- Với gần 900 năm (1070 - 1919) tồn tại và phát triển của nền giáo dục Nho học Việt Nam, bên cạnh hệ thống đào tạo của nhà nước phong kiến, còn có một hệ thống các trường tự do các nhà Nho tự mở dạy chữ cho con em quanh vùng.
Những học vấn, tư tưởng của các thầy giáo được tiếp nối, kế tục bởi lớp lớp học trò tại đất Kinh kỳ vào cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX
Vào thế kỷ XVII - XVIII, ở đất Thăng Long đã hình thành một số trường học tư với những người thầy nổi tiếng giảng dạy và đạt không ít thành tựu. Thậm chí có nhiều thế hệ nhà giáo nối tiếp nhau mở trường, dạy chữ, đào tạo người, “bước thầy trước, bước trò sau” kéo dài gần hai thế kỷ trên đất Kinh kỳ xưa.
Cuối thế kỷ XVII, có một ngôi trường ra đời ở ngõ Thừa Tứ, phía Đông nhà Thái Miếu (khu vực phố Nhà Thờ hiện nay) do thầy giáo Vũ Công Đạo (1629 - 1714), người làng Mộ Trạch, huyện Đường An (nay là thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) mở. Ông đỗ tiến sĩ năm 1659, làm quan trải qua các chức Hữu thị lang Bộ Hình, Hữu thị lang Bộ Lại, Đô ngự sử Nhị thập kinh diên, Thượng thư Bộ Hộ, đi sứ Trung Quốc... Vốn là một vị Ngự sử chân chính, ông bất bình với việc làm của Chúa Trịnh, nên năm 1683 bị bãi chức, về nhà mở trường dạy học. Trường học của ông nổi tiếng đến mức thường được người Thăng Long gọi là “Trường quan Mộ Trạch”.
Rời khỏi triều đình, trở về làm thầy, ông đã đem những tri thức tích lũy được bởi một bộ óc vốn “nổi tiếng thông minh, học vấn rộng rãi” từ nhỏ, kinh qua mấy chục năm lăn lộn chốn quan trường, đào tạo nên những thế hệ học trò lừng danh. Từ ngôi trường này, nhiều học trò nổi tiếng đương thời đã thành danh như Bảng nhãn Nguyễn Quang Trạch (người làng Đông Ngạc, Từ Liêm), Hội nguyên Nguyễn Danh Dự (người làng Dương Liễu, Hoài Đức), và đặc biệt là Thám hoa Vũ Thạnh, một cậu bé nghèo khổ, học giỏi - một trong những học trò xuất sắc, đã nối tiếp, phát huy được sự nghiệp của Thầy.
Vũ Thạnh (sinh năm 1663) quê ở làng Đan Loan, huyện Đường An (nay thuộc xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ông vốn xuất thân con nhà Nho, do gia cảnh sa sút nên lưu lạc lên Thăng Long, đi ở cho chùa Báo Thiên và đến xin học tại Trường quan Mộ Trạch. Để được theo học, cậu bé nghèo đã trải qua không ít long đong, do sự ghen tị, đố kỵ của anh em đồng môn, trong đó có chính công tử - con trai Thầy. Nhận ra tố chất, trí thông minh của cậu bé đồng hương, thầy đã ra sức kèm cặp, bồi dưỡng Vũ Thạnh. Do vậy, đến năm 17 tuổi, cậu đã đỗ Giải nguyên - đứng đầu kỳ thi Hương, rồi 5 năm sau (năm Ất Sửu, 1685), Vũ Thạnh đã trở thành Đình nguyên Thám hoa. Bước vào nghiệp quan trường, ông lần lượt kinh qua các chức vụ quan trọng trong triều như: Hồng lô tự khanh, Thiêm đô ngự sử, Quốc Tử Giám Tư nghiệp, Bồi tụng… Nhưng do không được lòng chúa Trịnh Căn mà năm 1698, ông cũng bị bãi chức, giống Thầy khi xưa.
Vũ Thạnh về mở trường dạy học ở trại Hào Nam, huyện Quảng Đức (nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội). Ngôi trường ấy, theo Việt sử Thông giám cương mục (của triều Nguyễn) viết: “Liền ngay hồ Bảy Mẫu, mỗi khi đến giảng tập, nhà học không đủ chỗ chứa, học trò thường mượn thuyền nan cập vào bên bờ hồ nghe lời thầy giảng”.
Về cách giảng dạy của Vũ Thạnh, sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú viết: “Học vấn của ông rộng, làm văn cốt tao nhã lưu loát, ông ra sức sửa thói quen bấy giờ, vì Trung hưng trở về sau, các học giả theo lối tầm chương, ngày một hèn kém, thô bỉ. Văn ông làm ra chuyên về thay cũ, đổi lối quê kệch vụng về thành trôi chảy, tao nhã mới mẻ…”. Ngôi trường là một trong hai trường tư lớn nhất Thăng Long lúc bấy giờ, không chỉ nổi tiếng suốt 15 năm tại chốn Kinh đô và các xứ Đông, Đoài, Nam, Bắc… mà còn ảnh hưởng lớn đến trào lưu văn học đương thời.
Học trò của thầy Thạnh có đến hàng ngàn người, trong đó có “hơn 70 người đỗ đại khoa, 500 người làm quan, hơn 20 người mở trường dạy học ở các nơi, hơn 20 người khoác áo binh nhung làm tướng”... Số người làm quan trong triều là học trò của ông đông đến mức đời sau truyền tụng: Một hôm nhà ông có giỗ, học trò làm quan tại triều đều về họp ở nhà ông. Chợt khi ấy, chúa Trịnh đòi các quan vào hầu, không có một ai đến cả. Chúa hỏi, kẻ dưới mới thực thưa là các quan về lễ giỗ nhà ông thầy ở Hào Nam. Chúa cũng đợi đến hôm sau, xong việc mới triệu vào hầu… Trong số học trò ấy có những nhân vật tiếng tăm làm đến đại quan nhà Hậu Lê như Nguyễn Tông Quai, Lê Hữu Kiều…
Liêu quận công, Tiến sĩ Lê Hữu Kiều (1691 - 1760) là thầy giáo thế hệ thứ ba được lịch sử ghi nhận là bậc danh khoa thế kỷ XVIII. Ông xuất thân từ dòng họ văn chương Lê Hữu ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay là huyện Yên Mỹ, Hưng Yên), nhưng cũng sớm về Thăng Long theo học Trường Hào Nam của thầy Vũ Thạnh. Năm 1718, ông đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất, trải qua 50 năm làm quan với 5 đời vua và 4 đời chúa Trịnh, trở thành bậc đại thần của nhà Lê Trung hưng. Dù từng trải qua các chức quan trấn nhậm địa phương rồi Thượng thư của cả lục bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công), Lê Hữu Kiều vẫn gắn bó với nghiệp làm thầy. Ông đã từng vào giảng bài tại Điện Kinh diên cho nhà vua (năm 1754) trước khi nghỉ hưu vào năm 1755. Ông không ngừng thu nhận học trò để dạy dỗ, tiếp nối truyền thống Thầy học của mình.
Một trong những học trò xuất sắc nhất của thầy Lê Hữu Kiều đã trở thành nhà bác học, bộ óc vĩ đại của Đại Việt thời Hậu Lê, đồng thời là con rể của ông, đó là Bảng nhãn Lê Quý Đôn.
Lê Quý Đôn (1726 - 1784), người làng Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay là xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), cũng xuất thân trong gia đình khoa bảng, vốn nổi tiếng “thần đồng” từ thuở nhỏ. Ông từng đỗ đầu ba kỳ thi Hương, Hội, Đình. Dù ra làm quan, đi sứ, ông vẫn rất say mê với nghề dạy học và biên soạn sách. Các công trình của ông nghiên cứu về nhiều lĩnh vực như: kinh truyện, khảo cứu về cổ thư, các sưu tập về thơ văn, các khảo cứu về địa lý, sử ký, thơ văn chữ Hán và chữ Nôm… Ông là nhà bác học ham đọc, ham biết và ham viết, có kiến thức hết sức uyên bác và đa dạng.
Lê Quý Đôn nổi tiếng là tác giả của nhiều tác phẩm khảo cứu về lịch sử, địa chí, văn hóa Việt Nam. Về lịch sử - địa lý, ông có tác phẩm Đại Việt thông sử (tên gọi khác là Lê triều thông sử) với 30 quyển ghi chép về hơn 100 năm của triều nhà Lê, bắt đầu từ Lê Thái Tổ đến Lê Cung Hoàng.
Một số tập sách nổi tiếng khác của Lê Quý Đôn có thể kể đến như Phủ biên tạp lục (6 quyển) ghi chép về tình hình xã hội Đàng Trong từ thế kỷ 18 trở về trước; Vân đài loại ngữ (9 quyển) - "bách khoa thư" đồ sộ nhất thời phong kiến với nhiều tri thức về triết học, khoa học, văn học sắp xếp theo thứ tự: vũ trụ luận, địa lý, điển lệ, chế độ, văn nghệ, ngôn ngữ, văn tự, sản vật tự nhiên, xã hội...
Ngoài ra, ông còn nhiều sách bàn giảng về kinh, truyện, sách khảo cứu về cổ thư, sách thơ văn. Trong lời tựa sách Kiến văn tiểu lục (Chép vặt những điều nghe thấy), Lê Quý Đôn tự nhận trong thời gian phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi, ông "đi tới đâu cũng để ý tìm tòi, làm việc gì mắt thấy tai nghe đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình luận sơ qua, giao cho tiểu đồng đựng vào túi sách".
Trước những biến cố của xã hội Việt Nam cuối thời Lê mạt, qua các tác phẩm để lại cho thấy, ông là “một nhà trí thức muốn có những cải cách trong xã hội Việt Nam; một nhà chính trị quan tâm đến nhân dân, gần gũi nhân dân, và hiểu những mong muốn của nhân dân; một nhà trí thức có tư tưởng tự tôn và tự hào dân tộc”, cố GS. Văn Tân - Viện Sử học - nhận xét.
Những học vấn, tư tưởng của Lê Quý Đôn được tiếp nối, kế tục bởi lớp học trò do ông đào tạo. Hoàng giáp Bùi Huy Bích là lớp thứ năm của thế hệ thầy trò làm rạng danh đất Kinh kỳ.
Trong số 5 thế hệ thầy trò, chỉ duy nhất Bùi Huy Bích (1744 - 1818) là người gốc Thăng Long. Ông sinh ra tại làng Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội). Lúc nhỏ ông học tại nhà, sau theo học Bảng nhãn Lê Quý Đôn và thi đỗ Hoàng giáp năm 26 tuổi (khoa thi năm 1770), từng làm đến chức quan Tham tụng (tương đương với Thủ tướng hiện nay) trong phủ Chúa Trịnh.
Tuy nhiên, đây là thời kỳ xã hội Đàng Ngoài ngày càng rối ren, các cuộc khởi nghĩa nông dân, chiến tranh phong kiến xảy ra liên miên, tác động không nhỏ đến cuộc đời và tư tưởng của Bùi Huy Bích. Ông viết nhiều với gần 700 bài thơ trong ba bộ sách (Bích Câu thi tập, Nghệ An thi tập, Thoái hiên thi tập). Thơ văn của ông phần nhiều tự sự về nhân tình thế thái, tự phê phán bản thân bất lực không làm được gì nhiều giúp dân giúp nước; đồng thời công kích sự sa đọa của kẻ sĩ và quan lại đương thời, phê phán quan điểm lệch lạc của các nhà Nho. Trước những chính biến của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, Bùi Huy Bích không ra làm quan cả triều Tây Sơn và triều Nguyễn dù được vời gọi. Về cuối đời, ông sống ẩn dật và mất tại quê nhà vào năm 1818.
Với 5 thế hệ thầy và trò trải qua gần hai thế kỷ, những tri thức của nền giáo dục cửa Khổng sân Trình, những kinh nghiệm cuộc sống được các thầy trao truyền cho thế hệ kế tiếp, đào tạo nên lớp lớp trí thức Nho học ra giúp đời. Đây cũng là hiện tượng hiếm có trong lịch sử phong kiến nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung, phản ánh truyền thống hiếu học của dân tộc, của một nền giáo dục tinh hoa trong lịch sử, cũng như trách nhiệm của kẻ sĩ với thời cuộc, với vận mệnh dân tộc, đất nước.
Nhận xét
Đăng nhận xét