Trong quá trình kiếm tìm những hình thức kiến trúc mới đầu thế kỉ 20 nhằm thoát ly khỏi Chủ nghĩa Cổ điển đã đã ngự trị kiến trúc thế giới trong suốt hơn 400 năm trước đó, chủ thuyết Art Deco đóng một vai trò quan trọng. Ảnh hưởng của kiến trúc Art Deco đã thoát ly ra khỏi phạm vi một quốc gia hay một châu lục, những phương cách biểu hiện của Art Deco cũng không chỉ giới hạn ở những công trình kiến trúc thông thường mà còn vươn tới những toà nhà chọc trời ở Mỹ, một biểu tượng của công nghệ xây dựng mới nhất thời bấy giờ.
Ảnh 1: Biệt thự trên phố Đặng Dung
Mặc dù mang danh Art Deco và chịu nhiều ảnh hưởng của các trào lưu kiến trúc trước đó như lập thể, trừu tượng, biểu hiện..., kiến trúc Art Deco không tự giới hạn mình vào các hình thức trang trí đơn thuần mà khẳng định tính tiên phong của mình bằng những khối hình học kinh điển trong bố cục không gian. Những băng cửa rộng chạy theo chiều ngang hay chiều dọc trên mặt đứng kết hợp với các hình thức trang trí bằng thép uốn hay việc sử dụng màu sắc cũng là những phương cách biểu hiện mới của Art Deco.
Ảnh 2: Biệt thự trên phố Chu Văn An
Hà Nội những năm 1930 dưới thời thịnh trị của chủ nghĩa thực dân Pháp, bản qui hoạch đầu tiên của kiến trúc sư E. Hébrard đã bắt đầu hình thành trên thực địa với những với những đại lộ, những con phố mang đậm phong cách Pháp. Mặt đường trải nhựa thẳng tắp, vỉa hè rộng rãi với hai hàng cây xanh, thật khác xa những con đường chật chội trong khu phố cũ. Những lô đất ở đây tiếp tục được lấp đầy bởi các biệt thự, những lô lớn có diện tích tới 5 - 700 m2, thậm chí hàng nghìn m2 phân bố ở khu vực quận Ba Đình và một phần quận Hoàn Kiếm hiện nay, những lô đất nhỏ hơn cỡ 2 - 400 m2 phân bố ở khu vực phía dưới quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng hiện nay.
Ảnh 3: Biệt thự 2 tầng trên phố Lý Thường Kiệt
Kiến trúc biệt thự trên các lô đất này cũng bắt đầu thay đổi. Nhà mái dốc theo phong cách địa phương miền bắc nước Pháp rõ ràng là không thích hợp với khí hậu nhiệt đới Việt Nam. Nhà theo phong cách Tân cổ điển với những hình thức trang trí rườm rà lại càng không thích hợp. Việc tìm tòi một hình thức nhà ở mới thích hợp với khí hậu địa phương trở nên cấp thiết, và những biệt thự theo phong cách Art Deco với những cải biên cho phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới Việt Nam tỏ ra rất thích hợp trong giai đoạn này.
Ảnh 4: Một biệt thự trên phố Chu Văn An bị thêm vào tầng mái một cách tuỳ tiện / Ảnh 5: Chi tiết dàn hoa trên mái
Biệt thự kiểu Art Deco ở Hà Nội có thể được chia thành hai loại theo dây chuyền công năng. Loại công năng hoàn chỉnh - hợp khối và loại công năng không hoàn chỉnh - phân tán. Loại biệt thự công năng hoàn chỉnh thường do các kiến trúc sư người Pháp thiết kế, được xây dựng trên những lô đất có diện tích lớn của các chủ nhân người Pháp hoặc quan lại người Việt (ảnh 1, 2, 3). Loại công năng không hoàn chỉnh và phân tán được xây dựng ở những lô đất có diện tích nhỏ hơn và chủ nhân là người Việt (ảnh 4). Điều này cũng giải thích cho việc bố trí khối nhà phụ tách ra khỏi khối nhà ở rất gần gũi với kiến trúc nhà ở cổ truyền Việt Nam, nó tạo ra một hình thức kiến trúc Hoà trộn (mixte) giữa kiến trúc Pháp và kiến trúc Việt.
Ảnh 6: Chi tiết trang trí lồng cầu thang / Ảnh 7: Chi tiết trang trí cầu thang chính
Về bố trí mặt bằng thì loại biệt thự công năng hoàn chỉnh – hợp khối thường có 3 tầng: Tầng 1 (tầng trệt) bố trí nhà xe rộng có thể để được tới 2 xe hơi, bếp, phòng ở gia nhân cho nhiều người, khu vệ sinh, kho… có chiều cao tương đối thấp (khoảng 3 m), tầng này còn có tác dụng ngăn cách sàn tầng ở tiếp xúc trực tiếp với mặt đất, ngăn cản hữu hiệu hiện tượng đọng sương trên mặt sàn thường xảy ra trong điều kiện thời tiết ẩm ướt vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân ở Hà Nội. Tầng 2 bố trí phòng khách lớn, phòng sinh hoạt gia đình, giữa hai phòng này thường được liên hệ bằng một cửa đi rộng, phòng ăn bố trí gần cầu thang nội bộ để thuận tiện cho việc đưa đồ ăn từ bếp lên. Tầng 3 là các phòng ngủ trong đó phòng ngủ chính có cửa đi trực tiếp vào khu vệ sinh. Trên tầng thượng thường có một “phòng trà” diện tích khoảng trên chục m2, cửa sổ mở rộng ra các phía, được tổ chức như một nơi tụ tập các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè ăn uống nhẹ vào những buổi tối đẹp trời. Giao thông theo chiều đứng ngôi nhà được đảm trách bởi hai cầu thang, cầu thang chính rộng tới khoảng 2m dẫn từ sân trước lên phòng khách, lan can cầu thang được xây bằng gạch và trang trí rất tinh tế bằng hoa văn hoặc các chậu cây cảnh (ảnh 7). Cầu thang nội bộ bố trí phía trong nhà có chiều rộng nhỏ hơn và thông từ tầng 1 lên tầng thượng.
Ảnh 8: Chi tiết trang trí lan can
Loại biệt thự công năng không hoàn chỉnh - phân tán thường có khối nhà chính 2 tầng: Tầng 1 bố trí phòng khách và phòng ăn có diện tích không lớn, tầng 2 bố trí các phòng ngủ, khu vệ sinh được tách thành hai phần xí tắm riêng biệt và phục vụ chung cho cả tầng, cầu thang bố trí trong nhà và liên hệ thẳng từ tầng 1 tới sân thượng. Khối nhà phụ nằm phía sau khối chính là nơi bố trí nơi để xe, kho, bếp, khu vệ sinh, phòng ở gia nhân và liên hệ với khối nhà chính qua sân trong.
Về tổ hợp hình khối không gian thì biệt thự Art Deco ở Hà Nội thường sử dụng các khối hình vuông hoặc chữ nhật cho các không gian ở kết hợp với các khối hình bán nguyệt là nơi bố trí lồng cầu thang tạo thành một hình thức kiến trúc mang tính hiện đại và giản dị.
Ngôn ngữ trang trí chủ đạo của biệt thự Art Deco là sử dụng các đường cong làm bớt đi vẻ thô nặng của các khối hình hộp. Vật liệu trang trí chủ yếu là thép uốn với nhiều hình thức phong phú, đôi khi những mảng phù điêu bằng thạch cao hoặc xi măng cũng được sử dụng, kính màu thì chỉ có lác đác ở một vài công trình. Phần mái được tô điểm thêm bởi dàn cây bằng bê tông cốt thép và những hoạ tiết trang trí bằng vữa đắp. Ở những biệt thự lớn thì dàn cây xanh còn được bố trí ở sân vườn hoặc ngay tại sảnh tầng 2 (ảnh 5 và 10).
Ảnh 9: Chi tiết trang trí cửa đi / Ảnh 10: Chi tiết trang trí sân vườn
Phần mái bằng được cấu tạo đặc biệt để phù hợp với khí hậu nhiệt đới Việt Nam cũng là một trong những đặc trưng quan trọng của biệt thự Art Deco ở Hà Nội. Mái được cấu tạo bởi hai lớp bê tông cốt thép đổ tại chỗ cách nhau khoảng 0,4 đến 0,6 m, giữa hai lớp này là các lỗ thoáng được đặt ở hai phía đối diện hoặc ở cả 4 phía của ngôi nhà, bên ngoài được trang trí bằng cả chất liệu và mà sắc rất thú vị. Cũng do cấu tạo mái bằng ở kiểu biệt thự này mà lần đầu tiên khái niệm sân thượng được đưa vào kiến trúc nhà ở Việt Nam. Sân thượng cho phép người ở có được những hoạt động tiếp xúc với thiên nhiên vào buổi sáng và buổi tối ngay tại nhà mình, một điểm rất đáng lưu ý trong cuộc sống đô thị.
Biệt thự Art Deco ở Hà Nội là một phần của di sản kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc, tuy nhiên số lượng biệt thự còn giữ nguyên được dáng dấp ban đầu còn rất ít, chủ yếu là ở khu vực ngoại giao đoàn, đa phần các biệt thự do người Việt Nam ở đã biến dạng và xuống cấp trầm trọng. Do sự thiếu hiểu biết về các đặc trưng của Art Deco nên trong nhiều trường hợp cải tạo hoặc phục dựng một số biệt thự, các nhà thiết kế đã đưa vào những chi tiết kiến trúc rườm rà, xa lạ với phong cách Art Deco, làm hỏng những ngôn ngữ biểu cảm của loại biệt thự này. Thành phố cũng cần có những sách lược nhằm giữ cho di sản biệt thự Art Deco không “biến mất” trong tương lai gần vì đa số các biệt thự đều đã có tuổi thọ trên 70 năm.
Ghi chú:
Ghi chú:
- Ảnh trong bài của Trần Quốc Bảo, Đào Thái Hà, Trần Chí Toàn, Phạm Trường Minh
- Hình vẽ trong bài của Đào Thái Hà
Nhận xét
Đăng nhận xét