Kiến trúc trường học phong cách địa phương Pháp ở Hà Nội

Trong thời kỳ tiến hành Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất, đặc biệt từ 1920, năm mở đầu cho Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương, rất nhiều người Pháp mang theo cả gia đình sang Hà Nội làm ăn, sinh sống. Nhu cầu học hành cho con em của họ dẫn tới việc xây dựng một loạt trường học dành cho học sinh người Pháp. Mở đầu là trường Grand Lycée Albert Saraut, tiếp đến là các trường Petit Lycée và trường Nữ học Pháp. Vì là các trường dành riêng cho con em người Pháp nên các nhà đầu tư cũng muốn đưa phong cách kiến trúc Địa phương Pháp vào việc xây dựng các ngôi trường này để thoả mãn tâm lý nhớ quê hương của những học sinh mới sang Việt Nam.

Ảnh 1: Trường Grand Lycée (Ảnh chụp đầu thế kỷ 20). Nguồn: myhanoigroup.com 
Phong cách kiến trúc Địa phương Pháp của các trường học đầu tiên giành cho học sinh người Pháp gây ấn tượng mạnh đến mức mà sau đó, các trường học dành cho học sinh người Việt như các trường Lycée du Protectat, École Normale Supérieur Đỗ Hữu vị, Collège Henri Russier… đều được xây dựng theo phong cách kiến trúc Địa phương Pháp.
Theo nghiên cứu của chúng tôi thì hầu hết các trường học ở Hà Nội xây dựng dưới thời kỳ Pháp thuộc mang phong cách kiến trúc Địa phương Pháp. Chúng tôi cũng chưa phát hiện ra một công trình công cộng nào lớn mang chức năng khác được thiết kế theo phong cách này.
Trường Grand Lycée Albert Saraut (nay là trụ sở Ban Đối ngoại trung ương Đảng trên phố Hoàng Văn Thụ) có thể coi là trường học bậc phổ thông lớn nhất được xây dựng ở Hà Nội dưới thời Pháp thuộc, nhưng vì một số lý do chúng tôi chưa khảo sát được (Ảnh 1). Dưới đây là một số trường mà chúng tôi coi là tiêu biểu và có giá trị về mặt kiến trúc ở Hà Nội.  
Trường Petit Lycée (trường PTTH Trần Phú ngày nay) được xây dựng cùng thời gian với trường Grand Lycée, tạo thành một cặp trường học theo mô hình các đô thị lớn ở Pháp, trong đó trường Petit Lycée dành cho học sinh các lớp thấp trong khối trung học thời bấy giờ.

Ảnh 2: Trường Petit Lycée 
- Hình vẽ: Phạm Duy Tùng  
Trường được xây dựng trên khu đất rộng, án ngữ bởi ba đường phố, trong đó có hai trục phố lớn lúc bấy giờ là các phố Rollandes (phố Hai Bà Trưng) và phố Rialan (phố Phan Chu Trinh). Tổng thể trường học gồm hai khối nhà: khối nhà học hai tầng hướng ra phố Rollandes, khối xưởng trường và các phòng thí nghiệm mọt tầng cách khối nhà học một khoảng sân rộng có hành lang cầu nối giữa chúng.
Nhà học chính hình chữ U gồm hai tầng, có hành lang cầu mái ngói đón từ cổng trường dẫn vào chính sảnh. Nhà được cấu trúc theo kiểu hai hành lang bên phía trước và phía sau, mỗi hành lang rộng 2m có hệ thống cửa sổ hành lang bao gồm cửa kính trong chớp ngoài. Cấu trúc mặt bằng theo kiểu đối xứng hoàn toàn. Tầng một có khu vực trung tâm là khối văn phòng và phòng nghỉ giáo viên, các phòng học được bố trí ở hai phía, mỗi phía gồm 4 lớp học dọc theo hành lang và một lớp được bố trí ở cánh chữ U, các phòng vệ sinh được bố trí ở hai đầu hồi có hệ thống cửa lấy sáng theo phương đứng. Ngăn cách giữa khối phòng học và khối văn phòng là hai cầu thang rộng 1,2m dẫn lên tầng hai. Khu vực trung tâm tầng 2 được bố trí các phòng làm việc, phòng hội đồng, các phòng học cũng được bố trí ở hai phía tương tự tầng 1, sàn phòng học bằng gỗ lim có tầng cách âm, ngoài ra còn có một cầu thang cuốn dẫn lên tầng 3, thực chất chỉ là một tầng chống nóng cho khu vực trung tâm nên khá thấp và có các cửa thông gió chèn gạch hoa ở các phía.
Hình khối không gian của khối nhà học được bố trí theo dạng đăng đối nghiêm ngặt với khối nhà hình chữ U có hai cánh bao lấy sân trước. Khối trung tâm được nhấn mạnh bởi chiều cao nổi trội với tháp đồng hồ ở giữa, các cửa sổ dạng cuốn vòm với bán kính cong nhỏ dần theo phương đứng, dãy cửa thông gió trang trí bằng gạch hoa kết hợp với hàng công son bằng gỗ tiện đõ bờ mái làm tăng thêm vẻ kỳ thú của toà nhà, tháp đồng hồ được trang trí cầu kỳ tạo ra điểm nhấn cho khối trung tâm. Các khối phòng học ở hai phía có phong cách trang trí thống nhất với khối trung tâm nhưng có độ cao thấp hơn, cửa sổ cuốn vòm với bán kính nhỏ dần theo chiều đứng, mái được đưa ra khỏi tường khá nhiều và được đõ bởi hệ công son gỗ, các chi tiết trang trí bằng gạch trần tuy không cầu kỳ nhưng có tính thẩm mỹ cao.
Mặc dù mang phong cách kiến trúc Địa phương Pháp, nhưng các kiến trúc sư - tác giả toà nhà đã có những biến đổi về mặt bằng - không gian cho phù hợp điều kiện khí hậu nhiệt đới Hà Nội với kiểu bố cục hành lang rộng có cửa sổ bao quanh các lớp học làm cho các phòng học luôn thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Tầng áp mái với hàng cửa thông gió trang trí bằng gạch hoa vừa có tính cách nhiệt tốt, vừa mang lại tính thẩm mỹ cao cho toà nhà. Nhìn chung thì đây là công trình công cộng phong cách Địa phương Pháp hầu như duy nhất ở Hà Nội, có “bóng dáng” nhiệt đới hoá, lại được nằm trong hệ thống cây xanh đặc trưng Hà Nội nên tạo ra cảm giác gần gũi với môi trường đô thị Thủ đô (Ảnh 2).
Trường Nữ học Pháp (nay là trụ sở Bộ Tư pháp) được xây dựng khoảng cuối những năm 1920 trên đường Gallieni (phố Trần Phú) và được giới hạn bởi các phố Brière de l’Isle (đường Hùng Vương) và Van Vollenhoven (phố Chu Văn An). Về qui mô xây dựng thì đây là trường phổ thông lớn thứ hai ở Hà Nội, chỉ sau Lycée Albert Saraut, và được dành riêng cho các nữ học sinh người Pháp.

Ảnh 3: Trường Nữ học Pháp 
Trên mặt bàng tổng thể thì trường được hợp thành bởi khối nhà học chính ba tầng ở trung tâm, hai nhà điều hành được xây dựng giống như hai biệt thự ở hai phía của nhà chính theo qui luật đăng đối. Sân trường và các khu sinh hoạt ngoài trời bố trí phía sau.
Nhà học chính có ba tầng, tầng một bao gồm một chính sảnh rất rộng phù hợp với công năng đón / thoát người của một trường học lớn. Từ chính sảnh có thể theo hai hành lang bên rộng 1,8m tới các lớp học ở hai phía, cuối các hành lang là sảnh nhỏ dùng để thoát người có bố trí cầu thang phụ được chiếu sáng bởi các cửa kính lớn ở đầu hồi nhà và khu vệ sinh. Từ sảnh chính cũng có thể lên tầng hai bằng một cầu thang lớn hình chữ T rộng tới 3,2m. Tầng hai gồm phòng nghỉ giáo viên ở giữa và 12 lớp học được bố trí ở hai phía, các lớp học được bố trí ở một phía hành lang phía sau toà nhà và nhìn ra sân chơi. Tầng ba chỉ có ở khu trung tâm và có lẽ chỉ mang yếu tố thẩm mỹ cho mặt đứng chứ không có chức năng gì đặt biệt.
Về mặt tổ hợp hình khối không gian kiến trúc thì toà nhà được bố cục theo phong cách đối xứng hoàn toàn với khối trung tâm cao ba tầng nổi bật ở giữa. Khối nhà này được trang trí khá cầu kỳ với lượng mở cửa nhỏ dần theo chiều cao, các cửa cũng được kết thúc theo qui luật cuốn vòm bán kính nhỏ dần theo phương đứng. Các họa tiết trang trí ở phần tiền sảnh, xung quanh các cửa và giữa các tầng được gia công rất tinh tế. Mái ngói bốn mặt tạo ra một đỉnh nhọn, được cấu tạo nhô ra khỏi mặt tường một khoảng cách khá lớn và được đỡ bởi một hệ công son gỗ hình tam giác mảnh. Tháp đồng hồ nhỏ cắt giữa mái mang tinh thần kiến trúc cổ điển tạo ra nét duyên dáng và độc đáo của công trình này. Hai khối phòng học bên cao hai tầng với mặt đứng được tạo thành bởi các cửa sổ phòng học kết thúc theo chiều ngang ở tầng một và cuốn vòm ở tầng hai. Các hoạ tiết quanh cửa được bố trí khá cầu kỳ và thống nhất với khối trung tâm. Mái ngói cũng được đưa ra khỏi mặt tường một khoảng cảnh lớn và được đỡ bởi hệ công son kép. Đầu hồi nhà được kết thúc bởi hệ thống cửa lấy sáng cho cầu thang theo kiểu giật cấp khá độc đáo.

Trường Nữ học Pháp - Hình vẽ: Phạm Duy Tùng  
Đối xứng qua trục chính của nhà học là ngôi nhà kiểu biệt thự hai tầng giống nhau hoàn toàn với cấu trúc hành lang giữa rộng 1,8m, hai bên là các phòng làm việc, giao thông theo chiều đứng được đảm nhiệm bởi một cầu thang bố trí phía đầu hồi nhà. Để hài hoà với nhà học chính, kiến trúc của hai biệt thự này cũng có một khối nhô lên ở giữa, tiền sảnh nhô ra tạo thành một hiên nhỏ, tường và cửa được trang trí theo cùng mẫu hình với nhà chính, mái ngói vươn ra khỏi tường và được đỡ bởi hệ công son gỗ đặc biệt cầu kỳ ở khối giữa. Nét duyên dáng riêng của hai biệt thự này là có nhiều ban công trang trí bằng hệ con tiện nhô ra ở cả bốn phía.
Với tỷ lệ hình khối độc đáo, phương cách tổ chức mặt đứng hài hoà, các hoạ tiết trang trí có tính thẩm mỹ cao, trường Nữ học Pháp có thể được coi là trường học đẹp nhất ở Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc này (Ảnh 3).
Trường Lycée du Protectorat còn gọi là trường Bưởi (trường PTTH Chu Văn An ngày nay) bắt đầu hoàn thành từ năm 1908, ban đầu chỉ là trường Collège du Protectorat (Tương đương trường trung học cơ sở hiện nay) và được nâng cấp thành trường Lycée (Trung học phổ thông) vào năm 1931.

Ảnh 4: Trường Collège du Protectorat
Khác với các trường trung học xây dành cho học sinh người Pháp được xây dựng theo kiểu tập trung ở các khu vực trung tâm thành phố, trường dành cho học sinh người Việt được xây dựng theo kiểu phân tán ở khu vực ngoại vi Hà Nội lúc bấy giờ thuộc địa phận làng Thụy Khuê (phố Thụy Khuê ngày nay). Trong khuôn viên nhà trường có tới 3 nhà học, 2 nhà thí nghiệm và xưởng trường, một nhà điều hành và một biệt thự cho giám đốc trường (*) được xây dựng trong các thời kỳ khác nhau.
Hai nhà học xây dựng những năm đầu thế kỷ 20 là các tòa nhà 3 tầng, hành lang bên rộng 2,5m, hành lang tầng 1 kiểu cuốn vòm mở ra bên ngoài, hành lang tầng 2 và 3 có hệ thống cửa sổ hành lang hai lớp kính - chớp. Liên hệ giữa các tầng là một cầu thang trung tâm rộng 1,2m, hai phía bố trí các phòng học, đầu hồi là khu vệ sinh. Hình khối không gian của hai tòa nhà cũng rất đơn giản, các cuốn vòm ở tầng 1 và các hệ thống cửa sổ tầng 2 và 3 gần giống nhau hoàn toàn trên bộ chiều dài nhà, không có bất kỳ sự nhấn mạnh nào ở khu vực trung tâm. Hình thức trang trí đơn giản, mái ngói với hệ thống sê nô thoát nước bằng tôn làm cho hình thức các tòa nhà này tương đối nhàm chán.
Tòa nhà học thứ ba cũng cao 3 tầng xây dựng khoảng những năm 1920, phong cách bố trí mặt bằng giống như hai tòa đã xây trước đó. Tuy nhiên trong việc tổ hợp hình khối kiến trúc và trang trí thì ở tòa nhà này đã có sự nâng cấp. Bên cạnh các cuốn vòm ở tầng 1 và hệ thống cửa sổ các tầng trên đã được thêm vào một số yếu tố trang trí trang nhã hơn, đặc biệt là hệ thống sê nô bê tông cốt thép mở rộng phía dưới lớp mái ngói được đỡ bởi hàng công son uốn cong làm cho tòa nhà trở nên uy nghi hơn. Nhìn chung thì đây là kiến trúc có giá trị duy nhất trong ba tòa nhà học của trường.

Ảnh 5: Nhà điều hành trường Lycée du Protectorat 
 
Hai nhà thí nghiệm và xưởng trường một tầng nằm đối diện với các nhà học qua sân trường, được xây dựng khoản đầu những năm 1920. Mặt nằng bố trí theo kiểu hành lang bên có cửa sổ rộng 2,0m, ở giữa là các phòng thí nghiệm rộng rãi, hai đầu bố trí các phòng chuẩn bị và kho dụng cụ. Mặc dù chỉ là công trình phụ trợ, có độ cao khiêm tốn so với nhà học nhưng hai nhà thí nghiệm lại được thiết kế khá đẹp. Hệ thống cửa sổ và cửa đi kiểu cuốn vòm với các chi tiết trang trí bằng gạch trần và đắp vữa khá bắt mắt. Đầu hồi xử lý kiểu giật cấp với hệ cửa sổ theo phương đứng. Mái đua ra khỏi tường khá rộng và được đỡ bởi hệ công xon gõ tiện dạng kép trang trí công phu.
Khối văn phòng nhà trường được bố trí trong một ngôi nhà hai tầng kiểu biệt thự hành lang giữa, hai phía là các phòng làm việc, cầu thang và khu vệ sinh bố trí ở đầu hồi. Hình khối kiến trúc ngôi nhà khá đẹp do kiểu bố trí mặt bằng giật cấp tạo ra các khối trên mặt đứng. Cửa sổ và cửa đi được kết thúc bởi các cuốn vòm kết hợp với các họa tiết trang trí đơn giản nhưng trang nhã. Mái ngói có độ dốc vừa phải với khối thang nhô cao tạo điểm nhấn cho ngôi nhà. 
Có thể nói trường Lycée du Protectorat là một điển hình cho dạng trường học cấu trúc phân tán ở Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc. Hai tòa nhà học xây dựng giai đoạn đầu có chất lượng thẩm mỹ không cao, nhưng các khối nhà xây dựng sau đó thì khá đẹp. Sự kết hợp giữa các tòa nhà và khối cây xanh trong sân trường tạo ra một tổng thể kiến trúc hài hòa mang đậm chất “ học đường” mà các trường dành cho học sinh người Pháp không có được (Ảnh 4,5).
Trường École Normale Supérieur Đỗ Hữu Vị (trường THPT Phan Đình Phùng ngày nay) thành lập năm 1923 là một trường học lớn thời bấy giờ, về tầm vóc có thể so sánh với trường Bưởi, trường Đồng Khánh (trường THCS Trưng Vương ngày nay) và đều là những trường dành cho học sinh người Việt.

Ảnh 6: Trường École Normale Supérieur Đỗ Hữu Vị 
Trường nằm trên một khuôn viên rộng rãi được giới hạn bởi các phố Carnot (phố Phan Đình Phùng), Đỗ Hữu Vị (phố Cửa Bắc) và Grand Bouddha (Phố Quán Thánh). Nhà học chính là một tòa nhà ba tầng bố cục gần đăng đối. Mặt bằng các tầng bố trí như nhau theo kiểu hàng lang bên rộng 2,5m bao gồm cầu thang chính bằng gỗ rộng ở giữa, mỗi bên bố trí bốn lớp học, đầu hồi phía bên trái là khu vệ sinh, hồi phải bố trí thang phụ. Hình thức kiến trúc của tòa nhà gần giống với kiểu kiến trúc tòa nhà học xây những năm 1920 ở trường Bưởi nên cũng khá đẹp. Hàng lang tầng một được mở rộng ra sân trường bởi hành lang cuốn vòm trang trí khá cấu kỳ, hành lang các tầng 2 và 3 có cửa sổ hai lớp. Hình thức trang trí mặt đứng tương đối phong phú bao gồm các mô típ trang trí bằng vữa đắp kết hợp với cách trang trí bằng gạch trần phía trên cửa sổ tầng 3 kết hợp với hệ sê nô bê tông mở rộng tạo ra sự kết thúc rõ rệt của tòa nhà theo phương đứng. Nhà thí nghiệm và xưởng trường nằm vuông góc và được nối với nhà học bởi một hành lang cầu mái ngói. Đây là một ngôi nhà được cấu trúc khá độc đáo với hành lang bên rộng 2,0m quay vào sân trường có cửa sổ hai lớp, giữa hành lang và không gian bên trong chỉ được phân định tương đối bằng những cuốn vòm, mặt đứng quay ra phố Đỗ Hữu Vị được trang trí bằng hệ thống cửa sổ cao và các công xon gõ đỡ mái ngói khá đẹp nhưng nay đã xuống cấp trầm trọng.
Khối nhà văn phòng của trường được bố trí trong một biệt thự hai tầng quay ra phố Carnot. Đây thực chất là một nhà làm việc kiểu hành lang giữa xây dựng theo phong cách biệt thực địa phương Pháp khá xinh xắn nhưng cũng đã bị xuống cấp nặng nề và hiện đang trong quá trình tu bổ. 
Cũng giống như trường Bưởi, École Normale Supérieur Đỗ Hữu Vị là một ngôi trường xây dựng theo kiểu phân tán trong một khuôn viên cây xanh rất rộng. Tuy nhiên khuôn viên nhà trường ngày nay đã bị thu hẹp, lại có nhiều nhà học mới xây chen vào nên giá trị về mặt kiến trúc tổng thể bị giảm đi đáng kể (Ảnh 6).
Nhận xét
- Kiến trúc các công trình công cộng phong cách địa phương Pháp ở Hà Nội chủ yếu được thể hiện ở thể loại công trình trường học. Ban đầu là các trường dành cho học sinh người Pháp nên chúng được xây dựng theo phong cách Địa phương Pháp nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm lý nhớ quê hương của học sinh. Sau đó thì các trường học xây dành cho học sinh người Việt cũng chịu ảnh hưởng của phong cách kiến trúc này.
- Kiến trúc trường học phong cách Địa phương Pháp ở Hà Nội chủ yếu ảnh hướng bởi kiến trúc miền Bắc và Tây Bắc nước Pháp với hệ thống các họa tiết trang trí trên mặt đứng có sự kết hợp với kiến trúc miền Trung nước Pháp chủ yếu thông qua bộ mái.
- Kiến trúc trường học phong cách Địa phương Pháp có thể được chia thành hai nhóm: Nhóm các trường dành cho học sinh người Pháp như Grand Lyceé, Petit Lyceé, trường Nữ học Pháp mang tính hợp khối cao, nhà học chính đồ sộ và được cấu tạo đầy đủ các bộ phận như chính sảnh, các phòng nghỉ giáo viên… Nhóm các trường dành cho học sinh người Việt như trường Bưởi, trường Đỗ Hữu Vị, trường Henri Russier được thiết kế theo kiểu phân tán với các khối nhà học và các thí nghiệm được thiết kế tương đối đơn giản, công năng không đầy đủ, nhưng lại được xây dựng trong những khuôn viên cây xanh rộng nên tạo ra được những tổng thể trường học mang tính “sư phạm” hơn. 

Kết luận
- Các công trình kiến trúc phong cách Địa phương Pháp là một bộ phận không thể tách rời  trong di sản kiến trúc Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc.
- Kiến trúc phong cách Địa phương Pháp ở Hà Nội mặc dù mang đặc tính của kiến trúc các vùng miền khác nhau của nước Pháp, xong khi được xây dựng trong môi trường cảnh quan Hà Nội đã có những biến đổi nhất định và góp phần quan trọng vào bộ mặt kiến trúc một số khu vực nội thành Hà Nội, đặc biệt là khu trung tâm quận Ba Đình, nơi có nhiều trường học được bảo quản và duy tu tương đối tốt.
- Do chưa được đánh giá một cách đầy đủ và thận trọng nên một số công trình đã bị phá bỏ một cách đáng tiếc như tòa nhà học trường Collège Henri Russier (trường PTCS Nguyễn Công Trứ ngày nay) trên phố Nguyễn Trường Tộ, hay bị thu hẹp diện tích, để xuống cấp một số nhà đã có và đưa vào những công trình xây dựng dạng nhái Pháp cổ, hoàn toàn xa lạ về mặt phong cách với công trình kiến trúc Địa phương Pháp chủ đạo làm giảm đáng kể giá trị không gian kiến trúc tổng  như trường THPT Phan Đình Phùng trên phố Cửa Bắc.
- Việc cải tạo các công trình kiến trúc phong cách Địa phương Pháp cho phù hợp với điều kiện sử dụng mới là cần thiết, xong khi đặt ra phương án cải tạo, các kiến trúc sư cần nắm vững đặc tính cơ bản của phong cách kiến trúc này để tránh việc phá vỡ không gian tổng thể hoặc đặc tính kiến trúc của những công trình này.
  • CHÚ THÍCH
(*) Biệt thự của viên Đốc học là dạng nhà ở được xây dựng theo phong cách tân cổ điển kiểu đế chế mang tính chiết trung nên chúng tôi không đề cập đến trong bài báo  này.
- Ảnh trong bài : KTS Trần Quốc Bảo 
  • TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
- Đặng Thái Hoàng: Kiến trúc Hà Nội thế kỷ XIX – XX. NXB Hà Nội, 1995
- F.Teronobu, Phạm Đình Việt và cộng sự: Bảo tồn di sản kiến trúc Hà Nội. NXB Xây dựng, 1997
- Hữu Ngọc, L. Borton: Kiến trúc Pháp ở Hà Nội. NXB Thế giới
- Nguyễn Đình Toàn: Những nhân tố tự nhiên và truyền thống văn hoá bản địa trong kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ, 1997
- Trần Hùng, Nguyễn Quốc Thông: Thăng Long – Hà Nội, mười thế kỷ đô thị hoá. NXB Xây dựng, 2004
- Trần Huy Liệu: Lịch sử thủ đô Hà Nội. NXB Hà Nội, 2000.
Tiếng Pháp
- C. Pédelahore : Hanoi, le miroir de l’architecture indochinoise. Grase, 1982 
- C. Pédelahore : Les éléments constitutifs de la ville de Hanoi. Grase, 1982
- L. G. Pineau : Urbanisme en Indochine. Hanoi, 1943 

Nhận xét