Lễ hội Yên Tử là một lễ hội được tổ chức tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch. Những năm gần đây, Yên Tử trở thành nơi du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, thắng cảnh, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thường xuyên quanh năm
Mỗi độ xuân sang, du khách thập phương lại về Yên Tử, thành tâm chiêm bái chốn Tổ Thiền Trúc Lâm, thăm Khu Di tích lịch sử – thắng cảnh nổi tiếng của vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Hằng năm, từ những ngày đầu tháng Giêng, du khách thập phương lại tấp nập về Hội xuân Yên Tử lễ Phật, du xuân “cầu may vạn phúc!”. Ngày 10 tháng Giêng, lễ khai mạc Hội xuân truyền thống được tổ chức với nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm; văn nghệ diễn xướng tái hiện sự tích lịch sử, văn hóa tâm linh, những huyền thoại về Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm tôn kính; Lễ khai ấn “Dấu Thiêng Chùa Đồng” đầu năm rất quan trọng và các hoạt động văn hóa dân gian, múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian,… tưng bừng, nhộn nhịp.
Vị trí địa lý của Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử Khu di tích lịch sử thuộc địa bàn xã Thượng Yên Công và phường Phương Đông, ở phía Tây – Bắc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Các di tích của Yên Tử xưa trải rộng đến cả vùng Ngọa Vân, Hồ Thiên (huyện Đông Triều).
Núi Yên Tử thuộc vòng cung Đông Triều, cao 1.068m so với mặt nước biển. Từ xưa, Yên Tử có nhiều tên gọi: Tượng Sơn (Núi Voi), Bạch Vân(Núi Mây Trắng), Phù Vân Sơn(Núi Mây Nổi), Linh Sơn (Núi Thiêng) và được biết đến là một trong bốn “Phúc địa linh thiêng” của Giao Châu.
Trong những danh sơn nổi tiếng ở nước ta, Yên Tử là một di tích kết hợp hài hòa và hấp dẫn bởi hai mặt: chiều sâu lịch sử và cảnh đẹpkỳ bí của thiên nhiên. Đó là vẻ đẹp hoang sơ của cõi thiền xưa, ẩnt chứa những thông tin về quá khứ, về con người và thời đại.
Cuối thời Lý, đầu đời Trần, Yên Tử đã là nơi thờ Phật và tu hành của các thiền sư: Hiện Quang, Viên Chứng, Đại Đăng, Tiêu Dao, Huệ Tuệ. Đến khi vua Trần Nhân Tông về đây tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm thì Yên Tử trở thành trung tâm Phật giáo của nước ta từ đó. Trải qua gần 1000 năm lịch sử, những công trình kiến trúc về chùa, am, tháp và những di vật cổ quý giá từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn vẫn còn lưu dấu tích, ẩn khuất giữa rừng già. Yên Tử non thiêng là bảo tàng văn hóa kiến trúc, bảo tàng động vật, thực vật phong phú. Chính nơi đây, bản sắc dân tộc Việt Nam, tư tưởng, tâm hồn Việt Nam được thể hiện rất rõ.
Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm, một tông phái đặc thù của Thiền tông Phật giáo Việt Nam. Ảnh hưởng của thiền phái này còn kéo dài đến tận ngày nay nhờ công khôi phục của Thiền sư Thích Thanh Từ và hệ thống thiền viện thuộc phái Trúc Lâm trên khắp cả nước
Phật hoàng Trần Nhân Tông, trước tiên là vị anh hùng dân tộc, ba lần cầm quân đánh thắng quân Nguyên xâm lược, đem lại độc lập cho đất nước. Phật hoàng là vị vua Phật tử vĩ đại, sau khi dẹp tan giặc ngoại xâm dám xả bỏ ngai vàng để xuất gia học đạo và tu hành chứng quả, khai sáng thiền phái Trúc Lâm.
Linh sơn Yên Tử đã đi vào tiềm thức, là niềm tự hào của con người Việt Nam và sự ngưỡng mộ của du khách quốc tế.
Với điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng cùng với những giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch,..Yên Tử là nơi có điều kiện thuận lợi trong nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa tâm linh, tiềm năng du lịch, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn gen,…để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhận xét
Đăng nhận xét