Ở nước châu Phi Algeria xa xôi đang lưu giữ báu vật kiến trúc của nền văn minh La Mã cổ đại. Đó là thành phố Timgad, nằm dưới chân dãy núi Aurès, thuộc tỉnh Batna.
Dù bị chôn vùi, lãng quên hàng ngàn năm nhưng thành phố này vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên vẹn đến tận ngày nay.
Thành phố Timgad có tên đầy đủ là Colonia Marciana Ulpia Traiana Thamugadi do hoàng đế La Mã Trajan xây dựng khoảng năm 100 trước công nguyên. Ban đầu, Timgad được xây dựng với mục đích tạo nên một pháo đài chống lại sự xâm lược của người Berber. Cư dân đầu tiên của thành phố cổ này là các chiến binh Parthian của quân đội Roma. Họ được ban đất đai, nhà cửa sau nhiều năm phục vụ cho hoàng đế.
Timgad là ví dụ sống động nhất về tầm nhìn quy hoạch tuyệt vời của người La Mã với kiến trúc tinh vi, đặc sắc. Thành phố được quy hoạch giống những thành phố La Mã thời trung cổ với kiến trúc quy hoạch theo từng ô bàn cờ rõ ràng.
Thiết kế ban đầu của Timgad là một hình vuông hoàn hảo, mỗi cạnh có chiều dài 355m với 6 con đường lớn giao nhau ở vị trí được tạo thành bởi Decumanus Maximus - con đường theo trục đông tây và Cardo Maximus - con đường theo trục bắc nam với hàng cột Corinthian (loại cột có hoa văn trên đỉnh). Những con đường lớn đều nối về khu trung tâm khiến người ta liên tưởng đến câu nói: “Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome”.
Thành phố Timgad cổ ban đầu được thiết kế cho khoảng 15.000 cư dân sinh sống, sau đó được mở rộng ra nhưng quy hoạch không được chặt chẽ như nguyên bản. Và 300 năm tiếp theo, nhiều khu vực được bổ sung nên thành phố có kích thước lớn gấp 4 lần kích thước ban đầu. Trong 300 năm đầu, Timgad được hưởng cuộc sống yên bình và trở thành trung tâm của Thiên Chúa giáo và trung tâm Donatist, một nhánh của Thiên Chúa giáo. Đến thế kỷ thứ 5, Timgad bị suy tàn sau cuộc xâm lược của người Vandal, người Berber và bị người Ả Rập xâm lược vào thế kỷ thứ 7 rồi dần chìm vào quên lãng.
Đến năm 1881, thành phố Timgad mới được khai quật. Nằm sâu dưới lớp cát sa mạc Sahara hàng trăm thế kỷ nhưng Timgad được bảo tồn rất tốt và lưu giữ được những kiến trúc độc đáo. Ở phía cực tây Decumanus vẫn còn một cửa vòm gọi là khải hoàn môn cao 12m. Còn có một ngôi đền thờ thần Jupiter có kích thước tương tự như đền Pantheon ở Rome, thành cổ Byzantine ở phía đông nam; một nhà hát sức chứa 3.500 chỗ ngồi trong tình trạng khá tốt, 1 thư viện, 1 nhà thờ và 4 nhà tắm công cộng.
Nhận xét
Đăng nhận xét