Văn hóa Phật giáo Luy Lâu - Thành cổ nghìn năm tuổi ở Bắc Ninh



Thành Luy Lâu nằm cách Hà Nội chừng 30km, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và tôn giáo đầu tiên của nền văn minh sông Hồng, hình thành khoảng hơn 2.000 năm trước và phát triển không ngừng trong nhiều thế kỷ. Vùng đô thị cổ này gắn liền với tên tuổi của Sĩ Nhiếp - người đưa Nho giáo vào VN và thực hành rất nhiều chính sách phát triển tại xứ Giao Châu nơi mình cai trị... Ông được hậu thế tôn làm Nam Giao học tổ và người dân thờ tự nhiều nơi... Luy Lâu cũng được biết đến là trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất của người Việt, là điểm dừng quan trọng trên con đường truyền bá của đạo Phật từ Ấn Độ sang các nước...

Thành cổ nghìn năm tuổi Luy Lâu
Dù biết Luy Lâu là vùng văn hóa cổ thuộc hàng bậc nhất trên đất nước Việt Nam, song chúng tôi cứ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trong một ngày khám phá...

image098image099
Cổng di tích đền và lăng Nam Giao học tổ Sĩ Nhiếp. -Ảnh: THÁI LỘC

Chúng tôi may mắn được anh Nguyễn Thế Trung, một thanh niên địa phương chuyên ngành điêu khắc, khá am tường và rất yêu văn hóa cổ dẫn đi. Những dấu ấn vật chất cổ xưa còn lại ở nơi đây, ngay cả “hướng dẫn viên” Thế Trung cũng tiếp tục bất ngờ.

Dấu xưa thành cổ

Bắt đầu từ phố Dâu (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), anh Thế Trung dẫn chúng tôi trên con đường bêtông vòng vèo qua mấy thôn xóm của làng Lũng Khê. “Chúng ta đã đến thành Luy Lâu rồi!” - anh nói khi đang đi ngang một xóm nhà san sát, mấy vườn rau và một khu nghĩa địa đầy mồ mả.

Kế đó là tấm biển cũ kỹ: “Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia thành cổ Luy Lâu, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh”.

Điểm đầu tiên chúng tôi đến là đền thờ Sĩ Nhiếp nằm giữa một vườn nhãn um tùm, được giới thiệu là trung tâm tòa thành Luy Lâu xưa. Bước qua cây cầu đá cổ vẹn nguyên, tuyệt đẹp bắc ngang hồ nước rộng, ngôi đền theo lối kiến trúc cổ, quy mô khá lớn nằm ngay giữa sân. Cụ thủ từ mở cửa dẫn chúng tôi vào nội điện và giới thiệu say sưa rằng nhiều nơi người ta thờ Sĩ Nhiếp nhưng đây là ngôi đền duy nhất có thờ tượng ngài. Ngoài cái chuông “linh thiêng từng bị người ta đánh cắp nhiều lần mà phải trả lại”, cụ thủ từ cũng giới thiệu hai tấm bia cổ quý của hai vị vua Nguyễn...

image100
Chùa Dâu - ngôi chùa sớm bậc nhất Việt Nam thuộc văn hóa vùng Luy Lâu xưa. -Ảnh: THÁI LỘC

Cụ thủ từ khoe khu vực này đã được các nhà chuyên môn trong và ngoài nước khai quật nhiều lần, thu được hàng ngàn hiện vật bằng gốm sứ, đá và kim loại quý giá.

Điều đặc biệt nhất trong các hố đào ở khu trung tâm cổ thành này chính là sự xuất lộ những mảnh khuôn đúc của trống đồng, nhiều mảnh trong đó khắc âm hình con chim Lạc và hình ảnh của người Việt xa xưa…

Chúng tôi tiếp tục khám phá tòa thành cổ Luy Lâu; trải qua gần 2.000 năm, ngôi thành được cho là làm bằng đất này phần lớn đã thành bình địa; nhiều đoạn nằm dưới nền móng xóm làng, nhà cửa, thậm chí có chỗ đã biến thành đồng ruộng của dân làng Lũng Khê.

Thật may mắn, nằm ven dòng sông Dâu còn một đoạn thành khá dài, nhô cao chừng nửa mét, đang mọc đầy cây bạc hà trắng và tràm hoa vàng… Tôi cố hình dung tòa thành ngày xưa và cảnh tấp nập sinh hoạt, mua bán của người nghìn năm trước tại tòa thành trung tâm của một vùng rộng lớn như thế nào.

Chợt anh Thế Trung gọi giật: “Ở đây có nhiều gạch cổ!”. Cào nhẹ lớp đất, những mảng gạch xưa lộ ra, khi cầm lên bấm nhẹ thì mủn nát trên tay. Rất có thể những viên gạch này thuộc một công trình kiến trúc hay một đoạn tường thành nào đó, bị ngâm mưa ngâm nắng lâu ngày nhũn ra thành đất. Vạn sự biến hóa, vật đổi sao dời, ngót nghét 2.000 năm rồi còn gì…

image101
Cây cầu đá cổ tuyệt đẹp bắc sang đền thờ Sĩ Nhiếp ở trung tâm thành Luy Lâu.-Ảnh: THÁI LỘC

Nhiều văn vật cổ quý

Chúng tôi tiếp tục được dẫn đến tấm bia cổ nhất VN đang được dựng ở làng Thanh Hoài, cạnh đền thờ Sĩ Huy, con trai của Sĩ Nhiếp, cách trung tâm thành cổ chưa đầy cây số. Đây là tấm bia sớm nhất tại VN đến thời điểm này, có niên đại từ năm 314 đến năm 450.

Còn nhớ vào năm 2004, tại chùa Xuân Quan cạnh thành Luy Lâu, một người dân đào được tấm bia Xá lợi tháp minh có từ năm 601, thời điểm ấy là minh văn sớm nhất VN, được công nhận bảo vật quốc gia sau đó. Hai tấm bia nói trên là hai văn vật có minh văn sớm bậc nhất của lịch sử VN, giữ vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu văn hóa Việt đầu thời kỳ lịch sử; được tận mắt chứng kiến mà lòng xúc động vô ngần.

Chúng tôi tiếp tục ghé di tích quốc gia đặc biệt chùa Dâu, ngôi chùa cổ rất nổi tiếng có từ buổi đầu Công nguyên. Kiến trúc gỗ của ngôi chính điện được anh Trung giới thiệu dựng lại dưới thời Nguyễn, nhưng điều đặc biệt còn giữ một số thành phần kiến trúc có từ thời Trần rất quý giá. Nhưng quý giá hơn cả chính là hệ thống tượng thờ ở điện Tam bảo.

Với con mắt nhà nghề điêu khắc, anh Trung lưu ý hai pho tượng hầu nữ của tượng chính Pháp Vân, được xem là tuyệt tác điêu khắc có từ nhiều thế kỷ trước. Kế đến, nhóm tượng các vị tăng sư rất đẹp và có thần thái đang được thờ ở một ngôi thất sau chùa khiến Trung cứ xuýt xoa hoài, cho dù có tuần anh ghé thăm đến vài lần…

image102
Con cừu đá cổ nằm bên phần mộ thái thú Sĩ Nhiếp. -Ảnh: THÁI LỘC

Điều bất ngờ nhất của chúng tôi tại chùa Dâu chính là tượng con cừu đá cổ cạnh chân tháp Hòa Phong, nó quá đẹp, quá đặc biệt và quá lạ lẫm trong văn hóa VN. Theo anh Trung, tương truyền nguyên đôi cừu là quà tặng của một người Ấn cho thái thú Sĩ Nhiếp.

Sau khi vị thái thú qua đời, đôi cừu lang thang nhiều nơi và bị người dân đánh đuổi. Một con chạy về nằm ở chùa Dâu với một vết chém còn hằn trên lưng. Con còn lại thì về chầu bên mộ vị thái thú...

Đi theo câu chuyện hoang đường, chúng tôi về làng Tam Á cách đó chừng 3km xem thêm tượng cừu kỳ lạ. Bước qua cổng tam quan tuyệt đẹp vào sân, ngôi điện chính đóng cửa im lìm, chúng tôi theo đường bêtông nhỏ và gặp ngay tượng con cừu đá y hệt tượng ở chùa Dâu.

Đúng là con này đang “chầu” phần mộ thái thú Sĩ Nhiếp, được đắp đất rất lớn, có tường bao quanh quy mô…

image097
Những bức tượng tăng sư rất có thần thái thờ ở chùa Dâu. -Ảnh: THÁI LỘC

Ở khu vực Luy Lâu hiện còn nhiều ngôi chùa cổ rất đáng tham quan. Đó là chùa Phi Tướng (trung tâm thành cổ), chùa Xuân Quan, chùa Tổ Mãn Xá, đều nằm trong nhóm những ngôi chùa thờ hệ thống tứ pháp (Pháp Vân - thờ nữ thần Mây; Pháp Vũ - thờ nữ thần mưa; Pháp Lôi - thờ nữ thần sấm; Pháp Điện - thờ nữ thần chớp và Phật mẫu Man Nương) có từ nghìn năm trước. Cách thành không xa là di tích quốc gia đặc biệt chùa Bút Tháp, nơi có tháp đá Báo Nghiêm và kiệt tác tượng Phật bà Quan Âm nổi tiếng.

Ngoài ra, khu di tích lăng và đền thờ thủy tổ Kinh Dương Vương gần đó cũng là nơi du khách nên đến.









Nhận xét