CHÙA QUẢNG TRIỆU



Người Hội An thường không phân biệt đình, miếu và chùa. Cứ thấy ngôi miếu nào "hoành tráng" thì gọi là chùa. Miếu Quảng Triệu cách chùa Cầu khoảng 50 mét về hướng đông, nhìn ra sông Thu Bồn và làng An Hội.

Quảng Triệu là tên ghép của QUẢNG CHÂU và TRIỆU KHÁNH, hai phủ của tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa. Người của hai phủ này lưu lại Hội An sau người Phúc Kiến và Hải Nam, dầu rằng Hải Nam thời đó cũng là một phủ thuộc tỉnh Quảng Đông và người Hải Nam ban sơ không tính chuyện lưu lại nơi xứ người như một câu liễn nơi tam quan Quỳnh Phủ Hội Quán trước khi đập phá để trùng tu lại như bây giờ:
月 臺 靈 緒 在 万 無 一 日不 思 鄕 
Nguyệt đài linh tự tại, vạn vô nhất nhựt bất tư hương.

 Tiền môn QUẢNG TRIỆU HỘI QUÁN.
Ngôi miếu này được các nội dung quảng bá du lịch Hội An hiện thời ghi năm khởi tạo là 1885, nhưng trên nóc miếu vẫn còn dấu tích để lại:


Nóc miếu khắc ghi: QUAN TỰ THẬP NIÊN (1884)
Đỉnh đồng ghi: QUAN TỰ CỬU NIÊN (1883)

Lư hương ghi: QUAN TỰ THẬP NHẤT NIÊN (1885)
Và con cháu trong bang hứa sẽ tìm bằng chứng: Lần đầu khởi dựng miếu là năm 1786. 
Riêng lần trùng tu năm 1992, tiền môn được xây mới hoàn toàn.

 Quảng Triệu Hội Quán - Ảnh photo Vĩnh Tân chụp năm 1930
Chùa Quảng Triệu hiện nay thờ:
ĐỨC QUAN THÁNH vía ngày 13 tháng giêng âm lịch
BÀ THIÊN HẬU THÁNH MẪU vía ngày 23 tháng 3 âm lịch 
NGÀI THẦN TÀI 

Tuy nhiên, chùa Quảng Triệu khởi thủy lại thờ Đức Khổng Phu Tử nhưng chủ yếu làm hội quán là chính. 
Chùa Quảng Triệu là nơi mở trường dạy tiếng Hoa đầu tiên tại Hội An.Trường lấy tên là HƯNG HOA dạy tiếng Hương âm tức tiếng Quảng Đông (có mời thầy từ bên Tàu qua dạy).

Ngày 04 tháng 5 năm 1919 xảy ra cuộc Ngũ Tứ vận động lan rộng khắp 22 tỉnh và 150 thành phố ở Trung Quốc, là một phong trào đấu tranh rộng lớn của sinh viên, học sinh, công nhân, thị dân, trí thức Trung Quốc (dẫn đến thành công: đoàn đại biểu Trung Quốc tại Pháp cự tuyệt ký vào Hiệp ước Versailles), cộng với sự ảnh hưởng của giáo sư Hồ Thích nên trường bỏ dạy Văn ngôn (chữ xưa), chuyển qua dạy chữ quốc ngữ gọi là tiếng phổ thông tức Quan thoại. Đồng thời chùa Quảng Triệu theo chủ trương của một thầy giáo họ La từ Trung Hoa qua dạy trong chùa cũng thôi không thờ đức Khổng, từ đó chùa không thờ vị nào cả một thời gian khá lâu.  
Theo lời ông Ngô Tỵ kể: "Từ khi ông Năm Đệ tức Phan Quang Đệ thôi không giữ từ nữa vì già yếu, tôi kế tục lo quét dọn hội quán, lúc đó trong chùa chỉ treo duy nhất tấm ảnh ông Tôn Dật Tiên, thời gian sau xin thỉnh tượng đức Quan Thánh thờ ở chùa Long Tuyền về phụng cúng. Ổn định đâu đó bang mới cử người về Trung Quốc thỉnh tất cả các tượng mà hiện nay đang tồn tại trong chùa".
 

Nhận xét