Operation Camargue-Cuộc hành quân Camargue
















60 năm, tên một con đường
Thứ năm, 15 Tháng 8 2013 08:56
Con đường ấy chạy dọc theo chiều dài vùng Quảng Trị quê tôi. Nó vốn không có tên. Giống như mọi con đường lớn nhỏ khác, nó chỉ được phân loại và đánh số thứ tự: quốc lộ 1, 2…, tỉnh lộ 30, 40, v.v... Những người lính da trắng và da đen trong đạo quân xâm lược nước ta sau năm 1945 đã đặt tên cho nó là Con Đường Không Vui (La Rue sans Joie), không vui cho quân đội Pháp đã đành, không vui cả cho quân đội Mỹ mấy năm sau (The Street Without Joy). Cái tên ấy sở dĩ lan truyền rộng rãi trên thế giới, trước hết trong giới học thuật và những ai quan tâm đến các cuộc chiến tranh Đông Dương, là công của một học giả - nhà báo nổi tiếng tên là Bernard Fall (Bernard B. Fall) qua công trình biên khảo cùng tên công bố lần đầu ở Mỹ năm 1961, khi tác giả vào tuổi 35. Ông muốn minh chứng, qua khảo sát thực địa, thực tế lịch sử cùng kiến giải khoa học, La Rue sans Joie đã dẫn nước Pháp đến Điện Biên Phủ, và The Street Without Joy chắc chắn sẽ đưa nước Mỹ đến thảm bại, do đó phải ngừng ngay tức khắc cuộc can thiệp của Mỹ vào Việt Nam.
 Tác giả Bernard Fall đã dành trọn một chương trong cuốn Street Without Joy tường thuật và luận bình về cuộc hành quân lớn tháng 07.1953 trên dãi đất hẹp gồm các ruộng lúa và đụn cát chạy song song bờ biển, cũng là song hành với quãng đường vừa nói, được người Pháp đặt tên là Cuộc hành quân Camargue (Opération Camargue). Đây là một cuộc hành quân lớn, phối hợp lục, hải, không quân, do đích thân tướng Leblanc, Tư lệnh Quân đội Pháp tại Trung Việt Nam chỉ huy, nhằm bao vây, tiêu diệt Trung đoàn 95 Bộ binh Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN), đơn vị chủ lực của Phân khu Bình Trị Thiên hồi bấy giờ. Bernard Fall phân tích: Chiến trường chính trong chiến tranh Việt Nam 1945-1954 là Bắc Bộ. Nam Bộ đóng vai trò quan trọng với bán đảo Cà Mau, rừng U Minh, Đồng Tháp Mười, chiến khu miền Đông sát ngõ thành phố Sài Gòn. Tại miền Trung hình thành hai vùng căn cứ lớn của Việt Minh với các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên về phía Nam, từ đây các trung đoàn quân chủ lực 108 và 803 là mối đe dọa sát sườn của quân Pháp ở Cao nguyên, và về phía Bắc là rẻo đất hẹp có chiều dài chừng 250 cây số và chiều sâu (từ biển đến núi) nhiều nơi không quá 10 cây số, từ thị xã Đồng Hới vào tới đèo Hải Vân. Tuy nhiên, chặng hiểm hóc và quyết định nhất tại rẻo đất hẹp này - tác giả viết - là một quãng đường tồi tệ trước kia vừa đủ rộng cho hai chiếc xe tải tránh nhau, nay qua nhiều lần bị băm vằm phá hoại và chưa bao giờ được bảo trì, đã trở thành một con đường mòn đủ cho xe bò, xe ngựa đi lại. “Quãng đường tồi tệ” ấy nối liền thị xã Quảng Trị với thị trấn Mỹ Chánh, địa đầu hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên: “Tên thông dụng của nó là Đường Cái quan (la Route mandarine). Tên chính thức của nó là Quốc lộ 1 (Nationale No.1) Nhưng tên đích thực của nó khác. Tất cả các đoàn xe quân sự của Pháp chạy trên quãng đường này đều chịu tổn thất nặng nề, sa vào các ổ phục kích do các chiến binh mặc áo quần đen của Trung đoàn 95 Bộ binh, một đơn vị ưu tú của QĐNDVN đã thâm nhập vào hậu tuyến của quân đội Pháp từ hơn hai năm nay, gây nên. Với cái tính hài hước cười ra nước mắt, binh lính Pháp đặt tên cho quãng đường ấy là Con Đường Không Vui”.  
Làng Hải Thượng nơi tôi chào đời nằm đúng vào “quãng đường tồi tệ” ấy.
 Tháng 07.1953, vẫn theo tường thuật của Bernard Fall, Bộ Tổng Chỉ huy quân đội Pháp quyết định quét sạch vùng đất “tồi tệ” ấy bằng một cuộc hành quân lớn phối hợp bộ binh, pháo binh, thiết giáp, hải quân, tàu đổ bộ từ biển vào, xe lội nước, lính nhảy dù, có không quân yểm trợ... Bốn cánh bộ binh do bốn viên đại tá chỉ huy tấn công từ bốn hướng xuất quân cùng một lúc và thít chặt dần vòng vây. Hải quân áp sát ngoài khơi, từ Cửa Việt (Quảng Trị) đến Cửa Thuận (Thừa Thiên). Lính nhảy dù tập kết tại thành phố Đà Nẵng, sẵn sàng xung trận ngay tức khắc nếu bộ chỉ huy Pháp phát hiện bất kỳ dấu hiệu nhỏ nào cho thấy đối phương tìm cách thoát ra ngoài vòng vây. Lực lượng tung vào cuộc hành quân càn quét này gồm 10 trung đoàn bộ binh, 3 lữ đoàn thiết giáp, 2 tiểu đoàn lính nhảy dù, 1 đoàn xe bọc thép, 4 liên đội pháo binh. Không quân cung cấp 32 máy bay vận tải, 22 máy bay ném bom, 6 máy bay trinh sát. Hải quân góp một hải đoàn tuần tra biển với 12 chiến hạm trong đó có 3 tàu đổ bộ, kiểu L.S.T chở nhiều xe lội nước bọc thép tục danh là Cua và Cá Sấu (*) chở lính thủy đánh bộ cùng trang thiết bị, tất cả đều của Mỹ. Và tác giả, giáo sư chính trị quốc tế Trường Đại học Howard, Washington DC, Hoa Kỳ, vốn là chiến sĩ Pháp chống phát xít từ tuổi 16, cựu chiến binh Sư đoàn Bắc Phi số 2 Quân Giải phóng của tướng De Gaulle trong Thế chiến thứ hai, Huân chương Giải phóng, nhận xét: “Lực lượng được quân đội Pháp tung vào cuộc hành quân càn quét này hoàn toàn không thua kém các cuộc hành quân đổ bộ của các nước Đồng Minh tại Thái Bình Dương hay tại Địa Trung Hải trong Chiến tranh thế giới thứ hai”. Vẫn theo lời tác giả: “Thoạt nhìn, các lực lượng Pháp tung vào cuộc hành quân này thật ấn tượng. Lực lượng đồ sộ gồm xe thiết giáp và xe lội nước được yểm trợ bởi một trăm khẩu đại bác sẵn sàng khạc lửa, làm cho Camargue trở thành cuộc hành quân quy mô lớn chưa từng được bố trí tại Đông Dương. Trong khi lực lượng đối phương chỉ có chưa đến một trung đoàn, quân số không đầy đủ”. Với lực lượng hùng hậu như thế (**), các sĩ quan tham mưu Pháp cầm chắc “Trung đoàn 95 QĐNDVN và các đơn vị du kích phụ trợ chuyến này rất ít có khả năng thoát khỏi tấm lưới bủa vây”.
 Giờ G ngày N cuộc Hành quân Camargue được Bộ Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ấn định vào 5 giờ sáng ngày 28.07.1953. Vừa tảng sáng, các đơn vị Hải quân có căn cứ tại Đà Nẵng vốn đã lặng lẽ dàn binh ngoài khơi huyện Hải Lăng từ đêm hôm trước, ra lệnh cho các tàu đổ bộ ra quân. Ngòi bút nhà báo - học giả như cũng không nén được ấn tượng trước quang cảnh 160 chiến xa đồng loạt rẽ sóng ào ạt tiến vào bờ: “Trên mặt nước biển vẫn còn đen xẫm màu chì (bởi bình minh chỉ vừa mới rạng), những chiếc tàu đổ quân đã vạch nên những làn sóng bạc, từ đỉnh các ăng ten cao nhất nghễu, nổi bật lên nền trời đang rạng dần phù hiệu các đơn vị tham chiến...”. Bốn cánh quân trên bộ được lệnh khởi động muộn hơn một ít, để khỏi làm kinh động đối phương. 
 Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, các cánh quân Pháp chưa tập kết xong vào vị trí theo phương án tác chiến, bất thần súng đã nổ. Cuộc đọ sức đã bắt đầu tại làng Đơn Quế, hồi ấy thuộc xã Hải Châu (nay là Hải Quế) ven Tỉnh lộ 68. Theo tác giả, một đại đội lính bộ người Bắc Phi bất thần sa vào ổ phục kích. Súng bắn xối xả từ phía đối phương, nhiều lắm cũng đến ba chục tay súng là cùng. Tên lính Pháp bị quân Việt bắn hạ đầu tiên trong cuộc hành quân Camargue là Abd-El-Kader, lính lê dương người Maroc. Y bị một loạt đạn tiểu liên găm đúng vào ngực. “Một tay lính trẻ Việt Minh có lẽ tại thần kinh căng thẳng quá khi thấy đội quân Pháp ào ào xốc tới sát sườn, không đủ kiên nhẫn chờ cho cả đại đội Pháp sa gọn vào trận địa phục kích như kế hoạch định, đã bóp cò hơi sớm”. Theo phản xạ của những chiến binh thành thục chiến trường, nghe tiếng súng nổ lính lê dương nhất loạt bổ ngoài ra đất và lăn người xuống ruộng lúa hai bên đường, nhờ vậy nhiều tên thoát chết trong gang tấc.
 Cho dù các thông báo quân đội Pháp phát cho báo chí cái nào cũng hết sức lạc quan, tướng Tổng chỉ huy Leblanc dày dạn chiến trường là người tỉnh táo. Ông biết, Trung đoàn 95 của QĐNDVN chỉ cho một vài đơn vị nhỏ phục kích chặn đánh, làm chậm cuộc hành quân của quân Pháp, còn đại bộ phận trung đoàn vẫn án binh bất động đâu đó, chờ đến tối sẽ thoát ra ngoài vòng vây. Vì vậy, không chờ đợi lâu hơn nữa, mới 2 giờ chiều ngày N, ngày đầu tiên ra quân, ông đã ra lệnh tung luôn lính nhảy dù ém tại Đà Nẵng vào cuộc chiến ngay tức khắc...                                                                           
Bìa sách Con đường không vui của học giả - nhà báo  Bernard B.Fall

 Vì khuôn khổ bài báo, chúng tôi không thể điểm lại, dù hết sức sơ lược, bài viết ngồn ngộn chi tiết đắt giá kèm những luận bình dí dỏm của nhà báo - học giả nắm chắc vấn đề, cũng như không thể với tư cách một chứng nhân, bổ sung, điều chỉnh các chi tiết chưa thật chính xác trong bài của tác giả Bernard Fall. Chẳng hạn, không phải “trung đoàn 95 thâm nhập vào hậu tuyến quân Pháp từ hơn hai năm nay” (tức từ 1951), như tác giả nhầm, mà thực tế trung đoàn đã gắn bó với nhân dân địa phương ngay từ khi mặt trận Huế vỡ (1947). Tết Canh Dần 1950, làm phóng viên báo Cứu Quốc, tôi từ chiến khu về xã Hải Châu “ăn Tết” cùng Đại đội 150 Tiểu đoàn 310, đại đội chủ công của Trung đoàn 95 hồi bấy giờ. “...Gần nửa đêm, chúng tôi dậy đón giao thừa. Ngồi dựa sát vào nhau cho đỡ rét, cùng uống ngụm nước chè tàu, nhắm lát mứt gừng đồng bào biếu cho ấm họng mà nói chuyện tâm tình... Sao những ngày giao nối hai năm Sửu và Dần này rét đến thế. Da cứ tê đi, người đét lại, có bao nhiêu áo quần mang ra mặc hết, người cứ như bị bó giò. Đại đội trưởng đi nghiên cứu địa hình nơi sẽ phục kích trận đầu năm về trong đêm khuya, cứ xuýt xoa kêu ngoài trời rét ơi là rét...” (Bài Tết ở Đại đội 150, báo Cứu Quốc LK4). Xin đi luôn vào đoạn kết. Tác giả Bernard Fall viết: Đến chập tối ngày N, khi bốn cánh quân trên bộ và các đơn vị từ biển ập vào, lính dù từ trên trời đổ xuống liên liên lạc được với nhau, theo đánh giá của sĩ quan tham mưu Pháp, “toàn bộ Trung đoàn 95 QĐNDVN đã nằm gọn trong một tấm lưới có chiều dài 14km, rộng 3km...”.
 Tuy nhiên, vậy mà không phải vậy.
 Tác giả ghi nhận: “Những đôi hàm thép của một đạo quân hiện đại, được yểm trợ bởi các lực lượng hải quân, xe tăng lội nước, máy bay chiến đấu... đang thít chặt, hùng hổ xục tìm những người lính nông dân vừa được vũ trang vội vã và huấn luyện cấp tốc bởi những cán bộ không có ai mang quân hàm cao hơn bậc cai trong Đội lính Khố Xanh thời trước, nói gọn lại, đạo quân Pháp được triển khai hôm nay mạnh hơn đối phương ít nhất cả chục lần. Tuy nhiên, trong cái bẫy vừa sập xuống ấy, tuyệt nhiên không tóm được một con mồi nào”.
 Đúng là quân Pháp cũng có bắt được vài chú thiếu niên vừa đủ lớn để có thể nhấc nổi khẩu súng trường, các chú trả lời ấp a ấp úng, không khai được mình là người làng nào ở đây. Vậy đích thị là quân đội chính quy của Việt Minh rồi, cứ coi như quân Pháp vừa bắt được tù binh đi. Ngoài ra, cánh quân có nhiệm vụ càn quét cũng tóm được mấy khẩu súng trường và vài ba nông dân người làng Đơn Quế, nơi đối phương kháng cự mạnh mẽ nhất. Dù sao thì 36 tiếng đồng hồ sau giờ G ngày N, tác giả Bernard Fall nhấn mạnh, “đã hoàn toàn sáng tỏ là cuộc Hành quân Camargue đã thất bại”.
 Báo chí Sài Gòn ca ngợi hết lời. Rằng “cuộc hành quân là một thành công lớn”, “cuộc hành quân chứng tỏ sức chiến đấu và tính cơ động ngày càng tăng của quân Pháp”, rằng “nó cho thấy sự cần thiết và tính hiệu quả đưa các đơn vị xe lội nước và lực lượng cơ giới hùng hậu vào bình định các vùng ruộng lúa và cát lầy”, v.v… và v.v... Trong khi đó, đạo quân viễn chinh Pháp, người trong cuộc, đau xót và khôn ngoan hơn, cho nên dè dặt hơn trong việc khoa trương ngôn từ. Họ lặng lẽ tổng kết bài học thất bại.
 Tại tấm sơ đồ in kèm trong sách, tác giả Bernard Fall vẽ địa hình vùng đất và một mũi tên thật đậm với ghi chú Con Đường Không Vui. Vậy là quãng đường mang cái tên đã đi vào lịch sử chiến tranh ấy, từ mùa hè 1953, sau cuộc Hành quân Camargue, không đơn thuần là “quãng đường tồi tệ” chạy qua làng tôi ven Quốc lộ 1 mà còn có thêm Tỉnh lộ 68, nơi tôi được đồng bào đùm bọc mấy năm sau ngày vỡ mặt trận Huế 1947. Đây là một con đường khiêm tốn, chưa rải đá, khởi đầu từ góc Đông Nam Thành cổ Quảng Trị chạy dọc cánh đồng lúa ven bờ biển vào Nam, vòng lên tiếp nối với Quốc lộ 1 tại thị trấn Diên Sanh (Kẻ Diên), lỵ sở huyện Hải Lăng. Khách bộ hành đến chỗ quặt, có thể đi tiếp theo đường liên xã nhiều đoạn còn lầy lội vào địa phận tỉnh Thừa Thiên, rồi qua các làng Thanh Hương, Thế Chí Đông, Thế Chí Tây...  men phá Tam Giang vào tận cửa Thuận An. Cán bộ, bộ đội chúng tôi hồi ấy rất thông thạo con đường này, bởi phải qua cửa Thuận vào phía Nam thành phố Huế mới có lối đi thuận tiện vượt qua quốc lộ 1 ngược trở lại lên vùng chiến khu tỉnh Thừa Thiên. Vùng đồng bằng các huyện Triệu, Hải, Phong, Quảng, “hậu tuyến của Pháp” nói theo lời Bernard Fall, là hành lang giao thông quan trọng và cũng là hậu cứ của Trung đoàn 95 QĐNDVN. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao thực dân Pháp quan tâm càn quét và đế quốc Mỹ mấy năm sau xục lùng tìm diệt ác liệt đến vậy vùng quê nghèo này.
 Điều trớ trêu và tàn bạo của chiến tranh là, chính tại Con Đường Không Vui ven tỉnh lộ 68 này, hơn một chục năm sau cuộc hành quân bủa vây Camargue của Pháp, ngày 21.02.1967 vị giáo sư-nhà báo, người kiên trì phản đối mọi cuộc can thiệp vào Việt Nam, tác giả những cuốn sách như Con Đường Không Vui, Việt Minh, Điện Biên Phủ một góc địa ngục... đã bỏ mình tại trận địa trong chiến dịch tìm diệt mang tên Chinook do quân Mỹ tiến hành.
 Sau ngày giải phóng miền Nam, về thăm quê, tôi đứng bần thần trên “quãng đường tồi tệ”, rồi thả bộ theo “con đường không vui” nay đã an bình đi lần vào Nam tới chợ Kẻ Diên tìm cây đa bến cũ, bùi ngùi nhìn về phía Đường 68, nơi đã cưu mang tôi mấy năm công tác tại vùng địch hậu. Hồi ấy đi lại còn khó khăn, tôi chưa có điều kiện trở lại ngay thực địa đốt một nén hương tưởng nhớ chiến sĩ, đồng bào ta bỏ mình trong cuộc hành quân càn quét mang tên Camargue. Dựa trên cuốn băng thu âm dang dở Giáo sư Bernard Fall để lại, (in tại tập di cảo Last Reflections on a War xuất bản ở New York năm 1967) vẫn có thể hình dung những phút cuối cùng bi tráng của một học giả-nhà báo, “nhà bình luận quốc tế nổi tiếng nhất thế giới về chiến tranh Việt Nam hồi bấy giờ”, nói theo lời tạp chí Time, Mỹ, số ra ngày 03.03.1967. Ái mộ một người nước ngoài dấn thân vì chính nghĩa, tôi dành vài chục dòng trong bài bút ký Kẻ Diên kể lại cái chết của ông. Tiếng mìn nổ bất thần tại Con Đường Không Vui chiều 21.02.1967 cắt ngang cuộc tường thuật phát thanh, dập tắt ngôi sao, đồng thời tạo nên một tiếng bom nổ giữa thủ đô Washington, khuấy động chính giới và dư luận Hoa Kỳ (Báo Nhân Dân ngày 23.08.1981).

Bernard B. Fall ăn vi lính M ti mt trn





























































Nhận xét