ĐÌNH THANH HÀ


Cứ theo nội dung gia phả của tộc Nguyễn Viết... và tộc Võ Văn..., tính từ ông sơ cho đến nay, hai họ này đã có mặt tại làng Thanh Hà và lưu truyền gần 20 đời.
Ông Võ Văn Tấn, 54 tuổi, hậu duệ đời thứ 19. 
Ông Nguyễn Viết Thành, 84 tuổi, hậu duệ đời thứ 18.













Nếu tính một đời trên dưới 30 năm thì làng Thanh Hà có thể được lập từ thế kỷ thứ XV.

Có làng tất có đình nhưng thiên tai, địch họa cộng với mức sống thuở xa xưa còn nghèo khó nên việc duy trì một ngôi đình làng tự cổ cho đến bây giờ quả là điều khó thực hiện. Tìm cứ liệu như đáy biển mò kim chỉ biết về sau vào năm 1953, các hương thân kỳ lão trong làng đã xây lại đình Thanh Hà hiện tọa lạc trên đường Hùng Vương, số 128, khối 8 phường Thanh Hà, thành phố Hội An.

Tam quan đình Thanh Hà
Cổng chính: THANH HÀ ĐÌNH * Hai cổng phụ: QUANG TIỀN - KẾ HẬU
 

Mặt trong cổng đình
Cổng chính: VẠN CỔ TRƯỜNG TỒN * Hai cổng phụ: TRI ÂN - THỪA ĐỨC

Nhưng trước khi có ngôi đình này, làng Thanh Hà lại có đến hai ngôi đình làng đồng thời, nguyên do, làng có đến 3 phe (giáp): Phe Đông, Phe Tây và Phe Trung.
Phe Đông lập đình trước gọi là Đình Đông, sau đó di chuyển một lần nữa về vị trí gần nhà ông Trùm Có. 
Phe Tây - Trung, chậm hơn một năm, lập đình Nhị Giáp ở An Bang (khối 4 bây giờ).
Rồi chiến tranh ập đến, đình Đông bị hư hỏng nặng còn đình Nhị Giáp tự phá hủy để tham gia tiêu thổ kháng chiến.

Đến năm 1953, ba phe ngồi lại cùng thống nhất lập lại ngôi đình làng trên hoang tàn đổ nát. Đầu tiên cử người thu hồi gạch gỗ đình Đông, sức dân tháo gỡ gạch ngói ngôi chùa Phật gần nhà bà Dần mà lúc này đã trở nên hoang phế vì không đủ tài lực để tu sửa. Tiếp đến quyên góp dân xóm Hậu Xá (nằm cạnh thôn 4, Bàu Súng, giáp Ngọc Thành, nam sông Thu Bồn và bến xe) mỗi hộ 200 đồng. Dân các xóm khác thì tùy hão tâm hoặc bỏ công góp sức. 
Sở dĩ phải dài dòng như trên vì trong đình hiện không có văn bia nêu lên chứng lý cho biết sự kế thừa của thời gian trước.


Sân đình
Đến ngày mồng hai tháng tư năm Quý Tỵ 1953 đình chính thức khánh thành. Mỗi năm hai lần,
Xuân kỳ: 15 tháng 2 - Thu tế: 20 tháng 8, hiệp kỵ Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu.

Xà cò chánh đường ghi: 
TUẾ THỨ QUÝ TỴ NIÊN, TỨ NGUYỆT, SƠ NHỊ NHẬT, TỴ BÀI THƯỢNG LƯƠNG TỔ ĐÌNH TỌA HƯỚNG QUÝ ĐINH TÝ NGỌ. THANH HÀ XÃ, BỔN XÃ ĐỒNG KIẾN TẠO. 1953.
(Hướng Quý Đinh Tý Ngọ của la bàn Bát Quái là hướng Bắc-Nam)

Bái đường có năm gian thờ nhưng độc nhất chỉ một chữ THẦN trơ trọi đắp nổi nơi gian giữa.
Câu đối hai bên chữ THẦN:
Anh linh thiên cổ tú
Hiển hách vạn thu thiều
Anh linh ngàn năm đẹp
Hiển hách vạn thuở cao
Cặp liễn màu đen:
Thanh lâm phát xuất tam chi thụ
 ảnh quang trình ngũ thể vân
Rừng xanh tỏa rậm ba cây lớn
Ráng đỏ rực màu năm sắc mây
Cặp liễn màu vàng:
Thánh đức uy linh bảo hộ hương thôn an thái bình
Thần ân hiển hách khuông phò chư tánh khang ninh thịnh
Đức thánh uy linh, bảo hộ làng thôn no ấm
Ơn thần hiển hách, phò trì dân chúng yên vui
 
Ông Nguyễn Viết Thành giải thích rằng, "khi chạy loạn, cái gì cũng có thể không đem theo nhưng gia phổ và bài vị tiên đường phải ưu tiên gìn giữ trước. Nhưng nếu không thất lạc thì có khả năng phải đốt đi vì nông nỗi của kẻ khác".

 KÍNH SỞ TÔN
(Từ câu: Kính sở tôn hề ái sở thân: Kính trọng ông bà là kính trọng mẹ cha)
 TỒN PHONG CỦ: Giữ gìn phong cách, quy củ

Nơi góc tối tường phía đông, chợt thấy một bức hoành treo ở nơi không trang trọng, hỏi người thủ từ, được biết đó là một trong ba hoành phi có từ khi lập đình:

TỰ CỔ HỮU QUANG (Từ xưa tỏa sáng)
Quý Tỵ niên trung thu - Trung sĩ Nguyễn Ninh phụng cúng
Ông Nguyễn Ninh thực sự tự hào với cấp bậc mà mình hiện có. 
Giờ đây dù ở cõi khác, nhưng tôi tin người Hạ sĩ quan này chưa quên bốn chữ DANH DỰ - TRÁCH NHIỆM ngày nào còn trên vai áo.

Ông Thành còn kể cho nghe về miếu Thái Giám gần nhà ông Hương Di, về Thanh Hà trường mà xưa kia gọi là trường Tổng, về miếu bà ở bến xe. Ông cũng nhắc tên các ông trùm như Trùm Đen, Trùm Đỏ, Trùm Chương, Trùm Đặng, Trùm Liễu, Trùm Bụi, Trùm Lòng, Trùm Rừng... nhưng khi hỏi về Trung sĩ Nguyễn Ninh, mắt ông chợt dõi xa rồi nhỏ nhẹ trả lời: tôi... không dám... nhớ!!

Nhận xét