A/ Quá trình thành hình con kênh đào Rạch Giá – Hà Tiên (RG-HT):
Trước khi người Pháp thực hiện vài công trình quan trọng về đào kênh, mở đường thủy ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, triều đình nhà Nguyễn đã tiến hành được hai công trình đào kênh rất to lớn và có ảnh hưởng quyết định về mặt quân sự và kinh tế của vùng nầy. Đó là công cuộc đào kênh Thoại Hà (dài khoảng 32 km, rộng 51 m) nối liền Long Xuyên và Rạch Giá vào năm 1818 và con kênh Vĩnh Tế trong thời gian 1819-1824 (dài khoảng 87 km, rộng 30 m, độ sâu trung bình 2,50 m) nối liền sông Châu Đốc và đổ vào sông Giang Thành, Hà Tiên. Cả hai công trình to lớn nầy đều do Thoại Ngọc Hầu trực tiếp chỉ huy với công cụ hoàn toàn là sức người dân, binh thời đó…
Ngay từ những năm cuối thế kỷ thứ 19, người Pháp đã chú ý đến hệ thống đường thủy của vùng đồng bằng sông Cửu Long (năm 1866 người Pháp đã dùng tàu xáng để vét lại rạch Bến Lức và sông Bảo Định, Mỹ Tho). Vào mùa khô năm 1901 Pháp bắt đầu cho đào kênh Xà No bằng cơ giới. Đây là một công trình thủy lợi lớn nhất ở miền Nam của người Pháp. Kênh Xà No dài khoảng 39 km, rộng 60 m, sâu khoảng 2,50 m, thời gian hoàn thành là 3 năm (1901-1903), nối liền sông Cần Thơ (để lấy nước ngọt từ sông Hậu Giang) với sông Ba Voi (chảy về sông Cái Lớn và thải ra vịnh Thái Lan). Sở dĩ đây là công trình lớn nhất thời Pháp thuộc là vì con kênh chiến lược nầy làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt kinh tế, nông nghiệp, giao thông vùng Hậu Giang, biến vùng đất vốn hoang vu thành những cánh đồng lớn hàng trăm ngàn mẫu, từ đó « con đường lúa gạo » miền tây thành hình và một « nền văn minh kênh xáng » cũng ra đời. Kênh xáng Xà No đang đào, dân cư ùn ùn kéo tới cất nhà, dành địa thế làm ăn thuận tiện. Cho đến khi kênh đào hoàn tất thì hai bên bờ, đất gần như đã có chủ. Công trình lớn đến nổi khi làm lễ khánh thành có cả Toàn Quyền Đông Dương Pháp đến dự ở Hậu Giang.
Ngoài công trình thủy lợi đầu tiên là việc đào bằng cơ giới con kênh Xà No, ta có thể xem việc nạo vét con kênh Rạch Giá – Hà Tiên (kênh RG-HT) là công trình lớn kế tiếp của người Pháp. Để biết tầm quan trọng của con kênh đào RG-HT về phát triển nông nghiệp tai vùng nầy, ta hãy xét một vùng rộng lớn bao gồm phía bắc do rạch Giang Thành và kênh Vĩnh Tế, phía đông do dãy núi Cô Tô (Kto), phía nam do con đường bộ Tri Tôn (Tri Tôn của Châu Đốc) – Rạch Giá và phía tây do con đường bộ Rach Giá – Hà Tiên, vùng rộng lớn nầy có diện tích bao phủ hơn 220.000 ha, tuy nhiên lại không có một nguồn nước ngọt tự nhiên nào xuyên qua cánh đồng tuyệt vời nầy…Vùng đồng bằng nầy thường bị ngập quanh năm, bị phủ đầy cỏ cao, lau sậy và cây tràm, mặc dù đất có độ phì nhiêu cao nhưng nếu không có hệ thống thủy lợi thì không thể nào khai thác được. Do đó người Pháp bắt đầu các công việc nghiên cứu vào năm 1924 và kết luận rằng nếu không có hệ thống thủy lợi, trước mắt chỉ có khoảng 20.000 ha đất được canh tác bên bờ các sông rạch và khu gần các dãy núi. Công việc nghiên cứu để đào kênh RG-HT bước đầu gặp rất nhiều khó khăn vì tính chất khắc nghiệt của địa phương thiên nhiên: thiếu nước ngọt để uống, nạn muổi tràn ngập khu vực, thiếu tuyến đường xuyên sâu, …Tuy nhiên đến năm 1926 dự án tổng thể đã được trình bày và phê duyệt. Đó là việc nạo vét, đào một con kênh chạy từ Rạch Giá đến Hà Tiên (đổ vào sông Giang Thành), phát triển song song với bờ biển dài 81 km, với độ sâu từ 3,50 m đến 3,80 m. Đồng thời trên nhánh kênh RG-HT chính nầy, dự án còn đào thêm 4 kênh ngang thẳng góc với kênh RG-HT với mục dích nhằm tháo nước vùng nội địa nầy và tránh việc tạo nên các cù lao trên kênh RG-HT. Đó là các kênh: Kênh Tri Tôn có chiều dài 31 km, sâu từ 2,50 m đến 3,10 m; kênh Ba Thê , dài 40 km, sâu từ 2,50 m đến 3,10 m và hai con kênh đang được nghiên cứu sẽ nối liền kênh RG-HT đến kênh Vĩnh Tế. Bốn con kênh ngang nầy có cùng chiều rộng là 26 m. Ngoài ra kênh chính RG-HT còn được nối liền với biển (Vịnh Xiêm La) bằng bốn con kênh có cùng chiều rộng 28 m và độ sâu 3,80 m với mục đích tháo nước ra biển và tránh sự lắng bùn trên kênh RG-HT. Công việc nạo vét và đào như thế tiến hành ngay vào cuối năm 1926 với sự tận dụng mọi công cụ của công ty nạo vét. Có tất cả 4 tàu nạo vét mang tên: Loire và Nantes, I và II, bốn tàu nầy làm việc cùng một lúc trong việc đào các kênh trong dự án.
Công việc nạo vét, đào kênh gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khi phải ngưng trệ lại một thời gian ít nhiều kéo dài, sau đó công ty rút kinh nghiệm, cải thiện phương pháp do đó công việc cứ tiếp tục tiến hành. Một trong những khó khăn gặp phải là việc loại bỏ các gốc cây to lớn trong khu vực nạo vét, việc rút cho khô nước khu vực sắp đào vì lớp nước tù động có chiều cao lên tới hơn 50 cm. Việc tổ chức phân công nhân lực, việc cung cấp nước ngọt cho nhân công và cho cả các nồi hơi chạy máy nạo vét rất khó khăn vì các máy nạo vét cần đến 25.000 lít nước mỗi ngày, lượng nước nầy do các xà lan xi tẹt kéo đến trên một chiều dài đến 50 km.
Ngoài ra có nhiều đoạn có bùn lún và chảy trộn với bùn thực vật mà biện pháp khắc phục là phải đóng nhiều cọc và bờ đập để ngăn dòng chảy của bùn. Có vùng người ta gặp phải những cây gỗ của khu rừng già bị chôn vùi trong đó có những thân cây dài hơn 10 m. Một điểm khác nữa là có vùng đất do đất sét tinh khiết tạo nên, do đó đất sét bám vào và tụ dần thành lớp dầy gắn chặt vào đầu máy đào, đầu máy đào không còn ăn vào đất nữa nên hiệu suất đào trở thành gần như số không. Công ty cải thiện cách đào bằng việc thay đổi đầu máy đào đặc biệt được thiết kế để giảm độ bám của đất sét.
Cuối cùng bất chấp những khó khăn đủ các loại gặp phải, công ty nạo vét của người Pháp đã hoàn thành kênh Tri Tôn vào đầu năm 1928, kênh Ba Thê vào đầu năm 1930 và đến tháng 9 năm 1930 kênh chính RG-HT và bốn kênh cửa ra biển cũng hoàn thành. Còn hai kênh ngang nối kênh RG-HT vói kênh Vĩnh Tế thì sẽ hoàn thành vào năm sau để góp phần vào việc thực hiện hệ thống thủy đạo xuyên sông Bassac (sông Hậu Giang) vốn đã được đề xướng từ năm 1905.
Kết quả thực tiển cho thấy việc ích lợi của con kênh đào RG-HT, vì sau khi hoàn thành con kênh chính và các kênh phụ (Tri Tôn, Ba Thê và bốn cửa ra biển, nhưng vào thời điểm nầy chưa hoàn thành hai kênh thông với kênh Vĩnh Tế) việc giảm lụt và thoát nước ngay mùa mưa vừa đến rất hữu hiệu rỏ rệt. Song song với việc nạo vét đào con kênh RG-HT, các ngư dân và nông dân nối tiếp nhau định cư hai bên bờ kênh chính nầy và từ đó việc lưu thông bằng thuyền chèo trên kênh bắt đầu trở nên thường xuyên. Điều đó chứng tỏ vai trò quan trọng của con kênh đào RG-HT trong công cuộc vận chuyển lúa gạo được sản xuất trên vùng đất canh tác và không những các mặt hàng hóa khác nhau cần thiết cho đời sống con người mà còn vận chuyển phốt phát và vôi được sản xuất ở vùng Hà Tiên. Ngoài ra việc mở ra con kênh RG-HT sẽ còn thu hút về phía Hà Tiên sự lưu thông của các con tàu biển và trong đó sẽ có một phần tàu bè sẽ đi về phía Rạch Giá do con kênh mới đào nầy.
Buổi lễ khánh thành con kênh đào Rạch Giá-Hà Tiên diễn ra trong hai ngày 14 và 15 tháng 9 năm 1930 với sự có mặt của Toàn Quyền Pierre Pasquier.
Sơ đồ kênh đào Rạch Giá-Hà Tiên với 4 nhánh kênh ngang về phía đông và bốn cửa thoát nước ra biển (Vịnh Xiêm La) về phía tây trong dự án của người Pháp năm 1926. (Bản đồ trích trong quyển sách « Dragages de Cochinchine Canal RachGia – HaTien » năm 1930
Cảnh con kênh đào Rạch Giá-Hà Tiên nhìn từ trên không. (ảnh chụp từ máy bay quân sự Đông Dương)
Phần bản văn giải thích về tấm hình chụp kênh đào Rạch Giá-Hà Tiên phía trên: Phần lớn miền tây Đông Dương trước khi chúng tôi đến không canh tác gì được. Sự phát triển của vùng nầy chỉ có thể bảo đảm bằng cách đào kênh cho phép tháo nước và tưới nước ngọt những khu đất bằng nầy, đồng thời tạo điều kiện tốt cho sự vận chuyển. Những con kênh đào nầy đã chinh phục được sự canh tác thường xuyên gần 2 triệu ha kể từ năm 1875, được tăng thêm từ 30 năm nay ra khỏi khu sông Hậu Giang. Con kênh đào Rạch Giá-Hà Tiên được khánh thành vào năm 1930, kênh nằm dọc theo vịnh Xiêm La, xuyên qua một khu rừng cây tràm (cây thuộc nhóm « niaouli calédonien »), với thân cây ốm và có màu trắng đục. Công việc đào kênh được thực hiện bằng tàu nạo vét mạnh và phần đất nạo vét được thải qua hai ống dài dẫn lên hai bên bờ kênh. Trong hình ta còn thấy những ngọn đồi đá nhô lên từ vùng bùn lầy của đồng bằng.
Bìa của quyển sách « Nạo vét ở Nam Kỳ, kênh đào Rạch Giá – Hà Tiên », do Tổng Thanh Tra công trình công cộng, Toàn quyền Đông Dương xuất bản, Saigon 1930
Chân dung ông Albert Pouyanne, tổng thanh tra cầu đường, tổng thanh tra công trình công cộng Đông Dương, tác giả bài viết « Nạo vét ở Nam Kỳ, kênh đào Rạch Giá-Hà Tiên » ngày 26/08/1930
Chiếc tàu nạo vét tên Loire trong công trường đào kênh Rạch Giá-Hà Tiên
Chiếc tàu nạo vét tên Loire trong công trường đào kênh Rạch Giá-Hà Tiên
Chiếc tàu nạo vét tên Deux trong công trường đào kênh Rạch Giá-Hà Tiên (đang đào kênh Tri Tôn)
Đầu máy đào đặc biệt dùng cho vùng có đất sét dính để đất sét không bám chặt vào đầu máy
Các cố vấn thuộc địa xuống tàu để đi dự lễ khánh thành kênh đào Rạch Giá-Hà Tiên
Tàu chở khách dự lễ khánh thành khởi hành để đến với quan Toàn Quyền Pháp
Quang cảnh kênh đào Rạch Giá-Hà Tiên nhìn từ trên tàu
Xuồng đua Khmer và tàu khách chạy đến với quan Toàn Quyền Pháp
Chiếc tàu « Tổng Đốc Phương » chở quan Toàn Quyền Pháp được các xuồng đua Khmer hộ tống ở Rạch Giá
Quang cảnh buổi lễ ở Rạch Giá, trong khi chờ quan Toàn Quyền Pháp
Quan Toàn Quyền Pháp rời khỏi tàu để lên bờ
Hình trái: Quan Toàn Quyền Pháp Pierre Pasquier và Thống Đốc Đông Dương Jean Krautheimer. Hình phải: Chiếc tàu « Tổng Đốc Phương » đến Rạch Giá
Tại Rạch Giá, dân chúng đang chờ đoàn quan khách chính thức đi qua
Hiện nay dọc theo hai bên kênh Rạch Giá-Hà Tiên đã có rất nhiều kênh ngang, về phía đông các kênh nầy nối liền với sông bassac (sông Hậu Giang) hoạc kênh Vĩnh Tế, về phía tây các kênh nầy mở cửa ra biển tại vịnh Thái Lan. Sơ dồ sau đây cho ta thấy một số kênh đào ngang chính (ngoài ra còn rất nhiều kênh phụ không được kể ra đây).
Sơ đồ kênh đào Rạch Giá – Hà Tiên (màu xanh dương) và các con kênh ngang cung cấp nước và thải nước hai bên kênh đào Rạch Giá – Hà Tiên
Theo chiều về hướng đông, các con kênh đào nối liền kênh Rạch Giá – Hà Tiên và được đánh dấu từ A đến F theo chiều Rạch Giá – Hà Tiên:
A/ Kênh Kiến Hào (từ xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất) nối liền kênh RG-HT với vùng Núi Sập An Giang.
B/ Kênh Ba Thê: (từ thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất) nối liền kênh RG-HT với sông Bassac (tên Việt là sông Hậu Giang).
C/ Kênh Tri Tôn (từ thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất) nối liền kênh RG-HT với sông Bassac (tên Việt là sông Hậu Giang).
D/ Kênh T3 (nơi giáp ranh hai xã Hòa Điền, Kiên Bình, huyện Kiên Lương) nối liền kênh RG-HT với kênh Vĩnh Tế.
E/ Kênh Nông Trường (từ xã Thuận Yên, thành phố Hà Tiên) nối liền kênh RG-HT với kênh Vĩnh Tế.
F/ Kênh Hà Giang (từ xã Thuận Yên, thành phố Hà Tiên) nối liền kênh RG-HT với kênh Vĩnh Tế.
Theo chiều về hướng tây, các con kênh đào nối liền kênh Rạch Giá – Hà Tiên, tháo nước dư thừa ra vịnh Xiêm La (Vịnh Thái Lan) và được đánh dấu từ a đến h theo chiều Rạch Giá – Hà Tiên:
a/ Kênh Kiến Hào (từ xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất) nối liền kênh RG-HT với vịnh Thái Lan.
b/ Kênh Tà Lúa (từ thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất) nối liền kênh RG-HT với vinh Thái Lan.
c/ Kênh Vàm Răng (từ xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất) nối liền kênh RG-HT với vịnh Thái Lan.
d/ Kênh Lình Huỳnh (từ thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất) nối liền kênh RG-HT với vịnh Thái Lan.
e/ Kênh Lung Lớn (từ xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương) nối liền kênh RG-HT với vịnh Thái Lan.
f/ Kênh Sao Mai (từ xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương) nối liền kênh RG-HT với vịnh Thái Lan.
g/ Kênh Ba Hòn (từ thị xã Kiên Lương) nối liền kênh RG-HT với vịnh Thái Lan.
h/ Kênh Tam Bản (từ xã Hòa Điền, huyên Kiên Lương) nối liền kênh RG-HT với vịnh Thái Lan.
B/ Chú thích:
1/ Sở dĩ có cái tên kênh « Xà No » là vì có 3 nguồn gốc: người ta gọi nó là kênh Xà No là vì đọc trại từ Saint-Tanoir, tên của người Pháp chỉ huy xáng đào con kênh này. Cũng có người truyền rằng, Xà No bắt nguồn từ một tên của khóm dân ở tên là Sok Snor (nơi có nhiều cây điên điển của người Khmer), vì con kênh chảy qua khóm dân ở nầy. Hay từ câu chuyện vùng đất này có con mãng xà sau khi nuốt chửng một con nai, no tới mức trườn không nổi nằm dài thườn thượt. Người dân nhìn thấy sợ hãi rồi đặt tên con kênh là Xà No…
2/ Hiên nay trên thượng nguồn sông Cửu Long, có hiện tượng các nước Trung Quốc và Lào Quốc đấp các đập thủy điện khiến cho mực nước sông Cửu Long ngày càng xuống thấp, dòng chảy yếu dần…lượng nước sông không còn đủ mạnh để đẩy nước mặn ra biển (Vịnh Thái Lan). Hiện tượng nầy đang diễn ra ngay tại con kênh đào Rạch Giá-Hà Tiên, lúa bị nước biển mặn tràn trở lại vào kênh đào, nên có thể thiệt hại về mùa màng. Một trong những biện pháp khắc phục hiện tượng nầy là hiện nay việc lưu thông bằng thuyền tàu trên kênh Rạch Giá-Hà Tiên đang ngưng lại, người ta cho đấp đập bằng những thanh cây sắt to để ngăn chận nước mặn vào kênh tại khu vực xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, giữ nước ngọt trong kênh để thu hoạch mùa màng và dùng cho sinh hoạt của dân chúng hai bên bờ kênh.
Tài liệu nghiên cứu:
*/ Collection Gérard O’Connell
*/ Trang internet: « Les Entreprises coloniales françaises »
*/ Thư viện Quốc Gia Việt Nam
Trần Văn Mãnh, Paris ngày 01/02/2020
Nhận xét
Đăng nhận xét