Thời Hùng Vương ( thiên niên kỷ thứ I TCN), vùng đất Trang Liệt thuộc bộ Vũ Ninh của Nhà Nước Văn Lang – Âu Lạc. Thời Bắc thuộc, nhà nước Âu Lạc bị chia thành các quận, huyện: thời Tần (221 – 209 TCN), vùng đất Trang Liệt thuộc Quân Tượng; từ thời Hán (110 TCN – 210 sau CN) đến thời Tấn (284 –420), thuộc quận Giao Chi; thời Đường (622 – 900), thuộc quận Giao Châu, sách Đại Nam Nhất thống chí cho biết: vùng đất Trang Liệt trước thuộc châu Cổ Lãm; thời Tiền Lê (980 – 1009), thuộc châu Cổ Pháp; thời Lý (1010 – 1225), thuộc phủ Thiên Đức; thời Trần (1226 – 1400), thuộc châu Vũ Ninh, lộ Bắc Giang. Thời thuộc Minh (1407 – 1427), lộ Bắc Giang đổi thành phủ Bắc Giang 4. Thời Hậu Lê, Trang Liệt là một trong 88 xã của huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Bắc Đạo. Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), Bắc Đạo đổi thành đạo Bắc Giang. Từ năm Hồng Đức thứ 21 (1490), đến đầu thế kỷ XIX, vùng đất Trang Liệt, Bính Hạ thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc 5. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), trấn Kinh Bắc đổi thành trấn Bắc Ninh. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), đổi thành tỉnh Bắc Ninh. Theo sách “ Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX ( từ Nghệ An trở ra)”, thời Gia Long (1802 – 1819), làng Đồng Kỵ thuộc tổng Nghĩa Lập, các làng Trang Liệt và Bính Hạ thuộc tổng Phù Lưu, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc.
Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng Trang Liệt là một xã (nhất thôn nhất xã), thuộc tổng Phù Lưu. Sau Cách mạng tháng Tám, chính quyền cách mạng sắp xếp lại đơn vị hành chính, xoá bỏ cấp tổng, phủ, thành lập cấp xã làm đơn vị cơ sở. Đầu năm 1946, các làng Trang Liệt và Bính Hạ hợp thành xã Trang Hạ, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ngày 9-7-1949, Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Liên khu I ra Quyết định số 422PC/2 hợp nhất hai xã Trang Hạ và Đồng Kỵ thành xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Sách: “ Lễ hội- truyền thống hiện đại” viết “ Làng Kẻ Sặt, còn có tên khác như: Sặt Đồng, Trang Liệt, Trang Bà Liệt. Sở dĩ gọi là Trang Bà Liệt vì đó là một các trang do một danh nhân thời Trần xây dựng, người đó gọi là Bà Liệt, có họ hàng với người anh hùng Trần Quốc Toản”. Để nhớ công ơn, dân làng đã lấy tên ông làm tên làng và tôn phong làm Thành hoàng làng.
Nhận xét
Đăng nhận xét