Năm 1887, kinh Chợ Vải, từ sông Sài Gòn chạy lên khu vực đường Lê Lợi hiện nay, được lấp trở thành một đại lộ lớn mà người Pháp gọi là Boulevard Charner, gồm con kinh lấp và hai con đường dọc hai bờ kinh, đường Charner bên trái kinh và đường Rigault de Genouilly bên phải kinh. Đại lộ Charner (nay là đường Nguyễn Huệ) trở thành đường rộng nhất Sài Gòn, nơi diễn ra các lễ hội lớn, có nhiều cửa hàng và trụ sở các công ty, các di tích văn hóa lịch sử không kém đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi).
Chỉ trong vài chục năm sau khi lấp kinh, đại lộ Charner trở thành nơi buôn bán phồn thịnh. Phạm Quỳnh khi đi thăm Nam kỳ vào năm 1918 đã có nói về con đường Charner và Catinat phồn hoa phát đạt như sau: “Các cửa hàng lớn, hàng tây, hàng ta (phần nhiều người Bắc kỳ), hàng Chà (phần nhiều người Bombay bên Ấn Độ), hàng khách, chen nhau xin xít. Lại thêm có mấy nhà khách sạn lớn, nhà chớp bóng, nhà hát Tây, nên chiều chiều cứ từ năm giờ trở đi kẻ đi người lại như nước chảy. Người sang trọng, kẻ thượng lưu, tất mỗi buổi phải dạo qua đường Catinat một lượt mới là nền. Những trai thanh gái lịch đất Sài Gòn lấy đấy làm chốn cực phẩm phong lưu. Trên đường thì xe hơi không biết mấy trăm mấy chục mà kể, tiến lên êm như ru, như vô số những làn sóng tự ngoài xa đưa lại, rạt cả bên bờ nhà “Đại lục khách sạn” (Hôtel Continental)” (Phạm Quỳnh, Một tháng ở Nam kỳ, 1918).
Bài biên khảo này ghi lại những nơi, các địa chỉ có dấu vết của các tiệm, cơ sở, cảnh quan và con người đã để lại ký ức trong người Sài Gòn qua các năm từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Cảnh quan và kiến trúc con đường Charner thay đổi nhiều và biến dạng rất nhanh chóng so với các con đường nổi tiếng khác ở trung tâm Sài Gòn.
Ngày nay ta còn có thể thấy lại một vài cảnh quan của kinh Chợ Vải, hai con đường dọc kinh (đường Charner và Rigault de Genouilly) và nhà cửa, hàng quán trước năm 1887 là nhờ những hình ảnh cực kỳ quý hiếm của nhà nhiếp ảnh tiên phong ở Nam kỳ, ông Émile Gsell, đã chụp và may mắn còn tồn tại.
Chiêu Nam Lầu trên đại lộ Charner
Chiêu Nam Lầu trên đại lộ Charner
Theo hồi ký Nguyễn An Ninh: Tôi chỉ làm cơn gió thổi của Nguyễn Thị Minh, con gái ông Nguyễn An Ninh: “Từ cái ngày cả gia đình rời Tân An lên Sài Gòn, ông bà nội tôi mướn hai căn phố liền nhau ở đường Kinh Lấp nay là đường Nguyễn Huệ… Hai bên bờ kênh nhà cửa san sát, phố xá nhộn nhịp, dưới bến thì ghe thuyền tấp nập đến tận khuya. Thật là nơi thuận tiện giao thông, nhất là đường sông.
Hai căn phố ông bà nội tôi mướn nằm bên trái nhà Xã Tây. Lúc đầu ông bà tôi lập khách sạn cho thuê phòng trọ và mở thử tiệm may vì bà nội và bà cô tôi may rất khéo. Sau này ba má tôi quen thân với ông Diệp Văn Kỳ mới nghe ông nói: “Nghe tiếng bà Chiêu Nam Lầu may khéo nên vua Thành Thái trước khi đi đày sang đảo Réunion đã đến may cả chục áo dài gấm””. Số 49 đường Charner là tiệm may của ông Nguyễn An Khương, thân phụ ông Nguyễn An Ninh. Nơi đây sau đó trở thành tiệm ăn và trên lầu là khách sạn Chiêu Nam Lầu. “Mục đích của Chiêu Nam Lầu là nơi chiêu hiền đãi sĩ của người Việt Nam, nơi gặp gỡ của anh hùng hào kiệt ba miền, nơi tá túc của những nhà ái quốc Bắc Trung lưu lạc vào Nam” (Nguyễn An Ninh: Tôi chỉ làm cơn gió thổi).
Chính tại Chiêu Nam Lầu mà hoàng tử Miến Điện Myingun đang lưu vong tại Sài Gòn đã thân quen với gia đình Nguyễn An Khương. Cô của Nguyễn An Ninh có học cách làm dầu cù là Miến Điện; sau này Nguyễn An Ninh có lúc phải đi bán dạo dầu cù là để kiếm sống và che giấu hoạt động cách mạng của mình.
Chính tại Chiêu Nam Lầu mà hoàng tử Miến Điện Myingun đang lưu vong tại Sài Gòn đã thân quen với gia đình Nguyễn An Khương. Cô của Nguyễn An Ninh có học cách làm dầu cù là Miến Điện; sau này Nguyễn An Ninh có lúc phải đi bán dạo dầu cù là để kiếm sống và che giấu hoạt động cách mạng của mình.
Một câu chuyện ít ai biết mà bà Nguyễn Thị Minh có kể lại trong hồi ký của bà là Kỳ Ngoại Hầu Cường Để đang trú ngụ tại Chiêu Nam Lầu từng suýt bị cảnh sát mật vụ Pháp bắt khi đang nằm ngủ.
Chiêu Nam Lầu cũng là nơi cụ Phan Châu Trinh khi từ Pháp trở về nước đã cư ngụ cho đến khi mất vào ngày 24/3/1926. Đám tang Phan Châu Trinh từ đây đi đến nghĩa địa Gò Công (gần Tân Sơn Nhất ngày nay) là một đám tang khổng lồ, báo chí Pháp gọi ngày diễn ra đám tang đó là ngày Việt Nam thức tỉnh. (Theo Báo Thanh Niên)
Lịch sử đường Nguyễn Huệ
Nếu làm một chuyến đi về quá khứ, chúng ta sẽ khám phá được rất nhiều điều thú vị và bất ngờ trong lịch sử hình thành đường Nguyễn Huệ ở Sài Gòn.
Hằng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, đường Nguyễn Huệ, một trong những con đường đẹp nhất của Sài Gòn, nằm trải dài từ trước trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố [Tòa Đô chính (sảnh) trước năm 1975, Dinh Xã Tây Dinh Đốc Lý thời thuộc Pháp – DCVOnline] đến Bến Bạch Đằng, với nhiều tòa nhà cao tầng và những trung tâm thương mại mua bán sầm uất, biến thành một đường hoa rực rỡ, thu hút rất nhiều khách viếng thăm, và trở thành một địa chỉ quen thuộc cho những vị khách du xuân.
Nếu làm một chuyến đi về quá khứ, chúng ta sẽ khám phá được rất nhiều điều thú vị và bất ngờ trong lịch sử hình thành con đường này.
Khởi thủy đường Nguyễn Huệ là 1 con kênh dẫn vào thành Gia Định (còn gọi Thành Bát Quái 1790-1835). Người Pháp gọi là Kênh Grand, người Việt gọi là Kênh Chợ Vải.
Dọc bờ kênh là một con đường được người Pháp đặt tên là đường Charner (đường bên phải trong ảnh), hay một tên gọi khác là đường Quảng Đông (Rue de Canton), bởi đa số người Hoa làm nghề buôn bán ở đây đều là người Quảng Đông. Phía đối diện bờ kênh là đường Rigault de Genouilly.
Ảnh này chụp cuối Kênh Chợ Vải, chúng ta có thể thấy có 1 cây cầu để nối hai bờ kênh, xa xa là Bến Nhà Rồng.
Bên phía đường Canton chúng ta có thể thấy một ngôi chợ. Chợ đã hình thành từ trước khi người Pháp chiếm Sài Gòn, nằm cạnh bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành, và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành.
Vào năm 1887, người Pháp cho lấp con kênh và sát nhập hai con đường ở hai bờ lại làm một thành đại lộ Charner. Dân bản xứ gọi nôm là đường Kinh Lấp. Trong ảnh chúng ta thấy cha ông đang trải nhựa cho con đường mới hết sức cực nhọc bằng phương tiện thủ công.
Chợ Bến Thành cũ, hướng nhìn ra đường Kinh Lấp – Charner.
Phía trước mặt chợ Bến Thành cũ nhìn ra đường Kinh Lấp – Charner. Có thể đoán ảnh này được chụp khoảng năm 1909-1914, vì ở phía xa ta đã thấy tòa nhà Dinh Xã Tây – nay là UBND TPHCM. Năm 1914 chợ không còn nằm vị trí này.
Con đường bên hông chợ Bến Thành cũ, nay là đường Ngô Đức Kế . Chợ được dời về vị trí hiện nay vào năm 1914. Vị trí chợ cũ nay là tòa nhà Bitexco và kho bạc.
Ít ai ngờ rằng vị trí tháp đồng hồ trước cao ốc Sunwah trên đường Nguyễn Huệ ngày nay từng là pháp trường của người Pháp.
Đại lộ Charner – Kinh Lấp nhìn về hướng sông Sài Gòn, tòa nhà ta thấy bên phải ngày nay vẫn còn, đó chính là thương xá Tax.
Một hướng nhìn khác của Đại lộ Charner về phía Dinh Xã Tây. Tiếc là công viên nhỏ ở trong hình ngày nay đã không còn nữa.
Vào thập niên 50, Đại Lộ Charner – Nguyễn Huệ là một trong những con đường đẹp nhất của Hòn Ngọc Viễn Đông – Sài Gòn. Trên không ảnh chúng ta có thể thấy đàng xa là hai tháp chuông của nhà thờ Đức Bà.
Sinh hoạt trên ĐL Charner / Nguyễn Huệ
Trước năm 1975, đại lộ Nguyễn Huệ thật sầm uất và đầy màu sắc.
Trải qua hơn 200 năm hình thành và phát triển, đại lộ Nguyễn Huệ đã biến đổi từng bước theo thời cuộc và cho đến ngày nay nó vẫn là con đường đẹp bậc nhất của Sài Gòn hoa lệ.
Nhận xét
Đăng nhận xét