Đi tìm thứ bậc cho Kinh Dương Vương |
GiadinhNet - Lâu nay, theo truyền thuyết thì người sinh ra các vua Hùng là Lạc Long Quân và người sinh ra Lạc Long Quân là Kinh Dương Vương. Vậy ai sinh ra Kinh Dương Vương?
Gọi Vua Hùng là “Quốc tổ” thì gọi Kinh Dương Vương là gì? Hơn nữa phải có dân rồi mới có vua, gọi vua là “tổ” có thực đúng không? Đó là những băn khoăn của ông Trần Quốc Thịnh, người đã có một số công trình nghiên cứu về văn hóa ở Bắc Ninh...
Băn khoăn tên gọi
Chúng tôi tìm về thôn Thất Giang, xã Châu Phong, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh tìm gặp ông Trần Quốc Thịnh (nguyên chuyên viên Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Hà Bắc cũ, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Giang) – người đưa ra những băn khoăn trên. Ông Thịnh băn khoăn nếu cho rằng Hùng Vương là “Quốc tổ” thì không biết xếp Lạc Long Quân, Kinh Dương Vương vào bậc gì. “Từ thuở nhỏ, ở lớp Vỡ lòng các thày cô đã dạy cho tôi về lịch sử Việt Nam. Theo đó, Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân rồi Lạc Long Quân mới sinh ra Vua Hùng. Vậy bây giờ gọi Vua Hùng là “tổ” thì gọi các vị kia là gì?”, ông Thịnh đặt vấn đề.
Theo ông Thịnh, có lẽ vì trong sử liệu còn có nhiều điểm chưa thống nhất nên việc gọi tên và phong danh cho các vị vua thuộc họ Hồng Bàng có nhiều điểm bất cập. Có thể đây là các nhân vật huyền thoại nhưng rõ ràng tên tuổi những nhân vật đó vẫn hiện hữu trên các di tích và sống trong tâm thức người Việt. Bên cạnh đó, một điểm rất bất hợp lý là hiện nay, cả Lạc Long Quân lẫn Hùng Vương đều được gọi là “tổ”. Như vậy đã phù hợp chưa? Cả cha và con cùng là “tổ” thì quả là một sự bất hợp lý về thứ bậc.
Còn một vấn đề khác, đó là việc phong “Quốc tổ” cho Vua Hùng, Lạc Long Quân hay thậm chí Kinh Dương Vương đi nữa, cũng là chưa thỏa đáng. Bởi lẽ, ông Thịnh cho rằng Kinh Dương Vương không phải là người sinh ra nòi giống Việt, mà chỉ là vị vua đầu tiên của nước ta. Với ý nghĩa này thì nên cách gọi Ngài là Vương Thủy tổ thì hợp lý hơn.
Kinh Dương Vương sinh ra ở Bắc Ninh?
Trong cuốn “Danh nhân lịch sử Kinh Bắc” của mình, ông Trần Quốc Thịnh cho rằng Kinh Dương Vương là người bộ lạc Dâu, cư trú tại địa bàn phía Nam sông Đuống, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Không chỉ Kinh Dương Vương mà cả Lạc Long Quân cũng từng sinh, trưởng tại vùng đất này. Có lẽ một trong những căn cứ để ông Thịnh nhận định Kinh Dương Vương từng sinh sống tại Bắc Ninh là do đến nay, ngôi đền thờ cùng lăng mộ vị của vị vua này hiện vẫn còn tồn tại ở làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Khu di tích đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (cũ) công nhận là Di tích quốc gia năm 2008.
Lăng mộ Kinh Dương Vương nằm ở ngoài đê sông Đuống, trên một diện tích đất rất rộng khoảng trên 20.000m2. Theo một thông tin thì vào khoảng năm 1949, khu lăng mộ và đền thờ đã bị thực dân Pháp phá hủy, đến năm 1971 mới được phục dựng lại. Hiện nay tại đây vẫn còn lưu giữ được tấm bia đá, phía trên bia trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt, xung quanh trang trí hoa dây cách điệu, phía dưới là hình sóng nước. Trong lòng bia được khắc chìm 19 chữ. Chính giữa là bốn chữ Kinh Dương Vương lăng. Bia có niên đại năm Minh Mệnh 21 (1840). Còn ở khu đền thờ, ngoài thờ Kinh Dương Vương còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đền thờ hiện lưu giữ nhiều đạo sắc phong có niên đại từ năm 1810 đến 1924 và một bức đại tự có chữ Đại Nam tổ miếu.
Khu di tích sạch sẽ nhưng lại khá hiu quạnh. Ông Vương Hữu Thông, người trông coi ngôi đền cho biết, vào năm 2000 khu di tích được tỉnh đầu tư sửa sang một lần, từ đó đến nay không có gì cả. Dù cũng có nhiều đoàn khách đến thăm, nhưng di tích vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng tầm của nó. Ngay cả Lễ hội tưởng nhớ Kinh Dương Vương vào ngày 18/1 âm lịch hàng năm, phần lớn cũng là do dân làng tự tổ chức. Là người trông coi di tích, ông Thông không khỏi chạnh lòng. Theo ông Thông thì cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa để khu di tích xứng với vai trò, tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của thời đại các Vua Hùng. “Từ năm 2009, cả nước đã góp giỗ trong ngày Giỗ tổ Vua Hùng, việc này thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của cả dân tộc, đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu xét theo lịch sử, Kinh Dương Vương còn là ông nội của Hùng Vương. Việc phải quan tâm đến Ngài về đạo lý cũng là điều nên làm”, ông Thông nói.
Còn ông Trần Quốc Thịnh cũng cho rằng, Kinh Dương Vương phải được tôn sùng hơn nữa vì là Ngài vị vua đầu tiên có danh vị trên địa phận Việt Nam.
Không nên hiểu là giỗ vị tổ đầu tiên
Trước các băn khoăn trên, GS sử học Phan Huy Lê cho rằng, lịch sử bất cứ nước nào cũng bắt đầu từ kho tàng huyền thoại và truyền thuyết. Kinh Dương Vương hay Lạc Long Quân, Âu Cơ đều là nhân vật huyền thoại. Việc ghi nhớ đến những nhân vật này là sự tưởng niệm đến nguồn gốc xa xưa của tổ tiên, của cội nguồn dân tộc. Việc tìm thấy những khu lăng mộ cũng đều là chứng tích của những huyền thoại được các thế hệ về sau lịch sử hóa. Ví dụ như cột đá thề trên đền Thượng của Đền Hùng được nhân dân ta gắn với truyền thuyết Thục Phán thề nguyền khi được vua Hùng nhường ngôi. Thực ra, thông qua các mộng ghép của cột, các nhà khoa học chứng minh rằng chiếc cột đá đó có niên đại gần đây, do ai đó lấy từ một kiến trúc đá đem về dựng lên bên đền Thượng để cụ thể hóa một truyền thuyết. Một số huyền thoại thường được lịch sử hóa là chuyện bình thường, nằm trong quy luật lưu truyền và phát triển của loại hình văn hóa dân gian. Sử học mới chỉ chứng minh được thời kỳ Hùng Vương là có thật theo ý nghĩa là thời kỳ hình thành nhà nước đầu tiên trong lịch sử, dù còn sơ khai, phôi thai. Trong lịch sử của bất cứ một quốc gia - dân tộc nào trên thế giới thời cổ đại, đều có hai mốc lịch sử quan trọng. Thứ nhất là sự xuất hiện của con người trên lãnh thổ nước đó, mốc mở đầu lịch sử gắn liền với cuộc sống của con người. Thứ hai là sự hình thành nhà nước đầu tiên khi cư dân nước đó bắt đầu tập hợp lại thành cộng đồng quốc gia, mở đầu lịch sử dựng nước và giữ nước. “Thời Hùng Vương là mốc thứ hai và do đó, không nên hiểu Giỗ tổ Hùng Vương là giỗ của vị tổ đầu tiên của người Việt, của dân tộc Việt Nam”, GS Phan Huy Lê nói.
Theo GS Phan Huy Lê, trước thời Hùng Vương, khảo cổ học đã phát hiện được rất nhiều di tích thời đại đồ đá và đồ đồng, chứng tỏ cách ngày nay hàng vạn năm, trên lãnh thổ nước ta đã tồn tại và phát triển cuộc sống con người thời tiền nhà nước. Đó là thời tiền sử theo cách gọi của khảo cổ học và sử học. Những huyền thoại, truyền thuyết thời trước Hùng Vương phản ánh lịch sử thời tiền sử, trong đó có sự xuất hiện của con người và nguồn gốc của tổ tiên. Truyện Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân- Âu Cơ là huyền thoại phản ánh cội nguồn của dân tộc.
Theo cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim thì họ Hồng Bàng làm Vua được 18 đời, đến năm Quý Mão (258 trước TL) thì bị nhà Thục lấy mất nước. Tuy nhiên theo truyền thuyết thì từ Kinh Dương Vương đến đời Hùng Vương cuối cùng có tới 20 vị vua. Tuy nhiên, một số tư liệu khác lại cho rằng có tới 19 đời Hùng Vương, gồm cả Kinh Dương Vương.
Đại Việt sử ký toàn thư thì chỉ ghi Kinh Dương Vương là đời vua thứ nhất, sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân sinh ra Hùng Vương. Hùng Vương truyền được 18 đời. Nhìn chung, thông tin về các đời vua Hùng hiện chưa thống nhất.
Nếu tạm coi các Hùng Vương truyền ngôi được 18 đời, thì tên các vua Hùng được một số các sách ghi lại như sau: 1. Hùng Vương (tức Kinh Dương Vương Lộc Tục); 2. Hùng Hiền (tức Lạc Long Quân Sùng Lãm); 3. Hùng Lân; 4. Hùng Việp; 5. Hùng Hy; 6. Hùng Huy; 7. Hùng Chiêu; 8. Hùng Vỹ; 9. Hùng Định; 10. Hùng Hy; 11. Hùng Trinh; 12. Hùng Võ; 13. Hùng Việt; 14. Hùng Anh; 15. Hùng Triều; 16. Hùng Tạo; 17. Hùng Nghị; 18. Hùng Duệ.
Ông Trần Quốc Thịnh cho rằng, cúng giỗ vua Hùng là chúng ta tri ân vị vua tổ thứ 3 của người Việt thời dựng nước, có công sáng lập nước Văn Lang truyền 18 đời vua. Ông Thinh đưa ra luận điểm: 99 người em của vua không phải do vua Hùng sinh ra thì vua Hùng nên được gọi là “Bác tổ” mới phải. Cúng giỗ vua Hùng ở Phú Thọ xong, lẽ ra chúng ta phải tổ chức lễ hành hương về làng Á Lữ lễ Vương Thủy tổ Kinh Dương Vương, Âu Cơ và Vương Thế tổ Lạc Long Quân ở xã An Bình - Thuận Thành, tri ân những người sinh ra Hùng Vương. Như vậy mới là đúng với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”!
Báo Gia đình và Xã hội - Xuân Canh Dần
|
Nhận xét
Đăng nhận xét