Những người vẽ bản đồ tiền hiện đại và vấn đề chủ quyền

Những người vẽ bản đồ tiền hiện đại và vấn đề chủ quyền
Tác giả: Lê Minh Khải
Người dịch: Hoa Quốc Văn
Tôi thực sự đã thấm mệt khi nhìn người ta đưa ra những tấm bản đồ thời tiền hiện đại như là các chứng cứ mà họ tin có thể chứng minh cho chủ quyền. Chúng không chứng minh, và vì vậy nếu người ta muốn chứng minh một tuyên bố chủ quyền trong lịch sử đối với một khu vực nhất định, các tấm bản đồ sẽ không giúp gì cho họ.
Image
Lấy tấm bản đồ trên làm ví dụ, nó thể hiện Paracels (Hoàng Sa) như là một đảo đơn, và rồi ở trên nó là hai “đảo” nữa, – theo tôi biết đây là một nơi trên đảo Hải Nam, tôi sai chăng?) và Hainan/Hải Nam. Hải Nam là một hòn đảo thực sự, và vâng nó được thể hiện theo cùng cách thể hiện đảo Paracels. Hơn nữa, không có gì trên tấm bản đồ (màu sắc, đường nét,v.v…) phân biệt Hải Nam với Hoàng Sa.
Vậy thì phải chăng điều đó có nghĩa là nhà Nguyễn có chủ quyền với Hải Nam?
Thế còn biên giới phía Tây của triều Nguyễn? Không có biên giới phía Nam trên tấm bản đồ này. Vậy thì phải chăng nó có nghĩa là đất Lào cũng là lãnh thổ thuộc chủ quyền của nhà Nguyễn?
Không, nghĩa của nó là những nhà vẽ bản đồ tiền hiện đại vẽ các tấm bản đồ mà không có ý niệm trong đầu rằng họ cần phải vạch rõ “lãnh thổ thuộc chủ quyền” vương quốc của họ. Và bởi họ không có ý niệm ấy trong đầu, nên chúng ta không thể dùng cái họ vẽ ra để chứng minh chủ quyền.
Image
Tấm bản đồ trên đây cũng chứng minh quan điểm này. Nó thể hiện đảo Hải Nam bao quanh bởi màu xanh, cũng như bờ biển của đế chế Nguyễn được vẽ bằng màu xanh, và các con sông cũng vậy. Do đó, nó có vẻ như biểu thị sông biển, nhưng chỗ nào là chỗ các đường vạch đó phân định chủ quyền? Chả có gì cả.
Image
Đây là một tấm bản đồ “toàn vương quốc” Đại Nam, và một lần nữa nó có đảo Hải Nam và không có đường biên giới phía Tây rõ ràng.
Image
Cuối cùng, ở đây chúng ta có một tấm bản đồ tuyệt đẹp khác có đảo Hải Nam, và không có đường biên giới phía Tây hay phía Bắc.
Vậy thì làm thế nào các tấm bản đồ đó chứng minh chủ quyền? Cách duy nhất chúng có thể làm vậy là nếu người nhìn có xu hướng chọn lựa và chỉ chú ý đến một số phần của các tấm bản đồ trong khi họ lờ đi những phần khác của chúng.
Kiểu chọn lựa như thế, tuy vậy, có nghĩa là bất cứ nỗ lực nào nhằm sử dụng những tấm bản đồ đó để “khẳng định” chủ quyền rốt cuộc sẽ thất bại, bởi vì tất cả những “mặt đối lập” phải làm là nhắm tới những phần khác của các tấm bản đồ (như tôi làm ở trên) để làm xói mòn logic của những tuyên bố rằng các tấm bản đồ như thế có thể được dùng để chứng minh chủ quyền.
Chủ quyền được chứng minh không phải bằng việc đưa cái gì đó lên một tấm bản đồ, mà là đưa ra một sự hiện diện nhà nước liên tục ở một khu vực. Nhà Nguyễn là chính quyền đầu tiên đã cố gắng làm như vậy ở Hoàng Sa, và người Pháp đã thiết lập một sự hiện diện nhà nước lâu dài hơn ở đó trong thập niên 1930s. Đó là chứng cứ ủng hộ cho một tuyên bố chủ quyền.
Những người vẽ bản đồ thời tiền hiện đại không nghĩ gì về chủ quyền khi họ vẽ các tấm bản đồ của mình. Các tấm bản đồ của họ rất đẹp, nhưng nó dựa trên một cách nhìn khác về thế giới.

Nhận xét