Linh mục Đặng Đức Tuấn thuật lại việc sứ bộ của triều đình Huế đi Gia Định để nghị hòa vào năm Nhâm Tuất (1862)
LINH MỤC ĐẶNG ĐỨC TUẤN THUẬT LẠI VIỆC SỨ BỘ CỦA TRIỀU ĐÌNH HUẾ ĐI GIA ĐỊNH ĐỂ NGHỊ HÒA VÀO NĂM NHÂM TUẤT (1862)
Đại Nam thực lục ghi chép về việc nghị hòa năm Nhâm Tuất (1862)
Tháng tư năm Nhâm Tuất (1862) “Nguyên soái Phú Lãng Sa là Phô Na sai Xuy Mông (1) chạy tàu máy vào cửa biển Thuận An để đưa thư bàn về việc hòa. Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành đem việc tâu lên…”; “Khi ấy Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp (2) xin đi. Lại chuẩn cho sung làm Chánh phó sứ toàn quyền đại thần để nghị về việc hòa. Lại sai đình thần bàn định đại ý về điều ước, vua sửa định rồi trao cho”; “Khi sắp đi, vua rót rượu của vua dùng ban cho. Rồi dụ rằng: Đất đai quyết không thể nào cho được, tà giáo quyết không cho tự do tuyên truyền. Kịp khi hai viên ấy đến Gia Định, bền đem đất ba tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa nhường cho Tây dương, lại nhận số bạc bồi quân phí đến 400 vạn đồng( ước tính đến 280 vạn lạng bạc) và lập nhà giảng đạo, mở phố thông thương, gồm 12 khoản, chép làm hòa ước, mới được 20 ngày, đã đi thuyền trở về đem việc tâu lên (tháng 3, tướng của Phú Lãng Sa cấp giấy cho Xuy Mông đến xin giảng hòa, rồi đi tàu về, tháng 4 lại đến đón tiếp Toàn quyền sứ là Thanh Giản, Duy Thiếp đi sứ. Vào ngày 24 tháng ấy đi thuyền Thụy nhạc vào Gia Định, ngày mùng 9 tháng 5 định hòa ước, ngày 11 đi thuyền về, ngày 14 đến Kinh)” (3).
Linh mục Đặng Đức Tuấn từ một tội nhân được sung vào sứ bộ đi nghị hòa
Trong sứ bộ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp vào Gia Định nghị hòa có một thành viên là đạo trưởng đạo Da tô (4), đó là linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874). Linh mục Đặng Đức Tuấn đã thuật lại bằng thể thơ lục bát đôi chỗ xen vào câu song thất việc bản thân mình trốn tránh lệnh bắt đạo và bị bắt giam, sau đó trở thành thành viên trong sứ bộ của triều đình đi vào Gia Định nghị hòa (5).
Đầu năm Nhâm Tuất (1862), linh mục Đặng Đức Tuấn mang trong mình “Điều trần sáu trương” đang trốn tránh lệnh bắt đạo của vua Tự Đức ở huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi. Linh mục bị bắt và quan huyện sai lính soát vật dụng linh mục mang theo người: “Quan dạy lính lại coi gần/Soát trong bao tấu Điều trần sáu trương”.
Do thấy có “Điều trần sáu trương” nên quan giải linh mục Đặng Đức Tuấn lên tỉnh đường: “Tập giấy với người cả hai/ Huyện chạy tờ bẩm, giải lai tỉnh thành” . Tại tỉnh đường Quảng Ngãi, linh mục Đặng Đức Tuấn bị tra khảo và giam cầm. Đang lúc bị giam: “Ít ngày có quan ngoài Kinh/ Vua sai thám thính tình hình địa phương/Ghé vào Quảng Ngãi tỉnh đường/ Bố, Án (6) đem trẻ sáu trương điều trần/ Quan Kinh coi rồi mới phân:/ Điều trần đắc lực phải dâng triều đình/ Mặc ý Bố, Án hai dinh/ Muốn phát thì phát, không, mình phát cho/ Tỉnh quan dạy mở gông ra/ Viết điều trần lại cho hòa tờ khai/ Tỉnh làm sớ tấu cả hai/ Chạy về Cơ mật dưng ngay ngự tiền” .
Năm ngày sau có chỉ vua về đến tỉnh đường Quảng Ngãi, truyền phải đưa linh mục Đặng Đức Tuấn ra Kinh đô: “Năm ngày có chỉ về liền/ Dạy đem Đức Tuấn ra miền Kinh đô/ Dạy ban lộ phí dịch do/Truyền quân các tỉnh đều vô đón ngừa/Việc vua cẩn trọng chẳng vừa/Mỗi tỉnh ba chục quân đưa dọc đàng/ Gông cụt cổ hãy còn mang/ Quân ngừa trạm võng dường quan về triều” .
Ra đến Kinh đô, linh mục Đặng Đức Tuấn được chất vấn ở bộ Binh và bộ Hình, Tại bộ Hình linh mục được quan Thượng thư sai làm điều trần: “Như nay đạo trưởng ra đây/Làm điều trần nữa dưng ngay ngự tiền/ Nói rõ sự tích căn nguyên/ Lượng trên minh xét, sĩ hiền chớ lo/ Dạy lấy giấy viết ban cho/ Tuấn lãnh về phủ lần mò viết đêm/Viết rồi sáng lại đem lên/ Một phong hai tập dưng ngay ngự tiền/ Ngày sau sắc hạ phân miêng/Giải gông, cấp áo, lương tiền thưởng cho” .
Sau đó linh mục Đặng Đức Tuấn dâng tiếp điều trần: “Làm hai tập nữa dâng vào/ Thánh hoàng ngự lãm định giao cuộc hòa/ Dạy quan Cơ Mật truyền ra /Tư cho các tỉnh hay qua sự này/ Triều đình đã định làm vầy/ Sai Đặng Đức Tuấn vào Tây giảng hòa” .
Linh mục Đặng Đức Tuấn thuật lại việc đi nghị hòa
Linh mục Đặng Đức Tuấn đã thuật lại việc đi nghị hòa: “Tàu Tây ra Huế tháng ba/ Hỏi Triều đình có chịu hòa hay không?/ Vua quan sai xuống hội đồng/ Chịu giao hòa cuộc cho xong nước nhà/ Quan Tây xin chữ quan ta/ Hẹn về mười bữa rồi ra bây giờ/ Đến ngày mười bốn tháng tư/ Tàu Tây ra lại gởi thư lên thành/ Xin cho quan lớn xuất hành/ Vào trong Gia Định lập thành hòa giao” .
Trong bối cảnh đất nước rối ren: “Triều đình bàn luận lao xao/ Khó nỗi định liệu ông nào ra đi/ Vì còn nhiều việc khả nghi/ Chưa biết bàn định lẽ gì cho hay” . Vua Tự Đức lo lắng và nói “…Đến như việc đặt toàn quyền, đến lúc ấy mà không thể nói được, nếu theo họ thì có nước cũng như không, đã chịu nhục mà đời đời chịu tai vạ. Không theo họ thì người của mình đã sa vào trong phạm vi của kẻ kia rồi, sống chết ở tay họ. Há có thể được như Phú Trịnh Công (7) đi sứ nước Liêu đâu? Nếu họ không giết mà họ sai đưa về ta, thì lại làm thế nào?”
Đang lúc “bàn luận lao xao”, thì Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp hỏi ý kiến linh mục Đặng Đức Tuấn: “Thượng quan đòi Tuấn hỏi ngay/ Tây xin làm vậy, Tuấn bày làm sao?/ Tuấn rằng: Ông lớn lượng cao/ Sớ tâu Hoàng đế xin vào Đồng Nai?/ Cho tôi tùng tháp với ngài/ Tôi dám quả quyết không ai làm gì/ Hòa đặng thì ta hòa đi/ Bằng hòa chẳng đặng ta thì về ngay” .
Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp sau khi nghe linh mục Đặng Đức Tuấn giãi bày đã vào gặp vua: “Quan Lâm vào tấu nội ngày/ Vua ban sắc hạ, y rày lời xin/ Quan Phan ở cửa nghe tin/ Cũng vào thỉnh chỉ đặng in như lời” .
Sau khi “ban sắc hạ” vua Tự Đức đã dọn yến đãi phái sứ bộ đi nghị hòa: “Chỉ truyền Tả vệ Thủy sư/ Dọn tàu Loan Thoại mà đưa quan triều/ Hoàng ân ban thưởng cũng nhiều/ Truyền dọn yến đãi bấy nhiêu sứ thần/ Quan gia cờ xí rần rần/ Đưa quan Khâm mạng đỏ rần Kinh sư” .
Tàu Loan Thoại chở sứ bộ đi nghị hòa xuống cửa Thuận An và ngày 24 tháng 4 năm Nhâm Tuất (dương lịch: Thứ hai 22/5/1862) từ Thuận An tàu Loan Thoại được tàu Forbin của Pháp cột dây kéo vào Gia Định: “Ngày hai mươi bốn tháng tư/ Tàu Tây ra cửa đón ngừa tàu ta/ Hai bên mừng rỡ lại qua/ Cột dây dắt thẳng chạy ba đêm ngày/ Đến cửa Cần Giờ vào ngay/ Tàu đi như bắn khói bay nửa lừng” (8)
Linh mục Đặng Đức Tuấn lần đầu tiên đi tàu được tàu hơi nước của Pháp cột dây dắt, linh mục đã kinh ngạc trước sức mạnh của tàu hơi nước: “Tàu đi như bắn, khói bay nửa lừng” . Từ Thuận An vào đến Gia Định mà chỉ mất có ba đêm ngày, trong khi đó tàu của ta nếu thuận buồm xuôi gió mất 12 ngày đêm. Năm sau, vào ngày mùng 6 tháng 5 năm Quý Hợi (dương lịch: Chúa Nhật 21/6/1863) (9), Phó sứ Phạm Phú Thứ, trong phái đoàn sang Pháp xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, đã ngồi trên “hỏa thuyền” của Pháp chạy từ Thuận An vào Gia Định đã làm bài thơ “Thuyền đề Gia Định”(10) ca ngợi sức mạnh của tàu hơi nước: “Tích văn Thuận Hải quá Cần Hải/ Lãng bạc phong phàm lệ tiếp thần/ Quái để nghịch phong thiên lý ngoại/ Hỏa thuyền tam nhật đáo Ngưu Tân” (Cửa Thuận, Cần Giờ xưa đến nay/ Buồm căng lướt sóng mười hai ngày/ Lạ thay gió ngược ngoài ngàn dặm/ Bến Nghé ba ngày thuyền đến ngay) . Sau bài thơ “Thuyền đề Gia Định”, cụ Phạm Phú Thứ đã chú thích: “Tự Thuận An tấn chí Ngưu Chử tân, thứ nhất thiên bát bách lý tả hữu thời thuyền hành tam nhật giai trị nghịch phong” (Từ cửa biển Thuận An đến Bến Nghé trên dưới một ngàn tám trăm dặm thuyền đi ba ngày đều bị gió ngược). Suốt hành trình từ Thuận An vào đến Bến Nghé, mặc dù đều gặp “nghịch phong” (gió ngược) nhưng tàu chỉ cần ba đêm ngày là đến nơi. Thật là quá sức tưởng tượng của các cụ nhà ta thời ấy!
Từ khi Pháp chiếm đóng Gia Định, quang cảnh cũng khác xưa. Người dân Nam Kỳ nghe có phái đoàn của nhà vua vào nên ra đón tiếp: “Đến thành Gia Định tàu ngừng/ Quan Tây bắn súng chào mừng vang tai/ Nam Kỳ thiên hạ ai ai/ Nghe tàu vua tới ra ngoài ngóng trông/ Các dân, các nước quá đông/ Dập dìu tàu lửa, tàu đồng bốn phương/ Nghinh ngang phố xá kiều lương/ Giang sơn chốn cũ khách thương lạ lùng” .
Ngày mùng một tháng năm, năm Nhâm Tuất (dương lịch: Thứ tư 28/5/1862) bắt đầu ngồi vào bàn nghị hòa: “Định hội đồng tháng năm ngày một/ Ba nước đều triều phục y quan/ Quan gia cờ súng trang hoàng/ Thủy quân nghiêm chỉnh rước quan lên thuyền(11)/ Ba nước, ba sắc Toàn quyền(12)/ Hội nhau khám nghiệm quả nhiên chẳng lầm/ Trống chiêng ca nhạc rầm rầm/ Quan Tây đưa, xá, Phan, Lâm về thuyền/ Xin bồi tứ bách vạn nguyên/ Xin giao sáu tỉnh thời yên mọi đàng” .
Linh mục Đặng Đức Tuấn không chấp nhận cắt đất cho Tây. Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp mới hỏi ý kiến linh mục Đặng Đức Tuấn: “Phan, Lâm đòi Tuấn hỏi han/ Tây xin nhiều quá, Tuấn bàn làm sao?/ Tuấn rằng: ông lớn lượng cao/ Đòi bồi thì chịu đừng giao tỉnh thành/ Ý tôi thời vậy đã đành/ Mặc lượng quan lớn quyền hành chủ trương” .
Sau khi nghe ý kiến của linh mục Đặng Đức Tuấn, hai ông Phan, Lâm mới thương thuyết lại với Pháp: “Quan bèn nói với Tây dương/ Xin hãy nghĩ lại khoản thường khoản giao/ Sao cho đừng thấp đừng cao/ Sao cho vừa phải lẽ nào mới an/ Như lời xin trước khó toan/ Mặc lượng Nguyên soái định bàn phen sau” .
Sáng ngày hôm sau, quan Pháp trình cho quan ta tập hòa ước: “Sáng ngày Giám đốc xuống tàu/ Đem tập hòa ước xin hầu quan ta/ Làm lời ba nước giao hòa/ Trong mười hai khoản ngặt ba bốn điều/ Quan ta thấy bớt đã nhiều/ Chịu đi cho rãnh về Triều cho xong” .
Hòa ước được chính thức quan đại thần ba nước (Pháp, Y Pha Nho [Tây Ban Nha], Đại Nam) ký tên và đóng dấu vào ngày mồng 9 tháng 5 năm Nhâm Tuất (dương lịch: Thứ năm ngày 5/6/1862): “Hẹn ngày mồng chín hội đồng/ Trên bờ binh mã, dưới sông binh thuyền/ Rước quan Khâm mạng Toàn quyền/ Hội nhau đóng ấn cho yên cuộc hòa/ Dập dìu binh mã nhạc ca/ Thiên hạ tụ hội biết là mấy muôn/ Xong rồi súng bắn tiếp luôn/ Ầm ầm trời đất ùn ùn khói bay/ Kéo cờ tam sắc đông tây/ Thủy bộ rực rỡ cỏ cây sáng ngời” . Mặc dù linh mục Đặng Đức Tuấn khuyên không nên nhượng đất nhưng cuối cùng do sức ép của Pháp nên sứ bộ triều đình đồng ý nhượng cho Pháp 3 tỉnh Miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) và bồi thường chiến phí 400 vạn nguyên (tứ bách vạn nguyên)
Ký hòa ước xong, linh mục Đặng Đức Tuấn dạo chơi thăm Giám mục Dominique Lefèbvre Ngãi, Giám mục Địa phận Tây Đàng Trong: “Việc rồi Tuấn mới dạo chơi/ Thăm Đức cha Ngãi với người cố tri” và ngày 11 tháng 5 năm Nhâm Tuất (dương lịch: Thứ bảy 7/6/1862)tàu Forbin lại dắt tàu Loan Thoại về lại Huế: “Dạo chơi rồi xuống chỗ mình/ Đến ngày mười một khởi trình ra khơi/ Tàu vua về Huế đến nơi/ Chính đêm mười bốn nước trời sáng trưng/ Hải đài bắn súng chào mừng/ Dưới tàu đáp lại vang lừng Kinh đô/ Ngày rằm chuyên chở các đồ/ Quan làm sớ tấu việc vô giảng hòa” .
Linh mục Đặng Đức Tuấn đã ghi lại ngày tháng trong chuyến đi nghị hòa rất khớp với những gì Đại Nam thực lục ghi.
Linh mục Đặng Đức Tuấn sau cuộc nghị hòa
Với sự góp mặt của linh mục Đặng Đức Tuấn trong sứ bộ đi nghị hòa, cho nên sau khi sứ bộ về đến Huế, thì ngày 19 tháng 5 năm Nhâm Tuất ( dương lịch: Chúa Nhật 15/6/1862) vua Tự Đức ra lệnh bãi bỏ một phần lệnh phân sáp giáo dân theo đạo Da tô: “Mười chín tháng năm chỉ ra/ Phụ nữ, lão ấu đều tha cho về/ Dọn dẹp gánh xách về quê/ Nam tráng, đầu mục, một bề còn giam” . Đại Nam thực lục ghi sự kiện này: “Chuẩn cho phủ Thừa Thiên và các trực tỉnh, xét xem những bọn dân xấu theo đạo, hiện đang bị giam và an trí (13), cả người già và trẻ em, đàn bà con gái không kể là đã hay chưa bỏ đạo và những trai tráng đã bỏ đạo, hết thảy đều tha về, ruộng vườn gia sản cấp trả lại và miễn cho ra lính, tạp dịch một năm. Vì là kính gặp ngày khánh tiết thánh thọ, cho nên chước lượng ban ơn vậy” (14)
Tiếp đến vua Tự Đức cho linh mục Đặng Đức Tuấn về thăm quê nhưng các quan khuyên linh mục nán ở lại Kinh xem thử tình hình diễn biến thế nào và linh mục đã nhận lời: “Ngày hai mươi bốn tháng năm/ Châu phê cho Tuấn về thăm quê mình/ Các ông xin ở lại Kinh/Gắng coi thời sự tình hình làm sao” .
Ngày 10 tháng 6 năm Nhâm Tuất (dương lịch: Chúa Nhật 6/7/1862) linh mục Đặng Đức Tuấn viết điều trần dâng lên vua Tự Đức: “Bài điều trần của Đặng Đức Tuấn tình nguyện xin đến Gia Định thương thuyết với Pháp để sửa đổi bản hòa ước, tăng thêm các khoản:
- Người Pháp phải phái binh thuyền đến Bắc Kỳ để hợp sức tiễu phỉ.
- Pháp phải gửi chuyên viên đến giúp nước ta khai thác khoáng sản
- Đã cắt nhượng ba tỉnh cho Pháp thì thôi khoản bồi thường hoặc chỉ bồi thường mà không nhượng đất” (15).
Ngày 17 tháng 6 năm Nhâm Tuất (dương lịch: Chúa Nhật 13/7/1862) lệnh phân sáp của triều đình được bãi bỏ hoàn toàn: “Mười bảy tháng sáu chỉ ra/ Nam tráng, đầu mục thảy tha phản hồi” . Đại Nam thực lục ghi sự kiện này: “Lại tha tội cho những dân xấu chưa bỏ đạo ở các hạt, lấy cớ là hòa nghị đã xong, nên bỏ lệ cấm đó. (Trừ ra những người thực có đích tình thông đồng với giặc do quan địa phương xét rõ trị tội thì không kể, còn các người bị giam hay an trí, thì những người đầu sỏ và trai tráng đều tha cho hết, ruộng vườn, gia sản, ra lính, tạp dịch các khoản đều tuân theo Dụ trước mà làm. Vì lệnh giam giữ năm trước, ở Nam Định rất nghiêm ngặt, đem chém hơn 4800 người, Nguyễn Đình Tân sợ bọn dân đạo để long thù oán theo giặc, xin một hạt Nam Định, hãy cứ giam như cũ. Vua không cho)” (16)
Linh mục Đặng Đức Tuấn về thăm quê, sau đó được giáo quyền chỉ định coi sóc họ đạo Tân Lộc, rồi Hòa Mục (Quảng Ngãi), sau cùng là họ đạo Nước Nhỉ (nay thuộc làng Chánh Khoan, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định).
Trong thời gian này, linh mục Đặng Đức Tuấn được nhà vua vời ra Huế hai lần: “Chỉ đòi ra Huế hai lần/ Việc dân, việc nước điều trần căn nguyên” . Linh mục qua đời ngày 24/7/1874. Hiện mộ linh mục vẫn còn ở làng Chánh Khoan.
Kết luận
Triều đình luôn nghi ngại người theo đạo Da tô, và cho rằng theo đạo là theo Tây: “Rằng: quân Tả đạo với Tây/ Một lòng sinh sự phá rầy biên cương” . Với linh mục Đặng Đức Tuấn nhất định giữ lòng trung thành kính Chúa, yêu Tổ quốc được thể hiện qua hai câu cuối bài thơ “Nghị hòa hậu, cảm tác” (Cảm tác sau nghị hòa ) mà chính linh mục là tác giả: “Tang bồng thiểu ủy nam nhi chí/ Hàn Hán (17) thân tâm bạch hữu vô” . Giáo sư Lam Giang Nguyễn Quang Trứ đã tạm dịch: “Làm trai sạch nợ bồng tang/ Thử xem thân Hán, tâm Hàn là ai?”
Hồng Bàng- Nha Trang
Nguồn: http://vietcatholic.com/News/Html/247503.htm
Nguồn: http://vietcatholic.com/News/Html/247503.htm
Chú thích:
1- Phô Na: là Bonard( tên đầy đủ là Louis Adolphe Bonard) Chuẩn Đô đốc (Thiếu tướng Hải quân. Hải quân Pháp chỉ có Chuẩn Đô đốc, không có Phó Đề đốc), Tư lệnh trưởng quân đội viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha tại Nam Kỳ; Xuy Mông: Thiếu tá Simon
2- Lâm Duy Thiếp: có sách ghi là Lâm Duy Hiệp.
3- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr. 767, 768, 770
4- Da Tô: các văn bản xưa nay đại đa số viết là Gia Tô. Trong chữ Hán, bên trái là chữ “nhĩ”, bên phải là bộ “ấp” đọc là Da chứ không phải Gia. Từ “Da Tô” không có ý nghĩa miệt thị như nhiều người nghĩ. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải thích Da Tô là “dịch âm chữ Jésus, ông Chúa sáng tạo ra đạo Thiên Chúa”. Nếu ta không gọi ông Jésus mà gọi ông Da Tô cũng cùng một nghĩa mà thôi.
5- Giáo sư Lam Giang Nguyễn Quang Trứ & Linh mục Hòa Tâm Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công Giáo ái quốc Việt Nam, In lần thứ nhất, Tác giả tự xuất bản năm 1970 (thơ văn trong bài viết đều trích từ tác phẩm này: trang 130, 141, 143, 149, 150, 155, 156, 159, 160, 162, 165.
6-Tự Đức năm thứ 13 (1860) Bố chánh sứ và Án sát sứ Quảng Ngãi là Nguyễn Tăng Tín và Nguyễn Đăng Hành (x. Châu bản triều Tự Đức [1848-1883] , Nxb Văn học, tr. 105). Tháng 7 năm Quý Hợi (1863) Nguyễn Tăng Tín vẫn còn giữ chứ Bố chính sứ Quảng Ngãi (x. Đại Nam thực lục tập 7, tr. 818). Vào tháng 3 năm Nhâm Tuất(1862), Nguyễn Đăng Hành đang giữ chức Bố chính Khánh Hòa( x. Đại Nam thực lục tập 7, tr. 763), chưa tìm ra được ai giữ chức Án sát Quảng Ngãi vào thời điểm linh mục Đặng Đức Tuấn bị bắt.
7- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr. 768 chú thích Phú Trịnh Công: “tức là Phú Bật, thời Tống Nhân Tông, Bật 2 lần sang sứ Liêu, cố sức biện bác việc cắt đất cho Liêu, dân ở cõi Nam, cõi Bắc, không lấy việc binh đao đến vài mươi năm”.
8-Theo G. Taboulet, tàu Forbin đưa sứ bộ rời Huế ngày 28/5/1862 đến Sài Gòn ngày 3/6/1862. Nhưng theo Đại Nam thực lục và linh mục Đặng Đức Tuấn thì ngày 24 tháng 4 năm Nhâm Tuất (dương lịch: Thứ năm 22/5/1862) tàu rời Huế và chỉ chạy “ba đêm ngày” là đến nơi. Ngày mùng 1 tháng 5 năm Nhâm Tuất (dương lịch: Thứ tư 28/5/1862) bắt đầu hội đồng (Xem G. Taboulet, Le geste Francais en Indochine [tập 2] , Paris 1956, tr. 472). Dẫn lại từ:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Hòa_Ước_Nhâm_Tuất_(1862)
9- Trong bài thơ “Xuất dương hữu ức” (Ra ngoại quốc có điều nhớ lại), cụ Phạm Phú Thứ đã chú ở đầu bài thơ: “Tự Đức thập lục niên, ngũ nguyệt, phụng sung như Tây Phó sứ, đồng Chánh sứ Phan Lương Khê, Bồi sứ Ngụy quân Thản Chi vãng Phú Lãng Sa, Y Pha Nho nhị quốc báo sính, thị nguyệt sơ lục nhật thừa Phú Lãng Sa phái tiếp hỏa thuyền xuất Thuận An tấn” (Tháng 5 năm Tự Đức thứ 16 (1863) vâng lệnh sung chức Phó sứ đi Tây, cùng với chánh sứ Phan Lương Khê [Thanh Giản], Bồi sứ Ngụy Thản Chi [Khắc Đản] đi hai nước Phú Lãng Sa và Y Pha Nho để nói chuyện hòa hiếu. Ngày mùng 6 tháng này đáp tàu của Phú Lãng Sa (Pháp) rời cửa Thuận An) ( x. Phạm Phú Thứ, Phạm Phú Thứ toàn tập tập 1, Nxb Đà Nẵng, tr. 770, bản chữ Hán số thứ tự 451, tr.1475; Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr. 812)
10-Phạm Phú Thứ, Phạm Phú Thứ toàn tập tập 1, Nxb Đà Nẵng, tr. 772 (bản chữ Hán số thứ tự 452, trang 1475).
11- Theo G. Taboulet, ba nước ký hòa ước trên tàu chiến Duperré của Pháp đậu trên sông Sài Gòn.
12-Ba sắc Toàn quyền: Pháp, Y Pha Nho [Tây Ban Nha] và Đại Nam.
13- An trí là từ ngữ triều đình sử dụng, dân chúng gọi là “Phân sáp” hoặc là “Phân tháp”: phân là chia ra, sáp (tháp) là đem cấy, đem ghép vào( Tháp thuộc bộ “thủ” 4 nét; Sáp thuộc bộ “thủ” 9 nét.(x. Trần Văn Chánh, Từ điển Hán Việt, Nxb Trẻ, tr. 837, 889). Triều đình ra lệnh đem những gia đình Công Giáo chia ra, cho con ở một làng, mẹ một làng, cha một làng không Công Giáo để họ khỏi đoàn tụ, quây quần nhau mà giữ đạo, khiến niềm tin của họ lung lay mà xin bỏ đạo.Lệnh Phân sáp được triều đình ban ra vào tháng 6 năm Tân Dậu (1861): “Sức nhắc lại các địa phương phải nghiêm nhặt chia ghép bọn dân đạo. Trước đây, chia ghép các dân đạo, còn nhiều sót lậu. Đến bây giờ nghiêm bắt phủ huyện các địa phương: phàm những dân đạo trai gái già trẻ, không cứ đã bỏ đạo hay chưa, đều thích chữ vào mặt, chia ghép đến ở vào xã thôn không có đạo, mà phải quản thúc cho nghiêm. Những tên đầu mục hung ác vẫn nghiêm giam như cũ. Nếu người Tây dương đến nơi, thì đem bọn dân đạo ấy giết cho hết. Phủ huyện nào lại còn nhu nhơ dong kẻ gian, để đến nỗi sinh ra việc gì lo ngại, tất phải chiểu quân luật trị tội” (Đại Nam Thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr. 725). Linh mục Đặng Đức Tuấn kể về “Phân sáp”: “Trát ra cho các xã làng/ Tựu nha lập tức cho quan mật truyền/ Đạo rày phân sáp các miền/ Làm vi canh nhặt giữ gìn chớ tha/ Làng nào để nó trốn ra/ Tội tình chẳng nhỏ oan gia chẳng vừa/ Giáo dân lớn nhỏ bắt bừa/ Bắt ra thích tự chẳng chừa gái trai” (Thích tự: xâm hai chữ “Tả đạo” trên mặt); “Mịt mù mấy dặm nước non/ Phân cha làng nọ, sáp con làng này”.
14- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.777
- Trương Bá Cần (Chủ biên), Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam tập II Thời kỳ thử thách và phát triển [Từ đầu thế kỷ XIX đến mùa thu 1945] , Nxb Tôn giáo Hà Nội- 2008, tr.236
15- Trung tâm nghiên cứu quốc học, Châu bản triều Tự Đức [1848-1883] , Nxb Văn học, tr. 122-123.
16- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr. 780
-Trương Bá Cần (Chủ biên), Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam tập II Thời kỳ thử thách và phát triển [Từ đầu thế kỷ XIX đến mùa thu 1945] , Nxb Tôn giáo Hà Nội- 2008, tr. 237
17- Hàn Hán: Trương Lương thời Hán Sở tranh hùng (206BC – 202BC). Trong thời gian này, Trương Lương giúp nhà Hán nhưng lúc nào cũng nghĩ đến Tổ quốc mình là nước Hàn.
Nhận xét
Đăng nhận xét