Làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang lâu nay vốn nổi tiếng bởi có hàng chục căn nhà cổ trên trăm năm tuổi với lối kiến trúc độc đáo. Trong số này, căn nhà cổ của gia đình ông Trần Tuấn Kiệt ở ấp Phú Hòa là đẹp nhất được mệnh danh là “Cửu đại mỹ gia” của Việt Nam.
Ngôi nhà cổ ông Kiệt tọa lạc ở số 22 tổ 1, ấp Phú Hoà ấp Phú Hòa, xã Đông Hòa Hiệp nằm ẩn mình giữa một vườn cây ăn trái xanh mát.
Từ chợ nổi Cái Bè, mất khoảng 25 phút đi ghe, đến bờ kênh du khách đi bộ một quãng đường khoảng 1 cây số trước khi đến được căn nhà.
Nếu nhìn từ ngoài, nhà ông Kiệt cũng như bao căn nhà khác nằm trong một khu vườn mênh mông. Phía trước ngôi nhà là khoảng sân rộng đặt bàn đá, ghế, võng đong đưa dưới bóng cây.
Ngôi nhà được xây dựng vào khoảng năm 1838, có kiến trúc kiểu chữ Đinh với 3 gian, 2 chái, rộng gần 1.000m2, với 108 cây cột, toàn bộ được làm từ các loại gỗ quý như lim, cẩm lai, giáng hương, căm se. Các hoa văn chạm khắc, trang trí trên các bộ kèo, cột, xiên và vách rất công phu, đặc trưng theo phong cách nhà xưa tại vùng đất Nam Bộ.
Mái nhà lợp ngói âm dương, một hàng sấp, một hàng ngửa xen kẽ. Kèo cột được thiết kế kiểu chồng rường đặc trưng.
Phần liễn song hồng phíc trước nhà được làm bằng gỗ căm se hình vuông xếp so le để lấy ánh sáng, khí trời và người trong nhà dễ quan sát người bên ngoài.
Các liễn đối bên trong và tranh treo tường đều được khảm xà cừ lộng lẫy. Nối liền các trụ chính của căn nhà là hệ thống bao lam được chạm lộng Mai, Lan, Cúc, Trúc cách điệu hài hòa, các họa tiết mềm mại, được thếp vàng, thể hiện trình độ và tài nghệ thưởng thức nghệ thuật của người xưa.
Những vật dụng trong nhà cũng đều là những món đồ cổ quý giá. Cây đèn dầu, bộ ấm chén, chùm đèn treo, tủ chén, sập gụ… gợi lại những ký ức xưa cũ của một miền đất Nam bộ cách đây 200 năm. Bàn và sập cũng đều là gỗ quý nguyên tấm, đen bóng màu thời gian. Các bộ ghế cũng được làm kì công, họa tiết tinh xảo mà đường nét khoáng đạt, hài hòa.
Nền nhà lại xếp gạch tấm vuông được nung thô, hợp với tường gỗ, mái ngói. Cổng nhà từ thời xưa cũng được gia chủ giữ lại, tô điểm cho khu vườn thêm ấn tượng.
Năm 2002, tổ chức JICA Nhật Bản sang khảo sát và xác định ngôi nhà cổ ông Kiệt là một trong những căn nhà đẹp nhất Việt Nam, nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng, nên quyết định đầu tư cho trùng tu, đồng thời nhận bằng chứng nhận Di sản Văn hóa do tổ chức UNESCO châu Á trao tặng. Năm 2004, sau hơn 1 năm làm việc cật lực, ngôi nhà hoàn thành và trở thành 1 trong những địa điểm du lịch Tiền Giang thu hút đông đảo du khách.
Nơi đây còn là điểm du lịch homestay cho phép du khách nghỉ ngơi, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của một trong những gia đình giàu có nức tiếng tại Nam bộ ngày xưa.
Vị chủ nhà, mọi người thường gọi thân mật là cô Kiệt, theo tên của chồng, là một người phụ nữ thật thà giản dị hiếu khách đậm chất miền Tây. Cô nồng hậu chào đón khách đến thăm nhà, chỉ cho khách từng đặc điểm độc đáo trên gian nhà chính, rồi cô lại tất tả ra nhà sau đứng bếp tự tay nấu cơm đãi khách như là một cách thể hiện tấm thịnh tình của gia chủ.
Nhận xét
Đăng nhận xét