Từ Bi Hồng: "Xin hãy bỏ roi xuống"


Ở Việt Nam họa sỹ Từ Bi Hồng được nhắc đến với tài danh họa sỹ vẽ ngựa, nếu nhiều hơn một chút thì biết ông là người vẽ tranh lịch sử nổi tiếng, hơn một bậc nữa thì hay rằng ông là người vẽ tranh sơn dầu khỏa thân số một của Trung Quốc nửa đầu thế kỷ 20.
Từ Bi Hồng là một dãy núi hùng vỹ, ai may mắn thì được biết dăm ba ngọn núi mà thôi. Ông là một bậc tài danh, được giáo dục nghiêm cẩn, 9 tuổi đã đọc hết “Kinh”, “Thư”, “Dịch”, “Lễ” và “Tả thị truyện”, cũng ở tuổi này bắt đầu học họa từ thân phụ. Mười tuổi đã viết câu đối cho người trong hương thôn, 22 tuổi sang Tokyo nghiên cứu Mỹ thuật, 24 tuổi đi du học ở Pari (Pháp), 26 tuổi sang Berlin (Đức) tiếp tục tầm sư học đạo. Trong cuộc đời bôn ba sáng tạo của mình, năm 1939 ông tới Singapo vẽ và trưng bày tác phẩm. Bức tranh “Xin hãy bỏ roi xuống” được sáng tác trong dịp này.
Ngày 7 tháng 4 năm 2007, trong phiên đấu giá ở Hồng Kông, bức tranh vẽ lại một cảnh trong vở hát rong “Xin hãy bỏ roi xuống” của danh họa Từ Bi Hồng đã phá kỷ lục về bức tranh sơn dầu đắt nhất của Trung Quốc. Lần đặt giá cuối cùng của bức tranh là 7128 vạn USD Hồng Kông (khoảng hơn 9 triệu USD). Bức tranh này đe dọa tới độ chính xác của các bộ từ điển Mỹ thuật trên thế giới khi viết về danh họa Từ Bi Hồng. Khi giới thiệu về Từ Bi Hồng, tuyệt đại đa số các bộ từ điển không nhắc đến tác phẩm này. Cuốn Từ điển giáo dục mỹ thuật giản minh của Nhà xuất bản giáo dục Hồ Bắc ấn hành năm 1996 mà tôi có trong mục về Từ Bi Hồng cũng không nhắc tới tác phẩm này.

Trở lại với bức tranh “Xin hãy bỏ roi xuống”, như những bức tranh có giá ngất ngưởng khá, nó cũng có một câu chuyện li kỳ. Như đã nói ở trên, bức tranh vẽ lại một cảnh diễn trong vở kịch nói. “Xin hãy bỏ roi xuống” do tác giả Điền Hán chuyển thể từ một truỵện ngắn của Goethe là vở kịch thuộc thể loại nghệ thuật đường phố.
Tác phẩm dựa trên sự tương tác của công chúng. Tóm tắt nội dung: sau sự kiện 18 tháng 9 năm 1931, đế quốc Nhật xâm chiếm vùng Đông Bắc Trung Quốc, có hai cha con nhà nọ phải rời bỏ quê hương hành nghề hát rong qua ngày. Trong một lần diễn xướng trên đường phố, người con gái khi cất giọng lên vì đói quá nên đã lả đi. Người cha thấy vậy bèn vung roi lên đánh, từ trong đám đông một người công nhân phẫn nộ hét lên: “Ông kia hãy bỏ roi xuống”. Sau khi đã cướp được chiếc roi từ tay người cha người thanh niên đã lớn tiếng trách mắng ông lão. Ông lão và cô gái giãi bày nỗi thống khổ vì giặc Nhật đã xâm chiếm quê hương, gây nên cảnh ly tán thì tất thảy mọi người xung quanh vô cùng cảm động, đồng thanh hô to: “Đả đảo đế quốc Nhật”.
Vở kịch đã dấy lên tinh thần chống Nhật cho nhân dân. Trong suốt thời gian kháng Nhật, vở kịch này đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của quần chúng.


Tháng 10 năm 1939 khi họa sỹ Từ Bi Hồng sang Singapo bắt gặp nữ minh tinh Thượng Hải nổi tiếng Vương Doanh đang diễn vở kịch này tại quảng trường để kêu gọi Hoa kiều đóng góp vào sự nghiệp kháng chiến chống ngoại xâm của đất nước (TQ). Vô cùng cảm kích trước nghĩa cử của nữ nghệ sỹ, danh họa Từ Bi Hồng trong 10 ngày đã vẽ hoàn thành bức tranh này. Đây là bức tranh duy nhất của họa sỹ Từ Bi Hồng vẽ về đề tài kháng chiến. Bức tranh bắt nguồn từ sự cảm động trước phẩm cách cao thượng và tinh thần ái quốc của nữ sỹ Vương Doanh
.
Trong bức tranh khổ lớn Ngu Công dời núi, tuy các nhân vật đều là người thời thượng cổ, nhưng có một gương mặt phụ nữ đang nở nụ cười rạng rỡ mang bóng dáng dung nhan của minh tinh Vương Doanh mà Từ Bi Hồng một lần nữa bày tỏ sự cảm kích.
Sau khi hoàn thành tác phẩm này, danh họa từng nói với Vương Doanh: Cô từng nỗ lực hết mình vì nghệ thuật, dành tâm huyết cho tổ quốc, phù hợp với tinh thần Ngu Công, cho nên tôi đã mượn dung mạo của cô để vẽ nhân vật phụ nữ đứng cạnh Ngu Công”.
Bức họa nổi tiếng này đã đúc kết tinh thần ái quốc của hai nghệ sỹ lớn. Bức tranh sau đó được tặng lại cho người bạn Hoa kiều ở Singapo - Hoàng Mạnh Quế. Khi họa sỹ Từ Bi Hồng còn sống, bức tranh này đã được triển lãm nhiều nơi. Kể từ sau năm 1954 (sau khi Từ Bi Hồng mất) bức tranh gần như rơi vào quên lãng.


Năm 1939 khi Từ Bi Hồng vẽ bức tranh "Xin hãy bỏ roi xuống" ông đã 44 tuổi, tài năng đã ở độ chín, kỹ thuật sơn dầu đã tới chỗ điêu luyện. Bức tranh đặt nhân vật vào vị trí cận cảnh, trung tâm của bức tranh. Tác phẩm vẽ cô gái trong tư thế đang khụy chân xuống, ánh mắt tuyệt vọng nhìn ngước lên trên, theo cánh tay đang nâng dải khăn hướng ra ngoài. Với bố cục này, Từ Bi Hồng đặt người xem vào vị trí của người tham dự, trở thành một khán giả của vở kịch đường phố. Trong chất liệu sơn dầu, họa sỹ từ Bi Hồng là người trung thành với chủ nghĩa Hiện thực.

Nhưng khác với cách thức kể chuyện trong các kiệt tác như Ngu Công dời núi hay 500 nghĩa sỹ Điền Hoàng, công chúng không còn là người chứng kiến khách quan câu chuyện mà đã thực sự tham dự vào khung cảnh diễn xuất. Tác phẩm làm người xem xúc động bởi cách tổ chức hướng nhìn các ánh mắt trong tranh. Tất cả ánh mắt của 16 nhân vật tập trung vào cô gái hát rong, rồi tất cả được chuyển ra ngoài cho khán giả qua ánh mắt và cử chỉ của cô gái. Họa pháp này chúng ta đã từng thấy qua tác phẩm kinh điển Tiếng thét trên cầu của Munch vẽ năm 1893.
Nếu hôm nay chúng ta xét tác phẩm này thuần túy về nghệ thuật, chắc cũng nhiều người thấy tác phẩm này cũng không có gì thực sự xuất chúng. Kỹ thuật sơn dầu mà Từ Bi Hồng sử dụng đã được châu Âu hoàn thiện từ nhiều thế kỷ trước, cách khai thác tâm lý nhân vật đã được hội họa cổ điển phương Tây làm từ lâu. Nhưng nếu nhìn từ góc độ xã hội, tác phẩm thể hiện được những biến cố lịch sử. Và nếu đặt tác phẩm này trong hệ thống các tác phẩm vẽ về phụ nữ trong lịch sử Trung Hoa, đây là tác phẩm không phải để tôn vinh vẻ đẹp hình thể hay tâm hồn của người phụ nữ một cách chung chung. Xin hãy bỏ roi xuống là tác phẩm lồng ghép cả số phận dân tộc Trung Hoa vào trong hình ảnh một cô ca kỹ hát rong !
Hôm nay, khi Trung quốc đang tiến dần tới vị trí của một cuờng quốc kinh tế, dân giàu nước mạnh thì mảnh hồi ức thương đau dễ làm người ta bùi ngùi. Bức tranh trong thời gian triển lãm ở Bắc Kinh, Thượng Hải trước khi bán đấu giá đã nhận được tình cảm nồng nhiệt của nhân dân.


Nhìn lại mỹ thuật Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20 trong sự so sánh với Trung Quốc, người viết mạo muội có một nhận xét là: Các họa sỹ trường Đông Dương ít bộc lộ thái độ xã hội trong các tác phẩm hội họa hay điêu khắc. Đành rằng Nguyễn Gia Trí và Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn đã có những bức tranh biếm họa xuất sắc, bộc lộ nhãn quan xã hội rất sắc sảo của người nghệ sỹ. Nhưng hình như tính chất duy mỹ của trường phái Mỹ thuật Đông Dương đã không cho phép những thái độ này chuyển hóa thành các tác phẩm hội họa.
Nếu văn học nửa đầu thế kỷ với chủ nghĩa hiện thực phê phán cho chúng ta thấy hình ảnh của một xã hội Việt Nam đầu thế kỷ có nghiện hút, đĩ điếm, lừa đảo, ăn cắp, cưỡng hiếp, có những chuyện tục tĩu, có những thứ tào lao bông phèng nhảm nhí v.v... Tất cả những điều đó đã biến mất trước giá vẽ của các họa sỹ trường Mỹ thuật Đông Dương.Năm 1939 là năm nổ ra Đại chiến thế giới lần thứ 2. Hình như tiếng súng không vọng tới trời Nam, họa sỹ Vũ Cao Đàm vẫn vẽ Cuộc trò chuyện ngoài vườn giữa những người thanh lịch, họa sỹ Lê Quốc Lộc say sưa với không khí Hội chùa, Trần Văn Cẩn thì sáng tác hai bức tranh Gánh lúa và Ngư Dân gửi đi triển lãm ở Tokyo, cụ Nam Sơn có bức chì mầu Thầy tu và Nguyễn Phan Chánh có bức Trốn tìm.
Tranh Trung Quốc được mua giá đội trời bởi những người Trung Quốc. Sẽ đến lúc tranh Việt Nam có giá ngất giời bởi người Việt. Nhưng trước hết tác phẩm phải là nghệ thuật của chính dân tộc đó. Chúng ta đặt niềm tin vào tương lai bởi đã có những người mở đường như Nguyễn Sáng.
Trần Hậu Yên Thế/Cuộc sống ViệtMột vài tác phẩm của danh họa:

Nhận xét