Nằm trên núi Tiêu Sơn, từ ngôi chùa cổ này có thể thấy trong tầm mắt những làng mạc của một vùng Kinh Bắc xưa. Quang cảnh thanh vắng, yên tĩnh chốn cửa thiền mang đến cho con người sự thanh thản. Dấu ấn văn hóa đặc sắc qua năm tháng còn in đậm ở nơi đây.
Chùa Tiêu Sơn có từ lâu đời, nằm ở trung tâm vùng Phật giáo cổ, qua nhiều lần được trùng tu, gìn giữ, vẫn mang nét kiến trúc truyền thống với tam bảo, nhà tổ, các bảo tháp, hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên. Đặc biệt, chùa gắn liền với tên tuổi Thiền sư Vạn Hạnh (938-1018), một người tài cao học rộng, đã trụ trì và phát triển dòng thiền Nam phương tại đây. Thiền sư cũng là người trực tiếp dạy dỗ vua Lý Công Uẩn từ khi còn nhỏ tại chùa Tiêu Sơn.
Theo sử sách, Lý Công Uẩn từ khi lên ba tuổi đã được mẹ là bà Phạm Thị đưa lên gửi Thiền sư Vạn Hạnh nuôi dưỡng, dạy dỗ. Thiền sư khi gặp Lý Công Uẩn, nhận thấy khí chất thông minh, dĩnh ngộ, đã nói: "Đây là người phi thường, sau này lớn lên tất có thể cứu nước, yên dân, làm bậc minh chủ thiên hạ".
Thiền sư đã dành nhiều công sức dạy dỗ Lý Công Uẩn và sau này, là người góp nhiều công sức đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra ra một triều đại huy hoàng của nền văn minh Đại Việt. Thiền sư đã được nhà Lý tôn xưng là Quốc sư. Chùa Tiêu, nơi còn phần mộ Thiền sư Vạn Hạnh, hiện còn lưu giữ các cổ vật liên quan đến Thiền sư và Lý Công Uẩn. Trên tường ở gian thờ chính hiện nay vẫn còn treo một bản Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ.
Chùa Tiêu Sơn còn là nơi có pho tượng táng gần 300 tuổi của hòa thượng Như Trí. Đây là một trong 4 pho tượng táng hiện đang được lưu giữ trong các chùa ở Việt Nam. Nhục thân trong ngôi tháp của hòa thượng Như Trí được khai quật vào năm 2014 ở phía trước Tam Bảo của chùa. Hòa thượng Như Trí là người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo, trong đó có việc in các bộ sách về đạo Phật qua các thời kỳ, có nhiều giá trị về triết học, văn hóa.
Dòng sông Tiêu Tương huyền thoại của xứ Kinh Bắc xưa cũng có sự gắn bó với chùa Tiêu Sơn. Sông Tiêu Tương gắn với câu chuyện về chàng Trương Chi và nàng Mỵ Nương nổi tiếng trong văn hóa dân gian, từng chạy ngang vùng này, qua thời gian đã bị bồi lắng. Người dân Từ Sơn cho rằng đoạn sông Tiêu Tương còn lại ngày nay chính là hồ nước quanh chân núi Tiêu Sơn, phía trước cửa chùa. Dòng sông không còn nhưng câu chuyện Trương Chi, Mỵ Nương vẫn sống mãi.
Một điểm làm nên sự khác biệt với các chùa chiền khác hiện nay: Chùa Tiêu Sơn không có hòm công đức. Nhà sư trụ trì ở đây cho biết, nhà chùa chỉ nhận tiền công đức khi cần xây dựng cơ sở vật chất cho chùa. Khi nào nhà cần, chùa mới nhận tiền công đức của người dân trong vùng, khách thập phương hay những nhà hảo tâm để dùng vào những công việc cụ thể. Đấy là một nét riêng có của chùa Tiêu Sơn, một di tích văn hóa đã được nhà nước công nhận.
Nhận xét
Đăng nhận xét