1. Nhà sàn
Nhà sàn là loại nhà phổ biến của đồng bào các dân tộc ít người (Ê đê, Ba Na, Chăm), cư trú ở vùng miền núi Phú Yên.
Do tín ngưỡng, tập quán mỗi tộc người ở miền núi Phú Yên thường có cách xây dựng, sử dụng, bài trí, thủ tục, lễ nghi, không gian…. xây cất nhà sàn khác nhau. Nhưng chung qui, nhà sàn được xây cất chủ yếu để ở, là nơi cư trú của gia đình, dòng họ. Ngôi nhà thường có hình chữ nhật. Tùy theo độ lớn nhỏ, mà nhà có nhiều hoặc ít cột. Cột được chôn xuống đất, hoặc táng trên đá, là khung chịu lực toàn bộ ngôi nhà. Cách mặt đất từ 1-1,5 mét, là sàn nhà. Sàn và vách nhà thường được bện bằng lồ ô, tre, nứa, hoặc ván ghép. Mái nhà lợp bằng tranh. Trước mỗi ngôi nhà thường có hiên nhỏ, làm nơi giã gạo, hóng mát và để một số vật dụng: bầu nước, nong, nia… Câu thang bước lên nhà được làm bằng gỗ, tre. Cửa ra vào thường đặt hai đầu hồi. Cửa sổ được đặt dọc theo hai bìa vách, tùy theo vị trí sử dụng của chủ nhà, như tại gian tiếp khách, gần bếp… Tùy theo độ lớn của ngôi nhà, mà người ta có thể làm nhiều hoặc ít cửa sổ.
Trước đây trong cộng đồng người Ê đê ở Phú Yên có những ngôi nhà sàn dài 40 – 100 mét, gọi là Nhà Dài; người Ba Na có Nhà Rông, mái cao vút (10-12 mét), chiều dài ngôi nhà vài ba chục mét.
2. “Buôn” của người Ê đê, Ba Na, Chăm ở Phú Yên
Buôn là đơn vị hành chính thấp nhất của người Ê đê, Ba Na, Chăm ở Phú Yên. Buôn (truyền thống) được xây dựng dựa theo quan hệ huyết thống. Mỗi buôn nếu có hai ba tộc họ sinh sống, thì xây nhà và cư trú theo cụm. Những thành viên trong buôn có cùng nghĩa vụ và quyền lợi, như cócung một khu vực sản xuất, cùng đánh bắt cá trên dòng suối, con sông, có cùng nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ buôn làng, tham gia các sinh hoạt cộng đồng.
Buôn, được quản lí theo nguyên tắc dân chủ. Mỗi buôn có một cương vực lãnh thổ riêng, trong đó có khu đất sản xuất, khu chăn thả trân bò, khu săn bắn, và nguồn nước… Đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân, dân của buôn nay xâm lấn đất đai của buôn khác bị phạt rất nặng.
Để quản lí đất đai của buôn làng, mỗi buôn có một Chủ đất, thường là người thông hiểu về phong tục tập quán, đất đai của buôn làng. Hàng năm, chủ đất phải kiểm tra việc quản lí, sử dụng đất đai, giao tiếp với các chủ đất có cùng đường ranh giới để thỏa thuận hoặc giải quyết những vướn mắc, xác định lại cương vực đất đai do mình quản lí.
Đứng đầu mỗi buôn có Trưởng buôn (Trưởng buôn có thể là Chủ đất hoặc không phải là Chủ đất). Trưởng buôn là người điều hành công việc snả xuất, tổ chức bảo vệ làng, vận hành những hoạt động trong cộng đồng buôn. Về nguyên tắc, Trưởng buôn do dân trong buôn bầu lên; thường là những người giàu có, am hiểu phong tục tập quán, có kinh nghiệm sản xuất, nói năng có sức thuyết phục, quan hệ với các buôn làng khác…
Trưởng buôn đồng thời là chủ bến nước, mỗi năm một lần , cùng dân làng tổ chức cúng tế , cầu mong Yàng cho nguồn nước sạch, để dân làng mạnh khỏe, tránh khỏi bệnh dịch.
3. Lễ “bỏ mả” của đồng bào thiểu số vùng miền núi Phú Yên
Các tộc người Ba Na, Ê đê, Chăm ở Phú Yên đều có chung quan niệm là con người có hai phần: xác và hồn. Phần xác là hình hài, con người có thể nhìn thấy được khi còn sống. Phần hồn, không nhìn thấy, bất tử. Khi con người chết, phần xác thối rữa mất đi, nhưng hồn vẫn tồn tại, gọi là “ma”.
Các tộc người Ba Na, Ê đê, Chăm ở Phú Yên đều cho rằng trong khoảng thời gian người vừa chết đến khi làm lễ bỏ mả, hồn người chết vẫn chưa vẫn chưa rời khỏi buôn làng để đi về thế giới của “ma”; hồn vẫn quanh vẩn ở nghĩa địa và gia đình, có mọi hu cầu như người sống, nghĩa là phải ăn uống, giao cảm với người thân.
Từ quan niệm trên, nên khi người thân qua đời và đã chôn cất, hằng ngày, người thân của người quá cố đem cơm, nước, rượu và vật dụng đến nhà nhà mồ, cúng mời người chết ăn uống và giao cảm. Họ cho rằng, chỉ làm lễ bỏ mả, hồn người chết mới vĩnh viễn rời khỏi gia đình và buôn làng trở về với thế giới tổ tiên và không quấy rầy, không đòi hỏi những người đang sống phải phục dịch nữa.
Cả người Ba Na, Ê đê, Chăm ở Phú Yên đều dùng chung từ pơthi âtâu để chỉ lễ bỏ mả. Lễ hội bỏ mả là lễ hội tuy do từng gia đình tổ chức, nhưng do có sự tham gia của mỗi thành viên trong cộng động buôn làng, nên trở thành lễ hội của cả buôn, cả vùng. Tại lễ hội này, nghệ thuật ăn uống, nghệ thuật biểu diễn công chiêng, nghệ thuật múa, nghệ thuật điêu khắc và tạo hình dân gian được thể hiện tập trung nhất. Đây là lễ hội đông đảo, tưng bừng nhất của các tộc người. Nó là một sinh hoạt dân gian, là bức tranh văn hóa đa màu sắc của các dân tộc bản địa ở vùng núi Phú Yên.
4. Nét đặc sắc của văn hóa “Rượu cần” của đồng bào thiểu số vùng miền núi Phú Yên
Tất cả các tộc người Ba Na, Ê đê, Chăm ở Phú Yên đều thích uống rượu cần.
Rượu cần được làm từ lương thực (gạo, bắp, sắn). Sau khi nấu chín, lương thực được xới ra nong, nia, hong nguội, rồi trộn men và “trấu càng”; sau đó cho vào ủ trong ché. Men rượu, ngay xưa theo bí quyết cổ truyền, đồng bào dùng rex cây để chế tạo, khá công phu. Với loại rượu cần được ủ từ men “cổ truyền” rất ngon, độc đáo. Nhưng việc làm men khá công phu và mất nhiều thời gian, nên dần dần ít người dùng đến. Ngay nay đồng bào thường dùng loại men rượu thông thường, được bán ở các chợ để ủ rượu cần.
Sau khi ủ từ 15 – 20 ngày, người ta cũng có thể đưa thêm một số lương thực đã trộn men cho vào ủ thêm, làm cho ché rượu đầy hơn. Đồng thời, một số người còn công phu cho thêm một số trái chuối chin, đã lột vỏ vào ủ chung, tạo cho rượu ngọt hơn và có hương vị đặc biệt.
Cần rượu, là một cây trúc dài, thân gần bằng ngón tay, được đục rỗng suốt. Phần cuối “cần” được khoét 2 lỗ nhỏ rất tinh xảo, người ta dùng một viên bi nhỏ và một ít bông gòn đưa vào “cần” làm bộ phận lọc trấu và bã rượu. Cần rượu có chức năng như một ống hút.
Trước khi uống ruợu, người ta dùng lá cây (là chuối, lá ổi…) lèn chặt vào miệng ché, để khi cho nước vào, bã rượu không trào lên trên. Khi cho nước vào đầy ché, người ta thường đợi chừng 10 – 15 phút để rượu hòa tan vào nước; rồi dùng cần cắm sâu đến đáy, hút rượu ra. Khi uống hết nước đã cho vào trong ché (lần thứ nhất), người ta có thể châm thêm nước lần thứ hai. Có những ché rượu ngon châm nước đến lần thứ ba, rượu vẫn còn nồng, thơm.
Rượu cần có vị nồng của rượu và hương thơm của gạo (sắn, bắp), có vị ngọt dễ chịu. Rượu cần ngon khi chiếc ra tô có màu vàng sóng sánh như mật ong, dậy mùi thơm đặc trưng, rất hấp dẫn.
Trong những lễ hội: bỏ mả, đâm trâu xoay cột … đàn ông, đàn bà quây quần quanh dãy ché, uống rượu. Đối với đồng bào Ba Na, Ê đê, Chăm ở Phú Yên, rượu cần là sự biểu hiện, cầu nối tình cảm giữa chủ và khách. Cho nên khi khách đến nhà, nếu trong nhà thiếu rượu, họ cũng cố gắng tìm mượn bà con trong buôn mang về đãi khách. Nếu khách có từ hai ba người trở lên, thì người cao tuổi hoặc có uy tín được gia chủ mời uống đầu tiên. Khi đó, vợ hoặc con gái chủ nhà cầm tô nước từ từ rót vào ché. Người khách hút lượng rượu, mặt nước trong ché rút xuống, cứ thế cho đến khi đổ hết tô nước vào ché. Thủ tục này bà con thường gọi là “cầm cần”.
Ngồi trên nhà sàn, uống rượu cần, ăn thịt nướng… lắng nghe tiếng cồng chiêng âm vang, giừa buôn làng, trên núi cao hoặc trong rừng thẳm là một nhu cầu, một thú vui tao nhã hấp dẫn không chỉ riêng cư dân bản địa mà còn thu hút nhiều du khách gần xa.
5. Sắc thái của văn hóa cồng chiêng của đồng bào thiểu số vùng miền núi Phú Yên
Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Phú Yên, cồng chiêng là nhạc cụ không thể thiếu được trong cuộc sống, sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội; gắn chặt với vòng đời con người và cây trồng; và trở thành bản sắc văn hóa của dân tộc. Ngoài giá trị tinh thần, còn có giá trị về vật chất, được xem là thước đo, để đánh giá mức độ giàu có của cá nhân, gia đình, tộc họ, buôn làng.
Các dân tộc thiểu số ở Phú Yên có nhiều loại chiêng khác nhau: Chiêng Trum, chiêng mnhum, chiêng Arap, chiêng sar, chiêng năm, cồng ba… Người ta dựa vào hình dáng để đặt tên cho chiêng: chiêng mẹ, chiêng cha, chiêng con, chiêng chị, chiêng em… Có khi, đặt tên chiêng theo kích cỡ, như: ania, krak, khất, moong… Đôi khi căn cứ vào âm sắc để đặt tên: knak hri (tiếng ngân nga như hát), knak h’long (tiếng ngân vang trong trẻo). Ngoài ra, người ta còn căn cứ vào chức năng âm nhạc mà chiêng đảm nhận để đặt tên cho từng loại, từng chiếc.
Chiêng Trum, dùng trong lễ đâm trâu, bỏ mả; gồm có 3 chiếc. Chiếc trầm nhất là chiêng ania, tiếp đến là chiêng krak, chiếc nhỏ nhất là chiêng mong.
Chiêng mnhum, được sử dụng rộng rãi trong các ngày lễ ăn cơm mới, mừng sức khỏe. Trong lễ hội dâm trâu xoay cột, chiêng mnhum nổi lên khi con trâu hiến sinh vừa bị giết. Chiêng mnhum có 3 bộ phận; bộ phận thứ nhất có 1 hay 2 cái lớn dùng để giữ nhịp; bộ phận thứ hai là 3 cái chiêng núm làm nhiệm vụ đánh đệm; bộ phận thứ ba là 6 chiêng bằng, đi giai điệu.
Chiêng Arap, nguyên xưa là nhạc cụ của người Giarai. Trong quá trình giáo lưu văn hóa trong vùng, chiêng Arap ngày nay không chỉ là sở hữu của tộc người Giarai, mà người Ê đê, Ba Na, Chăm ở Phú Yên đều thích dùng và ngày càng sử dụng rộng rãi.
Chiêng Arap, được dùng trong lễ bỏ mả, đám tang, lễ hội dâm trâu xoay cột, cúng bến nước. Một bộ chiêng Arap, gồm có nhiều chiếc với thang âm khác nhau. 3 chiếc công có núm (gọi là: ania, chiêl, pôt) làm chức năng giữ nhịp; 8 – 10 chiếc chiêng bằng giữ phần giai điệu. Một bộ Arap đầy đủ có từ 18 – 20 chiếc.
Trong bất cứ một dàn chiêng nào cũng cấu tạo theo hai phần: phần đệm và phần giai điệu. Các phần có sự tương phản rõ nét thông qua cách diễn tấu của ácc bè cao, trung, trầm. Mỗi lễ hội, nghi thức có những bài chiêng khác nhau, tình cảm con người diễn xướng được thể hiện qua tiết tấu, âm điệu của mỗi bài chiêng. Vì thế, nghe tiếng chiêng, những người am hiểu có thể biết trong buôn đang có lễ hội, hay nghi thức gì.
Văn hóa cồng chiêng là một sản phẩm văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc ít người ở Phú Yên (nói riêng) và Tây Nguyên (nói chung). Nó là một yếu tố văn hóa không thể thiếu được trong đời sống cư dân ở đây. Ngày nay văn hóa cồng chiêng được thế giới công nhân là di sản văn hóa thế giới.
6. Lễ hội “đâm trâu xoay cột”của đồng bào thiểu số vùng miền núi Phú Yên
Lễ hội này được tổ chức ở tất cả các dân tộc ít người ở Phú Yên, vào các dịp: bỏ mả, trả ơn, cầu được mùa… là một trong những lễ hội lớn, đông vui nhất của cộng đồng.
Tùy theo mục đích của buổi lễ, mà phần nghi thức có thể thêm hoặc bớt một phần nào đó, nhưng về cơ bản, lễ hội đâm trâu xoay cột được tiến hành hai bước: trước ngày lễ và trong ngày lễ.
Trước ngày lễ, gia chủ phải tích lũy, sắm sửa cho đủ lễ vật như: lúa gạo, vài con heo thiến, vài con bò, vài chục con gà, có đủ vài chục ché rượu cần; đặc biệt là phải mua một con trâu đực (con vật hiến sinh chính của buổi lễ) chưa vực cày, chưa theo trâu cái.
Khi có được trâu đực như qui định, gia chủ làm một con heo cúng báo cho Yàng (Trời) biết gia đình đã có trâu. Sau đó giết tiếp một con heo khác và nhắc 3 ché rượu cần để cúng ông bà tổ tiên, chứng nhận con trâu đoosex được cúng, trả nợ cho Yàng. Con trâu được nuôi dưỡng, chăm sóc riêng, với chế độ đặc biệt, không ai được cỡi lên lưng, không ai được đánh đập.
Trước khi tổ chức lễ, gia chủ cử người nhà mang một chai rượu trắng đến nhà chủ làng, nhờ ông báo cho những người đàn ông khỏe mạnh, khéo tay trong làng đến giúp dựng cây Klao, bện dây “lơ ngoa”để buộc vào cổ trâu. Họ cũng báo cho người đàn bà có uy tín nhất trong làng, để bà báo tin cho các gia đình có con gái đến giúp việc giã gạo, lấy củi.
Đùng ngày lễ, dân làng tổ chức trồng trụ hiến sinh, 4 cây nêu, trên đó được trang trí hoa văn và những sợi dây dài “Kông Têk” đan bằng tre, sơn màu đen, đỏ; trên đó gắn hình vòng tròn, chiếc thuyết hoặc các con vật: chim, bướm. Khoảng 4 giờ chiều, con trâu được buộc dây “lơ ngoa” vào cổ. Cùng lúc, dân làng làm thịt một con bò, nhắc 4 ché rượu cúng yàng rừng, yàng núi, yàng đất… chứng kiến lễ tiễn con trâu về hầu yàng trời.
Đêm đó, cả buôn làng không ngủ, họ múa xoan, đánh cồng chiêng, vỗ trống đi vòng quanh con trâu đang buộc vào trụ hiến tế. Cuộc vui càng náo nhiệt hơn khi đông đảo nam nữ thanh niên các buôn làng lân cận rực rỡ trong bộ trang phục truyền thống, người mang đầy vòng, xuyến… mang theo cồng, chiêng, trống, rượu cần; có khi cả bò, heo, gà… tới góp vui. Để đón khách, nam nữ thanh niên phải ra tận cổng làng đón tiếp; mời khách uống rượu và cùng tấu cồng chiêng. Sau màn chào hỏi, họ đưa khách vào làng nhập cuộc.
Cuộc vui kéo dài đến nửa đêm (chừng 12 giờ đêm), những người trong gia đình gia chủ mặc những bộ trang phục truyền thống, xếp hàng dài, tay cầm dây buộc trâu để thầy cúng kêu yàng trời xuống nhận trâu hiến tế và phù hộ cho những người trong gia đình được mạnh khỏe, gia súc sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu.
Đến 3 giờ sáng, từng tốp nam nữ thanh niên mang nhạc cụ – vừa đi, dừa biểu diễn – tuần tự đi từ nhà này đến nhà khác trong làng. Nhà được đoàn đến, chuẩn bị sẵn, có khi là con gà, ché rượu, quả bí, hoặc gạo, nếp… để tặng. Những vật phẩm này được mang về giao cho gia chủ, và sử dụng trong lễ hội.
Qua ngày hôm sau, khoảng 8 giờ, các thầy cúng và gia đình gia chủ tiếp tục nghi thức cúng yàng. Khi mặt trời vượt khỏi ngọn núi đằng đông, nghi lễ đâm trâu bắt đầu. Người ta đâm cho đến khi con trâu chết và mang đi xẻ thịt. Thịt trâu được chia ra, tặng một số người có cương vị quan trọng trong làng và làm cỗ đãi khách dự lễ hội.
Đến đây, phần nghi lễ kết thúc. Nhưng tùy vào sự hưng phấn của khách, của dân làng và phụ thuộc vào lượng rượu cần còn nhiều hay ít mà cuộc vui có thể kéo dài hay ngắn. Thông thường, cuộc vui sẽ kéo dài thêm đến 2, 3 đêm sau đó.
7. Hát khan (trường ca)
Các tộc người thiểu số ở Phú Yên có nhiều khan (trường ca) và hát khan rất tốt.
Khan là một bài hát tự sự khá dài, phản ánh nhiều nội dung. Người hát khan tùy theo nội dung của từng chương, đoạn mà sử dụng những làn điệu thích hợp để diễn xướng. Những đoạn hoành tráng sôi động, thì hát điệu kanak ; đoạn trữ tình thì hát điệukza; đoạn đau thương, buồn tủi hát điệu hari; đoạn não nùng đến rơi lệ hát điệu chok.
Người hát thường là người già, hoặc lớn tuổi. Các buổi hát khan thường được tiến hành vào buổi tối tại nhà ở, hoặc nhà rông.
8. Tập tục “cà răng”, “căng tai’’ của đồng bào thiểu số vùng miền núi Phú Yên trong lịch sử
Tập tục “cà răng” chỉ tồn tại ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên trước những năm năm mươi của thế kỉ XX.
Để chứng tỏ sự trưởng thành, khỏe mạnh, dũng cảm, những nam thanh niên (người dân tộc thiểu số) thường tiến hành “cà răng”. Người ta dùng một dụng cụ bằng sắt, giống như cái liềm nhỏ, cắt ½ những chiếc răng cửa hàm trên (chừng 6 – 8 chiếc). Sau đó dùng một bàn mài bằng đá, cà những chiếc răng bị cắt cho bằng phẳng. Bị cắt, cà răng như thế, là rất đau, máu ra nhiều, do đó sau khi cà răng, người cà răng phải ngậm một loại nhựa cây để cầm máu và giảm đau.
Trong cộng đồng khi nhìn thấy những thanh niên đã cà răng là chứng tỏ người đó rất dũng cảm, khỏe mạnh, có sự chịu đựng giỏi. Đây cũng là những chàng trai lí tưởng cho các cô gái chọn “bắt chồng”.
Việc cà răng chỉ tồn tại trong quá khứ, vì có rất ít người có thể chịu đựng nỗi đau khi răng bị cắt, bị cà. Hiện nay trên địa bàn miền núi Phú Yên chỉ còn lại một người duy nhất đã “cà răng” là ông Ma Gia – đã trên 70 tuổi – ở buôn Ma Gia, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.
Bên cạnh tục “cà răng”, xưa kia một số đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Phú Yên còn có tục “căng tai”. Họ quan niệm tai dài mới đẹp. Cho nên, theo tuần tự thời gian, ban đầu đeo những vòng khuyên bằng đá nhẹ đến nặng dần để kéo dái tai dài ra. Hiện tượng này cũng kết thúc cùng lúc với hiện tượng “cà răng”.
9. Hiện tượng “nghi ó ma lai” của đồng bào thiểu số vùng miền núi Phú Yên trong lịch sử
Hiện tượng nghi “Ó ma lai” tồn tại khá lâu trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Phú Yên vào những năm trước cánh mạng tháng Tám (1945).
Đồng bào quan niệm “Ó ma lai” là những cá nhân khác biệt trong cộng động mà có khả năng gây hại cho cộng đồng. Ví dụ, một cô gái đẹp, đẹpđến mức mà từ ông già đến chàng thanh niên đều mê và xảy ra những tranh chấp, mâu thuẩn trong công đồng, đòi hỏi chủ làng, những ông thấy cúng phải phân xử. Những người phân xử, đứng trên lập trường của cộng đồng, của số đông, cho rằng vì cô gái quá đẹp – đẹp một cách quá mức – đã mê hoặc những chàng trai, những ông già trong làng; cái sắc đẹp này chỉ là của “ma quỉ”, chứ không phải của con người; nó chính là nguyên nhân gây nên sự bất ổn trong cộng đồng. Nên đây là một hiện tượng không bình thường, và họ sẽ nghi cô gái đẹp kia là “Ó ma lai”. Cũng có thể do sự thù ghét giữa người này với người khác trong cộng đồng, mà không thể cùng tồn tại, dẫn đến phải tiêu diệt lẫn nhau, người ta có thể viện dẫn (tạo dư luận) những hiện tượng bất thường (hạn hán, bệnh dịch…) trong buôn làng và đổ lỗi là do sự có mặt của “người đó” gây ra. Những người thầy cúng, chủ làng phải đứng ra phân xử và kết luận. Khi thế lực kẻ “chủ mưu” mạnh hơn, lôi kéo được những người phân xử, thì đối phương sẽ bị cộng đồng nghi là “Ó ma lai”. Trong thời kì chống Pháp, một tên phản bội, cũng có thể bị nghi là “Ó ma lai”. Một tên chuyên ăn cắp vặt, rất tài nghệ, mà cộng đồng không thể bắt quả tang, mặc dù ai cũng biết chắc rằng nó ăn cắp. Để loại trừ tên ăn cắp này ra khỏi cộng đồng, người ta sẵn sàng nghi nó là “Ó ma lai”.
Người bị nghi là “Ó ma lai” bị buôn làng giam cách li. Trong những năm 30 của thế kỉ XX, ở vùng Thồ Lồ, những người bị nghi “Ó ma lai” bị giam trong những căn hầm dưới lòng đất, chung quanh hầm (kể cả lối ra, vô) đều bị phủ kín gai mắc ó, khá kiên cố.
Khi đã nghi “Ó ma lai”, người ta phải “thử”, để xem cá nhân đó có phải là “Ó ma lai” thật không? Có nhiều cách thử, như: lặn nước, bóp trứng, đi vào lửa…
Lặn nước. Người ta bắt người bị nghi “Ó ma lai” phai lặn nước thi cùng một người nào đó, do chủ làng chọn. Người được chọn, thường là những người có khả năng, bơi, lặn trong buôn. Khi lăn người bị nghi “Ó ma lai” ngói lên trước thì bị kết tội là “Ó ma lai”.Với tâm trạng của một “tù nhân”, lại bị giam hãm nhiều ngày, rõ ràng người bị nghi “Ó ma lai” thường không thể lăn lâu hơn người được chọn để lặn thi.
Bóp trứng, là người bị nghi “Ó ma lai” phải dùng hai ngón tay (ngón troe và ngón cái) bóp dọc quả trứng gà. Quả trứng không vỡ, người bị nghi “Ó ma lai”, là “Ó ma lai”.
Đi vào lửa, bắt người bị nghi “Ó ma lai” đi bảo một đống lửa than (sau khi đốt cỡ một mét khối củi), nếu không bỏng, người đó không phải là “Ó ma lai”.
Qua một trong những hình thức “thử” “Ó ma lai” nêu trên, người bị “thử” không thể vượt qua được, buôn làng sẽ xử tử, hoặc trục xuất, suốt đời không được quay lại buôn làng.
Nghi và “thư” “Ó ma lai” là một hình thức rất man rợ, nên sau khi giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám, Đảng và chính quyền ta đã nghiêm cấm.
10. Một số món ăn độc đáo của đồng bào thiểu số vùng miền núi Phú Yên, như: bóp gié (cà xóc), gà nấu lá giang, canh bầu, thịt khô….
Bóp gié (cà xóc) là món ăn khá phổ biến trong các ngày lễ hội của đồng bào thiểu số vùng núi Phú Yên.
Người ta lấy từng súc thịt bò (trâu) luộc sơ qua nước đang sôi, xắc thành miếng mỏng vừa ăn. Thoạt nhìn, miếng thịt có màu hồng, chín tái. Sau đó trộn chung với một số “đồ lòng”, như: gan, lá sách, ruột, bao tử … đã luộc chín. Số thịt, lòng được trộn đều với muối ớt (ớt xiêm) và mật bò (hoặc mật trâu) – với hàm lượng “vừa ăn”, đảm bảo độ mặn, cay, đắng (nhân nhẩn). Cuối cùng người ta chế tiết (máu) bò ( hoặc trâu) vào trộn đều.
Ngày nay, món này không chỉ là món khoái khẩu của đồng bào dân tộc ít người ở miền núi Phú Yên, mà trở thành món ăn khá phổ biến của chốn thị thành, nhất là đối với những người sành ăn nhậu. Tuy nhiên, khi xuống phố món này cũng có chút ít thay đổi, như không trộn tiết (máu), vì cả một thau thịt mang màu máu “đỏ lòm” trông ít hấp dẫn.
Gà nấu lá giang, là món ăn phổ biến, thường dùng đãi khách ăn với cơm. Khi có khách, chủ nhà bảo con cháu bắt một con gà tơ, cắt tiết, trụng, nhổ sách lông, chặt từng miếng; ra ngoài bìa làng hái một “nhắm” (mớ) lá giang, ớt xiêm. Đun cho nồi nước sôi lên là bỏ gà vào luộc chín, sau đó nêm muối (phải là muối hột, không dùng muối xay, muối i-ốt), vò lá giang bỏ vào; giã dập ớt xiêm nhiều cho vào, thật cay. Món này chế biến không cầu kì, nhanh, rất ngon. Hiện nay canh gà nấu lá giang đã đi vào các nhà hàng thành thị. Về cơ bản người ta vẫn nấu như kiểu truyền thống, nhưng một số người có biến đổi cách nấu, như nước luộc gà phải là nước suối có gas (đóng chai); hoặc cho thêm măng tre (tươi); một số người thích ăn nấm rơm, cũng tướt sợi bỏ vào.
Canh bầu, là món ăn bình dị, thường ngày của đồng bào. Chỉ cần xuống suối bắt một ít ốc đá (hay cá, cua…) rửa sạch. Hái mấy đọt cây mơgul (thiên thuế) vuốt hết lông, đập dập với một ít lá sắn. Lấy một “nhắm” gạo giã nhỏ. Xong, cho tất cả vào nồi nấu chín, nêm gia vị, có một nồi canh (súp) rất tuyệt vời. Tùy điều kiện, nếu không có ốc, cá… người ta có thể dùng thịt khô nướng lên giã nhỏ, thay thế. Các món rau, như: đọt thiên tuế, lá sắn… cũng có thể thay thế bằng những loại rau, ăn được, khác.
Thịt khô. Đồng bào các dân tộc miền núi Phú Yên có tục chế biến thịt để dành ăn dần. Thịt thú rừng, hay thịt bò, thịt trâu… được cắt thành từng thỏi dài, tẩm muối, để lên dàn bếp hong khô. Khi ăn đem nướng, giã nhỏ, trộn muối ớt; hoặc nấu canh. Món này thường dùng để ăn cơm. Khi đãi khách uống rượu cần, người ta nướng nguyên thỏi thịt, dùng dao (rựa) chặt từng đoạn 3 – 5 phân; giã một cối muối, ớt xiêm thật cay, vắt chanh vào. Ăn thịt khô chấm muối ớt, uống rượu cần là một món ngon trong thiên hạ.
TS. PHẠM NGỌC TRÂM
Nhận xét
Đăng nhận xét