Theo truyền ngôn, một nhà sư tên Bần, người xứ Thiên Trúc theo thuyền đi truyền bá đạo Phật đã đến cư trú tại hang và mở chùa Hang. Nhiều nhà nghiên cứu trong nước cho rằng đây là nơi đầu tiên đạo Phật du nhập vào nước ta.
Chùa Hang hay còn gọi là Cốc Tự (khu 1, phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng) được xem là ngôi chùa thiên tạo lớn nhất trong khu di tích lịch sử Đồ Sơn.
Chứng tích quý của đạo Phật
Theo lời kể của các Phật tử tại chùa, nhà sư nước Thiên Trúc (thường gọi là sư Bần) đến truyền đạo và tu hành tại chùa Hang Đồ Sơn từ thế kỷ thứ III trước công nguyên và thị tịch tại đây. Do vậy, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là nơi đầu tiên đạo Phật du nhập vào nước ta.
TS Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội sử học thành phố Hải Phòng cho biết: Theo các tài liệu xưa và hiện nay, vùng Đồ Sơn - Kiến Thụy là nơi đầu tiên các nhà truyền đạo từ Tây Trúc (Ấn Độ) đặt chân đến. Trong đó có nhà sư từ Thiên Trúc đến truyền Phật pháp và dựng chùa Hang (Cốc tự) từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên, vào cuối thời Hùng Vương. Nhà sư này còn dựng chùa trên Mẫu Sơn (núi Chòi Mòng) và sau đó ngài viên tịch tại chùa Hang.
Là kết quả bào mòn của sóng biển nên thuở đầu, chùa Hang nằm gần mép biển, thuận tiện cho ngư dân sinh hoạt tín ngưỡng. Điều này cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu của các nhà sử học Hoàng Xuân Hãn, C.Madrolle, rằng Phật giáo truyền vào xứ Đông (vùng Hải Dương - Hải Phòng) trước hết từ Nê Lê (Đồ Sơn) hiện nay.
Lịch sử Hải Phòng còn ghi lại, thuở xưa, Đồ Sơn là một đảo đất đá xen kẽ, cách đất liền khoảng 3km, rừng rậm đầy sản vật, nước ngọt. Ngư dân khắp các miền, nhất là vùng Thanh - Nghệ, đến sinh cơ, lập nghiệp. Trên đảo có một số hang động rộng rãi.
Các nhà sư Thiên Trúc theo thuyền buôn đi men theo đường biển đã cập đảo này và dựng chùa Hang (Cốc tự). Dân chúng Đồ Sơn là những người đầu tiên của xứ Đông tiếp thu đạo Phật. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn ý kiến tranh luận nhưng phần nhiều thuận với quan điểm trên.
Trong quá trình dựng và giữ nước, người Việt cổ cũng đã xác lập được nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc, còn gọi là văn minh sông Hồng. Đây cũng là quá trình thâm nhập và mở rộng ảnh hưởng của đạo Phật tới nước ta.
Từ Đồ Sơn – Kiến Thụy, Phật giáo tiếp tục được truyền vào xứ Đông và các vùng phố Hiến - Kinh Bắc. Đạo Phật lan truyền nhanh chóng bởi nó là tôn giáo phù hợp với bản sắc văn hóa - tín ngưỡng các tộc người Á Đông.
Chùa Hang là một di sản văn hóa vô cùng quí hiếm
Chùa được đặt trong lòng hang đá ven sườn núi cao 35m, rộng 7m và được chia thành hai bậc thềm trong – ngoài. Về tổng quan, chùa có cấu trúc hình thang, xuyên thẳng vào trong núi với độ dài khoảng 25m. Theo truyền thuyết, chùa Hang có từ trước công nguyên.
Càng vào sâu, chùa Hang Đồ Sơn càng thấp và hẹp với độ cao trong cùng khoảng 1,2 m và rộng khoảng 1,3m. Chùa có vị thế lưng ẩn sâu trong núi vững chãi và mặt hướng ra biển cả mênh mông. Nhìn từ xa, chùa, tháp, nhà thờ tổ,… hợp lại thành một quần thể kiến trúc độc đáo về dáng vóc, đa dạng về hình khối.
Mặc dù đã trải qua nhiều lần tôn tạo nhưng, kiến trúc của chùa Hang Đồ Sơn “Tiền Phật, hậu Thần” về cơ bản vẫn không thay đổi.
Trải qua nhiều thăng trầm cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước, chùa Hang hiện nay không còn nằm cheo leo trên bờ biển mà đã lùi xa cách khuôn viên chùa cũ hơn 100 m.
Hiện nay, chùa vẫn còn nhiều di vật đáng quý như bàn thờ đá, tượng A-di-đà - pho tượng sư tổ bằng đá xanh, cao 0,59cm tọa thiền trên đài sen, tóc quăn thành từng búi, tai dài; bát hương đá tạo hình thành thế chân vạc đặt trước bàn thờ sư tổ; giếng nước cổ ở sâu trong lòng hang.
Với vẻ đẹp độc đáo, nhiều tao nhân mặc khách đã lưu đề thơ ca ngợi vẻ đẹp chùa Hang như: “Chùa Hang, động phật, hang dơi; Bốn phương tám hướng chẳng nơi nào bằng”. Hay trong ca dao cổ có ghi “Chùa Hang cảnh Phật nhiệm màu; Ấy là bụt mọc hay bầu tiên xây”.
Mặc dù không có quy mô rộng như chùa đặt trong hang như chùa Hương, Trầm, Địch Lộng nhưng chùa Hang ở Đồ Sơn được nhiều du khách tìm đến chiêm bái, tham quan bởi vẻ đẹp tự nhiên cùng sự tích kỳ bí.
Nhận xét
Đăng nhận xét