Đền Phủ hay Đền Bà Chúa Kho - là di tích tọa lạc tại số 263 đường Nguyễn Văn Cừ, tổ dân phố Tiền Giang, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang. Di tích được công nhận xếp hạng Di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 10/QĐ-UBND ngày 06/01/2012.
Cổng vào Đền Phủ
Căn cứ vào khảo sát thực tế di tích, các tài liệu hiện vật còn liên quan cho biết: Đền Phủ được xây dựng từ lâu đời, ở cạnh cơ quan hành chính của phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc xưa và dinh tuần phủ Bắc Giang sau này đóng ở đó nên ngôi đền được mang tên là Đền Phủ. Khi đó, Đền Phủ có quy mô bề thế, bố cục mặt bằng theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm có tiền tế 5 gian và hậu cung. Phía trước tiền sảnh được xây dựng 2 tòa gác chuông ở hai bên; trong đền có tượng thờ Bà Chúa Kho, tượng Tiên Đồng, Ngọc nữ bằng sơn son thếp vàng lộng lẫy; trước khoảng sân rộng là nghi môn, kiến trúc công phu; phía Nam đền có một cây xanh rất to, cành rễ tỏa rộng cả một vùng, tán cây che kín tới 3-4 phần ngôi đền, cò vạc thường kéo nhau về trú ngụ… Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đến năm 2008, Đền Phủ được trao lại cho nhân dân địa phương để phục hồi thờ phụng. Được sự phát tâm công đức của nhân dân, năm 2010 đền được tu bổ, phục hồi khang trang với quy mô, diện tích nhỏ hơn xưa. Việc đánh giá di tích Đền Phủ không chỉ nhìn vào quy mô kiến trúc, vẻ bề ngoài mà phải đi sâu tìm hiểu phần giá trị hàm chứa bên trong đó, có như vậy mới thấy hết được giá trị lịch sử lớn lao của di tích.
Theo sách Bà Chúa Kho Thành hoàng làng (Giảng Võ - NXB Văn hóa dân tộc - Hà Nội) của Hoàng Hồng Cẩm ghi lại, sự tích về Bà Chúa Kho được lưu truyền như sau: Vào đời nhà Trần, có nàng Lý Thị Châu (Châu Nương) là con gái của Điện hộ binh lương - chuyên việc giữ kho tàng cho binh lính Lý Quýnh, quê gốc ở làng Cổ Pháp (nay là làng Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Lớn lên, Châu Nương có tài lại có sắc, được cha cho theo học ở phường Bích Câu - kinh thành Thanh Long. Cô thường giúp cha việc sổ sách kho tàng hàng ngày, lâu dần quen thuộc cách thức và thông thạo mọi việc. Năm 22 tuổi, Châu Nương lấy một viên quan họ Trần Thái Bảo, làm chức Đốc Bộ ở Hoan Châu (Nghệ Tĩnh). Năm 1285, giặc Nguyên Mông bành trướng thế lực xuống phía Nam. Trần Thái Bảo được lệnh đem quân chống giặc. Bà Châu Nương tự nguyện lo lắng việc chỉ huy quân phòng ngự bảo vệ kho tàng. Mặc dù giặc mấy lần tập kích song kho tàng vẫn được bảo vệ chu đáo và việc tiếp tế cho quân sĩ cũng được bà lo liệu đầy đủ. Cũng chính thời gian này, Châu Nương cải trang thành nam giới để đốc xuất tướng sĩ chống trả mãnh liệt, khiến cho quân địch bị hao binh tổn tướng. Do có công lớn, chồng bà được phong chức Tiền quân dực thánh bảo vệ nhà Vua, vợ phụ trách toàn bộ kho tàng của nhà nước. Trong cuộc xâm lược lần thứ ba của quân Nguyên Mông, Trần Thái Bảo chiến đấu dũng cảm và hy sinh. Vua tôi nhà Trần rút về Thiên Trường, Châu Nương ở lại lo việc cất giấu binh lương và không may sa vào tay giặc, bà đã quyên sinh để giữ tròn danh tiết. Khi giặc Nguyên bị quét sạch, nhà vua bình công khen thưởng đã truy tặng Châu Nương chức “Quản trưởng Quốc khố Công Chúa” (bà chúa giữ kho của quốc gia). Ở một số nơi trên cả nước, bà được người dân lập đền thờ cúng. Tại chiến tuyến chống quân Nguyên Mông trên sông Nhật Đức (sông Thương), kho đụn được đặt ở phố Tiền Môn, Phủ Lạng Thương. Với nhiều công lao, sau khi bà mất, nhân dân nơi đây đã xây Đền Phủ để tưởng nhớ công ơn.
Chân dung Bà Chúa Kho - Lý Thị Châu (Châu Nương)
Hàng năm, để tưởng nhớ công ơn to lớn của Bà, nhân dân địa phương long trọng tổ chức lễ hội tại di tích đền Phủ . Đây được coi là ngày lễ tưởng nhớ đến ngày sinh của Bà Chúa. Lễ hội cũng là dịp để giáo dục các thế hệ con cháu lòng tự hào dân tộc, tinh thần uống nước nhớ nguồn, tri ân những bậc tiền nhân đã hy sinh thân mình cho sự bình yên của đất nước. Lễ hội đền Phủ được tổ chức vào ngày 11 và 12 tháng Hai âm lịch. Ngoài ra, còn có lễ tưởng nhớ ngày hóa của Bà Chúa vào 20 tháng 7 âm lịch (ngày lễ này có quy mô nhỏ, chỉ có nhân dân sở tại tổ chức các nghi thức tế lễ, dâng hương). Lễ hội chính thức vẫn được coi là lễ hội xuân vào tháng 2, trong những ngày hội này, nhân dân trong khu vực cùng khách thập phương đều về đền thật đông đúc làm lễ tế trang nghiêm và vui hội. Phần lễ dâng lên kính Bà Chúa được quy định phải có một con lợn quay và một cỗ xôi trắng to để lên bàn khênh vào chính điện. Lễ là do nhà đền sắm. Các đoàn về dự hội cũng sửa lễ lợn quay và xôi trắng. Lễ xong, mâm lễ được tán cho dân thụ lộc. Sau khi kết thúc các phần nghi lễ của hội, Ban tổ chức hội tổ chức các trò chơi dân gian như: chọi chim, cờ tướng và giao lưu bóng bàn… Đặc biệt, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, các văn bản chỉ đạo - hướng dẫn của thành phố, Ban tổ chức lễ hội Đền Phủ đã quản lý chặt chẽ và nghiêm cấm các trò chơi không lành mạnh, cờ bạc trá hình hay các biểu hiện mê tín dị đoan…Có thể thấy, lễ hội Đền Phủ là một nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng hết sức ý nghĩa đối với Đảng bộ chính quyền và nhân dân địa phương; vì vậy việc duy trì tổ chức lễ hội hàng năm đã góp phần gìn giữ cũng như tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân địa phương nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung; đồng thời cũng thu hút hàng ngàn du khách ở các nơi như: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định … về đây thăm quan, tạ lễ và cầu may tại Đền Phủ - Đền Bà Chúa Kho vào những ngày đầu xuân và những ngày rằm, ngày lễ, dịp cận Tết.
Màn biểu diễn trống trong Lễ hội Đền Phủ
Thi đấu Bóng bàn trong Lễ hội Đền Phủ
Để di tích lịch sử - văn hóa Đền Phủ trở thành một trong những địa chỉ kết nối hoạt động du lịch tâm linh trong và ngoài tỉnh Bắc Giang, là một trong những điểm đến đầu tiên của du khách khi muốn tham quan, du lịch tại tỉnh Bắc Giang, năm 2016, UBND thành phố đã giao cho UBND phường Hoàng Văn Thụ xây dựng Đề án mở rộng di tích lịch sử - văn hóa Đền Phủ. Hiện nay, Đề án đang từng bước hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để có thể triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Du khách về với Đền Phủ
Nhận xét
Đăng nhận xét