Nằm trên trục đường dẫn từ thành Hà Nội tới khu nhượng địa, Paul Bert là con phố đắt giá nhất dưới thời Pháp thuộc. Trên phố tập trung đủ các loại hình dịch vụ từ nhà hát, rạp chiếu bóng, khách sạn, hiệu thuốc, cửa hàng bách hóa, hiệu sách, nhà in, nhà xuất bản, ngân hàng … Đây là con phố có diện mạo thay đổi nhiều nhất.
PHẦN I: NHÀ GODARD VÀ TAVERNE ROYALE : Quá trình hình thành xem tại đây
Loại bưu ảnh nhiều hình thời kì tiên phong phát hành vào những năm đầu tiên của thế kỉ XX. So với các ảnh khác trong entry, hình ảnh ngã tư Paul Bert (Tràng Tiền) – Francis Garnier (Hàng Bài) ở góc trái tấm bưu thiếp có thể coi là bức ảnh sớm nhất.
Đối diện bên kia đường là tòa nhà hai tầng đang hoàn thiện – nhà Lacaze
Cận cảnh. Đường phố đang thi công, cây xanh ngang tầm cửa sổ, lô đất trống trên con phố đắt giá nhất thời bấy giờ, cây cột đèn giữa ngã tư… tất cả các chi tiết cho khẳng định cửa hàng bách hóa trong ảnh là hình ảnh thời kì đầu của nhà Godard.
Rue Paul Bert xưa bao gồm phố Tràng Tiền và Hàng Khay ngày nay. Hầu hết các ngôi nhà trên phố đều được chụp ảnh phát hành thành bưu thiếp. Trong bức ảnh toàn cảnh trên hãy chú ý đến cột đèn đường đứng giữa ngã tư và tấm biển hiệu của nhà thuốc Chassagne.
Tầu điện qua ngã tư Tràng Tiền – Hàng Bài. Các tài liêu ghi tuyến Bờ Hờ – Chợ Mơ được xây dựng năm 1906, tuy nhiên nhật ấn trên tấm bưu thiếp này là năm 1905. Ảnh chụp từ nhà Godard. Vẫn cây đèn đường mảnh mai đeo biển phố.
Loại cột đèn mảnh mai thời kì đầu được thay bằng loại vững chắc hơn. Nhà Godard đã đổi chủ: Dòng chữ Godard & Cie trên mặt tiền được thay bằng L’union commerciale indochinoise et africaine
So với những bức ảnh trước, trong khoảng 2 năm phố Tràng Tiền thay đổi rất nhiều. Cây xanh trồng lấy bóng mát bị chặt bỏ vì không phù hợp với hoạt động buôn bán tấp nập nơi đây. Mái hiên tầng 1 được rỡ bỏ. Phần mái của nhà Godard thay đổi hoàn toàn với các tháp đồng hồ 4 mặt đặt trên vòm mái mới xây trên mặt tiền tòa nhà. Từ đây tên gọi mới của nó là Grands Magasins Réunis, nhưng người dân vãn quen gọi là nhà Godard.
Góc chụp từ tháp Hòa Phong cùng thời điểm 2 bức trước. Trước nhà Lacaze thấy còn lấp ló cây xanh.
Toàn cảnh nhà Godard phía mặt phố Hàng Bài và Hai Bà Trưng. Đồng hồ trên tháp vẫn chưa được lắp, tuy nhiên hàng cột đỡ mái hiên làm sát ra mép vỉa hè.
Nhật ấn bưu điện 4.02.1914. Hoạt động buôn bán rất sầm uất.
Vì tòa nhà phơi về hướng Tây, lại không có cây xanh che chắn, nên phải dùng các tấm bạt chống nắng. Thập niên này người ta sử dụng các cây cột đèn để treo affiche quảng cáo.
Ngã tư trước nhà Godard, hướng chụp về phía nhà bưu điện khuất trong cây xanh. Hàng hiên nhà Lacaze và cột đèn đường kế tiếp đánh dấu lối rẽ vào phố Đinh Lễ. Ảnh dưới được chụp từ hướng ngược lại.
Các bức ảnh chụp tổng thể tòa nhà không cho thấy được vẻ đẹp tinh tế của hàng hiên. Thời kì này tòa nhà Lacaze đối diện mang tên khách sạn Terninus. Trong ảnh thấy rõ hàng hiên trước khách sạn được sử dụng làm quán cafe.
Xe hơi xuất hiện trên phố.
Một tòa nhà hiện đại theo phong cách Art Deco với những lam bê tông chống nắng đã thay thế vào vị trí khách sạn Terninus. Bộ mặt khu vực thay đổi hoàn toàn.
Xe hơi đỗ đầy trên phố
Trong bức không ảnh này, dưới cái nhìn ngày nay, vẻ đẹp cổ điển của nhà Godard hoàn toàn đánh bại vẻ tân kì của tòa nhà bên kia đường. Đầu phố Đinh Lễ có một khoảng đất trống, nơi sau này sẽ mọc lên tòa nhà ngày nay là bưu điện quốc tế.
Khách sạn Terninus giờ đây mang tên Taverne Royale (Tửu Quán Hoàng Gia), nơi khoảng giữa những năm 30 các nhạc sĩ thế hệ thứ nhất của Conservatoire Francais d’Extreme – Orient như Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Hữu Hiếu, Phạm Văn Nhường … chơi nhạc tại một trong những phòng trà (café-concert) đầu tiên ở Việt Nam.
Nhật ấn bưu điện năm 1936. Trong xu thế tân kì hóa con phố thương mại này, để không lạc lõng với anh bạn bên cạnh, người ta đã tân trang vỏ ngoài tòa nhà Godard bằng cách cơi cao tường mặt tiền nhằm che đi vòm mái , thay thế tháp đồng hồ bằng loại hình vuông. Ba chữ cái GMR (Grands Magasins Reunis) xoắn xuýt được đắp lên mặt tiền tòa nhà.
Hàng cột chống xây bằng bê tông vững chãi hơn.
Thời vàng son của tòa nhà đă qua. Chiến tranh và những khó khăn kinh tế ghi dấu đậm nét trên dáng vẻ tòa nhà. Tòa nhà hình như thay đổi chủ. Phía trên 3 chữ GMR người ta đề thêm chữ ANCIENS với ngụ ý nhắc nhớ thương hiệu cũ của nó là Grands Magasins Reunis
Cờ Pháp và cờ quốc gia dật dờ trên mặt tiền hoang phế của tòa nhà. Dấu vết tàn phá cho phỏng đoán ảnh chụp vào thời kì Pháp tái chiếm Hà Nội
Không thấy xe tay, thay vào đó là sự xuất hiện của xích lô, loại phương tiện phát triển cực thinh vào thời kì tạm chiếm. Năm 1950, lo sợ thất bại của thực dân Pháp ở Việt Nam, chủ nhà hàng Godard đã chia lô bán cho thương nhân Việt. Nhà Godard trông đìu hiu trong cái yên lặng dông bão của Hà Nội
Đường phố thưa vắng. Viên cảnh sát điều khiển giao thông đứng nhàn nhã.
Tiếp nối không gian của bức ảnh trước. Đầu phố Đinh Lễ đã xuất hiện một tòa nhà mới của bưu điện thành phố. Bưu ảnh này cùng loại với tấm trước, chúng được các hiệu ảnh tự sản xuất, phát hành với kiểu chú thích viết tay.
Xe nhà binh thay thế cho những chiếc limousine sang trọng
Không khí hoảng hốt trước ngày Việt Minh vào tiếp quản Hà Nội. Với tâm trạng của kẻ ra đi, người phụ nữ Pháp này cố ghi vào trí nhớ những hình ảnh thân thuộc của thành phố ngày mai sẽ trở thành quá khứ. Ảnh trích từ loạt ảnh Last Days of Hanoi của Howard Sochurek.
Và thực sự nó đã trở thành một phần kí ức khó phai trong kí ức những người ra đi. Một trong loạt bưu thiếp “Trông vời Bắc Việt” phát hành sau hiệp định Geneve.
Năm 1958, chính quyền thực hiện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, 49 quầy hàng trong Godard được dọn hết, dù trước đó, đầu thập niên 50 họ mua lại của chủ Godard. Tháng 9-1959, Godard được đổi tên thành Bách hóa Tổng hợp.
Hình ảnh Bách hoá tổng hợp thời bao cấp. Cho đến thời điểm trước khi phá bỏ vẫn còn thấy lấp ló sau bức tường mặt tiền những vòm mái được xây dựng trong thập kỉ đầu tiên của thế kỉ trước.
Tràng Tiền Plaza là một trung tâm thương mại của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, rất gần Bưu điện Hà Nội và nhìn ra hồ Hoàn Kiếm, trên vị trí của Bách hóa Tổng hợp Hà Nội cũ. Đây là một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất Hà Nội. Trung tâm có 3 mặt tiền Trung tâm thương mại này được thành lập vào năm 1999 do nhu cầu mua sắm cao. Chính phủ đã quyết định xây dựng trên nền đất của cửa hàng bách hóa cũ. Sau khi xây dựng xong công ty TNHH Thương mại Tràng Tiền đã đảm nhận việc quản lý tòa nhà. Nơi này nhìn thông ra hồ Hoàn Kiếm, gần nhà hát lớn. Có diện tích 20000 m vuông với các trang thiết bị hiện đại. Nó đạt tiêu chuẩn của quốc tế, hàng hóa đa dạng. Tràng Tiền Plaza…2012 lại tiếp tục cải tạo, điều chỉnh theo hướng phân khúc thị trường mua sắm cao cấp hơn
Một số hình ảnh Tràng Tiền Plaza mới hiện nay
Nhận xét
Đăng nhận xét