Người xưa có câu: “Trời có đạo thì nhật nguyệt rõ ràng. Người có đạo thì xã hội bình an”. Đạo đức hay luân lý đạo đức không chỉ là cái gốc của làm người, mà còn là nguyên tắc của việc “trị quốc an thiên hạ”. Xã hội nếu không có tôn ti trật tự thì sẽ rối loạn, con người nếu không có lễ nghi thì thành ra buông thả, không ước thúc. Do đó người xưa đã đưa ra một hệ thống các nguyên tắc dành cho xã hội, trong đó có một mối quan hệ quan trọng: quan hệ quân-thần. Nhắc đến quan hệ này, nhiều người hiện đại hẳn là sẽ nghĩ tới câu: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” (vua xử chết mà không chết là không trung). Tuy nhiên đạo quân thần mà người xưa đề xướng thật sự không phải như vậy.
Trong “Luận ngữ”, Khổng Tử viết: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”, có nghĩa là vua phải ra vua, quan phải ra quan, cha phải ra cha, con phải ra con. Đây là nguyên lý căn bản trước nhất: làm tốt trách nhiệm ở địa vị của mình thì mới được coi là có địa vị ấy. Vua mà không làm trách nhiệm của vua, thì không phải là vua. Quan mà không làm trách nhiệm của quan, thì không phải là quan vậy.
Vậy nếu vua không ra vua thì chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Mạnh Tử nói: “Ta nghe nói Chu Vũ Vương có giết một kẻ thất phu tên là Trụ chớ chưa hề nghe nói giết vua bao giờ”. Chu Vũ Vương là vị vua sáng lập triều Chu trong lịch sử. Trụ Vương là vị vua cuối cùng của nhà Thương. Chu Vũ Vương khởi binh đánh vua Trụ vô đạo, sau đó lên ngôi vua. Mạnh Tử cho rằng vì Trụ Vương vô đạo, nên không còn được coi là vua nữa, người có đức hạnh lên thay là hợp với đạo Trời vậy.
Trong sách Mạnh Tử còn viết: “Vua xem bề tôi như tay chân, thì bề tôi xem vua như bụng như lòng. Vua xem bề tôi như chó ngựa, thì bề tôi xem vua như người lạ trong nước. Vua xem bề tôi như đất như cỏ, thì bề tôi xem vua như giặc như thù.” Mạnh Tử còn nói: “Dân là quý, thứ đến là xã tắc, vua là khinh”.
Tuân Tử sống sau Mạnh Tử vài chục năm cũng viết: “Vua là thuyền, dân là nước, nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền”. Hàm ý của những nhà Nho thời đó về đạo quân thần cơ bản đều giống như vậy.
Chỉ là đến sau này, Nho gia trong quá trình phát triển bị trộn lẫn với các luồng tư tưởng khác như Pháp gia, mới khiến người ta hiểu nhầm rằng câu “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” thuộc về đạo Khổng Mạnh. Câu này nguyên vốn là: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu” (Vua sai khiến bề tôi chết, không chết là không trung; Cha sai khiến con chết, không chết là không hiếu), là câu của Thái tử Phù Tô nói khi nhận được lệnh bắt phải chết do Triệu Cao giả ý chỉ Tần Thủy Hoàng Đế truyền tới. Tư tưởng của Thái tử Phù Tô, thuận theo luồng tư tưởng Pháp gia thịnh hành ở nhà Tần bấy giờ, nâng cao quân vương mà hạ thấp bề tôi. Tuy nhiên nhà Tần và Pháp gia cuối cùng đã bị lịch sử quên lãng vô cùng nhanh chóng.
Đạo quân thần chân chính mà Khổng Mạnh đề xướng kỳ thực bắt đầu từ sự chính danh, làm tốt trách nhiệm ở địa vị của mình, tu dưỡng đức hạnh của bản thân mình. Sau khi cả hai bên đã làm tốt điều này thì sao? Bấy giờ Khổng Tử mới giảng tiếp trong Luận Ngữ: “Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung”, vua phải dựa vào yêu cầu của Lễ để sai khiến bề tôi, bề tôi phải dựa vào Trung để phụng sự vua. Từ ngôn từ mà xét thì Khổng Tử đặt yêu cầu nặng cho quân vương hơn, nhấn mạnh trước tiên đến quân vương, yêu cầu phải hiểu lễ nghĩa, phải có đức độ. Bậc quân vương có lễ có nhân, bậc tôi thần thì trung thành hết lòng, như vậy thì quân sẽ an tâm mà thần sẽ vui mừng, đạo quân thần vẹn toàn vậy.
Vậy khi quân vương sai lầm thì sao? Tử Lộ hỏi Khổng Tử về đạo phụng sự của bề tôi đối với quân vương, Khổng Tử đáp: “Vật khi dã. Nhi phạm chi”, ý nói rằng trung thần không lừa gạt quân vương, quân vương làm việc sai trái thì không ngại mạo phạm mà khuyên can. Nếu đây chỉ là vấn đề nhỏ thì tất nhiên là không ai có thể vẹn toàn, bề tôi đành phải chấp nhận. Nhưng nếu như quân vương vi phạm khuyết điểm quá lớn thì sẽ đụng chạm đến vấn đề cơ bản nhất.
Về vấn đề này, trong Khổng Tử Gia Ngữ có chép:
Vua Ai công nước Lỗ hỏi Khổng Tử rằng: “Con theo mệnh cha có phải là hiếu không? Tôi theo mệnh vua có phải là trung không?”. Hỏi ba lần mà Khổng Tử không trả lời. Lúc Khổng Tử ra ngoài, ông đem chuyện ấy nói với Tử Cống và hỏi ý Tử Cống thế nào.
Tử Cống thưa: “Con theo mệnh cha là hiếu, tôi theo mệnh vua là trung, còn ngờ gì nữa?”
Khổng Tử nói: “Ngươi không biết gì. Đời xưa đấng minh quân làm vua nước vạn thặng có tránh thần bảy người thì vua không làm điều lỗi; làm vua nước thiên thặng có tránh thần năm người, thì xã tắc không nguy; làm chủ một nhà, có tránh thần ba người thì lộc vị không suy. Cha có tránh tử, thì không hãm vào điều vô lễ; kẻ sĩ có tránh hữu, thì không làm điều bất nghĩa. Cho nên con theo mệnh cha há đã là hiếu, tôi theo mệnh vua há đã là trung. Chỉ có biết xét cái đáng theo mà theo, mới gọi là hiếu, là trung vậy.”
Lẽ dĩ nhiên, tôn ti trật tự trong xã hội là không được cải biến một cách tùy tiện. Chỉ khi không có sự lựa chọn thì mới đặt đạo quân thần sang một bên. Đây chính là quan niệm cơ bản của người xưa, cũng là điều tồn tại và giữ vững trật tự xã hội của chế độ quân chủ trong suốt hàng nghìn năm trước khi bị hình thức khác thay thế.
An Hòa
Nhận xét
Đăng nhận xét