Theo như thông tin mình biết thì Đà Lạt hiện đang lưu giữ, tôn tạo hơn 2000 ngôi biệt thự cổ và phố núi thơ mộng này được ví như “bảo tàng kiến trúc quốc gia”. Ngoài những kiến trúc nổi tiếng của Nhà thờ Con Gà, Cao đẳng sư phạm, Ga Đà Lạt, Dinh Bảo Đại,… Đà Lạt còn có những biệt thự ẩn hiện trong nhiều con đường rợp bóng thông xanh, vừa ma mị vừa mang sức hút kỳ lạ đối với mình.
Kiến trúc biệt thự cổ Đà Lạt là một phần của kiến trúc bản địa (dựa vào cảnh quan thời tiết khu vực) và kiến trúc tân cổ điển (hơi hướng lâu đài phục hưng Pháp) với mái dốc, ống khói và cửa sổ mái. Do Đà Lạt mưa nhiều và lạnh nên mái dốc và tường đá dày là hai “chất liệu” người Pháp kết hợp từ đặc trưng Đà Lạt vào các công trình kiến trúc. Ngoài những đặc trưng chung đó thì hầu hết các biệt thự cổ đều có những cách điệu riêng để thể hiện cá tính của gia tộc chủ sở hữu.
Mỗi căn biệt thự dường như đều có một “số mệnh” riêng từ khi sinh ra, có những căn trở thành văn phòng nhà nước, một số khác trở thành resort, vài căn bị bỏ hoang, rất ít căn thuộc sở hữu tư nhân và rất nhiều biệt thự vẫn còn “long đong” chưa được “định đoạt”. Và dù những ngôi biệt thự ấy đang trong hoàn cảnh nào thì mình vẫn thấy ở đó toát lên vẻ đẹp của riêng nó dù mình thật sự không phải người rành rọt về kiến trúc.
2. Muốn “săn” biệt thự thì nên đi đâu?
Những trục đường chính mà mình hay lang thang để “săn ảnh” biệt thự cổ Đà Lạt gồm: Trần Hưng Đạo (khu Cadasa resort), đường Hoàng Diệu, đường Trần Bình Trọng (bao gồm cả khu biệt điện Trần Lệ Xuân) và một số đường hẻm dốc khác mà mình vô tình “bắt gặp” được. Đôi khi có một số căn thuộc sở hữu tư nhân mà mình may mắn được vào tham quan cũng tạo cho mình nhiều ấn tượng riêng biệt, đặc biệt là có rất nhiều câu chuyện thật đẹp để mình ghi chép lại sau chuyến ghé thăm.
Có rất nhiều người đã đi “săn” kiến trúc biệt thự cổ Đà Lạt nhưng hầu hết là những căn còn hoạt động, thuộc resort hoặc văn phòng nhà nước, riêng dự án của mình bao gồm cả những căn bỏ hoang vắng bóng người. Và đó là điều mọi người cho rằng mình “liều” nhất. Cá nhân mình thì thấy khoảnh khắc mình giơ máy lên chụp những ngôi biệt thự ấy là khoảnh khắc đẹp nhất, bởi đó là khi mình tưởng tượng được một cách rõ nét về một cuộc sống bình thường đã từng diễn ra nơi đó, một cuộc sống thật đẹp và thật thơ.
Những địa điểm các bạn có thể dừng chân trải nghiệm mà mình gợi ý nên thử gồm: Anna Mandara Dalat resort, Cadasa resort, khu biệt điện Trần Lệ Xuân và trung tâm lưu trữ quốc gia IV.
3. Mình và dự án #smallbuildingsdalat
Vì không hiểu sâu về kiến trúc hay tình hình thời sự nên mục đích của mình dành cho dự án #smallbuildingsdalat chỉ đơn thuần là lưu giữ lại vẻ đẹp “một thời hoàng kim” của những ngôi biệt thự ở Đà Lạt. Đáng nhớ nhất với mình có lẽ là những căn ở Cadasa resort và Anna Mandara resort, vì những căn này được lưu giữ và bảo tồn rất kĩ, đặc biệt là nội thất các bạn có thể chạm vào được, khác với điểm du lịch như Dinh Bảo Đại.
Mình biết có rất nhiều bạn trẻ khác cũng đang thực hiện những dự án tương tự, có những bạn lưu giữ lại hình ảnh Đà Lạt bằng máy phim cổ, một số bạn nghiên cứu về kiến trúc Đà Lạt những năm 60, một số khác liên tục sưu tầm tư liệu qua lời kể của những người lớn tuổi ở Đà Lạt,… Mỗi dự án đều có mục đích và ý nghĩa riêng, nhưng điểm chung là họ đều dành những tình cảm đặc biệt cho thành phố này và mình thực sự cảm mến những tình cảm đó.
Hẳn là một ngày ở trong biệt thự cổ Đà Lạt sẽ đem đến cho bạn nhiều cung bậc cảm xúc lắm! Hãy chia sẻ với mình nếu bạn từng sống trong những ngôi biệt thự “một thời hoàng kim” ấy nhé!
Nhận xét
Đăng nhận xét