HỌA SĨ CÁT TƯỜNG VÀ CHIẾC ÁO DÀI LEMUR

HỌA SĨ CÁT TƯỜNG VÀ CHIẾC ÁO DÀI LEMUR
Trong hình ảnh có thể có: 1 người
Họa sĩ Cát Tường (1912 – 1946) quê ở Sơn Tây, Hà Nội tên thật là Nguyễn Cát Tường, bút danh là Lemur Cát Tường (nghĩa tiếng Hán: Cát Tường là điềm lành và tiếng Pháp: le mur là bức tường).
Năm 1928, Nguyễn Cát Tường trúng tuyển vào khóa 4 trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương và tốt nghiệp vào năm 1933.
Năm 1934 báo Phong Hóa Mùa Xuân, số 85, Nhất Linh bất ngờ tạo ra một tiết mục mới: “VẺ ĐẸP riêng tặng các bà các cô” và giao cho họa sĩ Nguyễn Cát Tường, mới 22 tuổi, phụ trách để làm nên cuộc Cải Tiến Y Phục Phụ Nữ Việt Nam, sâu xa, lạ lùng và vang dội nhất từ xưa tới nay.
Người họa sĩ trẻ măng này, vừa viết bài, vừa vẽ kiểu…, Lemur Cát Tường giới thiệu đến độc giả những bộ y phục phụ nữ tân thời mà ông đã tạo kiểu và tạo dáng: có cổ, không cổ, có tay, tay ngắn, không tay, vai bồng, vai xẹp, cổ tay xoè, không xòe, có khuy, không khuy, vạt áo dài, vạt áo ngắn (mini) và sau này năm 1937 tại hiệu may LEMUR còn có áo kiểu vai chéo (đời sau gọi là vai Raglan), áo đi xe đạp và áo cô dâu…
Y phục Lemur đã được những người đẹp yêu mỹ thuật của cả nước, nhất là Hà nội, các phụ nữ trí thức như Luật Sư Nguyễn thị Hậu, Giáo sư Trịnh Thục Oanh, bà Bác Sĩ Lê Đình Quỵ… dẫn đầu phong trào mặc y phục phụ nữ tân thời. Các cô nữ học sinh lớp lớn đua nhau may mặc… không khí xã hội và cảnh sắc Việt Nam thay đổi… bờ hồ Hoàn Kiếm như đẹp hẳn lên…
Năm 1937, để việc đổi mới y phục tân thời có kết quả tốt đẹp, ông bà Cát Tường khai trương Hiệu May LEMUR.
Tháng 12 năm 1946, tình thế trở nên rối ren khi quân đội Pháp đang trở lại Bắc Việt để tái lập địa vị. Cả nước trên đà thực hiện việc kháng chiến, dân Hà Nội được lệnh tản cư. Gia đình Cát Tường dời về làng Tràng Cát, tỉnh Hà Ðông.
Ngày 17 tháng 12 năm 1946, ông Cát Tường trở về nhà để lấy thuốc men, quần áo cho các con và người vợ sắp tới ngày sinh. Ông đã bị du kích Việt Minh bắt tại Hà Nội và biệt tích khi vừa tròn 35 tuổi, gia đình lấy ngày 17/12/1946 là ngày giỗ ông.
Mặc dù họa sĩ đã ra đi nhưng bóng dáng của chiếc áo dài mà hoạ sĩ tài ba Cát Tường thiết kế vẫn tiếp tục xuất hiện tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Tà áo dài tha thướt, nhã nhặn, kín đáo và duyên dáng làm tăng thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, và là niềm hãnh diện cho người Việt.

Ảnh: Cô Hòa Vân trong bộ y phục tân thời mùa Thu của Lemur 1938 - Courtesy of Trịnh Bách

Nhận xét