Lương Xuân-Nhị đã từng viết thư cho chúng tôi "…ta hiểu rằng dưới chế độ thuộc địa của thực dân, người Việt-Nam chúng ta chẳng có quyền hành gì !" [21]
Nguyễn Trường Tộ trong "Tế cấp bát điều" (濟 急 八 條 , "Tám điều cứu vớt"), viết năm 1867 [22], đã nhấn mạnh :
[...] Nước ta trên cũng có trời che, dưới cũng có đất chở [...]. Nước ta cũng có tổ tiên mà sự tích còn lưu truyền lại [...], cũng có việc đáng nêu lên, sao không truyền tụng những gương tốt đó cho người ta phấn khởi bắt chước [...] ?
V. Kết luận
Qua khuôn khổ và giới hạn của một bài báo, chúng tôi không thể đi sâu hơn vào chi tiết. Chỉ xin được tóm lược rằng cuộc hành trình về phương đông của Victor Tardieu những tưởng chỉ trong vòng một năm theo học bổng của Giải-thưởng Đông-dương, ông đã ở lại đến cuối cuộc đời và sáng lập ra một nền móng nghệ thuật việt-nam hoàn toàn mới lạ. Trong suốt thời gian làm Hiệu trưởng, ông đã không ngừng nâng cao trình độ của sinh viên bằng cách dung hòa hai nền mỹ thuật Đông-Tây. Trường Mỹ-thuật Đông-dương đã bao lần bị áp lực của chính quyền thuộc địa hăm dọa đóng cửa, ông đã nhờ đến sự hỗ trợ và thế lực của nghị trưởng Phạm Huy-Lục [23] để ngôi trường thân yêu ấy còn tồn tại. Sau một cơn bệnh viêm phế quản, Victor Tardieu từ trần tại Hà-nội ngày 12 tháng 6 năm 1937.
Về phần Nam-Sơn, không ngừng nổ lực tìm tòi, học hỏi, những tác phẩm phối hợp hài hòa hai phương pháp Đông-Tây của ông đã vang tiếng trong nhiều cuộc triển lãm vào các thập niên 30, 40 tại Pháp, Ý, Đức, Bỉ, Hoa-kỳ, Nhật-bản… Ông đã biết đến niềm vinh quang qua Huy chương Bạc tại Triển lãm Hội các Nghệ sĩ Pháp (Salon des Artistes Français) năm 1932 với tác phẩm sơn dầu "Chân dung mẹ tôi" (Gia từ cận tượng, 家 慈 近 像, Portrait de ma mère), Giải thưởng Mỹ thuật Rome năm 1932 với tranh khắc gỗ "Cò trắng cá vàng"… Một điều đáng lưu ý là tấm tranh mực nho "Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng" (Hồng hà hữu ngạn mãi mại mễ xứ, 紅 河 右 岸 買 賣 米 處, Sur la rive droite du Fleuve Rouge où se vend et s’achète le riz) của Nam-Sơn là tấm tranh việt-nam đầu tiên đã được chính phủ Pháp quốc mua vào năm 1930. Ngoài ra, trong vai trò tiên phong, Nam-Sơn là người đã hình thành tấm tranh phấn tiên (pastel) "Chân dung cụ Sùng Ấm-Tường" vào năm 1927, và đi trước Nguyễn Phan-Chánh, tấm tranh lụa "Về chợ" của ông được hoàn thành vào năm 1927-1928. Đó là tấm tranh phấn tiên và tranh lụa đầu tiên của nước Việt-nam [24]. Vào ngày 9/3/1945, sau cuộc đảo chánh Nhật, các giáo sư người Pháp của trường Mỹ-thuật đã bị bắt hoặc trở về Pháp. Lần đầu tiên cũng là lần duy nhất, trường Cao-đẳng Mỹ-thuật Đông-dương được điều khiển và hướng dẫn bởi một người Việt-nam, Nam-Sơn Nguyễn văn Thọ trở thành Quyền-Hiệu-trưởng. Cuối năm 1945, dưới thời Việt-Minh, khi trường Mỹ-thuật Đông-dương đóng cửa [25], vì đã làm việc với chính quyền Pháp nên tên tuổi của Nam-Sơn bị chìm vào lãng quên. Hiện nay, người ta chỉ nhắc đến Victor Tardieu như người duy nhất sáng lập ra trường Mỹ-thuật Đông-dương, không biết do vô tình hay cố ý, đã quên đi người đồng sáng lập là Nam-Sơn Nguyễn văn Thọ. Lớp bụi thời gian đã phủ lên cuộc đời ông, dày đặc đến nỗi các nhà chuyên môn sau này hiếm có người được thưởng lãm các danh tác vang bóng một thời của ông. Cuối năm 1972, Bắc-Việt lầm than trong biển lửa ngút ngàn dưới hơn 36.000 tấn bom, Nam-Sơn Nguyễn văn Thọ ngã bệnh, từ trần trong khó khăn và quên lãng tại Hà-nội ngày 26 tháng 1 năm 1973. Nếu chúng tôi nhớ không lầm, chỉ có một phân ưu, rất khiêm tốn, đăng trên một tờ báo. Thử hỏi khi ông qua đời, có mấy người còn nhớ tới ông ?
Trên đây là một câu chuyện về hai cuộc đời. Câu chuyện này thuộc về văn hóa của nước Việt-nam, xin kể ra để mong trả lại lịch sử những gì thuộc về lịch sử, góp một phần tài liệu cho các nhà chuyên môn. Hơn nữa, chúng tôi còn nhận ra rằng đây là một bổn phận, vì nếu không sẽ có tội với đất nước tổ tiên, và kẻo lại một lần nữa bị Hàn-Dũ (韓 愈, Bá tước Xương-Lê, 768-824), chính trị gia đời Đường, vừa là thi nhân và nho gia danh tiếng, từ thế kỷ thứ VIII đã phê bình và khẳng định rằng :
"Việt tục bất hiếu cổ, lưu truyền thất kỳ chân".
( 鉞 俗 不 好 古, 流 傳 失 其 眞 )
Xin tạm dịch là người đất nước Việt không biết ưa chuộng quá khứ nên khó có thể tìm thấy được một lịch sử trung thực.
Ngô Kim-Khôi
Thành phố hoa Xoan, 2.2000, cập nhật 5.2008
................
Thư mục và tài liệu tham khảo :
- Cuộc đấu xảo mỹ nghệ của hội Khai trí, Thượng-Chi (Phạm Quỳnh), Nam-Phong tạp chí, số 78, 12/1923, trang 501-502.
- La peinture chinoise. Technique et symbolisme. Manière spéciale des Chinois d’interpréter la Nature, Nam-Sơn Nguyễn văn Thọ, Nam-Phong tạp chí, số 144, 11/1929, phụ trang tiếng Pháp, trang 33-42.
- La peinture chinoise, Nam-Sơn Nguyễn văn Thọ, Đông-kinh ấn quán, nhà xuất bản Lê văn Phúc, Hà-nội 1930.
- L’École des Beaux Arts d’Hanoi, khuyết danh, Illustration tạp chí, số 4522, 2/11/1929, trang 513.
- L’École des Beaux Arts d’Hanoi, Jean Gallotti, Illustration tạp chí, số 4608, 27/06/1931.
- L’Indochine : Un lieu d’Échange Culturel ? Les peintres français et indochinois, Nadine André Pallois, École Français d’Extrême Orient, Paris 1997.
- Les Écoles d’Art de l’Indochine, nha Học-chính, Toàn-quyền Đông-dương, Hà-nội 1937.
- Rénovation de l’art vietnamien, A. N. Beun, Đông-Tây tạp chí (Orient-Occident), số 5, 11/1952, trang 74-88.
- Souverains et Notabilités d’Indochine, Toàn-quyền Đông-dương, I.D.E.O., Hà-nội 1943.
- Tạp chí Extrême Asie, số 12, tháng 6/1927, trang 495.
- Théâtre du Garde Chasse, Tòa Thị chính Thị xã Les Lilas, 1994.
- Tìm hiểu tạp chí Nam-Phong (Introduction au Nam-Phong), Phạm thị Ngoạn, Bulletin de la Société des Études Indochinoises, số 2 3, 2e và 3e tam cá nguyệt, Sài-gòn 1973.
- Trois écoles d’Art de l’Indochine, nha Học-chính, Toàn-quyền Đông-dương, Hà-nội 1931.
[1] Tấm vitrail này đã bị chiến tranh tiêu hủy vào năm 1940, nhưng những bản mẫu (études) hiện nay vẫn còn lưu giữ tại viện Bảo tàng Dunkerque.
[2] Hiện đang trưng bày tại viện Bảo tàng Rennes.
[3] Là con gái nhà soạn nhạc nổi tiếng Alexandre Clément Luigini (sinh tại Lyon năm 1850), bà đã đoạt giải nhất tại Nhạc viện Lyon qua tiếng đàn Hạc-cầm (harpe). Bà còn có người em trai là họa sĩ Ferdinand Luigini. Trong gia đình, bà được gọi một cách thân ái là "Caline" (dịu dàng).
[4] Tất cả những sơn dầu kể trên hiện đang trưng bày tại viện Bảo tàng Lyon.
[5] Vào đầu thế kỷ 20 chưa có l’Ile de France.
[6] Phòng Lễ Hội của Hội-đồng Thị-xã Les Lilas được xây cất vào đầu thế kỷ thứ XIX (1903 1907) dưới bản vẽ của kiến trúc sư Bévière. Năm 1994, phòng Lễ Hội đã được hoàn toàn chỉnh trang và trở thành Kịch viện Garde Chasse, đồng thời cũng là môt phòng chiếu bóng. Khi có dịp, chúng tôi sẽ viết một cách rõ ràng hơn về tấm bích họa này của Victor Tardieu, nhưng quý bạn độc giả nếu có điều kiện đến Lilas (Métro Mairie des Lilas) cũng nên dừng bước ghé thăm.
[7] Nghị định lập Giải thưỏng Đông-dương do Toàn quyền Antony Wladislas Klobukowski ký năm 1910, do "Hội Thuộc-địa Nghệ-sĩ Pháp" (Société Coloniale des Artistes français) đề xướng với ý định phát khởi nghệ thuật phương Tây tại Đông-dương. Giải thưởng này đã ban cho 21 họa sĩ, đầu tiên là Ferdinant Olivier (1873-1956) và cuối cùng là Louis Bâte (1898-1948).
[8] Nguyễn Duy Thời (Thì) đỗ Hoàng giáp triều Lê Thế Tông, từng đi sứ sang nhà Minh, làm quan đến chức Hộ Bộ Thượng thư kiêm Chưởng lục bộ sự, Thái phó, tước Tuyền Quận công (grand Duc), khi mất được truy phong Thái tể. Tác phẩm hiện còn trong Toàn Việt thi lục.
Con trai ông, Nguyễn Duy Hiểu, đỗ Hoàng giáp triều Lê Thần Tông, làm quan đến chức Thiêm đô ngự sử, từng đi sứ sang nhà Minh, mất trên đường đi và được truy phong Hình bộ tả Thị lang, tước Hầu (Marquis).
[9] Những công lao khó nhọc và tấm lòng hy sinh vô bờ bến như nước trong nguồn chảy ra ấy của cụ Nguyễn thị Lân sau này thấu đến triều đình, vào năm 1927, cụ được vua Bảo Đại ngự ban một Kim khánh khắc bốn chữ " 節 行 可 封 " (Tiết hạnh khả phong). Vào đầu thập niên 40, một bức tượng bán thân của cụ đã được hình thành bởi điêu khắc gia Vũ văn Thu (nhạc phụ của họa sĩ Tạ-Tỵ), bức tượng này hiện để trên bàn thờ gia tiên của gia đình Nam-Sơn tại đường Nguyễn Du, Hà-nội.
[10] 芥 子 園 畫 傳, Le jardin aussi gros qu’une graine de moutarde, là một bộ cẩm nang bách khoa về hội họa cổ điển trung hoa, của họa sĩ đồng thời là một văn sĩ danh tiếng đời Khanh-Hy : Lý Ngư (1611 1679). Sở dĩ sách có tên như vậy là vì đã được khởi thảo sau một cuộc luận đàm về hội họa giữa Lý Ngư và Trần Tâm-Hữu trong khu vườn Giới-Tử của Trần Tâm-Hữu ở Nam Kinh. Nhờ có sự cộng tác của Trần Tâm-Hữu và nhất là của Vương An-Tiết (tự Lộc-Sài), cuốn sách này đã ra đời vào năm 1679 và tái bản với nhiều bổ túc vào năm 1701. Sách gồm có những tài liệu di lại của Lý Trường-Hành (1575 1629), tổ tiên của Lý Ngư, một bài tiểu dẫn của Lý Ngư, những mục về cây, về đá, về nhân vật và 130 bản in những cổ họa và mẫu vẽ.
[11] Trường Amiral Courbet, gọi môn na là trường Hàng Vôi, sau là trường Nguyễn Du.
[12] Đại-úy Lục-binh thuộc địa, tác giả quyển "Les Jauniers, histoire vrais", xuất bản năm 1930. Thời đó, chính quyền thuộc địa chỉ chấp nhận những sinh hoạt có tính cách chính trị hay tôn giáo, từ chối cấp kinh phí cho những hoạt động văn hóa xã hội nên việc thành lập Hội-quán Sinh-viên An-nam đã gặp rất nhiều cản trở. Cuối cùng Paul Monet đã xin được kinh phí từ Hoa-Kỳ !
Tác giả Nguyên Hương – Nguyễn Cúc, trong bài viết "Họa sư Nguyễn Khoa Toàn", (Định Hướng số 51, Mùa Xuân 2008, tr. 56, đã ghi nhầm là Jean Mounet.
[13] Trưởng phòng chính trị tại phủ Toàn quyền Pháp (Directeur des Affaires Politiques au Gouvernement Général), còn là người đồng sáng lập Nam-Phong tạp chí cùng với Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá-Trác.
[14] Dựa theo một câu trong Thánh-kinh "il y a beaucoup d’appelés et peu d’élus" (Phúc-Âm, Mathieu 22:14).
[15] Hồ sơ lưu số 372, hộp số 42, Trung-tâm Lưu-trữ Quốc-gia I Hà-nội. Công trình này của Victor Tardieu được hoàn tất vào những năm 1925-1927. Những bích họa nói trên đã hoàn toàn bị bôi xóa vì con người và chiến tranh. Sau này, vào ngày 15/3/2006, một phần của bích họa đã được phục dựng bởi họa sĩ Hoàng Hưng cùng một nhóm họa sĩ. Victor Tardieu dùng 6 năm để hoàn thành bích họa, nhóm họa sĩ Hoàng Hưng chỉ có 3 đến 4 tháng để phục dựng, về chính xác và giá trị nghệ thuật, xin nhường sự đánh giá cho các nhà chuyên môn !!!
[16] Vào thời ấy, tranh sơn dầu rất xa lạ với người Việt chúng ta vì sơn dầu chỉ chủ yếu dùng trong việc sản xuất đồ sơn như tủ, hộp, tráp, bao gươm, tượng, hoành phi, câu đối, bình phong…
[17] Hội Khai-trí Tiến-đức (Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites) được thành lập ngày 2 tháng 5 năm 1919 với chủ tịch là Tổng đốc Hoàng Trọng-Phu, phó chủ tịch Bùi Đình-Tá, tổng thư ký Phạm Quỳnh.
[18] Trước Nam-Sơn, chúng ta có thể nhận ra rằng những tranh sơn dầu đầu tiên xuất hiện tại Đông-dương là tác phẩm của một họa sĩ người Huế, Lê Huy-Miến (1873 1943), sinh tại Nghệ-an. Ông được triều đình An-nam và chính quyền bảo hộ gửi sang Paris năm 1892 để theo học trường Thuộc-địa. Ông vào trường Mỹ-thuật Paris trong xưởng họa Jean-Léon Gérôme, họa sĩ có khuynh hướng đông phương (orientalisme, xuất hiện trong bước đi của chủ nghĩa lãng mạn Pháp nửa đầu thế kỷ XIX). Đó là những tấm tranh "Chân dung cụ Tú mền" (49x60cm, 1896), "Bình văn" (68x97cm, 1898).
[19] Exposition Internationale des Arts et Techniques Paris 1937, Section Coloniale, Indochine Français, Gouvernement Général de l’Indochine, "Les Écoles d’Art de l’Indochine", Hanoi, Imprimerie d’Extrême-Orient, 1937.
[20] Thư-viện quốc-gia Pháp khởi nguyên thuộc hoàng gia (triều vua Charles V, 1338-1380), đặt tại cung điện Louvre. Sau đó thư-viện dời về Blois thuộc vùng Fontainebleau, đến 1568 lại trở về Paris. Dưới triều Louis XIV, thư-viện được khai triển và mở cửa cho quần chúng. Sau nhiều lần dời chỗ đổi tên theo thăng trầm lịch sử Pháp, vào năm 1720, thư-viện cố định tại đường Richelieu (ngày nay gọi là "site Richelieu"). Năm 1988, Tổng-thống François Mitterrand (1916-1996) ra nghị định xây một thư-viện mới rộng lớn và hiện đại hơn, thuộc quận 13, (ngày nay gọi là "site Tolbiac" hay "site François Mitterrand"). Ngày 20/12/1996, thư-viện quốc-gia Pháp khánh thành và chính thức mở cửa cho dân chúng, trong khi "site Richelieu" chỉ dành riêng cho các nhà nghiên cứu. Thư-viện quốc-gia Pháp là một thư viện quan trọng có tầm vóc quốc tế.
[21] Thư Lương Xuân-Nhị viết ngày 23/11/1999.
[22] Bản dịch của Trần Lê Hữu trong "Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ cuối thế kỉ XIX", Đặng Huy Vận & Chương Thâu, nxb Giáo dục 1961.
[23] Con cháu cụ Phạm Huy-Lục tại Paris vẫn còn gìn giữ hai bức tranh lụa của sinh viên Lưu Đình-Khải, quà biếu của Victor Tardieu về sự can thiệp trên.
[24] Những tấm tranh lụa "Chơi ô ăn quan" và "Lên đồng" của Nguyễn Phan-Chánh, được vẽ vào năm 1931, đến nay vẫn được coi là những tranh lụa đầu tiên của nước Việt-nam. Điểm sai lầm này do ở các nhà chuyên môn không tìm hiểu cặn kẽ và không có đủ tài liệu chính xác !
[25] Để sau đó mở cửa tại chiến khu Việt bắc dưới tên "Trường trung học Mỹ-thuật", do họa sĩ Tô Ngọc-Vân làm hiệu trưởng.
Nhận xét
Đăng nhận xét