Ai đã một lần về thăm Nhà thờ Phát Diệm ở Kim Sơn, Ninh Bình cũng phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hồn hậu mà trang nghiêm, đan quyện hài hòa đến lạ kỳ giữa hai phong cách kiến trúc Đông – Tây. Còn lạ kỳ hơn, bởi đây là công trình do một linh mục Việt Nam thiết kế và thực hiện, Linh mục Phêrô Trần Lục, quen gọi là cụ Sáu (sinh 1825 – mất 1899). Dù không được học chuyên môn về kiến trúc, nhưng cụ đã thổi hồn vào công trình này, khiến nó toát lên vẻ đẹp toàn mỹ mang đậm nét văn hóa Á Đông.
Nhà thờ Phát Diệm được xây dựng chủ yếu bằng đá kết hợp với gỗ trong một thời gian dài, từ năm 1875 đến 1899 (24 năm). Diện tích toàn khu rộng gần 22ha với 11 hạng mục công trình được xây cất, bố trí hợp lý, tạo nên một không gian kiến trúc trang nghiêm mà không kém phần cuốn hút.
Nhà thờ Phát Diệm là một quần thể gồm các công trình kiến trúc khác nhau, gồm: ao hồ, tượng đài Chúa Kitô Vua, Phương Đình, Nhà Thờ Lớn, nhà nguyện kính thánh RôCô, nhà nguyện kính Trái Tim Chúa, nhà nguyện kính thánh Giu-se, nhà nguyện kính thánh Phê-rô và các hang đá nhân tạo… Mỗi công trình đều có vẻ đẹp riêng, cùng tạo nên bức tranh sinh động, tuyệt mỹ. Các hạng mục trong quần thể nhà thờ này đều được bố trí trên mặt bằng tổng thể hình chữ “Vương”, không gian đóng mở theo phong cách tạo cảnh phương Đông rất rõ nét, trước có hồ, sau có núi thể hiện quan niệm nhân sinh của người Á Đông với mong ước mọi việc an lành, tốt đẹp.
Điểm nổi bật nhất trong quần thể kiến trúc của Nhà thờ đá Phát Diệm là Phương Đình hay còn gọi là Thánh cung bảo tòa. Đây là một trong những hạng mục công trình được hoàn thành sau cùng vào năm 1899, và trở thành một trong những kiệt tác nghệ thuật, kiến trúc độc đáo trong toàn thể không gian kiến trúc của quần thể nhà thờ. Phương Đình cao 25m, rộng21m, dài 17m, gồm ba tầng được xây dựng bằng đá phiến, và dáng vóc của một đình làng rộng lớn và không hề giống với các thánh đường phương Tây, phần giữa có dáng của một cổng tam quan trong kiến trúc truyền thống được xây bằng đá xanh với kỹ thuật tinhxảo. Ở giữa Phương Đình có bộ sập đá do Linh mục Phêrô Trần Lục huy động bà con giáo dân mang về từ Thanh Hóa, tương truyền bộ sập đá này là của nhà vua Hồ Quý Ly. Đứng trên tháp chuông (tầng 3) của Phương Đình có thể bao quát toàn bộ khuôn viên của quần thể nhà thờ, và không gian về một làng quê Kim Sơn trù phú.
Kiến trúc sư Hoàng Quý Thiêm – Giám đốc Công ty cổ phần thiết kế AIC chia sẻ:Những đường nét đặc biệt trong kiến trúc của Nhà thờ Phát Diệm, những họa tiết, hoa văn… nói lên được sự giao hòa trong đa dạng các đường nét kiến trúc giữa phương Tây với phương Đông mà vẫn thống nhất trong một bố cục tổng thể hài hòa của một công trình kiến trúc tôn giáo.
Phía sau tòa Phương Đình là Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm, hay còn gọi là Nhà thờ lớn được xây dựng từ năm 1891, dâng kính Đức Mẹ Mân Côi. Nhà thờ dài 74m, rộng 24m, cao16m, có bốn mái và có năm lối vào dưới các vòm đá được chạm trổ. Bên trong nhà thờ lớn có 6 hàng cột gỗ lim nguyên khối, hai hàng cột giữa cao tới 11m, chu vi từ 2,35m đến 2,65m, mỗi cột nặng khoảng 7 tấn. Gian thượng của thánh đường có một bàn thờ lớn làm bằng một phiến đá nguyên khối dài 3m, rộng 0,9m, cao 0,8m, nặng khoảng 20 tấn.
Cả Phương Đình và Nhà thờ lớn đều không có mái vút cao kiểu ngọn tháp như những nhà thờ Công giáo phương Tây truyền thống mà là dạng mái cong thấp như mái đình Việt Nam.
Nằm sâu phía sau khuôn viên nhà thờ Phát Diệm còn có một nhà thờ làm hoàn toàn bằng đá, từ nền, tường, cột, chấn song cửa với các phù điêu trang trí rất sinh động… Đáng chú ý là các tác phẩm điêu khắc bằng đá ở nhà thờ đều đã đạt đến sự hoàn mỹ, sự tinh tế trong từng chi tiết nhỏ của mỗi một tác phẩm, thể hiện rõ nét tài năng sáng tạo của những người thợ làm đá Ninh Bình từ hơn 1 thế kỷ trước.
Bên cạnh các tác phẩm nghệ thuật được chạm khắc trên đá, thì nghệ thuật điêu khắc gỗ cũng được ưu tiên thể hiện một cách sống động, đã góp phần làm nên giá trị kiến trúc độc đáo của ngôi nhà thờ này.
Với vẻ đẹp đặc trưng và lịch sử tồn tại hơn trăm năm, Nhà thờ Phát Diệm vẫn luôn là điểm đến được du khách trong nước và ngoài nước chọn lựa cho mỗi hành trình khi trở về với miền quê Ninh Bình. Đây cũng chính là nơi để những con dân Kim Sơn nói riêng, Ninh Bình nói chung thể hiện một niềm tin, ước vọng về một cuộc sống an lành, tốt đẹp.
Vượt xa khỏi một công trình mang ý nghĩa tôn giáo, Nhà thờ Phát Diệm hay kiến trúc Nhà thờ Phát Diệm đã trở thành di sản chung về đức tin, là biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc trong lòng đất mẹ Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét