Những dấu ấn lịch sử của trường nữ sinh đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội

 

Những dấu ấn lịch sử của trường nữ sinh đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội
Trường THCS Trưng Vương – Ảnh tác giả chụp (5/2016)

Trường Nữ sinh đầu tiên và duy nhất ở xứ Bắc kỳ năm xưa, nay là Trường THCS Trưng Vương Hà Nội, là một trong số ít những ngôi trường vẫn còn giữ được nét cổ kính và duyên dáng theo lối kiến trúc Pháp ở giữa lòng thủ đô song ít ai biết được đầy đủ những tên gọi, hệ thống dạy-học cũng như những nét riêng biệt khác nữa trong bề dày lịch sử hàng trăm tuổi của ngôi trường.

Nằm trên một nền đất vuông vức ngay ngã tư phố Hàng Bài và phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội (thời Pháp là đại lộ Đồng Khánh và đại lộ Carreau), Trường THCS Trưng Vương được nhiều thế hệ người Hà Nội nói chung và giới học sinh nói riêng tự hào nhắc tới như một ngôi trường nổi tiếng đào tạo nữ sinh Việt Nam và là một trong số ít những ngôi trường vẫn còn giữ được nét cổ kính và duyên dáng theo lối kiến trúc Pháp ở giữa lòng thủ đô. Tuy nhiên ít ai biết được ngôi trường này trước kia có tên gọi là Trường trung học Paul Bert – tên chính danh của trường. Còn các tên gọi khác theo hệ đào tạo là Trường Cao đẳng tiểu học Nam sinh (Trường Con Trai – École des Garçons), Cơ sở giáo dục Nữ sinh người Việt (Institution de Jeunes filles annamites), Trường Sư phạm nữ sinh người Việt (École Normale des Institutrices annamites), Trường Trung học nữ sinh người Việt (Collège de Jeunes filles annamites), hay trường được gọi theo tên phố là Trường Nữ sinh Đồng Khánh (École de Jeunes filles de Đồng Khánh), vì mặt chính nhìn ra đại lộ Đồng Khánh và nhiều nét riêng biệt khác nữa.

Lịch sử tên gọi và kiến trúc

Năm 1886, trường trung học công lập đầu tiên được thành lập ở xứ Bắc kỳ (Tonkin) mang tên Trường Trung học Paul Bert (Collège Paul Bert) dành cho số ít con em người Pháp là quan chức thực dân, sĩ quan, viên chức đầu tiên đến Hà Nội, trường thực hiện dạy hai cấp Tiểu học và Cao đẳng Tiểu học với mô hình tổ hợp trường nam sinh và nữ sinh. Trường Paul Bert tiếp nhận dạy hầu như toàn bộ số học sinh Pháp ở Bắc kỳ. Trước là dạy chương trình tiểu học rồi dạy đón chuyển tiếp chương trình Trung học[1]. Ngôi trường được xây dựng trong những năm 1897-1898, trên thửa đất ở ngã tư đại lộ Đồng Khánh, dài 100 mét và đại lộ Carreau, dài 87 mét, tức phố Hàng Bài và phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội ngày nay[2].

Ngôi trường được thiết kế và xây dựng theo lối kiến trúc cũ, mái ngói một tầng, phần giữa và hai cánh ở hai đầu xây sâu hơn, rộng hơn và lên cao tầng. Bên cánh phải (nhìn từ trường ra cổng) dành cho Giám hiệu và bên cánh trái dành cho các phòng Quản lý trường, chủ yếu theo nguyên tắc đối xứng về xây dựng[3].

Những dấu ấn lịch sử của trường nữ sinh đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội
Bản vẽ phối cảnh mặt chính của Trường Đồng Khánh năm 1897, phần trán tường, trên cửa vòm ở giữa có đắp nổi chữ “Ecole des Garçons” – Trường học con trai – Ảnh trích xuất từ sách Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội 1875-1945 – Traits d’Architecture, Hanoi à l’heure française.

Theo thiết kế ban đầu, ngôi trường được xây dựng như một tổ hợp trường học nam sinh và nữ sinh. Khu chính nhìn ra đại lộ Đồng Khánh là khu trường học nam sinh nên ngay trên trán tường ở chính giữa, mặt chính có đắp nổi chữ “École des Garçons” – Trường học Nam sinh. Mặt chính ra đại lộ Đồng Khánh có ba cổng mang ba số 26, 28 và 30. Địa chỉ giao dịch chính của trường là số 30, Đại lộ Đồng Khánh, Hà Nội.

Những bước chuyển mình

Năm 1904, Trường Nữ sinh Pháp chuyển sang cơ sở nằm trên phố Thợ Nhuộm (rue des Teinturiers), rồi phát triển thành một trường độc lập dành riêng cho học sinh nữ người Pháp cơ sở ở đại lộ Hai Bà Trưng (boulevard Rollandes). Từ đây Trường Paul Bert (phố Đồng Khánh) chỉ còn học sinh nam nên còn gọi là Trường Nam sinh, hay Trường học con trai. Trường Nam sinh rất nổi tiếng, một số bản đồ thành phố Hà Nội đương thời đã cho ghi vào phần chỉ dẫn là Trường Nam sinh (École des Garçons).

Những dấu ấn lịch sử của trường nữ sinh đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội
Bản vẽ phối cảnh mặt bên của Trường Đồng Khánh năm 1897 – Ảnh trích xuất từ sách Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội 1875-1945 – Traits d’Architecture, Hanoi à l’heure française.

Năm 1912, Chính quyền Pháp ở Đông Dương có kế hoạch cải tạo Trường Paul Bert trên phố Đồng Khánh và nâng bậc học thành trường Trung học Đông Dương[4] ở Hà Nội. Tuy nhiên, vì địa điểm này quá chật hẹp nên dự án không thực hiện được phải chuyển về xây dựng ở Đại lộ République, nay là phố Hoàng Văn Thụ. Trường Trung học Đông Dương là tên gọi ban đầu của Trường Trung học Albert Sarraut, ngày nay là trụ sở của Ban Đối ngoại và Ban Tổ chức Trung ương Đảng[5].

Năm 1917, theo Nghị định 2229, ký ngày 10/11/1917, chính quyền Pháp mở Cơ sở giáo dục Nữ sinh Việt Nam (Institution de Jeunes Filles Annamites) với hai bậc học Tiểu học và Cao đẳng Tiểu học[6]. Các em được học các môn chính là chữ Quốc ngữ, tiếng Pháp, số học, địa lý, luân lý, phép xã giao, vệ sinh với các cô giáo người Pháp, còn các môn học nữ công gia chánh như quản lý gia đình, may vá, thêu, nấu ăn… với các cô giáo người Việt. Trường nhận học sinh gái bắt đầu từ 8 tuổi.

Việc mở các trường nữ học đòi hỏi phải tuyển giáo viên là nữ để dạy môn tiếng Việt và vệ sinh phụ nữ. Ở Bắc kỳ, nữ giáo viên người Pháp không biết tiếng Việt nên rất khó khăn trong việc chuyển tải kiến thức và nữ giáo viên người Việt thiếu rất nhiều. Thời gian đầu chỉ có ít nữ giáo viên người Pháp và tuyển được một vài cô tốt nghiệp Trường Tiểu học Hàng Cót[7].

Vì những khó khăn về giáo viên, năm 1917, chính quyền Pháp cho mở Cơ sở Đào tạo giáo viên nữ người Việt (École normale d’Institutrices annamites), cơ sở này ban đầu hoạt động song song như một cơ sở phụ trợ cho Cơ sở giáo dục nữ sinh người Việt[8].

Về trường, lớp, năm 1918, chính quyền Pháp cho xây dựng khu trường học nằm trên phố Trần Phú (thời Pháp thuộc là phố Félix Faure), nay là trụ sở của Bộ Tư Pháp dành cho Cơ sở Giáo dục nữ sinh người Việt và Cơ sở Đào tạo nữ giáo viên người Việt của Trường Cao đẳng tiểu học nữ sinh bản xứ.

Trong suốt khoảng chục năm, số học sinh các trường Pháp và trường bản xứ tăng lên, nhu cầu học sinh nội trú cũng tăng, khiến chính quyền Pháp ở Hà Nội cũng phải cho xây dựng, sửa chữa, mở rộng nhiều trường, lớp, phòng ăn, phòng ngủ đáp ứng nhu cầu của cha mẹ học sinh.

Những dấu ấn lịch sử của trường nữ sinh đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội
Bản vẽ dự án xây mới và mở rộng công trình Trường Đồng Khánh (3/1927) – Ảnh: Lưu tại Trung tâm Lưu trữ số I Nhà nước

Dự án xây dựng và mở rộng Trường cao đẳng tiểu học Nam sinh ở phố Đồng Khánh được thực hiện trong những năm 1927-1928. Ngôi nhà chính, phần một tầng được cơi cao thành hai tầng đều để tầng trên làm phòng ngủ cho học sinh nội trú và tầng dưới làm phòng học. Có câu chuyện không vui là khi xây dựng lên cao tầng, sàn gác bê-tông bên trái bị sập đổ ngay khi mới dỡ giàn giáo chống bên dưới, may không xảy tai nạn chết người. Lúc đó, người ta quy cho nguyên nhân sự cố đó là do xi-măng mất phẩm chất và phải làm lại ngay trong năm 1928[9].

Cùng đợt này, Trường Đồng Khánh có xây mới và mở rộng thêm một số hạng mục:

  • Nhà ăn ở tầng dưới và phòng y tế trên gác ở cánh nhà bên trái, xây tiếp vào ngôi nhà chính kéo dài, dọc theo sân.
  • Nhà vui chơi và lớp học (hai tầng ở cuối sân).
  • Các nhà phụ, bếp, nhà tắm, vệ sinh… và nhà liền tường với nhà Giám hiệu.

Ý định ban đầu từ thiết kế là theo nguyên tắc đối xứng trong xây dựng, nhưng sau khi xây mở rộng cánh nhà bên trái dọc theo sân và nhìn ra phố Lý Thường Kiệt để chừa phần sân thoáng rộng, sát cổng bên thì trên thực tế không còn đối xứng nữa.

Những dấu ấn lịch sử của trường nữ sinh đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội
Giờ tan học – Trường Sư phạm Nữ sinh người Việt tại Hà Nội (Ảnh trích từ sách Le Tonkin scolaire, 1931)

Giữa tháng 8 năm 1928, công trình xây dựng và mở rộng ngôi trường này hoàn thành, được bàn giao cho nhà trường để kịp khai giảng ngày 11 tháng 9. Ngay năm học này, các trường Pháp và bản xứ có sự hoán đổi. Trường Cao đẳng Nữ sinh Pháp rời chuyển từ phố Hai Bà Trưng về phố Trần Phú. Trường Trung học Paul Bert (hay Cao đẳng Tiểu học Nam sinh Pháp) rời chuyển từ phố Hàng Bài về ăn, ở, học thế chỗ Trường Cao đẳng nữ sinh Pháp ở phố Hai Bà Trưng[10]. Toàn bộ ngôi trường Paul Bert vừa được xây thêm, mở rộng dành riêng cho Trường Cao đẳng tiểu học nữ sinh người Việt gồm Cơ sở Giáo dục Nữ sinh người Việt và Cơ sở Đào tạo giáo viên Nữ người Việt chuyển từ phố Trần Phú về phố Hàng Bài, theo dự án kiện toàn và chuyển đổi trường, lớp do Nha Học chính Đông Dương tại Hà Nội báo cáo và lập ngày 31 tháng 12 năm 1925.

Những dấu ấn lịch sử của trường nữ sinh đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội
Cơ sở Giáo dục Nữ sinh người Việt (Hà Nội) trong giờ nữ công (Ảnh trích từ sách Le Tonkin scolaire, 1931)

Năm 1937, do chương trình học thay đổi, Trường Cao đẳng Tiểu học Nữ sinh bản xứ ở Đại lộ Đồng Khánh, gồm Cơ sở Giáo dục nữ sinh người Việt và Cơ sở Đào tạo nữ giáo viên người Việt đổi tên, gọi là Trường Trung học Nữ sinh Việt Nam (Collège de Jeunes Filles Annamites), hay Trường Nữ Trung học Đồng Khánh.

Những dấu ấn lịch sử của trường nữ sinh đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội
Nghị định của Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục, Trích từ Việt Nam dân quốc Công báo, số 6, thứ bảy, 27/10/1945, tr.67.

Năm 1943, Trường nữ Trung học Đồng Khánh sơ tán về Hưng Yên. Đến tháng 10/1945, trường dọn về khu học Hoàng Mai, khu Đại lý Hà Nội.

Ngày 14/2/1946, Bộ Trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe ra Nghị định, số 85 đổi tên những trường trung học tại Bắc Bộ. Theo đó, Trường Nữ Trung học Hà Nội đổi tên gọi là Trường Trung học Hai Bà Trưng[11] (nay là Trường Lê Ngọc Hân, phố Lò Đúc).

Sau tháng 8/1945, cả khu Trường Hàng Bài trở thành trụ sở Tổng trấn Bắc bộ của Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa[12].

Đến đầu năm 1948, Cơ sở trường Hàng Bài vẫn chưa được dùng lại làm trường học. Trường Nữ Trung học phải chuyển đến phố Hàng Than (nay là Trường Nguyễn Công Trứ) và đến cuối năm, trường chuyển về cơ sở số 9 phố Hai Bà Trưng (nay là cơ sở của Trung tâm Giáo dục Kỹ thuật tổng hợp số 4, thuộc Sở Giáo dục Hà Nội)[13]. Năm ấy cũng là một mốc thời gian quan trọng, đánh dấu một lần đổi tên mới là Trường Nữ Trung học Trưng Vương[14].

Việc mang tên mới là Trường Nữ Trung học Trưng Vương, hay Trường Nữ sinh Trưng Vương được ghi lại trong những bài viết và hồi ký của nhiều thế hệ nữ học sinh ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn như một dấu ấn đáng nhớ của ngôi trường. Trong bài viết “Ơi em, bắt hồn tôi về đâu…”, hồi ký của một học sinh nam Trường Pétrus Ký ở Sài Gòn tự nhận mình có rất nhiều thiên đàng mơ mộng có viết:

Theo “gia phả”, trường được thành lập từ năm 1925 [??], trên con đường Đồng Khánh, phía nam Hồ Gươm mang tên Trường Nữ trung học (Collège de Jeunes Filles), ngôi trường nữ trung học đầu tiên và duy nhất của nữ giới miền Bắc. Vì nằm ở đường Đồng Khánh nên còn được gọi là Trường Đồng Khánh. Đến năm 1948 trường được chuyển đến đường Hai Bà Trưng (Hà Nội) và đổi tên là Trường Trưng Vương. Năm 1954, một số giáo sư và học sinh di cư vào Sài Gòn và thành lập lại Trường Trưng Vương[15].

Năm học 1950-1951, ngôi trường Hàng Bài bắt đầu được trưng dụng trở lại làm trường học. Tuy vậy, Trường Trung học Trưng Vương chưa về đây khai giảng năm học này mà là Trường Trung học Nguyễn Trãi[16]. Trường Trưng Vương vẫn tiếp tục hoạt động ở số 9, phố Hai Bà Trưng đến năm 1956. Bước vào năm học 1956-1957, Trường Trưng Vương mới chính thức về “nơi cội nguồn” ở phố Hàng Bài sau hơn 10 năm “lưu lạc”.

Những mốc son lịch sử của trường Trưng Vương rất có ý nghĩa với những năm 2016 và 2017:

  • 130 năm: Thành lập Trường Trung học Paul Bert (1886-2016)
  • 120 năm: Ngôi trường Trung học Paul Bert, hay còn gọi là Trường Đồng Khánh được xây dựng trên ngã tư đại lộ Đồng Khánh và đại lộ Carreau (1897-2017).
  • 100 năm: Thành lập Cơ sở Giáo dục Nữ sinh bản xứ và Trường Sư phạm Nữ sinh bản xứ – tiền thân của Trường Nữ sinh Đồng Khánh hay Trường Nữ sinh Trưng Vương (1917-2017), ngày nay là Trường THCS Trưng Vương.
  • 90 năm: Ngôi trường Đồng Khánh được xây mới và nâng cấp từ nhà một tầng thành khu nhà hai tầng có mô hình kiến trúc như hiện nay (1927-2017).
  • 80 năm: Cơ sở Giáo dục Nữ sinh và Trường Sư phạm Nữ sinh của Trường Cao đẳng Tiểu học Nữ sinh Đồng Khánh được đổi tên, gọi chung là Trường Trung học Nữ sinh người Việt (1937-2017).
  • 70 năm: Trường Nữ Trung học đổi tên là Trường Trung học Hai Bà Trưng (năm học 1946-1947)
  • Năm 1948: Trường đổi tên là Trường Nữ Trung học Trưng Vương.
  • 60 năm: Trường Nữ Trung học Trưng Vương chuyển về “cội nguồn” trên phố Hàng Bài, tức đại lộ Đồng Khánh xưa kia (năm học 1956-1957).

Tác giả: Nguyễn Văn Trường
Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) Hà Nội
Đăng dưới sự đồng ý của tác giả.

*Chú thích:

[1] Le Tonkin scolaire: Un pays d’adaptations pédagogiques originales, Gouvernement général de l’Indochine, Hanoi, Imprimerie d’Extrême-Orient, 1931, p. 71-72. – Tương đương với bậc Tiểu học và PT cấp II hay TH Cơ sở hiện nay (Hệ thống giáo dục Pháp-Việt và bậc học của các trường sẽ trình bày ở bài viết khác).

[2] Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội 1875-1945 – Traits d’Architecture, Hanoi à l’heure française, Hà Nội, Thế giới, 2009, tr.86-87.

[3] “Phần tiểu dẫn” – Hồ sơ lịch sử kiến trúc, quyển số 100, lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ số I Quốc gia, số 18 phố Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội.

[4] Tương đương cấp III hay PTTH hiện nay (Hệ thống giáo dục Pháp-Việt và bậc học của các trường sẽ trình bày ở bài viết khác).

[5] Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội 1875-1945 – Traits d’Architecture, Hanoi à l’heure française, Hà Nội, Thế giới, 2009, tr.90.

[6] Giáo dục Pháp Việt ở Bắc kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945, Trần Thị Phương Hoa, Hà Nội, 2011.

[7] Trường Hàng Cót tên gọi chính danh là Trường nữ sinh tiểu học Brieux, hay Trường Brieux, nay là Trường THCS Thanh Quan, phố Hàng Cót quận Hoàn Kiếm Hà Nội.

[8] Le Tonkin scolaire: Un pays d’adaptations pédagogiques originales, Gouvernement général de l’Indochine, Hanoi, Imprimerie d’Extrême-Orient, 1931, p. 45.

[9] “Phần tiểu dẫn” – Hồ sơ lịch sử kiến trúc, quyển số 100, lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ số I Quốc gia, số 18 phố Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội.

[10] Le Tonkin scolaire: Un pays d’adaptations pédagogiques originales, Gouvernement général de l’Indochine, Hanoi, Imprimerie d’Extrême-Orient, 1931, p. 72.

[11] Theo Việt Nam dân quốc Công báo, số 9, thứ bảy, 2/3/1946, tr.124.

[12] Hồ sơ lịch sử kiến trúc, quyển số 100, lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ số I Nhà nước: Trường Trưng Vương – một trong những trận địa chống Pháp oanh liệt năm 1946,
http://www.nxbhanoi.com.vn/chi_tiet_tin/tabid/204/cateID/4/artilceID/16481/language/vi-VN/Default.aspx

[13] 75 năm mái trường Trưng Vương (Hàng Bài) – 1917-1992, nhiều tác giả, Hà Nội, NM in Thống nhất, 1992, tr.11.

[14] Trẻhttp://baotreonline.com/i-hi-toan-cu-trng-vng/

[15] http://www.trieuthanhweeklymagazine.com/vanchuong/vc1/hontoivedau.html

[16] Ngày 4 tháng 10 năm 1950, Trường Trung học Nguyễn Trãi khai giảng và hoạt động tại cơ sở Trường Hàng Bài, Hà Nội đến hết năm học 1955-1956, ngày nay là Trường PTTH Nguyễn Trãi, quận Ba Đình, Hà Nội.

Nhận xét