Nằm cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 60km về hướng Tây bắc là một ngôi làng nhỏ tại thôn Ma Lâm, xã Phước Tân, huyện Bác Ái. Đây là ngôi làng có đến 99% là người dân tộc Raglai – một dân tộc thiểu số thuộc hệ ngôn ngữ Malayo-Polynedi.
Cộng đồng dân tộc Raglai tại đây có khoảng gần 200 hộ cư trú từ lâu đời tại vùng đất này nhưng rất ít người biết tới. Gần như tất cả các hộ đều thuộc diện hộ nghèo của xã.
Cộng đồng dân tộc Raglai tại đây có khoảng gần 200 hộ cư trú từ lâu đời tại vùng đất này nhưng rất ít người biết tới. Gần như tất cả các hộ đều thuộc diện hộ nghèo của xã.
Tại sao?
Tôi cũng tự đặt cho mình một câu hỏi tại sao vì trên đường từ bên ngoài vào đến trong làng tôi thấy sự giao thương ở đây tuy ít ỏi nhưng vẫn diễn ra với các lộ giao thông tương đối lớn so với các vùng miền núi khác.
Trước khi nói về những con người bị quên lãng, những số phận hẩm hiu của dân tộc bản địa miền trung này, tôi xin được nói qua đôi chút về “luật tục” dân tộc Raglai tại đây.
Người Raglai ở đây vẫn tồn tại “chế độ mẫu hệ”, cho đến nay họ vẫn duy trì tuy đã có sự thay đổi theo môi trường xã hội mới. Trong phong tục này thì đàn ông thường sống trọn đời ở nhà vợ, con cái đều lấy họ mẹ và luôn giữ mối quan hệ huyết thống theo dòng họ mẹ suốt 7 đời, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình được thừa hưởng tài sản. Mẹ hay vợ là chủ nhà có quyền quyết định trong gia đình. Cô gái nếu ưng thuận chàng trai nào thì nói với bố mẹ lo lễ cưới chồng. Như nhiều dân tộc khác, người Raglai coi hôn nhân là mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của mỗi con người. Hôn nhân không chỉ là hạnh phúc lứa đôi mà còn là “có vợ có chồng là có sự sống của giống nòi”.
Chính những luật tục và những quan niệm chưa thể bỏ đó đã để lại ngày hôm nay một hệ lụy thật nghiêm trọng. Đó chính là hàng trăm em nhỏ ăn không đủ no, áo không đủ mặt và không được chăm sóc giáo dục chuẩn mực như bao trẻ em khác.
Tôi thật không phải biết diễn tả chân dung thật sự của một cộng đồng người dân bản địa đang lâm vào cảnh nghèo đói và khốn cùng trong một xã hội tiến bộ như Việt Nam hôm nay. Nhìn thấy cuộc sống thiếu thốn cùng với sự khắc nghiệt của khí hậu tại đây mà … xót thay.
Theo chị Diễm My (đi cùng với đoàn) – Phóng viên báo tỉnh Ninh Thuận, người đã thường xuyên ghé thăm và công tác tại thôn này chia sẻ: “các em thiếu thốn nhiều đến nổi không diễn tả cho các anh chị nghe được, rất nhiều em chỉ có một bộ đồ vừa đi học vừa mặc ở nhà. Dép thì hầu như chẳng em nào có được để xài quanh năm, dụng cụ học tập thì càng hiếm hoi”
Chia sẻ về nhà trường và các em chị nói thêm: “Cả làng chỉ có một ngôi trường, vừa cấp I và vừa mầm non. Tổng cộng có 250 em đang đi học, trong đó 103 em học cấp I và 147 em học mầm non. Học phí ở đây được hỗ trợ 100% từ tỉnh và trường này là trường bán trú. Các em được hỗ trợ tiền ăn là 35k/tháng và không còn bất cứ khoản nào khác ngoại trừ các thầy cô góp chút ít thêm để các em ăn đủ no”
Nghe đến đây tôi giật thót người, một tháng chỉ có 35.000 đồng thì ăn thế nào đây? Một ngày chỉ khoảng 1.300 đồng thì phải mua gì để nấu và nấu như thế nào? Thật là ngoài sức tưởng tượng của tôi khi biết được khẩu phần ăn của các em trong 1 tháng chỉ bằng … một tô bún tại Sài Gòn.
Nhưng từ đầu năm 2013 đến nay thì các em không còn được hỗ trợ tiền ăn nữa. Vì vậy các em mẫu giáo phải “bị” đóng tiền ăn trưa và các em cấp I thì phải ăn trưa tại gia đình.
Trao đổi với Cô Hiệu Trưởng, tôi được biết thêm là cho dù các em được hỗ trợ rất nhiều khi lên cấp II và cấp III nhưng rồi các em cũng bỏ học giữa chừng. Lí do là các em đã quen sống với gia đình, với quan niệm của dân tộc mình nên bản tính kiên nhẫn và vươn lên là rất kém.
Thế nhưng, qua trao đổi với các em thì biết thêm một số nhận định về việc học nâng cao. Một em (đã học đến cấp III) tâm sự: “tụi con có học cao hơn nữa cũng không biết làm gì ở thôn này, mà xuống miền xuôi làm việc thì gia đình không cho” – Thật đáng nghi ngại cho những suy nghĩ của các em tại đây. Quả thật nếu các em có bằng cấp kỹ sư hay bác sỹ thì về đây … cũng chẳng làm được gì. Đó là các em tự nhận thức “viễn cảnh” nơi mà các em đang sống.
Thôn Ma Lâm hiện nay chỉ có 1 em học hết cấp 3 và học cao nhất ở đây chính là anh Thôn trưởng, có bằng đại học. Thế nhưng anh ấy lại là “chàng rể” của thôn chứ không phải người dân của thôn này.
Như vậy thì “dân trí” ở đây bao giờ mới khá lên được?
Ghé thăm gia đình anh Pinang Long mới cảm nhận được cái khó cái khổ của bà con nơi này. Với một căn chòi diện tích khoàng 5 mét vuông bao gồm một cái bếp, 1 cái tủ nhỏ, các vật dụng linh tinh và … 6 con người cư ngụ. Quả thật không thể hình dung được khi tối đến gia đình họ phải … ngủ làm sao.
Khi ghé qua nhà chị Pinang Thị Ngọc thì còn thảm hơn nữa. Cũng với diện tích đó mà chứa đến 8 con người bao gồm 1 ông ngoại, 2 vợ chồng và 5 đứa con. Họ đã sống nơi đây rất lâu rồi.
Đây là một căn nhà khá lớn một chút, đó là nơi cư ngụ của gia đình Bà Thủy. Bà Thủy có gia cảnh thật thương, chồng chết và để lại 4 đứa con và 2 đứa cháu ngoại, tổng cộng ngôi nhà này có sức chứa đến … 9 con người.
Quả thật là không thể tin nổi … “ở nơi ấy, họ đã sống …”
Nguồn lương thực chính ở nơi đây là bắp. Tôi và mọi người nói với nhau là họ “sáng ăn bắp và chiều ăn ngô”
Đồng bào nơi đây rất ít khi dùng đến tiền mặt, nơi nuôi sống họ quanh năm là … quán tạp hóa. Họ cần gì thì cứ ra lấy và ký nợ, đến khi thu hoạch bất cứ được thứ gì thì họ sẽ quy trả sản phẩm theo thời giá. Đây cũng là một hình thức chung cho nhiều đồng bào dân tộc khắp cả nước.
Quan trọng là … có hộ đã qua 2 năm thu hoạch mà vẫn không trả hết khoản nợ tương đương 450 ngàn đồng. Trớ trêu thay cho đồng bào nghèo, họ đã sống nhiều đời với cuộc sống cơ cực. “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”
Tuy được “nghe” nói nhiều về các chính sách hỗ trợ từ nhà nước với thôn rất nhiều nhưng vẫn chưa “thấy” được nhiều như vậy.
Qua trao đổi trực tiếp với anh Trưởng thôn PiNăng Xuyến thì công việc chủ yếu của người dân nơi đây là đi rẫy, chặt tre, trồng bắp, trồng mì hoặc đi mót. Thu nhập của các sắc dân Raglai không đủ để mua sắm gì cho gia đình. Có 4 họ tộc chính là: A Đớ, Katơr, Pi năng, Chamalé và chung sống với nhau trong … sự nghèo đói.
Anh Xuyến nói thêm:”Ở đây không có một trạm xá nào, muốn khám chữa bệnh phải lên tận Xã, cách xa vài chục km. Lúc trước phải di chuyển qua cầu treo, rất nguy hiểm & khó khăn. Đây là thôn từng bị lãng quên, bị cách biệt với thế giới bên ngoài”
Trong căn chòi dùng để tích trữ thức ăn, chúng tôi thấy đầy những trái bắp đã được phơi khô, và người Raglai phải ăn thứ thực phẩm này hầu như quanh năm. Hằng năm, người Raglai chỉ có thể làm được một mùa bắp trên những đồi nương trải qua bao nhiêu năm trồng trọt, vì thế hoa lợi thu về chẳng được bao nhiêu. Ðể có thêm thu nhập, người dân phải lén vào rừng, chặt cây tre, chặt củi, đốt than, bán cho người miền xuôi. Công việc này càng ngày càng khó khăn vì sự kiểm soát từ phía kiểm lâm vì rừng ở đây được xếp vào loại nguyên sinh, chịu sự quản lý chặt chẽ từ chính quyền.
Các em nhỏ nơi đây không biết gì là “mẫu hệ”, không biết gì là quan niệm dân tộc. Thế nhưng, hiện nay các em đang phải chịu một cuộc sống thống khổ, cơ cực trong một ngôi làng dường như bị lãng quên trong quá trình phát triển, tiến bộ của xã hội.
Tôi không biết tôi sẽ làm được gì nhưng tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ làm được rất nhiều khi quan tâm, ủng hộ và chia sẻ cho những mảnh đời cơ cực tại đây. Chúng tôi chia tay với các em trong sự tiếc nuối của mấy em và sự xót xa của các anh chị em đi cùng đoàn.
Khi nào có dịp các bạn ghé thăm nơi đây sẽ có thề hiểu được đâu là sự thống khổ của dân tộc bản địa Raglai tại Bác Ái này.
Nhận xét
Đăng nhận xét