Tháng 9 năm Đinh Mùi, niên hiệu Thành Thái thứ 19 tức năm 1907, Nam triều bắt đầu đặt thêm Bộ Học, xếp đặt quan chế phân minh.
Giờ Địa lý ở Trường Hậu Bổ. Ảnh: Tư liệu
Có một thời, Cố đô Huế được người Pháp gọi là “thành phố quan lại”. Trong dân gian, người ta sửa câu ca có cụm từ “ngựa Thượng Tứ” thành:
Mê gì như mê tổ tôm,
Mê ngựa Hậu Bổ, mê Nôm Thúy Kiều
Là bởi thời đó, bên trong cửa Thượng Tứ có đặt kinh trạm chuyển công văn bằng ngựa theo lối chạy tiếp sức, được ưu tiên nhường đường trên dặm dài thiên lý. Phía ngoài cửa Thượng Tứ lúc đó, rẽ về phía cầu Trường Tiền vài chục mét, là Trường Hậu Bổ đào tạo quan lại từ cấp huyện trở lên… “Mê ngựa Hậu Bổ” là mê cảnh lên xe xuống ngựa của các quan ông, và cả các “quan bà”.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, Trường Hậu Bổ tọa lạc ở địa điểm nay là Nhà Văn hóa thành phố Huế. Mặt tiền của trường hướng ra đường Trần Hưng Đạo, đối chênh với di tích đình lục giác, bến nước nổi tiếng lấy tên chung Thương Bạc.
Tháng tư năm Ất Mão 1855, vua Tự Đức định lệ bổ quan cho tiến sĩ, phó bảng, tôn sinh, giám sinh và ấm sinh: “Từ nay về sau, tiến sĩ, phó bảng bắt đầu hàm Viện Hàn lâm đã đủ một năm; tôn sinh, giám sinh, ấm sinh học Trường Quốc Tử Giám đỗ kỳ hạch bổ cho Viện Hàn lâm được 3, 4 năm thì do Bộ Lại chiếu theo số phủ, huyện, châu các tỉnh hạt nhiều hay ít, liệu phái đi làm hậu bổ để gặp việc thì sai phái, hoặc phái đi quyền tạm làm phủ, huyện để tập quen công việc trị dân. Tiến sĩ, phó bảng đi hậu bổ được 1 năm; tôn sinh, giám sinh, ấm sinh được 2 năm gặp chỗ khuyết đáng thăng thì chiếu lệ xét bổ làm phủ, huyện; nếu không có chỗ khuyết mà bổ được thì do bộ xin chuyển bổ chức khác cho khỏi đến nỗi chìm đọng lại. Các viên phó bảng theo lệ trước được bổ đồng tri phủ hoặc hàm đồng tri phủ mà lãnh chức tri huyện nào to đứng đầu các huyện để tỏ sự thống nhất bổ dụng” (Thi cử, học vị, học hàm dưới các triều phong kiến Việt Nam, Đinh Văn Niêm, NXB Lao động, 2014, tr.575). Định lệ mới này có khe khắt hơn so với định lệ cũ ở dưới triều Thiệu Trị trở về trước.
Tháng 9 năm Đinh Mùi, niên hiệu Thành Thái thứ 19 tức năm 1907, Nam triều bắt đầu đặt thêm Bộ Học, xếp đặt quan chế phân minh. Tri huyện thuộc quyền quản lãnh của Bộ Lại; Giáo thọ, Huấn đạo thuộc Bộ Học, tách rời từ Ty Tân Hưng của Bộ Lễ vào buổi ban đầu và dần hồi phát triển và phát huy đúng vai trò cấp bộ.
Tháng 4 năm Tân Hợi 1911, Huế bắt đầu đặt Trường Hậu Bổ. Vua Duy Tân ban Dụ: “Nay theo lời tâu của bề tôi Bộ Học (…), nghĩ đặt một Trường Hậu Bổ chuyên dạy những người khoa mục để học rộng, biết nhiều, mở mang hiểu biết để hẹn ngày thực dụng. Về chương trình điều khoản đã qua bề tôi Bộ Học bàn bạc với Phủ Phụ chính cùng quý khâm sứ đại thần trù nghĩ, rất hợp ý trẫm, chuẩn bị cho thi hành” (Quốc triều hương khoa lục, Cao Xuân Dục, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1993).
Tri phủ Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An là Nguyễn Duy Cần (1817 – ?), đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Dần 1842, được đổi làm Hồng Lô Tự Khanh sung Đốc giáo trường Hậu Bổ Huế (Quốc triều hương khoa lục). Cụ Nguyễn Đình Hòe từng làm thông ngôn Tòa Khâm sứ Huế, dạy Pháp văn tại Trường Quốc Học, Huế, được cử làm Phó Đốc giáo Trường Hậu Bổ. Thành phần ban giảng huấn là những trợ giáo uyên bác người Việt, việc giảng dạy các môn học do Tòa Khâm sứ cử giáo sư uy tín đảm trách. Tuổi quy định các học viên vào học từ 24 đến 34 tuổi; duy tiến sĩ, phó bảng tuổi đời cho phép tới 40.
Trong “Những người bạn Cố đô Huế” năm 1915, cụ Nguyễn Đình Hòe có viết “Lịch sử Trường Hậu Bổ ở Huế”: “Trường này nhằm mục đích bồi dưỡng học vấn mới cho các tiến sĩ và phó bảng, cho cử nhân và tú tài của thành viên Hoàng tộc hay lớp quan xuất sắc của dân chúng An Nam để phục vụ Nam triều trong ngạch hành chính cũng như trong giáo dục. Các nho sĩ An Nam đều tập huấn một thời gian 3 năm trước khi được đi đảm nhiệm các công vụ (…). Trường được vua Duy Tân và khâm sứ Sertier khánh thành ngày 28 tháng 7 năm 1911”.
Trong hồi ký của một vị quan triều Nguyễn “Khúc tiêu đồng”, cụ Hà Ngại, cựu sinh viên Trường Hậu Bổ khóa 6 (1916 – 1919) đã có chép về Trường Hậu Bổ ở Huế:“Tháng 6 năm 1916, tôi ra Huế hạch vào Trường Hậu Bổ, được đỗ thứ 6 – kỳ thi này gồm có các bài hành văn chính tả Pháp văn, một bài luận Pháp văn, 2 bài Toán. Khẩu vấn: Địa dư Đông Dương, Sử ký Việt Nam, giải nghĩa bài đọc Pháp văn. Nhà trường ở ngoài cửa Thượng Tứ ngó ra đường quan lộ và nhà Thương Bạc, sát sông Hương (nay là nhà hát lớn thường dùng tập họp công chúng diễn thuyết). Phía trước, một nhà lớn, dành cho các lớp học và các phòng làm việc; phía sau, một nhà lớn dành cho học viên nội trú; phía tay mặt lại có một sở nhà để quan Phó đốc giáo ở, còn quan Chánh đốc giáo ở nhà riêng ngoài phố. Lúc bấy giờ phần đông những người làm việc, thích làm bên Chánh hơn bên Giáo vì bên Chánh có nhiều quyền lợi lớn”.
Số lượng sinh viên được tuyển chọn vào học Trường Hậu Bổ là 30 suất, chia 2 ban. Ban Chánh gồm 20 người, ban Giáo gồm 10 người. Tất cả đều học trong 3 năm, 2 năm đầu học chung một chương trình; đến năm thứ ba mới tách ra học chương trình chuyên sâu. Cuối năm thứ ba sát hạch, người dự hạng tốt nghiệp chiếu lệ bổ quan, lương bổng cũng ngang bằng quan viên. Giữa “đầu vào” và “đầu ra” đều khớp đúng theo kế hoạch được đề ra cho từng khóa học. Bên ban Chính cũng như ban Giáo đều lần lượt được bổ dụng căn cứ theo vị thứ của kết quả thi tốt nghiệp. Không có nạn chạy chọt nhiệm sở.
Vị Đốc giáo sau cùng của Trường Hậu Bổ ở Huế là họa sĩ nổi tiếng Lê Văn Miến.
Về sau, Đại học Luật Hà Nội được giao nhiệm vụ nghiên cứu thể lệ chính trị tại Trung kỳ. Năm1922 những thanh niên tuấn tú ở Huế muốn chọn đường làm quan thì lên đường ra Hà Nội thi tuyển vào trường Pháp Chính. Theo nhà nghiên cứu Lê Quang Thái, từ năm 1921, toàn bộ cơ sở Trường Hậu Bổ Huế tạm lưu lại để tương lai làm nơi giảng dạy sinh viên năm thứ 4. Trường Hậu Bổ hết chức năng đào tạo quan lại Nam triều từ đó.
Nhận xét
Đăng nhận xét