Chùa bà Thiên Hậu ở Chợ Lớn là một địa điểm du lịch thu hút du khách lấy “City tour” thăm viếng Saigon- Chợ Lớn. Chùa bà Thiên Hậu do người Hoa xây cất hơn 260 năm trước.
Ngoài cổng chùa đường Nguyễn Trãi
Tục truyền Bà Thiên Hậu rất linh, và giúp đỡ cho ai đi biển được bình yên, sóng yên gió tạnh, và nếu bị bảo họ vượt qua được sống gió an toàn.
Người Hoa ở Việt Nam là những người đến đây tị nạn chánh trị, trốn tránh chế độ mới trên đất nước họ, làm lại cuộc đời. Họ tin bà Thiên Hậu giúp họ vượt qua khó khăn lúc đi biển, và giúp họ an cư lạc nghiệp trên vùng đất mới.
Quang cảnh trong chùa rất đông du khách thăm viếng
Chùa bà Thiên Hậu có nhiều giá trị về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và hiện vật cổ. Ngoài ra Chùa còn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, và là nơi qui tụ và tương trợ lẫn nhau của bà con người Việt gốc Hoa từ Quảng Đông tới. Lúc thăm viếng Hội An, tôi nhận thấy ngoài đó cũng có một chùa thờ bà Thiên Hậu.
Saigon rất đặc biệt, vì ở đây ngày xưa có nhiều người Hoa đến sanh sống. Người Việt gốc Hoa sống quay quần ở Chợ Lớn, và vẫn giữ được nhiều nét văn hóa của đất nước Trung Quốc. Chùa bà Thiên Hậu là một trong những chùa lâu đời nhất của người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn, được xây cất trên 260 năm nay.
” Chùa Bà Thiên Hậu (theo cách gọi của người Việt) còn được gọi là chùa Bà Chợ Lớn, tên chữ Hán là Thiên Hậu miếu, người Hoa gọi là Phò Miếu (tức miếu Đức Bà). Và do bên cạnh chùa có Tuệ Thành Hội quán là nơi quy tụ của nhóm người Hoa Quảng Đông, nên chùa còn được gọi Tuệ Thành Hội quán.
Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất của người Hoa đã gây dựng trên đất Đề Ngạn xưa.
Chùa hiện tọa lạc tại số 710 đường Nguyễn Trãi, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
Chùa Bà Thiên Hậu được nhóm người Hoa gốc huyện Tuệ Thành, Quảng Đông di dân sang Việt Nam góp vốn và góp công xây dựng vào khoảng năm 1760 và được trùng tu nhiều lần. Chùa nằm trong khu trung tâm của những người Hoa đầu tiên đến tạo lập nên Chợ Lớn sau này.
Đại Nam nhất thống chí ghi: Cách huyện Bình Dương 12 dặm, ở phía tả và phía hữu đường quan lộ. Nơi chợ có đường thông ra tứ phía đi liên lạc như hình chữ “điền”, nhà cửa phố xá liên tiếp thềm mái cùng nhau, người Hán, người Thổ ở chung lộn dài độ 3 dặm, đủ cả hàng hóa trăm thức, ở bên sông Nam và Bắc không thiếu món gì, đầu phía Bắc đường lớn có đền Quan Công, quán Tam Hội, xây cất đối nhau phía tả và phía hữu. Phía Tây đường lớn có chùa Thiên Hậu, gần phía Tây có Ôn Lăng Hội Quán.
Chùa thờ bà Thiên Hậu là chính. Bà được người Quảng Đông gọi là “A Phò” (Đức Bà). Người Phúc Kiến và Hải Nam thích gọi bà là “Đạo Mẫu”.
Theo học giả Vương Hồng Sển thì bà có tên là Mi Châu, thuộc Bồ Dương (Phước Kiến). Bà sinh ngày 23 tháng Ba năm Giáp Thân (1044), đời vua Tống Nhân Tông. Sau đó, tám tuổi bà biết đọc, mười một tuổi bà tu theo Phật giáo. Mười ba tuổi, bà thọ lãnh thiên thơ: thần Võ Y xuống cho một bộ “Nguyên vị bí quyết” và bà tìm được dưới giếng lạn một xấp cổ thư khác, rồi coi theo đó mà luyện tập đắc đạo.
Một lần, cha bà tên Lâm Tích Khánh ngồi thuyền cùng hai trai (anh của bà), chở muối đi bán tỉnh Giang Tây, giữa đường thuyền lâm bão lớn…Lúc đó bà đang ngồi dệt vải cạnh mẹ nhưng xuất thần để đi cứu cha và hai anh. Bà dùng răng cắn được chéo áo của cha, hai tay nắm hai anh, giữa lúc đó mẹ kêu gọi bà, ép bà trả lời, bà vừa hở môi trả lời thì sóng cuốn cha đi mất dạng, chỉ cứu được hai anh. Từ đó mỗi khi thuyền bè ngoài biển bị nạn người ta đều gọi vái đến bà. Năm Canh Dần (1110) nhà Tống sắc phong cho bà là “Thiên Hậu Thánh Mẫu”..
Chùa Bà Thiên Hậu là một trong những ngôi chùa miếu, có lịch sử lâu đời nhất của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh giá trị về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hiện vật cổ, nơi đây còn có một giá trị khác, đó không chỉ là nơi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng mà còn là nơi qui tụ và tương trợ lẫn nhau của bà con người Việt gốc Hoa (Quảng Đông).
Sự tích Bà Thiên Hậu, qua người kể đôi khi có ít nhiều dị biệt nhưng chủ yếu vẫn là đề cao một người phụ nữ Hoa có lòng hiếu thảo, đức hạnh, dám xả thân vì mọi người…Sự đề cao này nhằm mục đích giáo dục.
Mặt khác trên bước đường nguy nan, nhiều sóng gió khi sang vùng đất mới để mưu sinh, người Hoa tin tưởng sự hiển linh của bà sẽ giúp họ vượt qua được mọi trở ngại và được an cư lạc nghiệp. Để tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với sự phù trợ của Bà, Chùa Bà Thiên Hậu có vị trí quan trọng đối với người Hoa Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu… và cả người Việt.
Chùa Bà được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 07 tháng 01 năm 1993.” ”
Nhận xét
Đăng nhận xét