- Chuyện kể đại loại như sau: Ngày xửa ngày xưa, có thể xưa như châu Âu vào thế kỷ 14, hoặc gần hơn là thế kỷ 18 - thời gian dao động tùy vào người kể chuyện nhưng chủ yếu là đâu đó trong khoảng này - toàn thể châu Âu đang phải chịu một trận dịch bệnh khiến nhiều người chết thảm.
Nhiều người bỏ mạng đồng nghĩa với lắm mồ mả, mà thời ấy, người chết hay được chôn với chút ít của cải, dù nghèo thì cũng ráng có đồng vàng ngậm trong miệng để “trả phí qua đò khi xuống âm phủ”. Dịch bệnh vô tình thúc đẩy ngành trộm cắp đổi quy mô từ vào nhà chôm chỉa người sống thành đào mộ cướp của người chết.
Lúc đó, thành phố Marseille của Pháp (hoặc thành phố Toulouse, tùy vào ghi chép) có bốn tên trộm chuyên đi đào mộ như thế này. Ban đầu chính quyền lẫn người dân đều biết tỏng bọn chúng láo lếu, nhưng lại kệ không thèm bắt. Lý do đơn giản: Đa số trộm mộ chỉ hành nghề được một thời gian sẽ lăn ra chết vì bệnh. Bên Tây lúc ấy chưa có nhà thiêu xác, cũng không biết tẩy trùng, bởi vậy, thi thể người đã khuất là nguồn lây nhiễm nguy hiểm. Các tên trộm tiếp xúc tử thi đều yểu mệnh, đào bới được vài ba bận là tự ngắc ngoải nên chính quyền không buồn bắt bớ nữa.
Chai giấm Bốn tên trộm từ thời thế kỷ 17, tại Pháp.
Thế nhưng, lạ là bốn tên trộm của Marseille này cứ thế đi chôm chỉa mà chẳng bị sao cả, sống trơ trơ khỏe mạnh trong khi các đồng môn đều gục ngã. Thành phố bèn ra lệnh bắt khẩn cấp bốn tên này, và bọn chúng khai ra “bí kíp” sống sót trong tâm dịch chính là nhờ giấm. Công thức của nó biến thể tùy theo nguồn ghi chép, nhưng đại khái là dùng giấm rượu có độ đậm đặc để ngâm các thảo dược có tính diệt khuẩn, đuổi côn trùng như đinh hương, long não, hương thảo, xô thơm, ngải Tây (wormwood), kinh giới Tây (majoram)... cùng nhiều loại thảo mộc linh tinh khác. Ngâm một thời gian - thường là nửa tháng - rồi lọc bỏ cái, sau đó dùng giấm “đã ngâm qua thảo mộc” này thoa lên tay, thoa lên tai, lên thái dương. Một số bản còn ghi lại rằng, bọn trộm nhúng khăn vào giấm rồi bịt lên mặt trước khi đi cướp mộ.
Câu chuyện bắt đầu lan toả, và dân tình gọi nó là “giấm bốn tên trộm”. Bảo tàng Paris hồi năm 1937 từng trưng bày một tờ giấy in công thức giấm này, và dần dần "giấm bốn tên trộm" trở thành món quen thuộc ở châu Âu.
Tất nhiên, ngày nay người phương Tây chỉ dùng giấm này như giấm nấu ăn để tăng chút đề kháng cho cơ thể, không phải để bảo vệ mình khỏi dịch vì đi đào mộ nữa.
Khoa học nay cho bài học xưa
Câu chuyện kể trên chứa đựng nhiều bài học, nhưng phải áp dụng và lý giải được chúng bằng phương pháp khoa học ngày nay, chứ không là không vào đầu nổi, vô tình biến câu chuyện có ích thành chuyện chẳng ai thèm nhớ.
Nói theo khoa học, rượu, giấm, cồn... nếu áp dụng đúng sẽ trở thành dung môi, có khả năng “kéo” các hoạt chất từ cây lá thảo mộc ra khỏi nguyên liệu chủ. Phương Tây từng làm cồn thuốc (gọi là tincture) bằng cách ngâm thảo dược phù hợp trong rượu hoặc trong cồn. Thời xưa, cồn thuốc chủ yếu là từ thảo mộc ngâm rượu, uống được, lấy xoa bóp được. Ngày nay, các nhà sản xuất có thể dùng cồn độ nặng thay cho rượu uống làm dung môi, từ đó họ chế biến ra nhiều nguyên liệu khác nhau cho ngành y. Loại ngâm rượu hoặc ngâm giấm dù vẫn còn nhưng chỉ thuộc quy mô gia đình, ai thích có thể tự đọc sách, tự nghiên cứu và ngâm.
Rượu thuốc, ngâm từ hoa lá thảo mộc.
Trở về với câu chuyện của bốn trên trộm mộ, ý kiến chuyên môn ngày nay cho rằng các cây thảo mộc bốn tên ấy dùng có chất đuổi côn trùng, và giấm sẽ giúp kéo các dược tính này ra khỏi thân, lá cây. Bốn tên trộm dùng giấm thuốc ấy thoa tay, thoa lên vải bịt mặt là ruồi muỗi, bọ chét... sẽ không bu bám. Dịch bệnh ở châu Âu thời xưa có mấy loại lây từ ruồi, bọ, và chúng còn bám trên xác chết, thành thử đuổi được các con này là né được bệnh. Tuy khó xác định được chuyện về bốn tên trộm thực hư thế nào, khoa học có thể giải thích vì sao thời ấy người ta ngâm giấm, ngâm rượu với hoa lá rau mùi để giữ sức khỏe.
Tất nhiên bây giờ, tình hình đã khác. Ngoài vấn nạn trái đất nóng dần lên, tàn phá rừng gây ra nhiều hệ lụy, kèm theo chuyện virus vi khuẩn biến đổi để thích nghi, thì kiến thức về bệnh truyền nhiễm cũng như y học đã khá hơn nhiều, nên chẳng ai nghĩ rằng cứ bôi giấm thuốc là an toàn, không bị gì hết. Điều thú vị của các câu chuyện như truyền thuyết bốn tên trộm là nó giải thích được một số món bổ ích của tổ tiên loài người, và tại sao thời xưa gần như nhà nào cũng thực hành ngâm, ủ một số món họ cho là tốt sức khỏe để dùng thường xuyên hoặc phòng khi ốm đau.
Nhận xét
Đăng nhận xét