Đặc sắc quần thể mộ cổ gần 200 năm ở Cần Thơ

Quần thể mộ cổ với những nét kiến trúc độc đáo của gia đình ông Hùng.
Quần thể mộ cổ với những nét kiến trúc độc đáo của gia đình ông Hùng.

Nằm ngay huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ, có một quần thể mộ cổ của gia đình ông Trần Thanh Hùng (ấp Trần Đông A, xã Tân Thới) tồn tại gần 200 năm nay, nhưng ít có người biết đến…

Trần Thanh Hùng là thế hệ thứ 5 trong gia tộc, tiểu sử về ông tổ Trần Để (còn gọi là Trần Ban Tế) ngày xưa vào đây khai hoang lập nghiệp như thế nào đối với ông Hùng rất mơ hồ.

Theo lời ông Hùng ước tính, ngôi mộ này hình thành vào khoảng những năm 1842. Bấy giờ, ông Ban Tế là một trong những người giàu nhất ĐBSCL thời thuộc địa. Thời ấy, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, việc đi lại phần lớn là đi bộ nhưng ông đã sắm cho mình một chiếc ghe riêng, chạy dọc theo các nhánh sông để buôn bán trà, thuốc, cốm. Sau một thời gian buôn bán, kiếm được một số tiền, ông xây nhà và mua thêm đất để trồng trọt.

Ông Hùng kể: “Tôi nghe ông bà kể lại, ngày xưa ông Tổ có 9 người con, các con của ông không làm hội đồng thì cũng đi du học nước ngoài. Ông giàu có nhưng không ăn chơi như mấy công tử ngày xưa, ông hay làm việc thiện, còn đóng góp tiền xây dựng bệnh viện đa khoa Cần Thơ. Nhà của ông Tổ tôi có 100 cửa sổ, lớn lắm, sau đó chiến tranh tàn phá hết”.

Ngôi mộ của gia tộc họ Trần nằm trên khuôn viên 1.000m2, trong khu vườn nhà ông Hùng. Phía ngoài ngôi mộ là song cửa sắt thép dày, cao hơn 3m, các bia mộ tất cả được làm bằng đá cẩm thạch.

Ngôi mộ được thiết kế như một tòa cung điện, rất công phu, tinh xảo. Mộ của ông Ban Tế nằm ở giữa, mộ hai bà vợ nằm hai bên. Mỗi ngôi mộ được thiết kế rất tinh xảo, bên ngoài lớp vôi là những hoa văn được vẽ sắc nét bên trong. Riêng ngôi mộ của người con thứ bảy, sau chuyến đi Pháp về, ông bảy tự thiết kế ngôi mộ theo phong cách Pháp cho vợ chồng mình.

Ông Hùng bên ngôi mộ cổ của gia tộc.
Ông Hùng bên ngôi mộ cổ của gia tộc.

Việt Nam trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, mọi nề nếp sinh hoạt, lối sống, phong cách Á Đông của dân Việt cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi "chất Pháp", kiến trúc Việt Nam cũng không ngoại lệ. Những tòa nhà Pháp giữa lòng thủ đô Hà Nội hay thấp thoáng đâu đó trên khắp các tỉnh thành Việt Nam đều là những di tích chúng ta cần trân trọng và lưu giữ. Nét kiến trúc cổ theo phong cách phương Đông kết hợp với chút Tây của kiến trúc Pháp tạo nên một phong cách kiến trúc mới ở Việt Nam - phong cách kiến trúc Đông Dương.

Riêng về lăng mộ, hiện chỉ có Lăng Khải Định còn gọi là Ứng Lăng tọa lạc trên triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) bên ngoài kinh thành Huế là được người đời sau đặt ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi sự pha trộn kiến trúc Đông Tây Kim Cổ lạ thường. Quần thể mộ cổ của gia đình ông Trần Ban Tế có nét tương đồng như vậy. Ở đó, có kết hợp hài hòa, tinh tế của lối kiến trúc phương Tây và kiến trúc truyền thống phương Đông.

Được biết, ngôi mộ này được khởi công trước khi ông Ban Tế qua đời, đến khi ông mất, công trình này vẫn chưa hoàn thiện. Ông Hùng kể vui, ông Ban Tế là người cùng thời ông Dương Chấn Kỷ (chủ ngôi nhà cổ vườn Lan, Bình Thủy, Cần Thơ). Bấy giờ, độ giàu có của hai ông có thể xem là ngang nhau. Khi chết, hai người ra đi cùng một ngày nên hai bên gia đình “cá cược” xem ai có nhiều tiền để chiêu đãi khách thăm viếng mà không nhận tiền cúng bái. Kết quả, vừa tròn ba tháng ông Kỷ đã được chôn cất, còn ông Ban sau ba tháng 10 ngày mới được khâm liệm. Khi được hỏi: Để lâu quá không bốc mùi tanh sao? Ông Hùng đáp: “Tôi nghe nói quan tài của ông Tổ được dán kính bằng nhựa thông, không có kẽ hở nên không bốc mùi”.

Hiện ngôi mộ cổ vẫn được gia đình ông Hùng gìn giữ, bảo tồn và ông vẫn đang đau đáu một nỗi niềm là chưa thấu hiểu được tâm ý của ông cha để lại qua những chữ Hán trên các văn bia ấy.

“Nhiều chỗ trên ngôi mộ đã bị hư hao nhiều nhưng tôi không muốn sửa vì sẽ làm mất giá trị mà ông bà ta để lại. Tôi sẽ giữ gìn và bảo tồn để con cháu sau này lớn lên, nhìn về ngôi mộ mà biết đến nguồn gốc của mình. Tôi cũng hy vọng tìm được người giải mã những dòng chữ trên tấm bia, để chúng tôi hiểu hơn về giá trị lịch sử cha ông để lại”, ông Hùng bộc bạch… 













Nhận xét