PHÁP CAN THIỆP VÀO VIỆT-NAM

    CHƯƠNG II

CHÍNH-SÁCH BÀNH-TRƯỚNG CỦA PHÁP TỪ 1865 ĐẾN 1871.

Chính-phủ Pháp đã cho thấy chính-sách của mình thiếu liên tục, khi từ chối không chịu phê chuẩn hiệp-ước mà chính mình đã sọan thảo. Cũng vì chính-phủ trung ương thiếu sót một đường lối rõ rệt mà các vị đô-đốc Saigon đã tự ý hành động trong công cuộc bành trướng, nhiều khi đặt Paris trước những sự việc đã rồi.

 

  1. CHÍNH-SÁCH BÀNH-TRƯỚNG CỦA ĐÔ-ĐỐC DE LA GRANIÈRE.

Được cử tới cai trị các vùng quân Pháp chiếm đóng tại Nam-kỳ kể từ ngày 1-5-1863, mục tiêu của La Grandière sau năm 1865 là chiếm lấy ba tỉnh miền Tây Nam-kỳ, Vĩnh-Long, An-Giang và Hà-Tiên. Ba tỉnh này vẫn còn thuộc triều-đình Huế, nhưng người Pháp cho rằng cần phải sáp nhập chúng vì quân-đội Pháp vấp phải một sự kháng cự mãnh liệt xuất phát từ ba tỉnh này, mặc dầu hòa-ước Nhâm-Tuất đã được ký kết. Thêm nữa, nhiều người phát-biểu ý kiến là Pháp phải có một thuộc-địa ở Nam-kỳ, mà 6 tỉnh Nam-kỳ lập nên một khối kinh-tế. Để có thể sáp nhập 3 tỉnh miền Tây Nam-kỳ, La Grandière bắt đầu bằng cách thương lượng với triều-đình Huế, vì thấy triều-đình tỏ vẻ muốn hòa giải.

Triều-đình Huế vẫn muốn tiếp tục theo đuổi chính-sách hòa hoãn với Pháp. Dù được biết là hiệp-ước Aubaret không được phê chuẩn, triều-đình cũng không tỏ vẻ bất mãn, trái lại vẫn phái Phan Thanh Giản, nhân vật cầm đầu phái chủ trương hòa giải tại triều, làm Kinh-lược 3 tỉnh miền Tây Nam-kỳ. Triều-đình tránh không nhúng tay vào các vụ khởi-nghĩa trong 3 tỉnh Biên-Hòa, Gia-Ðịnh và Định-Tường; hình như cũng có lệnh cho các quan cai trị 3 tỉnh miền Tây phải duy trì thái độ hòa hảo với Pháp. Triều-đình Huế muốn thi hành một cách đứng đắn hòa-ước 1862. Ở Saigon, người Pháp coi đấy là dấu hiệu của một sự sợ hãi, nhưng sự thật vua Tự-Đức phải giải quyết một tình trạng rất là khó khăn: ở Bắc-kỳ, sự rối loạn không chấm dứt, giặc Lê Duy Phụng tiếp tục hoạt động cho đến năm 1865; tình hình kinh-tế cũng không mấy tốt đẹp, hai năm 1864-1865 đều mất mùa, dân chúng bị đói kém nặng. Ngân-sách của triều-đình bị thâm thủng, vì số tiền bồi-thường chiến-phí mỗi năm phải trả là một gánh nặng, trong khi nước Nam không có gì để xuất cảng, và số dự thâu rất là ít ỏi.

Các âm mưu làm loạn trong triều cũng góp phần vào sự lay chuyển chế-độ nhà Nguyễn. Phái chủ-chiến phản đối chính-sách của vua Tự-Đức bắt đầu nghĩ đến việc lật đổ nhà vua để thay thế bởi một ông hoàng khác. Phái chủ-chiến trách nhà vua đã chịu cúi đầu trước sức mạnh của khí giới của người Pháp, và đã mở rộng nước Việt cho đạo Thiên-chúa tràn vào, làm sụp đổ tất cả những giá trị tinh-thần cao quí nhất của dân Việt. Phần đông các sĩ-phu đều có thái độ này, nhất là trong những tỉnh ở đấy Nho-phong rất mạnh, như Nam-Ðịnh, Nghệ-An, Quảng-Nam. Họ không chấp nhận chính-sách chủ hòa của nhà vua, và nhiều khi họ chống lại giáo-dân, bất chấp mệnh lệnh của triều-đình. Vào tháng 8 năm 1864, nhân khóa thi Hương, khoảng 5.000 khóa-sinh tụ họp tại Nam-Ðịnh, nhưng đã bãi thi để đòi nhà vua ra lệnh chém giết giáo-dân, cùng phái quân xuống Nam-kỳ để đánh Pháp ([12]). Nhưng vua Tự-Đức nhất quyết theo đuổi đường lối hòa bình và không chấp thuận các yêu sách của các sĩ-phu. Vào tháng 9 năm 1866, Đoàn Hữu Trưng âm mưu lật đổ vua Tự-Đức để đặt người con của An-phong-công Hồng-Bảo là Đinh Đạo lên ngôi ([13]). Cuộc âm mưu này thất bại, song sự chống đối chính-sách của vua Tự-Đức lại trở nên mạnh hơn.

Trước một tình trạng chính-trị và kinh-tế khó khăn như vậy, triều-đình Huế không thể ngăn cản sự bành trướng của Pháp được, và chỉ có thể giữ một lập trường ôn hòa, mà người Pháp coi như là dấu hiệu của sự nhu nhược. Đô-đốc de La Grandière đã nói rằng: “Sự yếu ớt và các mối lo ngại của triều-đình Huế được phản ảnh trong thái độ khéo léo và qui phục của chính-phủ An-nam”.

Tại Pháp, nếu dư luận không còn để ý nhiều đến xứ Nam-kỳ nữa, thì Bộ-Trưởng Hàng-hải và Thuộc-địa Chasseloup-Laubat lại tin rằng cần phải chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam-kỳ thì địa vị của Pháp ở Việt-Nam mới củng cố được. Song tình hình Âu-châu trở nên rắc rối, không cho phép nước Pháp nghĩ đến chuyện bắt đầu một cuộc chiến tranh thuộc-địa. Kinh nghiệm khiến chính-phủ Pháp thấy là, muốn đạt được hòa-ước 1862, đã phải mất những 4 năm chiến tranh; trong lúc chính-phủ Pháp đang gặp khó khăn lớn ở Âu-châu, dư luận ở Pháp chắc chắn sẽ không tán thành một cuộc chiến tranh mới ở Nam-kỳ. Vì thế, La Grandière nhận được lệnh phải từ bỏ mọi dự định chiếm đóng ba tỉnh miền Tây Nam-kỳ. La Grandière đành phải tìm cách thương lượng với triều-đình Huế để triều-đình chịu chuyển nhượng 3 tỉnh miền Tây Nam-kỳ cho Pháp.

Đô-đốc de La Grandière nghĩ rằng điều kiện có thể bắt buộc vua Tự-Đức phải điều đình là vấn đề thi hành hòa-ước 1862, nhất là ở hai khoản: bồi-thường chiến-phí và việc tiếp tay của triều-đình Huế vào cuộc khởi nghĩa chống quân Pháp trong 3 tỉnh miền Đông Nam-kỳ. Tuy nhiên, người Pháp không thể bắt bẻ triều-đình Huế ở điểm này được, vì vua Tự-Đức không ủng hộ cuộc kháng chiến của các nhà ái-quốc ba tỉnh miền Đông và, mặc dầu tình trạng tài-chính của chính-phủ rất quẫn bách, nhà vua vẫn cho trả đầy đủ khoản bồi thường chiến-phí hàng năm.

Năm 1866, triều-đình Huế gặp một việc khó khăn với hãng buôn Anh Bonan ở Hương-Cảng, trong việc mua một chiếc tàu máy của hãng này. Chiếc tàu đã được đưa tới Việt-Nam, nhưng vua Tự-Đức lại tỏ ý không muốn mua nữa. Để thanh toán tiền mua tàu, hãng Bonnan đề nghị với triều-đình Huế cho họ thu thuế nha-phiến trong các thương khẩu Việt-Nam và dọa sẽ nhờ chính-phủ Anh can thiệp. Vua Tự-Đức phải phái Phan Thanh Giản tới Saigon yêu cầu đô-đốc de La Grandière đứng ra làm môi giới điều đình. Thừa cơ hội này, La Grandière trả lời là ông không có quyền can thiệp vào sự tranh chấp giữa hai quốc-gia cùng là nước bạn của Pháp và ông chỉ có thể làm môi giới nếu chính-phủ Pháp bảo hộ Việt-Nam như đã bảo hộ Cao-mên. La Grandière bèn phái giáo-sĩ Legrand de La Liraye tới Huế để điều đình việc thiết lập sự bảo hộ này. Sứ mạng của Legrand de La Liraye là biện minh cho triều-đình Huế thấy lợi ích của một hiệp-ước cho phép Pháp bảo hộ Việt-Nam; triều-đình Huế sẽ vẫn duy trì quyền cai trị trong nước, còn các vấn đề ngoại-giao sẽ do Pháp giải quyết hộ; quân-đội Pháp sẽ che chở nước Việt-Nam trước mọi sự xâm lăng và sẽ giúp triều-đình Huế dẹp các cuộc nổi loạn. Để đổi lấy sự thiết lập sự bảo hộ này, chính-phủ Pháp sẽ miễn cho Việt-Nam khoản bồi-thường chiến-phí chưa thanh toán xong, và chính-phủ Pháp chỉ yêu cầu chính-phủ Việt-Nam chuyển nhượng 3 tỉnh miền Tây Nam-kỳ mà thôi.

Nhưng khi Legrand de La Liraye tới Huế thì cuộc tranh chấp với hãng buôn Bonan đã được giải quyết xong và triều-đình Huế từ chối các đề nghị của La Liraye. Ngay từ tháng 7 năm 1866, La Grandière đã nghĩ đến chuyện dùng vũ lực để chiếm lấy 3 tỉnh miền Tây Nam-kỳ. La Grandière lại phái giám-đốc bản-xứ-vụ ở Nam-kỳ là Paulin Vial để đề nghị, nếu vua Tự-Đức chịu nhường 3 tỉnh Vĩnh-Long, An-Giang, Hà-Tiên, Pháp sẽ miễn cho nhà vua một nửa chiến-phí bồi-khoản chưa trả, sẽ phò trợ ngai vàng của nhà vua và bảo đảm cho người nối ngôi vua và sẽ giúp chính-phủ Việt-Nam dẹp nạn giặc biển. Vào tháng 2 năm 1867, La Grandière lại phái Monet de Lamarck tới Huế để nhắc lại một lần nữa đề nghị của ông, nhưng lần này với giọng điệu dọa nạt. Triều-đình Huế vẫn lãnh đạm trước sự đe dọa ấy, và La Grandière thấy chỉ còn giải pháp quân-sự cho phép ông đạt mục tiêu ([14]).

Quyết định dùng vũ lực để sáp nhập 3 tỉnh miền Tây Nam-kỳ, La Grandière phác họa một kế hoạch tỉ mỉ và xác định ranh giới hành-chánh của các tỉnh này ngay cả trước khi chúng bị chiếm. Paulin Vial viết là: “Sự sáp nhập 3 tỉnh miền Tây được sắp đặt một cách thận trọng và chuẩn bị một cách kín đáo…Hơn một năm trước, đã được tuyển các nhà hành-chánh sẽ cai trị các lãnh-thổ mới…Nhiều cuộc thám sát thường xuyên khắp mọi nơi đã được thực hiện bởi những nhân viên An-nam-mít trung tín” ([15]). Ngày 20-6-1867, thành Vĩnh-Long thất thủ; ngày 22-6-1867, thành Châu-Ðốc rơi vào tay quân Pháp và ngày 24-6-1867 quân Pháp đã chiếm đóng Hà-Tiên. Chỉ trong vòng 4 ngày, quân Pháp đã chiếm lấy 3 tỉnh miền Tây mà không mất một binh sĩ hay tổn một viên đạn.

Qui tất cả tội lỗi làm mất 3 tỉnh miền Tây vào một mình quan Kinh-lược Phan Thanh Giản chắc chắn là quá đáng ([16]). Sự thật là quan quân Việt-Nam đã thiếu chuẩn bị, mặc dầu có biết trước là quân Pháp lăm le chiếm 3 tỉnh miền Tây. La Grandière đã bất ngờ cho tiến quân, khiến quân Việt không kịp trở tay. Khi tàu chiến Pháp tới trước thành Vĩnh-Long, dân chúng tưởng là tàu Pháp ngược sông qua Cao-mên đã tụ họp trên bờ sông để xem; ở Châu-Ðốc và Hà-Tiên, người ta cũng tưởng là quân Pháp chỉ đi thám sát mà thôi. Do đó, quan quân 3 tỉnh miền Tây không ngờ là quân Pháp tấn công và không kịp tổ chức sự kháng cự. Mà dù có kháng cự đi nữa, thì súng ống chứa đựng trong ba thành chắc chắn cũng không chống nổi vũ khí tối tân của quân Pháp: từ năm 1862, triều-đình đã không còn mua được khí giới Tây-phương ở Hương-Cảng hay Tân-gia-ba nữa, vì tàu chiến Pháp tuần tiễu ở ven biển đã ngăn cản mọi sự chuyên chở và tiếp viện binh-nhu. Song, lỗi lầm của các quan địa-phương là đã tập trung tất cả hệ-thống phòng-thủ vào trong các thành quách, và đã thúc thủ chịu thua sau khi quân Pháp chiếm thành, mà không dám bắt đầu chiến tranh du-kích. Chính lối đánh du-kích sẽ làm hao tổn binh-lực Pháp và làm cho quân Pháp không dễ gì chiếm đóng lâu dài các thành miền Tây; do đó mà chính-phủ Pháp có thể phải ngần ngại trước sự chấp nhận việc chiếm cứ 3 tỉnh miền Tây.

Chính-phủ Pháp phản đối mọi biện pháp vũ lực có thể làm nước Pháp lâm vào một cuộc chiến lâu dài với triều-đình Huế. Nhưng đô-đốc de La Grandière trông đợi ở sự thành công của hành động của ông để đặt chính-phủ Pháp trước một sự việc đã rồi. Tân bộ-trưởng Hàng-hải và Thuộc-địa, Rigault de Genouilly, luôn luôn khuyến cáo La Grandière phải tránh tất cả những gì có thể làm cho triều-đình Huế lo ngại. Ngày 10-6-1867, ông còn viết cho La Grandière là: “Mặc dầu tình trạng (chính-trị Âu-châu) bớt căng thẳng hơn, nhưng cho tới khi có lệnh mới ông đừng nghĩ tới chuyện biểu dương lực lượng đối với ba tỉnh” ([17]). Cho nên, phản ứng đầu tiên của Rigault de Genouilly khi được tin quân Pháp chiếm 3 tỉnh Tây là bất mãn đối với La Grandière. Cả đến khi nhận được bản báo-cáo hết sức lạc quan của La Grandière, chính-phủ Pháp vẫn không hoàn toàn thừa nhận chính sách của vị đô-đốc Nam-kỳ, và phải cố dàn xếp để dư luận Pháp thấy rằng sự sáp nhập 3 tỉnh miền Tây đã không phải là một sự xâm chiếm. Báo Moniteur Universel ra ngày 9-8-1867 đã đăng tải tin về 3 tỉnh miền Tây Nam-kỳ như sau: “Quân ta đã chiếm đóng các tỉnh Vĩnh-Long, Sa-Đéc, Châu-Ðốc và Hà-Tiên. Các quan giữ thành đã tự mở cửa thành cho quân ta vào, với sự tán đồng của dân chúng”.

Mặc dầu nghĩa-quân các tỉnh bị chiếm đóng nổi dậy (Phan Liêm và Phan Tôn, con trai Phan Thanh Giản, tại Vĩnh-Long vào tháng 11 năm 1867; Nguyễn Trung Trực chiếm đồn Rạch-Giá vào tháng 6 năm 1868), La Grandière biết rằng triều-đình Huế không đủ sức để gây chiến với quân Pháp. Điều quan trọng đối với ông là làm sao khiến triều-đình Huế chấp nhận sự việc đã xảy ra; ngày 30-6-1867, ông gửi thư cho vua Tự-Đức để đề nghị thương lượng, nhưng vua Tự-Đức bằng một văn-thư lời lẽ cứng rắn, trách cứ La Grandière đã lạm dụng sức mạnh mà xâm phạm quyền lợi của chính-phủ Việt-Nam. Để bồi thường, nhà vua đòi Pháp phải miễn cho Việt-Nam khoản chiến-phí bồi thường chưa thanh toán, và phải trả lại cho triều-đình Huế hai tỉnh Biên-Hòa và Gia-Ðịnh. Nhà vua còn tỏ ý là sẽ phái sứ giả sang Paris để thương lượng thẳng với chính-phủ Pháp. Nhưng, triều-đình Huế đã không có một biện pháp tích cực nào đối với Soái-phủ Nam-kỳ, ngoài những lời phản kháng có tính cách tiêu cực này. Tuy từ chối các cuộc thương-nghị với người Pháp, triều-đình vẫn phát biểu ý định duy trì mối giao hảo với người Pháp.

Như thế, tình trạng pháp-lý của 3 tỉnh miền Tây Nam-kỳ chưa thể giải quyết. Trong khi ấy, tình trạng sức khỏe của La Grandière không cho phép ông ở lại Saigon sau tháng 3 năm 1868. Nhưng, trước khi về Pháp, La Grandière muốn có một dự thảo hiệp-ước với triều-đình Huế để trình chính-phủ Pháp. Ông cũng nghĩ rằng, nếu có được một hiệp-ước mới, các nhà ái-quốc đang tiếp tục chống Pháp tại Nam-kỳ sẽ phải nản chí. Nhưng mãi đến tháng 1 năm 1868, triều-đình Huế mới phái Trần Tiễn Thành và Nguyễn Văn Tường tới Saigon để thảo luận với La Grandière về các thể thức của một dự án hiệp-ước sẽ thay thế cho hòa-ước 1862. Cuối cùng, một dự thảo hiệp-ước thành hình, gồm 14 khoản:

  • Khoản 1: mọi điều khoản của hòa-ước 1862 được phế bỏ, ngoại trừ các sự cam kết giữa Việt-Nam và Tây-ban-nha.
  • Khoản 2: hòa-bình vĩnh viễn giữa hai quốc-gia Việt-Nam và Pháp được công bố.
  • Khoản 3: xác nhận quyền tự do truyền-giáo và xây cất giáo-đường của các giáo-sĩ. Giáo-dân được quyền dự các khóa thi và có thể được bổ dụng làm quan mà không bị cưỡng bách phải theo những nghi lễ trái với tôn giáo của họ.
  • Khoản 4: thừa nhận sự chuyển nhượng lục-tỉnh Nam-kỳ, đảo Côn-Lôn, Phú-Quốc và các đảo lân cận cho Pháp.
  • Khoản 5: người Pháp sinh hoạt trong lục-tỉnh Nam-kỳ được quyền thong thương trong tất cả các hải cảng Việt-Nam.
  • Khoản 6 – 7: đề cập đến vấn-đề trao đổi phái đoàn ngoại-giao và vấn đề ân-xá các tội nhân chiến-tranh.
  • Khoản 8: bồi-thường chiến-phí Việt-Nam phải trả cho Tây-ban-nha được giảm xuống 400.000 đồng thanh toán trong 2 năm.
  • Khoản 10 – 11: Pháp cam kết sẽ ủng hộ hoàng-gia Việt-Nam và hứa sẽ giúp triều-đình Huế dẹp giặc biển cùng gửi sinh-viên Việt-Nam du-học tại Pháp.

Các sự thương lượng chấm dứt ngày 4-2-1868; triều-đình Huế hứa sẽ phái sứ-bộ có đủ thẩm quyền qua Pháp để ký hiệp-ước. Ngày 4-4-1868, La Grandière rời Saigon về Pháp.

 

  1. – CÁC SỰ CỐ GẮNG CỦA SOÁI-PHỦ NAM-KỲ ĐỂ ĐI TỚI MỘT HIỆP-ƯỚC MỚI.

La Grandière về Pháp với dự định nghỉ ngơi trong 3 tháng, nhưng thời gian nghỉ phép của ông kéo dài, và ông sẽ không trở lại Việt-Nam, tuy ông vẫn giữ chức-vụ thống-đốc Nam-kỳ cho đến khi ông từ chức vì lý do sức khỏe (5-4-1870). Trong khi vị thống-đốc thật thụ vắng mặt, ở Saigon chỉ có những xử-lý thường-vụ:

  • thượng-tướng Ohier từ 4-4-1868 đến 10-12-1069.
  • thượng-tướng Cornulier-Lucinière từ 10-1-1870 đến 1-4-1871.

Hai vị thống-đốc quyền nhiếp này không dám phát khởi một chính sách mới nào đối với triều-đình Huế, và vì thế mà không thể giải quyết vấn đề ký kết một hiệp-ước mới để thay thế hòa ước 1862.

  1. Đô-đốc Ohier và triều-đình Huế.

Mặc dầu sự chiếm cứ 3 tỉnh miền Tây Nam-kỳ đã làm cho hòa-ước 1862 mất hiệu lực, Ohier vẫn quyết định tiếp tục áp dụng hòa-ước này. Vì thế, nhiều vấn đề khó khăn đã được đặt giữa triều-đình Huế và Soái-phủ Nam-kỳ.

Trong lãnh vực tôn-giáo, hòa-bình tôn-giáo dự trù bởi hòa-ước 1862 có vẻ có thật, nhưng ở vài địa phương như Nam-Ðịnh, Nghệ-An và Quảng-Nam, tín-đồ Thiên-chúa-giáo vẫn vấp phải sự chống đối của các thành phần khác của dân chúng. Trong các tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng của nền Nho-phong này, các sĩ-phu đã cầm đầu phong trào kỳ-thị tôn-giáo; từ ngày 13-4-1868 đến ngày 17-5-1868, học trò làng Thanh-Xuyên trong tỉnh Nghệ-An đã đốt phá đến 30 làng theo đạo Thiên-chúa; cuộc bạo động đã chỉ chấm dứt sau khi có sự can thiệp của nhà chức trách. Cho là hòa-ước 1862 đã bị vi phạm, đô-đốc Ohier gửi thư cho triều-đình Huế đòi phải trừng phạt các kẻ chủ mưu phong trào chống giáo-dân này, và bồi thường cho các nạn nhân. Tuy nhiên, vì không muốn gây thêm rắc rối trong việc bang-giao với chính-phủ Việt-Nam, Ohier đã dùng những lời lẽ rất ôn hòa.

Một vấn đề khác có thể gây xích mích giữa Huế và Saigon là việc triều-đình Huế tiếp tay vào các cụôc khởi nghĩa tại Lục-tỉnh Nam-kỳ. An ninh Lục-tỉnh Nam-kỳ thường bị khuấy rối bởi những cuộc vận động chống Pháp; tuy sự chống cự này chỉ diễn ra trong những khu vực hạn chế và không làm cho tình hình của thuộc-địa Pháp trở nên nguy hiểm, nhưng nó cũng làm cho quân Pháp phải vất vả trong công cuộc bình-định. Ohier tin chắc rằng phong trào chống Pháp này bắt nguồn từ triều-đình, vì tại Huế có một phe chủ-chiến có rất nhiều ảnh hưởng và thế lực, và ông gửi một kháng-thư cho chính-phủ Việt-Nam. Nhưng vua Tự-Đức trả lời là quân đội Pháp đã kiểm tra Lục-tỉnh Nam-kỳ, thì làm sao chính-phủ Việt-Nam có thể ra lệnh bắt sự kháng chiến ở đây phải ngừng được. Sự thật, triều-đình Huế không có đủ khả năng để ủng hộ một phong-trào kháng-chiến đại qui mô. Hiểu rõ nhược điểm và các sự khó khăn của mình, triều-đình Huế muốn tỏ cho nhà cầm quyền Pháp ở Saigon thấy thiện chí của mình: khi soái-phủ Nam-kỳ yêu cầu triều-đình Huế trao lại cho Pháp hai người con của Phan Thanh Giản khi bấy giờ đương ẩn trốn tại Bình-Thuận, triều-đình đã ra lệnh truy nã, nhưng ngày 22-10-1868 phải trả lời Saigon là bắt không được Phan Tôn và Phan Liêm.

Từ khi La Grandière chiếm cứ 3 tỉnh Vĩnh-Long, An-Giang và Hà-Tiên, triều-đình Huế đình chỉ việc thanh toán chiến-phí bồi-khoản dự trù trong hòa-ước 1862. Vấn đề này đã không được giải quyết một cách dứt khoát trong các cuộc thương-nghị giữa La Grandière và phái-viên của triều-đình Huế vào đầu năm 1868. Đến cuối năm 1869, Ohier thông báo cho triều-đình Huế biết quan điểm của chính-phủ Pháp là:

  • triều-đình Huế phải từ bỏ mọi quyền hành trên 3 tỉnh miền Tây Nam-kỳ,
  • triều-đình Huế phải thanh toán hết khoản bồi thường chiến-phí còn thiếu đối với Tây-ban-nha.
  • mọi sự chuyển nhượng lãnh-thổ của chính-phủ Việt-nam phải được sự chấp thuận của Pháp-hoàng.

Lẽ tất nhiên là triều-đình Huế trả lời rằng không thể chấp nhận những điều kiện đặt bởi Ohier. Nhưng triều-đình Huế không có đủ khả năng để đòi hỏi người Pháp chấp nhận quan điểm của mình; triều-đình thấy quyền lợi của mình đã bị thiệt hại nhiều, nhưng triều-đình lại không có một phương sách nào, ngoài sự trao đổi thư từ, khả dĩ buộc đối-phương phải nhượng bộ. Người Pháp thì muốn đi tới một qui-chế pháp-lý cho thuộc-địa Nam-kỳ, nhưng tình hình quốc-tế Âu-châu quá căng thẳng, không cho phép người Pháp dùng vũ khí để làm áp lực đối với triều-đình Huế.

  1. Cornulier-Lucinìere và triều-đình Huế.

Ngày 9-1-1870, thượng-tướng Cornulier-Lucinìere thay thế thượng-tướng Ohier ở chức vụ quyền thống-đốc Nam-kỳ. Được lệnh tiếp tục các cuộc thương lượng với triều-đình Huế, ông cố gắng biện minh là các thống-đốc Nam-kỳ không khi nào vượt quá mệnh lệnh của chính-phủ Pháp; một bức thư của Napoléon III gửi cho vua Tự-Đức đề ngày 4-5-1870, cũng xác định rõ là những đề nghị của thống-đốc Nam-kỳ phản ảnh trung thực chính-sách của chính-phủ Pháp ([18]). Nhưng vua Tự-Đức trả lời là không thể điều đình trên các căn bản đề nghị bởi người Pháp.

Ở Âu-châu, chiến tranh bùng nổ giữa nước Pháp và nước Phổ ngày 19-7-1870, nhưng mãi tới ngày 5-8-1870 tin ấy mới tới Saigon. Cornulier-Lucinière vội cho tổ chức sự phòng thủ sông Saigon vì sợ rằng triều-đình Huế thừa cơ hội mà tiến quân xuống miền Nam hay ra lệnh cho Lục-tỉnh Nam-kỳ nổi loạn. Song, cả cho đến ngày 25-9-1870 là khi tin quân Pháp đại bại ở Sedan tới Saigon, triều-đình Huế vẫn án-binh bất-động. Quốc-triều-chánh-biên toát-yếu chép là: “Năm Canh-ngọ, tháng 9, nước Đại-pháp đánh với Phổ-lỗ-sĩ, quan Pháp-soái thương cho ta biết, Ngài khiến quan Thượng-bạc làm thư hỏi thăm”. Thái độ của triều-đình Huế còn kỳ quặc hơn nữa khi triều-đình tỏ lòng mong muốn quân Pháp sẽ rút ra khỏi Nam-kỳ để trở về Pháp cứu vãn tổ-quốc lâm nguy. Triều-đình hoàn toàn đã không lợi dụng những nỗi khó khăn của Pháp khi nền đệ-nhị đế-chính sụp đổ, thay thế bởi một chính-thể cộng-hòa, và khi mà quân Pháp bị cô lập ở Nam-kỳ.

Sự thật, ở Huế không thiếu gì người muốn chính-phủ đứng ra công khai lãnh-đạo phong-trào kháng-chiến. Nguyễn Trường Tộ đầu năm 1871 còn dâng lên vua Tự-Đức một kế hoạch lấy lại Nam-kỳ bằng cách liên minh với quân nổi loạn Cao-mên, gây nên một phong trào chống Pháp rộng lớn tại Lục-tỉnh Nam-kỳ, và liên minh với các nước Anh, Thái-Lan, Tây-ban-nha, để cô-lập hóa nước Pháp ở Viễn-Ðông.

Nhưng triều-đình Huế đã không nghe theo những đề nghị chủ-chiến ấy; nhiều tác-giả, sau Trần Trọng Kim, đã cho rằng nguyên nhân của sự lưỡng lự của vua Tự-Đức bắt nguồn từ những sự khó khăn do dư-dảng của giặc Thái-bình Thiên-Quốc, giặc Cờ Đen, Cờ Trắng, Cờ Vàng, gây ra ở Bắc-kỳ. Song le, giặc Khách không theo đuổi một mục tiêu chính-trị nào mà chỉ nhắm vào sự cướp bóc mà thôi; chúng có chiếm vài thành lũy, cốt chỉ để đòi chính-phủ Việt-nam phải chuộc lại. Do đó, triều-đình Huế có gặp khó khăn ở Bắc-kỳ thật, nhưng những khó khăn này không đủ hệ trọng để giải thích toàn vẹn thái độ thận trọng của triều-đình đối với người Pháp từ năm 1868 trở đi. Lý do chính yếu là triều-đình Huế đã không đủ khả năng để vạch ra một chính-sách ngoại-giao sâu sắc, và đã chỉ có thể đối phó với một tình trạng cực kỳ nguy khốn bằng những biện pháp lặt vặt, thiển cận. Không chấp nhận sự chiếm cứ Nam-kỳ bởi người Pháp, triều-đình Huế đã chỉ chờ đợi ở chính-phủ Pháp sự từ bỏ chính-sách thuộc-địa của nền Đệ-nhị Đế-chính để lấy lại những tỉnh đã mất. Khi được biết là thủ đô Pháp bị bao vây bởi quân đội Đức, vua Tự-Đức đã “yêu cầu đô-đốc Nam-kỳ thỏa thuận với nhà vua về việc trả lại Lục-tỉnh Nam-kỳ, vì chắc đô-đốc nóng lòng trở về bảo vệ tổ-quốc với tất cả quân đội dưới quyền chỉ-huy của đô-đốc” ([19]).

Vua Tự-Đức, người cầm đầu vận mệnh của nước Việt-nam, tỏ cho ta thấy là nhà vua thiếu sáng suốt, và cũng đã không thể thích ứng được với tình trạng khó khăn gây nên bởi sự xâm lăng của người Pháp ở Nam-kỳ. Để đối phó với cuộc xâm lăng này, nhà vua cũng đã tỏ ra thiếu khả năng để điều khiển cuộc canh-tân xứ sở, mặc dầu có một số người đã đề nghị những kế-hoạch cải-cách ngõ hầu đáp ứng thời thế, và đưa nước Việt-Nam ra khỏi ngõ bí.

 

III.- CÁC ĐỀ NGHỊ CẢI CÁCH DƯỚI THỜI VUA TỰ-ĐỨC

Kể từ khi liên-quân Pháp và Tây-ban-nha đổ bộ ở Đà-Nẵng vào năm 1958, dân Việt-Nam đã có dịp tiếp xúc với một vài khía cạnh của kỹ-thuật Tây-phương; những trí óc sáng suốt đã hiểu là nước Việt-Nam không thể đương đầu với sức mạnh của các loại vũ-khí tối tân của người Tây-phương. Từ ý thức ấy, một số người nhận thấy cần phải có những cải cách sâu rộng, nhất là những người đã có dịp tiếp xúc với nền văn-minh Âu-Tây. Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ, nhân dịp đi sứ tại Pháp, đã quan sát và học hỏi được nhiều điều; sau khi trở về nước, hai ông đã đề nghị với chính-phủ nên gửi sinh viên Việt-Nam qua Âu-châu để theo học các ngành khoa học, mở trường Hải-quân, thiết lập sở Phiên-dịch để phổ biến các hiểu biết về Tây-phương, khai thác các mỏ, v.v…

Không phải chỉ có các quan đi sứ về mới tâu bày mọi sự, nhưng cũng có những người không giữ một chức vụ quan trọng nào trong triều cũng dâng những bản điều-trần đề nghị việc phú-quốc cường-binh. Năm 1868, Đinh Văn Điền, người huyện An-Mô tỉnh Ninh-Bình, mật tâu nên đặt dinh-điền, khai mỏ, đóng tàu hỏa, mời người Tây-phương qua giúp Việt-Nam canh tân, liên minh với Anh-quốc, lập thông-thương-cụ, tha cấm binh-thư binh-pháp, luyện tập binh sĩ và nâng cao đời sống của quân đội.

Trong số các đề nghị cải cách, không có một nhân vật nào đã đưa ra cả một chương trình qui mô như Nguyễn Trường Tộ (1827-1871). Trong khoảng thời gian từ 1863 đến 1871, ông đã dâng lên triều-đình trên mười lăm bản điều-trần về việc canh tân nước Việt ([20]). Những biện pháp chính mà Nguyễn Trường Tộ chủ trương là:

  • Trong lãnh vực ngoại-giao, liên kết với tất cả các cường-quốc Tây-phương để có thể dùng ảnh hưởng của họ mà đối chọi với nhau, ngõ hầu nước Việt-Nam khỏi bị cô thế trước lực lượng hùng hậu của Pháp.
  • Về chính-sách quốc-nội, phân chia quyền hành-pháp và quyền tư-pháp, giảm thiểu số nhân viên trong ngạch quan lại, gia tăng lương bổng để tránh nạn tham nhũng.
  • Trong lãnh vực giáo-dục, đem các khoa-học chính xác vào chương trình học-vấn, thay thế chữ nho bằng chữ nôm, xuất bản báo chí, phiên dịch sách vở Tây-phương và phái sinh viên đi du học tại ngoại-quốc.
  • Với sự giúp đỡ của các chuyên-viên Âu-châu, chính-phủ phải canh tân nông-nghiệp, phát triển kỹ-nghệ và thương-nghiệp, chú trọng tới sự khai thác các loại mỏ, tổ chức lại quân-đội, chế tạo các loại vũ-khí tối tân. Để có phương tiện tài-chính mà thực hiện những cải cách ấy, cần phải có một sự cải tổ chế-độ thuế-khóa: phế bỏ mọi sự miễn thuế, điều tra nhân khẩu và đạc điền để tạo nên một căn bản thuế má chính xác, lập những loại thuế mới đánh lên của cải, cờ bạc, rượu chè và thuốc phiện, thiết lập một chế-độ quan-thuế bảo-hộ để bảo vệ nền kỹ-nghệ quốc-gia.

Vào cuối triều vua Tự-Đức, sẽ còn có những đề nghị cải cách khác, do vài vị quan đi sứ các nơi về tâu bày. Năm 1879, Nguyễn Hiệp từ Vọng-Các về, trình bày chính-sách ngoại-giao khéo léo của Xiêm-La, nhờ ký kết những hiệp-ước cung hiến quyền lợi đồng đều cho các cường quốc Tây-phương mà đã không bị ai hiếp chế. Năm 1881, Lê Đĩnh đi sứ Hương-Cảng về, cũng tâu là các quốc-gia Tây-phương sở dĩ hùng mạnh là nhờ chú trọng đến việc binh và việc buôn bán; Nhật-Bản và Trung-Hoa bắt chước các quốc-gia Tây-phương, thông thương khắp nơi, đã dần dần trở nên cường thịnh; “…vật sản nước ta vẫn nhiều (như vàng, bạc, than, mỏ), người thông minh cũng đông nếu hay gắng sức mà làm, thời việc giàu mạnh cũng chẳng khó gì, chỉ vì văn thư phiền quá và việc làm hay câu nệ lắm thôi” ([21]).

Nhưng tất cả các đề nghị cải-cách nói trên hình như đã không thể làm chuyển động nổi guồng máy hành-chánh quá nặng nề về hình thức. Vua Tự-Đức lúc đầu tỏ vẻ muốn bước vào con đường canh-tân, khi nhà vua phái Nguyễn Trường Tộ đi thám xét các mỏ trong vùng Nghệ-Tĩnh, và sang Pháp để mua máy móc cùng tuyển mộ chuyên-viên (1866). Song triều-đình thì lại khăng khăng trong một thái độ thủ cựu hẹp hòi; các quan đình thần đều chống đối các sự canh-tân theo gương Tây-phương, thường chỉ trích các dự án cải cách, khiến nhà vua, tính tình đã sẵn hay do dự và tù túng trong tinh thần câu nệ, cuối cùng đã bác bỏ các dự án này. Các bản điều-trần được nhà vua giao cho các quan duyệt-nghị, đình-thần hoặc coi là những lời nói càn, hoặc cho là không hợp thời thế, chưa thể áp dụng được. Chúng ta chỉ cần trích một đoạn văn trong Quốc-triều chánh-biên toát-yếu, là đủ thấy rõ thái độ của các quan trong triều, không ai muốn thay đổi thói cũ chút nào: “(Nhâm-Thân), Tháng chạp, Cơ-Mật và Thương-bạc xin mở sở buôn bán ở 3 cửa biển Đà-Nẵng, Ba-Lạt và Đồ-Sơn. Đình-thần bàn mở cuộc buôn bán có 5 điều lợi mà cũng có 8 điều khó, chưa nên làm vội, việc ấy bèn thôi.

Năm điều lợi: 1.- nhóm dân ở bờ biển, nhân đó bền vững cõi ta; 2.- chứa của ở nơi dân, ngụ binh ở việc buôn; 3.- hãng buôn dọc bờ biển, tin tức thông nhau, Đông Tây tiếp ứng ngăn được giặc biển; 4.- hãng buôn lập ra, thuyền chiến phải nhóm, tại đó, đã đuổi được giặc cũng bảo hộ được tàu vận-tải nữa; 5.- ta với ngoại-quốc thông thương, chứa các hàng hóa, lâu ngày tin nhau, nhân đó mà xét được tình trạng các nước.

Tám điều khó:1.- mở hàng buôn, nhóm kẻ giàu tất phải có thành quách, súng ống, binh-bộ, tàu thủy mới nương cậy được, mà ta nay của hết sức cùng, chi phí không đủ; 2.- binh-thủy và binh-bộ phòng ngoài biển, phải cấp lương hậu hơn cách thường, nay lính theo đánh giặc lương ăn như lệ cũ, thành ra kẻ hậu người bạc sinh điều ta oán; 3.- phải cần người tài giỏi trí cao quản đốc việc buôn, mới có thể phủ ủy các người buôn xa và ứng tiếp các nước; 4.- gắng gượng mở hàng, linh tinh từng phố, sao cho bền vững được; 5.- vượt biển buôn bán phải xuất tiền công-bổn thời dân mới vui theo, mà bây giờ nhiều việc, không nên phí của kho và ép dân. 6.- chứa của nơi xa xôi, chắc là dân giàu sợ không tới, chỉ những nhà buôn nho nhỏ chịu mở của hàng, thời lại làm mồi cho giặc; 7.- nhóm dân ở bờ biển mà không người trọng trấn để giữ trị, nếu có người khác tới đánh, ở trong bọn buôn chắc có kẻ tỏ tình với giặc, để lo cho nhà nước về sau; 8.- lâu nay ta chưa lập cuộc buôn, mà có kẻ chở trộm đồ quân-trang vào sông và đem lén đồ thiết-cấm ra biển, huống chi nay mở cuộc buôn tụ hội người các xứ, thời chứa kẻ gian dối sẽ gây họa chiến-tranh” ([22]).

Chính vua Tự-Đức cũng phải nhìn nhận sự bất-tài bất-lực của đám cận-thần, và đã có lần nhà vua phải thốt ra, trong một tờ chiếu ngày 24 tháng 9, Tự-Đức năm thứ 20 (21-10-1867 d.l.): “Nam-kỳ lục-tỉnh chi luân hãm, cố do trẫm muội quyết viễn đồ, dụng phi kỳ nhân, thân tự hận trách, thống hối nan truy” ([23]). Nhưng nhà vua thì nhu nhược, yếu đuối, đình-thần thì quá rụt rè, thận trọng mà lại quá tự phụ với một quá khứ dựa trên nền văn-hóa thừa hưởng của Trung-Quốc, không đủ sức để chỉ vẽ đường lối cho nhà vua; với những điều kiện ấy, giai cấp lãnh đạo của nước Việt-Nam chỉ có thể chứng kiến một cách thụ động sự hủy hoại tình  trạng nước nhà, mà không có được một phản ứng tích cực nào.

 

THƯ-MỤC SƠ-LƯỢC

BOUAULT J., “La Cochinchine et la guerre de 1870-71”, Revue d’Histoire des Colonies, 1929, tr. 599-610.

CHASTEL Guy, Un siècle d’épopée française en Indochine (1774-1874). Paris, 1940, 205 tr.

DES VARANNES, “La Cochinchine française depuis l’annexion des provinces du Sud”, Revue des Deux Mondes, fév. 1868, tr. 957-980.

LÊ THANH CẢNH, “Notes pour servir à l’histoire du protectorat français en Annam”, Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1928, 1929, 1932, 1937.

LHOMME H.-F., Le gouvernemnt des amiraux en Cochinchine, 1861-1879. Paris, 1901.

MASSON André, “L’opinion française et les problèmes coloniaux à la fin du Second Empire”, Revue Française d’Histoire d’Outre-Mer, 1962, tr. 366-437.

TABOULET Georges, “Quelques lettres de Mgr Lefèbvre, premier évêque de Saigon français (1862-1865)”, Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, 1943, tr. 9-26.

TRƯƠNG BÁ CẦN, L’action diplomatique de la France en vue de consolider son établissement en Cochinchine (1862-1874). Paris, Faculté des Lettres, 1963, 511 tr.

Xin tham khảo thêm các tác-phẩm của CULTRU P. và EVANS B.-L., đã dẫn trong phần thư-mục chương trước.

 

CHƯƠNG III

TỪ SỰ XÂM NHẬP CỦA NGƯỜI PHÁP VÀO BẮC-KỲ ĐẾN SỰ THIẾT LẬP NỀN

ĐÔ-HỘ CỦA PHÁP TRÊN LÃNH-THỔ VIỆT-NAM

I.- GIAI-ĐOẠN ĐẦU CỦA VẤN-ĐỀ BẮC-KỲ.

Chiếm được một phần của xứ Nam-kỳ và kiểm tra vùng cửa sông Cửu-Long, mục tiêu chính của người Pháp là tìm một con đường thông thương với miền Nam Hoa-lục, một con đường mà người Pháp sẽ làm chủ ngõ hầu theo đó lôi cuốn các luồng mậu-dịch Nam Hoa-lục xuống tới Saigon. Nghĩ rằng sông Cửu-Long là con đường thủy có thể nối liền Saigon với miền Nam Trung-Hoa, vào tháng 5 năm 1866, soái-phủ Nam-kỳ đã cho thiết lập một phái-đoàn thám-hiểm đặt dưới sự điều khiển của thiếu-tá Doudart de Lagrée và gồm có Francis Garnier, Louis Delaporte, Louis de Carné, bác-sĩ Lucien Joubert và bác-sĩ Clovis Thorel, với mục đích đi khám phá lưu-vực sông Cửu-Long. Phái-đoàn đã đạt tới biên-giới Nam Trung-Hoa vào tháng 10 năm 1867 và nhận thấy thủy-lộ Cửu-Long không phải là con đường có thể dùng cho các thương thuyền đi tới các tỉnh miền Nam Trung-Hoa được ([24]). Nhưng, nhân cơ hội này, Francis Garnier đã đi thăm dò miền thượng-lưu sông Nhị và nhận định rằng con sông này là lối thoát thiên-nhiên của các hàng hóa tỉnh Vân-Nam ra biển, qua xứ Bắc-kỳ. Tại Hán-Khẩu, Francis Garnier đã gặp một thương-gia người Pháp tên là Jean Dupuis và đã cho Dupuis biết tầm quan trọng của sự khám phá của mình. Dupuis cũng đích thân xuôi dòng sông Nhị qua tỉnh Vân-Nam, từ Mang-hao cho tới biên-giới Bắc-Việt và nhận thấy rằng, thay vì chuyên chở hang hóa bằng đường bộ từ Hán-Khẩu tới Vân-Nam, dùng đường thủy của con sông Nhị sẽ mất ít thì giờ hơn.

Các sự khám phá này khiến các giới kinh-doanh của các tỉnh Lyon, Bordeaux, và Marseille, đương muốn kiểm tra các sự mậu-dịch miền Nam Hoa-lục, chú ý tới sông Nhị-hà. Nhưng muốn được quyền sử dụng thủy-lộ này, họ phải được phép tự do ra vào các hải-cảng Bắc-kỳ, điều mà hòa-ước 1862 không đề cập đến. Vì thế, điều cần thiết đối với giới doanh-thương Pháp là phải tu chỉnh hòa-ước ấy. Ý kiến này đã được bàn cãi ở Saigon ngay từ năm 1870 và đô-đốc Dupré, tới Saigon ngày 1-4-1871 đã tán thành sự can thiệp của người Pháp vào xứ Bắc-kỳ. Chúng ta sẽ thấy, vào tháng 5 năm 1873, Dupré viết cho Bộ-trưởng Hải-quân Pháp là: “Sự đặt chân của chúng ta trong xứ này là một vấn đề sinh-tử cho tương lai của sự đô hộ của chúng ta ở Viễn-Đông”. Các nhà buôn Pháp ở Trung-Hoa cũng nhận thấy họ sẽ được lợi nếu con sông Nhị được mở rộng cho sự mậu-dịch, và luôn luôn dùng áp lực đối với các nhà ngoại-giao để đòi chính-phủ Pháp can thiệp vào Bắc-kỳ.  Vào năm 1873, lãnh-sự Pháp ở Quảng-Ðông, bá tước Chappedelaine, báo cáo về Paris như sau: “Ở Bắc-kỳ, quan lại An-nam-mít bị thù ghét dữ dội. Không phải dùng đến 2.000 người và 4 tuần-dương-hạm, mà chỉ cần phái một tuần-dương-hạm cùng vài pháo-hạm và một đại-đội thủy-quân lục-chiến tới cửa sông Hồng-hà là đủ làm xứ Bắc-kỳ trở thành một thuộc-địa Pháp” ([25]).

  1. Hành động của Jean Dupuis.

Hành động của Jean Dupuis đã hiến cho đô-đốc Dupré cơ hội thuận tiện để can thiệp vào Bắc-kỳ. Cuối năm 1872, Dupuis đã chở khí giới, đi ngược dòng sông Nhị từ cửa bể tới tỉnh Vân-Nam, tức là đã hành động trái với hòa-ước 1862. Sau khi bán xong khí giới, ông lại xuôi dòng sông Nhị với số thiếc và các sản-vật miền Vân Nam đã mua được. Khi trở về ngang qua Hà-Nội ngày 30-4-1873, Dupuis bị các quan địa-phương chặn lại, tuy các quan đã giữ một thái độ rất là hòa nhã trong chuyến đi của Dupuis. Thật vậy, nhà cầm quyền Việt-Nam không muốn để người ngoại-quốc sử dụng thủy-lộ Nhị-hà về mặt thương-mãi. Bị cản trở, Dupuis liền chiếm lấy một phố ở Hà-Nội, dọa sẽ bắn phá thành Hà-Nội, và cho treo cờ Pháp trên đoàn tàu của mình nữa. Mặt khác, Dupuis phái người bạn đồng hành của ông là Ernest Millot về Saigon cầu cứu với đô-đốc Dupré. Thấy hành động của Dupuis hoàn toàn phi pháp, mà cũng không có cách gì để dọa nạt Dupuis, triều-đình Huế phải đòi đô-đốc Nam-kỳ can thiệp để buộc Dupuis phải rời khỏi Hà-Nội.

Cũng như các vị đô-đốc tiền nhiệm, đô-đốc Dupré muốn giải quyết với triều-đình Huế vấn đề tranh chấp về 3 tỉnh miền Tây Nam-kỳ, vẫn còn lòng thòng từ năm 1867. Ông nghĩ rằng phương thức hữu hiệu nhất để đạt mục tiêu của ông là can thiệp vào Bắc-kỳ để làm áp lực với triều-đình Huế. Sự can thiệp này nhằm nhiều mục đích: trước hết là để đe dọa triều-đình Huế khiến triều-đình Huế phải chịu thương nghị, sau nữa là để mở rộng khu vực ảnh hưởng của Pháp và thiết lập sự tự do thông thương ở Bắc-kỳ, ngõ hậu nền thương-mãi Saigon có thể phát triển mạnh hơn.

Nhưng chính-phủ Pháp phản đối mọi cuộc viễn chinh mới lúc bấy giờ vì phải đương đầu với nhiều khó khăn nội bộ, nhất là một phần lãnh-thổ của Pháp vẫn còn bị chiếm cứ bởi quân đội Đức, và thời hạn chót để nước Pháp trả bồi-thường chiến-phí cho Đức được định vào ngày 5-9-1873, trong khi ngân-khố của Pháp khô cạn. Vì thế, nước Pháp không có quân đội, và cũng không có những phương tiện tài-chính để tài trợ cho một sự can  thiệp vào Bắc-kỳ. Chính-phủ Pháp luôn nhắc nhở đô-đốc Dupré là không được làm cho chính-phủ bị liên lụy ở Bắc-kỳ vì bất cứ một lý do nào.

Sự cấm đoán của chính-phủ Pháp không làm Dupré nản lòng; trái lại, ông quyết định dùng lá bài Jean Dupuis để thực hiện đường lối riêng của ông. Ngay từ ngày 28-7-1873, Dupré đã gửi về Paris một điện-tín, nội dung như sau: “Bắc-kỳ đã được mở rộng với sự thành công của cuộc thí nghiệm Dupuis. Ảnh hưởng rộng lớn đối với thương-mãi Anh, Đức, Hoa-kỳ. Tối cần thiết chiếm cứ Bắc-kỳ để giành cho Pháp thương-lộ độc nhất ấy. Không cần viện trợ, tôi đủ sức để chiếm. Thành công chắc chắn”. Song, đối với triều-đình Huế, thái độ của Dupré đã thiếu thẳng thắn: cùng một lúc ông tin cho triều-đình Huế biết là ông đã ra lệnh cho Dupuis phải rời khỏi Bắc-kỳ, thì ông lại chính thức bảo lãnh hành động của Dupuis bằng cách ứng cho Millot, người hùn vốn với Dupuis trong chuyến đi buôn, một số tiền là 30.000 đồng, trích trong ngân sách Nam-kỳ. Sau đó, vào tháng 10 năm 1873, Dupré phái Francis Garnier ra Hà-nội để giải quyết vấn đề gây nên bởi Jean Duquis.

  1. Hành động của Francis Garnier ở Bắc-kỳ.

Francis Garnier được phái tới Bắc-kỳ với mục đích chính thức là phân xử cuộc xung đột giữa các quan sở tại Việt-Nam và thương-gia Pháp Jean Dupuis. Đô-đốc Dupré tin cho triều-đình Huế biết là Francis Garnier sẽ bắt buộc Dupuis rời khỏi Bắc-kỳ và phục tòng pháp luật. Nhưng mặt khác, hình như Dupré đã bí mật ra lệnh cho Francis Garnier là thế nào cũng phải ở lại Bắc-kỳ để đòi mở cho được sông Nhị ra cho sự thông thương; Garnier cũng phải dò xét xem Pháp sẽ được lợi đến mức nào nếu người Pháp ủng hộ dòng dõi nhà Lê chống lại triều-đình Huế ([26]).

Tình hình Bắc-kỳ vào lúc ấy không đến nỗi rắc rối cho lắm. Nguyễn Tri Phương sung chức Khâm-mạng tuyên-sát đổng-sức đại-thần đến hai quân-thứ Sơn-Tây và Hải-Dương dẹp loạn, đã có thể bình định một phần  miền trung-châu Bắc-kỳ. Tuy nhiên, tình trạng của các vùng nông thôn không mấy tốt đẹp: các tỉnh miền Nam không còn gửi gạo ra Bắc nữa, các khoản thuế má lại gia tăng để cho phép chính-phủ có phương tiện trả chiến-phí bồi-khoản hàng năm. Quyền thế của triều-đình có còn được duy trì là nhờ uy-tín và bản-lĩnh riêng của những người như Nguyễn Tri Phương, hơn là nhờ ở một sức mạnh cụ thể nào. Thêm nữa, các dư-đảng của giặc Thái-bình Thiên-quốc đã vượt biên giới tới ẩn náu trong các tỉnh Cao-Bằng, Thái-Nguyên, Tuyên-Quang, v.v… Chúng họp lại thành từng đoàn chống đối nhau: Cờ Ðen, Cờ Vàng, Cờ Trắng, và chia nhau chiếm cứ những lãnh-thổ gần như độc lập đối với chính-phủ Việt-Nam. Triều-đình Huế đã không tài nào dẹp bọn giặc Khách này.

Francis Garnier đến Hà-nội ngày 23-10-1873 và được đón tiếp nồng hậu. Nhưng, ngay ngày hôm sau, nhà cầm quyền Việt-Nam phải sửng sốt khi thấy Garnier tán thành lập trường của Jean Dupuis và đòi hỏi chính-phủ Việt-Nam phải mở sông Nhị ra cho sự thông thương của người Pháp, người Tây-ban-nha và cả người Trung-Hoa nữa. Cho rằng quán xá nhà cầm quyền địa-phương đặt dưới quyền sử dụng của ông không đủ, Francis Garnier phá cửa thành và đóng quân ngay tại Trường-Thi. Thấy vậy, Nguyễn Tri Phương tuyên bố là sẽ không có một sự thươnglượng nào ngoài việc bắt buộc Jean Dupuis phải rời khỏi Bắc-kỳ. Để dân chúng đừng hiểu lầm về mục tiêu của sự hiện diện của Francis Garnier tại Hà-Nội, Nguyễn Tri Phương cho niêm yết những bản cáo thị đại ý nói mục đích của Francis Garnier ra Hà-Nội là để đòi hỏi Dupuis phải tôn trọng luật-lệ Việt-Nam. Như thế, kế hoạch của đô-đốc Dupré dự định lợi dụng cơ hội gây nên bởi Jean Dupuis để mà dọa nạt chính-phủ Việt-Nam và chiếm thêm quyền lợi cho nước Pháp gần như hoàn toàn thất bại. Khi đó, Francis Garnier quyết định dùng vũ lực và được ủng hộ bởi giáo-sĩ Puginier, giám-mục địa-phận Tây Bắc-kỳ ([27]). Francis Garnier liền cho công bố hai bản tuyên-cáo kêu gọi những kẻ nào bất mãn với sự cai trị của triều-đình Huế thì tới khiếu nại với ông, là “đại-diện của nước Pháp” và tuyên bố Bắc-kỳ được mở rộng cho sự buôn bán, với sự áp dụng một thuế-suất bằng 2% giá trị hàng-hóa nhập-cảng.

Thấy tình trạng nguy ngập, Nguyễn Tri Phương cho phòng thủ thành Hà-Nội. Lập tức, Francis Garnier gửi tối-hậu-thư cho nhà chức trách Việt-Nam, thong báo rằng nếu các đề nghị của ông không được chấp nhận, ông sẽ tấn công thành Hà-Nội. Ngày 20-11-1873, Francis Garnier thực thi lời dọa nạt ấy và chiếm lấy Hà-Nội một cách dễ dàng. Thành Hà-Nội thất thủ, Nguyễn Tri Phương bị thương, đã bỏ ăn để chết.

Francis Garnier không có ý định sáp nhập xứ Bắc-kỳ sau khi chiếm Hà-Nội. Nhưng, nhận thấy cần phải bảo đảm sự liên lạc với miền biển, nghĩa là với Saigon, Garnier bắt đầu tiến hành cuộc chinh phục miền trung-châu Bắc-Việt, với số quân lính ít ỏi ông đã đem theo. Chỉ trong vòng hai tuần lễ, Francis Garnier và quan quân dưới quyền ông đã có thể làm chủ 5 tỉnh phong phú nhất của Bắc-kỳ. Ngày 23-11, y-sĩ Hải-quân Harmand chiếm cứ Hưng-yên; với khoảng 30 người lính, hải-quân trung-úy Balny d’Avricourt và thiếu-úy Trentinian chiếm Phủ-lý ngày 26-11, rồi Hải-dương ngày 4-12 Ngày 5-12, hải-quân trung-úy Hautefeuille chinh-phục thành Ninh-bình, và ngày 10-12, Francis Garnier chiếm Nam-Định. Như thế, Francis Garnier đã kiểm tra trục giao-thông từ Hà-nội ra biển. Francis Garnier đã hành-động như là đã được lệnh của chính-phủ Pháp phải chiếm lấy tất cả xứ Bắc-kỳ, cho nên các giáo-sĩ người Pháp đã ủng hộ ông, trong khi các giáo-sĩ Tây-ban-nha phản-đối.

Hậu quả hành động của Francis Garnier là miền trung châu Bắc-Việt rơi vào một tình trạng hỗn loạn. Quan lại Việt-Nam rời bỏ nhiệm sở, trộm cướp nổi lên khắp nơi. Quân Pháp quá ít, phải chia thành từng nhóm 15-20 người để canh giữ những thành-trì rộng lớn, và phải dùng những bọn du-thủ du-thực tiếp tay với họ; bọn này thừa cơ hội cướp bóc, đốt phá, và thỏa mãn các tư thù cá nhân. Trong vùng Nam-định, cả một chiến tranh tôn giáo bùng nổ: các khóa-sinh lập nên những đội quân đi đốt phá các làng Thiên-chúa-giáo: để tự vệ, các giáo-dân phải võ trang và vì thế đã có những cảnh chém giết rung rợn.

Muốn đặt căn bản cho sự chiếm cứ vĩnh viễn miền trung-châu Bắc-Việt, Francis Garnier đã kêu gọi người Việt tới cộng tác với người Pháp, để thay thế những vị quan Việt-Nam đã bỏ trốn. Nhưng, đáp lại lời kêu gọi của Francis Garnier chỉ có vài giáo-dân, vài nhà Nho nghèo đói hay những tên tướng cướp ([28]). Trong khi đó, viện cớ tự do thong thương đã được thiết lập tại Bắc-kỳ, giặc Khách tràn vào thung lũng của các con sông. Giặc Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc tiến tới các tỉnh giàu nhất miền trung châu. Quân Pháp chẳng bao lâu bị bao vây trong các thành lũy họ mới chiếm được; tình thế của họ còn trở nên nguy kịch hơn, sau khi Francis Garnier bị quân Cờ Đen phục kích giết chết ngày 21-12-1873. Nhưng vấn đề Bắc-kỳ không còn là một vấn đề quân-sự nữa mà đã trở thành một vấn đề chính-trị.

  1. Hiệp-ước 15-3-1874.

Chính-phủ Pháp sợ bị lien hệ quá sâu rộng trong vấn đề Bắc-kỳ đã ra lệnh cho đô-đốc Dupré là phải rút ngay lập tức mọi lực lượng ra khỏi đất Bắc. Những biến chuyển mới cũng làm Dupré lo ngại, và ông bắt đầu nghĩ rằng Francis Garnier đã đi quá trớn. Ngay từ ngày 10-12-1873, Dupré đã phái vị Thanh-tra bản-xứ-vụ Philastre tới Huế để dàn xếp. Ở Huế, Philastre được thông báo về những biến cố mới xảy ra tại Bắc-kỳ, và ông vội lên đường ra Hà-nội cùng với vị Tả Tham-tri Bộ Lễ Nguyễn Văn Tường mà vua Tự-Dức phái ra Bắc. Quân Pháp chiếm các thành trì trong miền trung-châu Bắc-kỳ đã khiến chính-phủ Việt-Nam phẩn nộ nhiều. Triều-đình Huế tự coi là đã bị lừa phỉnh bởi đô-đốc Dupré. Trước những sự xâm lấn trắng trợn của người Pháp, khối đình thần đã chia thành hai phái chống đối nhau về chính sách đối phó với người Pháp. Phái chủ hòa đã thắng lợi trong việc khiến vua Tự-Đức phái Nguyễn Văn Tường ra Bắc điều đình với Francis Garnier; nhưng phái chủ chiến muốn nhà vua cho tập trung quân đội trong tỉnh Thanh-Hóa để có thể tiến quân ra Bắc trong trường hợp mất mọi cơ hội giảng hòa.

Khi Philastre tới Hà-nội thì Francis Garnier đã bị hạ sát. Ngay từ đầu, ông đã phản-đối các hành-động của Garnier. Ngày 6-12-1873, ông đã viết một bức thư cho Francis Garnier, trong ấy ông nói: “Ông có nghĩ đến cái điều nhục nhã đối với chúng ta, khi người ta biết rằng tuy ông được phái đi đuổi một tên quỉ quyệt và tìm cách hòa giải với các công chức An-nam, thì ông lại thông đồng với tên quỉ quyệt ấy để bắn giết một cách bất ngờ những người đã không bao giờ chống cự lại ông và tấn công ông. Đây là một tai hại không thể bù đắp nổi”.

Tình trạng của quân Pháp ở Bắc-kỳ khi bấy giờ không mấy tốt đẹp. Không được tiếp viện đầy đủ, quân Pháp lại luôn luôn bị tấn công bởi quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, khi bấy giờ hoành hành trên đất Bắc. Giới sĩ-phu kêu gọi dân chúng nổi dậy chống lại dân công giáo, bị kết án là đã gọi người Pháp tới xâm chiếm Bắc-kỳ. Trước tình hình rối ren này, Philastre đã gạt bỏ các lý luận của giám-mục Puginier, của Jean Dupuis và các sĩ-quan Pháp, và ra lệnh cho quân Pháp rút ra khỏi Bắc-kỳ; hai bản thỏa hiệp được ký kết với Lễ Bộ Tả Tham-tri Nguyễn-Văn-Tường (conventions Philastre) ngày 5-1-1874 và 6-2-1874, trao trả cho chính-phủ Việt-Nam các thành Ninh-Bình, Nam-Định và Hà-Nội ([29]). Nhờ những sự thượng lượng này, các vấn đề khó khăn tạm được giải quyết, và Philastre đã có thể rời Bắc-kỳ để trở về Saigon vào tháng 2 năm 1874.

Các biến cố xẩy ra ở Bắc-kỳ dù sao cũng làm cho triều-đình Huế lo ngại, và đây là nguyên nhân chính khiến vua Tự-Đức chấp thuận thương lượng để đi tới một hiệp ước mới, thay thế cho hòa ước Saigon năm 1862. Hiệp ước mới này được ký kết ngày 15-3-1874, và sẽ được bổ túc bởi một hiệp ước thương-mãi, ký ngày 31-8-1874 ([30]). Các điều khoản của hiệp-ước 1874 giải quyết bốn vấn đề chính: vấn đề lãnh-thổ, vấn đề ngoại-giao, vấn đề thương-mãi và vấn đề tôn-giáo.

1.- Vấn-đề lãnh-thổ: chính-phủ Việt-Nam chính thức nhìn nhận sự sáp nhập 3 tỉnh miền Tây Nam-kỳ bởi người Pháp. Triều-đình Huế, sau 7 năm trời trì hoãn đã phải đi đến kết quả này; nước Pháp đạt được mục tiêu chính của chính-sách Pháp, là củng cố sự chiếm cứ tất cả xứ Nam-kỳ. Chính-phủ Việt-Nam được miễn trả chiến-phí bồi-khoản qui định bởi hòa-ước 1862 còn thiếu.

2.- Vấn-đề ngoại-giao: chính-phủ Pháp xác nhận chủ quyền của vua nhà Nguyễn và sự độc lập của nước Việt-Nam đối với tất cả các cường-quốc khác. Tuy nhiên, chính-phủ Việt-Nam hứa là sẽ áp dụng một chính-sách ngoại-giao thích hợp với đường lối ngoại-giao của Pháp và sẽ không thiết lập những quan hệ ngoại-giao với những cường-quốc khác (ngoại trừ với mục đích ký kết những hiệp-ước thương-mãi).

Danh từ bảo-hộ đã không được phát biểu, nhưng các điều khoản này cho phép nước Pháp kiểm tra chính-sách ngoại-giao của triều-đình Huế. Trước hết, hiệp-ước hủy bỏ một cách gián tiếp mối quan hệ lệ thuộc của Việt-Nam đối với Trung-Quốc, với mục đích đề phòng vua nhà Nguyễn kêu gọi sự giúp đỡ của Trung-Quốc để chống lại Pháp. Sau nữa, nước Việt-Nam không có quyền thay đổi tình trạng ngoại-giao hiện hữu, nghĩa là tự bó buộc mình trong tình trạng cô lập. Từ nay trở đi, nước bạn của Pháp sẽ là nước bạn của Việt-Nam và kẻ thù của Pháp sũng sẽ là kẻ thù của Việt-Nam. Một tòa Khâm-sứ Pháp sẽ được thiết lập tại kinh-thành Huế.

Ngoài ra, chính-phủ Pháp hứa giúp vua Tự-Đức duy trì trật tự trong bờ cõi và bảo toàn lãnh thổ quốc-gia. Pháp cũng sẽ viện trợ cho Việt-Nam về mặt kỹ thuật, bằng cách phái tới Việt-Nam những chuyên-viên, kỹ-sư, và nhất là sĩ-quan để huấn luyện binh sĩ Việt-Nam. Pháp lại còn tặng cho Việt-Nam 5 chiếc tàu chiến, 100 khẩu đại-bác và 1.000 khẩu súng trường.

3.- Vấn-đề thương-mãi: ba thương-khẩu, Hà-Nội, Thị-Nại (Qui-Nhơn) và Ninh-Hải (Hải-Phòng), được mở ra cho sự mậu-dịch quốc-tế. Tại ba nơi này, các nhà buôn ngoại quốc được quyền thiết lập thương-điểm, chính-phủ Pháp sẽ đặt những vị lãnh-sự tại đây để giải quyết những sự tranh tụng liên hệ đến người Pháp và người ngoại-quốc. Sự thông thương trên sông Nhị, từ cửa biển đến Vân-Nam, trở nên tự do.

4.- Vấn-đề tôn-giáo: giáo-dân Việt-Nam được quyền tự do hành giáo, hội họp và có thể được cử vào những chức vụ hành-chánh nữa. Các nhà truyền đạo được phép tự do đi lại để giảng đạo, giáo-hội ở Việt-Nam được hiến tư cách pháp-nhân; nghĩa là có quyền mua bán đất đai, nắm giữ tài sản.

Hiệp-ước 15-3-1874 đưa lại cho nước Pháp rất nhiều mối lợi: Pháp kiểm tra chặt chẽ xứ Nam-kỳ, Pháp có nhiều phương tiện để kiểm tra chính-sách ngoại-giao và thương-mãi của Việt-Nam. Có thể nói là, với hiệp-ước này, nước Việt-Nam đã mất độc lập. Trong triều, vài vị quan sang suốt bắt đầu ý thức được là sự sống còn của nước nhà từ nay do ngoại-bang quyết định. Song, giai-cấp sĩ-phu không có phản ứng nào ngoài sự đổ lỗi cho giáo dân và “tả-đạo”, và hướng sự công phẫn của quần chúng tới các tín-đồ Thiên-chúa-giáo. Sĩ-phu Nghệ-An cho rằng triều-đình quá khoan hồng đối với giáo-dân, đã nổi loạn chống chính-phủ (loạn Văn-thân). Vua Tự-Đức đã phải phái Nguyễn Văn Tường đi dẹp loạn.

Có lẽ nhận thấy sự hớ hênh của mình, triều-đình Huế trong những năm sau khi hiệp-ước được ký, tìm cách tránh thi hành các điều-ước. Khi Thanh-triều tuyên bố không chấp nhận hiệp-ước vào năm 1876, vua Tự-Đức nghĩ diệu kế là đem Trung-Quốc ra đối với Pháp. Nhà vua phái vào năm 1876 và 1880 sứ-bộ qua Trung-Hoa để triều cống vua nhà Thanh; nhà vua lại còn nhờ chính-phủ Trung-Quốc phái quân tới giúp dẹp giặc Khách: nhiều đội quân Trung-Hoa được phái tới đóng trong vùng Lạng-Sơn và Cao-Bằng.

Chính-sách của vua Tự-Đức phù hợp với chính-sách của chính-phủ Trung-Quốc, cũng muốn ngăn chặn sự bành trướng của Pháp, vì sợ để Pháp củng cố địa vị ở Bắc-kỳ thì miền Nam Hoa-lục sẽ bị đe dọa.

 

II.- SỰ THIẾT LẬP CHẾ-ĐỘ BẢO-HỘ CỦA PHÁP.

  1. Các dữ kiện mới.

Theo hiệp-ước 1874, sự thong thương trên sông Nhị phải trở nên tự do kể từ ngày 15-9-1875. Nhưng, sự thật, sự lưu thông tại đây bị cản trở bởi quân Cờ Đen: năm 1881, 2 nhà thám-hiểm Pháp muốn đi Vân-Nam bằng đường thủy đã bị quân Cờ Đen chặn lại ở Lao-Kay; quân Cờ Đen cũng đã ngăn cản kỹ sư Fuchs khi ông này đi tìm mỏ than ở Bắc-kỳ.

Những hành vi kể trên của quân Cờ Đen được coi như là những hành động khiêu khích bởi giới doanh thương Pháp, đã có nhiều ảnh hưởng trên chính-phủ kể từ năm 1879. Nhiều nhóm kinh-doanh bắt đầu để ý đến các tài nguyên thiên nhiên của xứ Bắc-kỳ và một công-ty hầm mỏ Đông-dương (Société des Mines de l’Indochine) được thành lập.

Một trào lưu dư luận xuất hiện, muốn chính-phủ Pháp thực hiện một chính-sách bành trướng ở châu Á và châu Phi. Các Hội Địa-Dư Pháp hoạt động mạnh mẽ để khuyến khích và tài trợ cho các cuộc thám hiểm. Năm 1878, Hội Địa-Dư Thương-Mãi Paris (Société de Géographie commerciale de Paris) tổ chức một hội nghị quốc tế nhóm họp các Hội Địa-Dư; hội-nghị phát biểu nguyện vọng là: “nước Pháp phải áp dụng những biện pháp để bảo đảm cho sự thi hành hiệp-ước 1874”. Đồng thời, Jean Dupuis và Romanet du Cailaud xuất bản hai cuốn sách, rất thiên vị trong sự tường thuật các sự kiện đã xảy ra ở Bắc-kỳ ([31]); hai cuốn sách này khiến dư-luận thấy là cần phải chiếm cứ vĩnh viễn xứ Bắc-kỳ. Các phòng thương-mãi của các hải-cảng Pháp chuyên môn mậu dịch với hải ngoại (Marseille, Bordeaux, Nantes, Le Havre) cũng muốn chính-phủ Pháp chiếm Bắc-kỳ ngõ hầu kiểm tra tiêu-trường cho các kỹ-nghệ của Pháp.

Giới lãnh-đạo chính-trị Pháp khi bấy giờ có nhiều lien hệ với giới ngân-hàng và kỹ-nghệ, nghe theo các đòi hỏi bành trướng này. Một phái thuộc-địa (Parti colonial) thật thụ, có tổ chức vững chắc hơn phái thuộc-địa xuất hiện trong năm 1862-64, vận động mạnh mẽ để đòi hỏi sự tu chỉnh hiệp-ước 1874, vì hiệp-ước này chưa hiến cho nước Pháp những quyền lợi đúng mức. Lý-thuyết-gia của chủ-nghĩa bành-trướng mới này là Leroy-Beaulieu; trong một tác phẩm xuất bản vào năm 1882, Leroy-Beaulieu tuyên bố rằng việc chinh phục thuộc-địa là một vấn đề sinh tồn của nuớc Pháp, vì nuớc Pháp chẳng là gì  bên cạnh những quốc-gia khổng lồ như Nga, Đức, Anh, Hoa-Kỳ và cả Trung-Hoa nữa ([32]).

Tác phẩm của Leroy-Beaulieu gây nhiều ảnh hưởng đối với dư-luận quần chúng cũng như đối với giới cầm quyền. Những chính-trị-gia như Gambetta coi sự bành trướng ra hải ngoại như là một phương tiện cho phép nước Pháp chiếm lại địa vị của nó trên chính-trường quốc-tế; Gambetta tuyên bố: “Le Tonkin, voilà l’avenir véritable de la France”. Jules Ferry, Tổng-trưởng Giáo-Dục Pháp trong những năm 1879-80, trước khi trở thành thủ-tướng, nghĩ rằng chính-sách thực-dân là con đẻ của chính-sách kỹ-nghệ, và phải làm xuất hiện nhiều lớp người tiêu thụ mới, nếu không xã-hội tân thời sẽ thất bại; chính-sách thực-dân cũng còn cho phép nước Pháp tham dự vào việc phân chia thế-giới và hiến cơ hội cho sự truyền bá văn-minh Pháp cho các dân-tộc Da vàng, Da đen ([33]).

  1. Giai đoạn thứ nhì của vấn-đề Bắc-kỳ.

Chính vào lúc dư-luận hưởng ứng chính-sách bành-trướng đế-quốc mà chính-phủ Pháp đặt lại vấn đề Bắc-kỳ. Tình trạng bất an ninh gây nên bởi các đoàn quân Tàu, nhất là quân Cờ Đen, buộc chính-phủ Pháp phải lựa chọn giữa hai thái độ: hoặc nhân danh hiệp-ước ký kết năm 1874 mà đặt sự bảo-hộ trên xứ Bắc-kỳ để tái thiết trật tự tại đây, hoặc hoàn toàn rút khỏi xứ Bắc-kỳ. Chấp nhận thái độ thứ nhì là chấp nhận một sự mất thể diện, có thể làm giảm uy tín của Pháp tại Nam-kỳ và ở cả Viễn-Đông nữa. Do đó, ngay từ cuối năm 1879, Bộ-trưởng Hàng-hải Pháp là thượng-tướng Jauréguiberry đã đề nghị phái một đội quân viễn-chinh gồm 6.000 người tới Bắc-kỳ để thiết lập nền bảo-hộ thật thụ; năm 1880, ông lại đề nghị nên tăng cường sự canh phòng các cửa sông Bắc-kỳ để bảo vệ các sự mậu-dịch của thương-gia Pháp. Nhưng chính-phủ Pháp bị bận rộn vì các vấn-đề Ai-Cập và Tunisie đã gạt bỏ vấn đề Bắc-kỳ sang một bên.

Phải đợi đến đầu năm 1882, chính-phủ Pháp mới cho phép vị Thống-Đốc Nam-kỳ, Le Myre de Vilers, phái một đội quân ra Bắc-kỳ để che chở các thương-gia Pháp trước các sự tống tiền của giặc Khách. Le Myre de Vilers coi việc can thiệp này như là một hành động hoàn toàn chính-trị, ôn hòa và hành chánh; do đó, ông lựa chọn một sĩ quan có tính tình thận trọng và ôn hòa để thực hiện sứ-mệnh này: hải-quân đại-tá Henri Rivière. Rivière rời Saigon vào cuối tháng 3 năm 1882, với 233 quân sĩ; đồng thời, Le Myre de Vilers cũng thông báo cho triều-đình Huế hay là đây chỉ là một biện pháp dự phòng, có mục đích bảo vệ an ninh của Pháp-kiều tại Bắc-kỳ và trong mọi trường hợp, chính-phủ Pháp sẽ toa rập chính-sách của Pháp theo chính-sách của triều-đình Huế ở Bắc-kỳ.

Nhưng, vừa tới Hà-Nội ngày 3-4-1882, Henri Rivière đã có ý định chiếm thành, nhất là khi thấy tổng-đốc Hoàng Diệu chuẩn bị thành trì để phòng bị. Ngày 25-4-1882, thành Hà-Nội rơi vào tay Henri Rivière, sau khi Hoàng Diệu không chấp thuận giải binh theo sự đòi hỏi của Rivière. Hành động của Henri Rivière làm triều-đình Huế rất ngạc nhiên và công phẫn. Còn Le Myre de Vilers thấy Rivière vượt quá mệnh lệnh, đã không dấu diếm sự bất mãn của ông, mặc dầu phải che chở hành động của Rivière ([34]).

Sau khi thấy khó lòng đi tới một sự thỏa thuận với chính-phủ Pháp về vấn đề mới xảy ra, triều-đình Huế quyết định cầu cứu Thanh-triều. Vào tháng 9 năm 1881, chính-phủ Trung-Hoa đã tuyên bố là không thừa nhận hiệp-ước ngày 15-3-1874, và không thể để cho nước Pháp sáp nhập xứ Bắc-kỳ được. Cuối năm 1882, Thanh triều phái Tạ Kính Bưu và Đường Cảnh Tùng đem quân sang đóng ở Bắc-Ninh và ở Sơn-Tây. Tuy nhiên, đây chỉ là một mánh khóe của chính-phủ Trung-Hoa để đi tới một sự phân chia xứ Bắc-kỳ với người Pháp: ngày 20-12-1882, đại-sứ Pháp ở Bắc-Kinh, Bourée, qui định với tổng-đốc tỉnh Trực-Lệ, Lý Hồng Chương, các căn bản của một thỏa-ước sẽ giải quyết vấn đề Bắc-kỳ bằng cách hiến cho Trung-Quốc tả ngạn sông Nhị, trong khi Pháp sẽ chiếm miền hữu ngạn ([35]).

Song le, chính-phủ Pháp không chấp nhận thỏa hiệp này, vì nó cho phép Trung-Quốc xen vào việc Bắc-kỳ. Bộ-trưởng Hải-quân Pháp, thượng-tướng Jauréguiberry, quả quyết rằng “xứ Bắc-kỳ có triển vọng trở thành một thành phần thiết yếu của đế-quốc Pháp” và chủ trương phải chiếm cứ hoàn toàn xứ này. Nhưng chính-phủ Pháp đã chỉ thuận vào cuối năm 1882 gửi tới Bắc-kỳ một đoàn quân tiếp viện gồm 700 người, không phải để thực hiện việc chiếm cứ xứ Bắc-kỳ mà chỉ để cho phép đại-tá Rivière có thể đối phó với mọi sự bất thần có thể xảy ra.

Việc phái đoàn quân tiếp viện này cho Henri Rivière thấy rõ ý chí của chính-phủ Pháp muốn chấm dứt tình trạng sa lầy ở Bắc-kỳ. Vào đầu tháng 3 năm 1883, Henri Rivière nghe tin triều-đình Huế dự định nhượng cho công-ty Trung-Hoa China Merchant’s Steam Navigation hải-cảng Hòn-Gay và quyền khai thác mỏ than gần đấy. Ông vội ra lệnh cho thiếu-tá Berthe de Villers chiếm Hòn-Gay (12-3-1883) và thiết lập một đồn binh tại đây.

Vào giữa tháng 3 năm 1883, quan quân Việt-Nam được lệnh phòng bị Nam-Định. Sợ rằng các lien lạc của quân Pháp với miền biển bị cắt đứt, Henri Rivière đích thân cầm đầu một đoàn quân đi đánh Nam-Định: thành Nam-Định thất thủ trưa ngày 23-3-1883. Sau đó, Rivère gửi tối-hậu-thư cho quan quân Việt-Nam canh giữ các thành lũy ở Bắc-kỳ phải hang phục. Nhưng quan Phó-kinh-lược Bùi Ân Niên, quan tổng-đốc Bắc-Ninh Trương Quang Đản, cùng với quan tiết-chế Hoàng Kế Viêm chuẩn bị tấn công quân Pháp. Bị đe dọa bao vây trong thành Hà-Nội, sáng ngày 19-5-1883, Henri Rivière xuất quân để giải tỏa vòng vây, nhưng bị phục kích bởi quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, và cũng gặp cái chết tương tự như cái chết của Francis Garnier gần 10 năm trước đó.

Nếu vị khâm-sứ Pháp ở Huế, Rheinart, không tán thành hành động của Henri Rivière ([36]), thì chính-phủ Pháp lại tuyên bố là nước Pháp sẽ báo thù cho cái chết quang vinh của các “người con” của mình. Thật vậy, nội-các của Jules Ferry đã can dự quá nhiều ở Bắc-kỳ, thành không thể lùi được nữa. Ngay từ ngày 27-4-1882, Ngoại-trưởng Pháp, Challemel-Lacour, đã chuyển qua Quốc-hội một dự án đề nghị một ngân-khoản 5.500.000 quan, sẽ cho phép chính-phủ Pháp phái thêm tới Bắc-kỳ nhiều quân tiếp viện và một hạm-đội nhỏ. Dự án này được Quốc-hội Pháp biểu quyết chấp thuận ngày 15-5-1883: bốn ngày trước khi xảy ra trận phục kích ở Cầu-Giấy, tại đó Henri Rivière đã gặp cái chết, Quốc-hội Pháp tỏ rõ ý định muốn đặt nền bảo hộ của Pháp trên nước Việt-Nam.

  1. Các hòa-ước Quí-Mùi và Giáp-Thân.

Ngay từ tháng bảy 1883, nhiều viện-binh đã được phái tới Bắc-kỳ, dưới quyền chỉ huy của tướng Bouet, với sự tiếp ứng của một đội chiến-thuyền điều khiển bởi tướng Courbet. Đồng thời, chính-phủ Pháp cũng cử tới Bắc-kỳ một vị Tổng-ủy dân-sự (Commissaire général civil), sẽ cầm đầu chính-sách của Pháp ở Đông-Dương, thay vì Thống-đốc Nam-kỳ mà thôi. Người được chọn làm Tổng-ủy dân-sự là bác-sĩ Harmand, nguyên lãnh-sự của Pháp ở Vọng-Các và đã được biết tới nhờ những cụôc thám hiểm của ông ([37]). Harmand có nhiệm vụ tổ chức sự bảo-hộ và xác định các căn bản giao thiệp mới giữa hai nước Pháp và Việt-Nam.

Hiểu rằng vấn đề Bắc-kỳ chỉ có thể được giải quyết ở Huế, bộ chỉ-huy Pháp muốn lợi dụng những sự biến loạn xảy ra sau khi vua Tự-Đức băng hà ngày 17-7-1883: hai quan phụ-chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết bắt giam Dục-Đức đã được vua Tự-Đức chỉ định nối ngôi, để lập vua Hiệp-Hòa. Trong khi bộ-binh của tướng Bouet hoạt động tại Bắc-kỳ, tướng Courbet đem hạm-đội tới đánh cửa Thuận-An (18-8-1883). Trước sự biểu dương lực lượng của quân Pháp, triều-đình Huế đã phải đề nghị hưu chiến. Tổng-ủy Harmand tới Huế để  thương lượng và một hòa-ước được ký kết ngày 25-8-1883, gọi là hòa-ước Quí-Mùi hay hòa-ước Harmand. Theo hòa-ước này, triều-đình Huế chính thức nhìn nhận sự bảo-hộ của Pháp và để cho chính-phủ Pháp kiểm-tra tất cả chính-sách ngoại-giao của Việt-Nam. Tỉnh Bình-Thuận được sáp nhập vào thuộc-địa Nam-kỳ của Pháp, và quân Pháp sẽ đóng giữ Thuận-An và Đèo Ngang. Một vị khâm-sứ đại diện chính-phủ Pháp tại kinh-đô Huế và được quyền tự do ra vào yết kiến nhà vua. Nếu từ tỉnh Khánh-Hòa ra đến Đèo Ngang, quyền cai trị thuộc về triều-đình Huế, thì tại mỗi tỉnh phía Bắc Ðèo Ngang lại được đặt một vị công-sứ Pháp (résident) có nhiệm vụ kiểm soát hành động của quan lại Việt-Nam. Hòa-ước Quí-Mùi như thế, có mục đích chuẩn bị sự biến đổi nước Việt-Nam thành một thuộc-địa của Pháp. Nhưng quan quân Việt-nam ở Bắc-kỳ không chịu chấm dứt cuộc chống cự: nhiều vị quan nạp ấn trả triều-đình để hoặc cộng tác với quân nhà Thanh, hoặc mộ nghĩa quân, với mục đích tiếp tục cuộc chiến tranh với Pháp.

Thanh-triều tuyên bố không công nhận hòa-ước ký kết giữa triều-đình Huế và Pháp. Quân đội của Hoàng Kế Viêm đóng ở Sơn-Tây, quân của Trương Quang Đản đóng ở Bắc-Ninh, và quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc đe dọa bao vây Hà-Nội. Để mở vòng vây, tướng Courbet phải đem quân ngược dòng sông Nhị và chiếm Sơn-Tây vào tháng 12 năm 1883.

Ngay tại Huế, phái chủ chiến cũng đã chỉ coi việc ký kết hòa-ước như là một kế hoãn binh mà thôi ([38]). Chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cũng cổ vũ sự thành lập những đội nghĩa-quân để chống Pháp. Tôn Thất Thuyết cho đắp đồn xung quanh kinh-thành và tổ chức sự phòng thủ các yếu-địa; vào cuối năm 1883, Thuyết còn bí mật cho lập căn cứ Tân-Sở trong miền núi tỉnh Quảng-Trị: hàng vạn người đã ngày đêm xây cất căn cứ này, đồng thời súng đại-bác và thóc gạo cũng được lén lút chở tới. Vua Hiệp-Hoà chủ trương chính-sách hoà giải được coi là quá nhu nhược và bị ép uống độc dược tự tử; hai ông Tường và Thuyết lập vua Kiến-Phúc để kế vị, khi ấy mới 15 tuổi.

Vào mùa xuân năm 1884, quân Pháp tại Bắc-kỳ được tiếp viện dồi dào đã tấn công lien tiếp các thành miền trung-châu Bắc-Việt : Bắc-Ninh bị chiếm ngày 12 tháng 3, Thái-Nguyên ngày 29 tháng 3, Hưng-Hóa ngày 12 tháng 4 ([39]). Các tỉnh giàu nhất xứ Bắc-kỳ lọt vào tay quân Pháp, và chính-phủ Trung-Quốc bắt buộc phải nhìn nhận sự bất lực về mặt quân-sự của mình: vào tháng 5 năm 1884, vị đại-diện của Thanh-triều là Lý Hồng Chương ký kết tại Thiên-Tân một giao-ước với đại-diện của chính-phủ Pháp Fournier. Theo giao-ước này ([40]), Trung-Quốc cam kết rút hết quân đội ra khỏi Bắc-kỳ và tôn trọng tất cả các hiệp-ước ký kết giữa Pháp và Việt-Nam.

Trước sự kiện ấy, triều-đình Huế phải chấp nhận sửa đổi hòa-ước Quí-Mùi. Jules Patenôtre, lãnh-sự Pháp tại Bắc-Kinh được phái tới Huế để đại diện chính-phủ Pháp trong việc ký một hòa-ước mới: hòa-ước Giáp-Thân, còn gọi là hòa-ước Patenôtre, được ký ngày 6-6-1884; với hòa-ước này việc thiết lập nền bảo-hộ của Pháp trên nước Việt-Nam không còn bị ngăn cản nữa. Sau đây là những điều khoản chính của hòa-ước:

“Nay nước Đại-Nam cùng nước Đại-Pháp muốn từ giờ về sau, không còn lại xảy ra sự hại đến hòa hiếu như việc vừa qua, tha thiết muốn tình hữu-nghị và sự bang-giao của hai nước được chặt chẽ, nên cùng cử ra Toàn-quyền đại-thần để lập hòa-ước. Về nước Pháp, quan Giám-quốc đặc chỉ sai đầu đằng đại thần…là ông Ba Ðức Na làm Toàn-quyền đại-thần. Về nước Đại-Nam, đức Hoàng-đế đặc chỉ sai quan Hộ-bộ thượng-thư Phạm Thuận Duật làm toàn-quyền đại thần, sung chức Chánh-sứ, và quyền Công-bố thượng thư, Quản-lý Thương-bạc Tôn-Thất Phan, làm Toàn-quyền đại-thần, sung chức Phó-sứ; và có quan Phụ-chính đại-thần Nguyễn Văn Tường dự bàn vào việc này…

Khoản 1. – Nước Đại-Nam tự nhận nhờ nước Đại-Pháp giúp đỡ; thế nghĩa là khi nước Nam có giao thông với nước ngoài, thì nước Pháp sẽ giúp đỡ công việc ấy, và khi nhân-dân nước Đại-Nam có cư trú ở các nước ngoài, nước Đại-Pháp cũng vì nước Đại-Nam giúp đỡ mọi việc đó.

Khoản 2. – Quân đội của nước Đại-Nam đóng ở cửa biển Thuận-An, và từ cửa biển ấy suốt cho đến Kinh-thành, các đồn lũy bên sông, cũng các việc phòng thủ, nước Đại-Nam đều triệt bỏ hết.

Khoản 3. – Địa giới nước Đại-Nam từ giáp tỉnh Biên-Hòa ở Nam-kỳ trở về Bắc cho đến giáp tỉnh Ninh-Bình ở Bắc-kỳ, các quan chức và các chức sự trị dân đều như cũ, trừ ra như việc thương-chánh và các công tác, phải có người Pháp quản cố giúp…

Khoản 4. –  Nước Đại-Nam từ nơi giáp tỉnh Biên-Hòa đến tỉnh Ninh-Bình, các tỉnh trong khoảng đó, trừ cửa biển Thị-Nại hiện đã mở làm cửa thong thương, cùng là hai cửa biển Đà-Nẵng thuộc tỉnh Quảng-Nam và Xuân-Ðài thuộc tỉnh Phú-Yên, cần phải định thêm mở làm cửa thong thương. Nước Đại-Pháp cũng có đặt quan mở cửa thương ở các nơi đó; song những quan ấy phải theo mệnh lệnh của quan Khâm-sứ ở Kinh.

Khoản 5. –  Quan trú Kinh Khâm-sứ của nước Đại-Pháp chuyên vì nước Nam giúp đỡ những việc giao thiệp với nước ngoài, không có dự đến trong giới hạn khoản thứ ba đã nói. Nếu có việc chính-trị, quan Khâm-sứ được vào trước mặt tâu với Hoàng-đế. Quan Khấm-sứ trụ ở trong kinh-thành có quân lính Pháp theo hầu.

Khoản 6. – Nước Đại-Nam từ các tỉnh giáp tỉnh Ninh-Bình trở về Bắc, nếu tỉnh nào có việc cần kíp, nước Đại-Pháp phải đặt các viên Công-sứ hay phó Công-sứ, các viên này đều theo mệnh-lệnh của quan trụ Kinh Khâm-sứ. Tỉnh nào có các viên Công-sứ hay phó Công-sứ thì đều trụ ở trong thành các tỉnh ấy, gần chỗ các quan tỉnh ở. Những viên Công-sứ, phó Công-sứ, có thể có quân lính Pháp theo hầu.

Khoản 7–  Các viên Công-sứ nước Đại-Pháp đặt ở tỉnh nào trong xứ Bắc-kỳ, viên ấy không được dự làm đến các việc dân chính ở tỉnh ấy. Các quan tỉnh ấy, bất luận là quan chức phẩm trật nào, vẫn được cai trị dân trong hạt như cũ. Duy quan Pháp nếu kiểm sóat thấy viên nào trong Nam-quan đáng cách hay đáng đổi đi, thì được cách hay đổi đi ngay.

       ––  ……………..

Khoản 10. –  Các người ngoại quốc ngụ ở trong nước Đại-Nam, từ giáp tỉnh Biên-Hòa đến giáp tỉnh Ninh-Bình và trong địa hạt Bắc-kỳ, thì đều chịu sự xử đoán của quan Đại-Pháp. Nếu người Nam cùng với người ngoại quốc có việc gì kiện nhau, đều do quan Đại-Pháp xử đoán.

Khoản 11. –  Nước Đại-Nam từ giáp tỉnh Ninh-Bình, quan Bố-chánh chiếu lệ mà thu số thuế, toàn số về cả triều-đình nước Nam, cứ theo như trước, không có quan Đại-Pháp kiểm soát đến việc này. Đến như ở địa hạt xứ Bắc-kỳ, thì quan Công-sứ hợp với quan Bố-chánh gồm tất cả các ngạch thuế mỗi tỉnh qui vào một nơi để cho tiện việc kiểm soát số thu và số chi. Thu xong, quan Đại-Pháp cùng quan Đại-Nam hội đồng cùng chuẩn định các khoản chi phí, so với số tiền công quỹ số thu vào là bao nhiêu, còn dư lại là bao nhiêu, đem nộp vào công-khố của triều-đình Đại-Nam ở Kinh-thành.

Khoản 12. – Trong sở thương chính sẽ tính liệu lập lại, giao hết cho quan chức Đại-Pháp tự chuyên mà biện sự…

Khoản 13. –  Trong địa hạt Bắc-kỳ, nước Đại-Nam, và các sở đã mở thong thương, người Pháp và những người các nước của Pháp bảo-hộ, đều được đi lại buôn bán, mua đất mở phố phường, thung dung tự tiện…

Khoản 15–  Nước Đại-Pháp đã có lời hứa từ sau xin giúp đỡ hoàng-đế nước Đại-Nam hết sức và dẹp yên hết giặc cướp ở trong nước và ngoài cõi; bởi lẽ ấy, nước Đại-Pháp sẽ xét xem trong nước Đại-Nam hay là nơi nào ở Bắc-kỳ có sự khẩn cấp cần phải đóng quân, thì đem quân đội đến đóng để phòng thủ giúp.

      ––   ……..

Khoản 18. –  Sau này hai nước sẽ hội đồng định giới hạn các nơi mở cửa thong thương, cùng là nhượng đất để mở nơi thông thương, và tính liệu lập các đèn pha ở ven biển từ giáp Biên-Hòa đến Ninh-Bình và địa hạt Bắc-kỳ; cùng là định các thuế lệ khai các mỏ, định lệ thông dụng tiền tệ; hội đồng định chia các sở thương-chính và tính cái lợi các thuế  lặt vặt, và khoản tiền thu về bưu-điện, cho đến các khoản thuế chưa có liệt vào trong khoản thứ mười một, để trích lợi ấy giao cho nước Nam nhận mà tiêu dùng.

Tờ hòa-ước này sẽ đệ về triều-đình nước Pháp, cùng là dâng lên hoàng-đế nước Nam. Khi phê chuẩn y rồi, liền cùng giao đôi bên.

Khoản 19. – Hòa-ước này thay thế ba tờ giao-ước đã lập ra do những ngày 15 tháng 3, 31 tháng 8, và 23 tháng 11 năm 1874 dương-lịch (tức là năm Giáp-Tuất thứ 27 niên-hiệu Tự-Đức). Nếu lúc nào hai bên có sửa đổi văn nghĩa tờ hòa-ước này, thì sẽ lấy bản chữ Pháp làm căn cứ. Các quan Toàn-quyền đôi bên đã ký tên và đóng dấu vào tờ ước này để làm bằng. Làm ở Kinh-thành vào ngày mười ba tháng năm, năm đầu niên-hiệu Kiến-Phúc, tức là ngày 6 tháng 6 năm 1884 dương-lịch” ([41]).

Một biến cố mới xảy ra hai tuần sau khi hòa-ước Giáp-Thân được ký kết làm chậm trễ việc tổ chức nền bảo-hộ của Pháp: ngày 23-6-1884 một đội quân Pháp chạm trán với quân nhà Thanh ở Bắc-Lệ, gần Lạng-Sơn. Mặc dầu quân nhà Thanh đóng trên miền biên giới Hoa-Việt chưa kịp nhận lệnh rút về, theo tinh thần của thỏa-ước Thiên-tân, chính-phủ Pháp coi cuộc chạm súng ở Bắc-Lệ như là một cuộc tấn công đã được mưu tính trước, và muốn nhân cơ hội này loại bỏ chướng ngại vật Trung-Hoa. Cuộc chạm súng ở Bắc-Lệ được trình bày trước công chúng Pháp như là một sự phục kích; Jules Ferry đòi Thanh-triều phải triệt thoái quân đội ngay lập tức khỏi Bắc-kỳ, và phải trả một khoản bồi-thường là 250.000.000 quan, nếu muốn tránh chiến tranh ([42]). Thanh-triều chấp nhận nguyên tắc triệt quân, nhưng không chịu bồi thường. Do đó, tướng Courbet được lệnh đánh phá Phúc-Châu (25-8-1884), đổ bộ ở Đài-Loan (cuối năm 1884), và chiếm cứ quần đảo Pescadores (cuối tháng 3 năm 1885). Nhưng ngày 28-3-1885, ở Bắc-kỳ, quân Pháp bị quân Tầu tấn công phải rút lui khỏi Lạng-Sơn; ở Paris, các phe phái chống đối Jules Ferry lợi dụng cơ hội này để vận động lật đổ thủ-tướng Pháp ([43]). Tuy nhiên, vì phải đối phó với nhiều khó khăn nội-bộ, Thanh triều phải nghị hòa: một hiệp-ước mới được ký kết ngày 9-6-1885, tái xác nhận thỏa-ước Thiên-tân 11-5-1884; Việt-Nam chính thức hết là một vương-quốc thành thuộc Trung-Hoa, và Trung-Quốc không còn lý do để can thiệp tại Việt-Nam nữa.

 

III.- SỰ KHÁNG CỰ CỦA TRIỀU-ĐÌNH HUẾ VÀ CỦA CÁC SĨ-PHU VIỆT-NAM.

Sau hòa-ước Giáp-Thân, trong số quan lại Việt-Nam ít có người chịu phục tùng sự bảo-hộ mà người Pháp muốn đặt lên Việt-Nam. Trừ một thiểu số nhỏ bằng lòng ở lại giúp việc cho người Pháp, như tổng-đốc Hà-Nội Nguyễn Hữu Độ, các quan từ huyện, phủ trở lên đều ra mặt chống Pháp. Ở Huế, Nguyễn Văn Tường và Tôn-Thất Thuyết cố gắng cản trở việc áp dụng hòa-ước Giáp-Thân, nhất là khoản 5 của hòa-ước, lấy cớ rằng để Khâm-Sứ Pháp trú trong Kinh-thành với quân lính Pháp theo hầu sẽ làm giảm mất uy tín của Triều-đình, nhưng sự thật là để che dấu việc phòng ngự Huế mà Tôn-Thất Thuyết đương chuẩn bị. Cuối tháng 7 năm 1884, vua Kiến-Phúc chết, Tường và Thuyết đặt vua Hàm-Nghi lên ngôi, mà cũng không thông báo cho Khâm-Sứ Pháp biết.

Vào tháng 5 năm 1885, tướng De Courey, tư-lệnh đội quân viễn-chinh Pháp ở Bắc-kỳ quyết định tổ chức hai đại-đội khố đỏ (tirailleurs tonkinois). Đây là cơ hội để Tôn-Thất Thuyết xác nhận quan điểm của ông về danh từ bảo-hộ: ông cho rằng việc tuyển mộ lính khố đỏ là trái với các điều khoản của hòa-ước, và ông đề nghị chính-phủ Pháp rút hết quân về Pháp, chỉ để lại một vị toàn-quyền và từ 3 đến 5 công-sứ; những vị đại diện của chính-phủ Pháp này sẽ hiệp lực với triều-đình để giải quyết những vấn đề khó khăn ở Bắc-kỳ ([44]). Mặt khác, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1885, Thuyết cho ngầm chuyển khí giới và quân nhu đến Tân-Sở.

Được thông báo về các dự định của Tôn-Thất Thuyết, tướng De Courcy quyết định loại ông ra khỏi chính-phủ : ngày 2-7-1885, De Courcy đến Huế với khoảng một ngàn binh-sĩ. Bị đe dọa, ngày 5-7-1885, Thuyết cho tấn công quân Pháp, nhưng thất bại; quân của De Courcy chiếm thành Huế cùng cung điện, cướp phá và giết hại dân chúng rất nhiều ([45]). Nếu Nguyễn-Văn-Tường ra đầu thú, thì Tôn-Thất-Thuyết dẫn vua Hàm-Nghi chạy ra Tân-Sở. Tại dây, nhà vua truyền hịch kêu gọi thần dân nổi dậy chống Pháp.

Việc vua Hàm-Nghi chạy trốn đặt người Pháp trước một tình trạng khó xử: trong hòa-ước vừa ký, chính-phủ Pháp hứa sẽ giúp vua Việt-Nam dẹp mọi sự nổi loạn, nhưng bây giờ, Pháp lại kêu gọi dân Việt qui phục và chống lại nhà vua chính-thống. Ngày 19-9-18885, vua Đồng-Khánh được tôn lên ngôi, nhưng quyền hành của vị tân vương không vượt ra ngoài giới hạn của cung điện và hoàn toàn phụ thuộc với sự phù trợ của quân Pháp. Tình trạng này chỉ làm tăng thêm số người hưởng ứng phong-trào Cần-vương, ủng hộ vua Hàm-Nghi.

  1. Phong-trào Cần-vương.

Vua Hàm-Nghi sẽ không ở lại Tân-Sở lâu, vì vào cuối tháng 7 năm 1885, quân Pháp chiếm Đồng-Hới, làm mọi liên lạc với các tỉnh Bắc-kỳ bị cắt đứt. Trước khi giao phó nhà vua cho sự hộ vệ của con ông là Tôn-Thất Đạm, để trốn sang Trung-hoa cầu viện, Tôn-Thất Thuyết tổ chức một bản doanh lưu động trong miền rừng núi của hai tỉnh Hà-Tĩnh và Quảng-Bình. Từ lâu, hai tỉnh này là nơi xuất thân của nhiều sĩ-phu và quan lại, tức là những miền chống sự đô-hộ của Pháp mạnh hơn đâu hết; thêm nữa, các rừng núi trùng điệp của miền này rất thuận tiện cho chiến thuật du-kích.

Sự kháng cự mà các sĩ-phu chủ trương và do các quan lại chỉ huy gọi là phong-trào Cần-vương, và được thể hiện dưới hai hình thức:

  • Sát hại các tín-đồ Thiên-chúa-giáo vì những người này đã ủng hộ sự xâm lăng của quân Pháp; số người theo đạo Thiên-chúa bị giết ước lượng đến hơn 20.000 người ([46]).
  • Phục kích các đoàn vận tống và các đồn ải của Pháp.

Phong-trào lan rộng ở Trung và Bắc-Việt; trong mỗi vùng, các văn-thân tự đặt dưới sự điều khiển của một vị lãnh-tụ địa-phương: ví dụ Trần Văn Dự ở Quảng-Nam, Nguyễn Phạm Tuân ở Quảng-Bình, Lê Ninh ở Hà-Tĩnh, Nguyễn Xuân Ôn ở Nghệ-An, Hà Văn Mao ở Thanh-Hóa, Nguyễn Thiện Thuật ở Hải-Dương (Bãi-Sậy), v.v…Một tổ chức liên lạc do Tôn-Thất Đạm điều khiển cho phép vua Hàm-Nghi thong tin với các lãnh-tụ của các trung-tâm kháng-cự khác nhau ấy.

Từ Bình-Thuận, phong-trào Cần-vương cũng lan xuống các tỉnh miền Đông Nam-kỳ và ở Saigon, một cuộc nổi loạn bùng nổ nhưng được dẹp yên một cách chóng vánh. Song chính-quyền Pháp phải nhờ đến tay tổng-đốc Trần Bá Lộc để đàn áp, vào giữa năm 1886, sự nổi dậy của các tỉnh Phú-Yên, Khánh-Hòa, Bình-Thuận.

Tại miền Bắc Trung-phần, quân Pháp đã phải chật vật lắm mới có thể thắng nổi các trung-tâm kháng-cự. Bằng cách thiết lập nhiều đồn ải trong vùng Bình-Trị, khai thác sự tố cáo của giáo-dân và chiêu mộ người Việt để lập nên những đoàn lạp-binh (Chasseurs annamites), người Pháp đã có thể phá tan được nhiều tổ kháng-chiến và bắt được các lãnh-tụ quan trọng nhất ([47]). Phong-trào chống Pháp thoái bộ dần vì dân chúng các làng xóm kiệt quệ đã lựa chọn sự bình định bởi quân Pháp. Đầu năm 1888, chỉ còn tỉnh Quảng-Bình là vẫn mãnh liệt chống Pháp, dưới sự chỉ huy của Tôn-Thất Đạm. Nhưng vào tháng 10-1888, vua Hàm-Nghi bị phản bội bởi một bộ-lạc Mường đã bắt nhà vua đem nộp cho người Pháp. Tôn-Thất Đạm tự vẫn và các vị lãnh-tụ kháng-chiến khác cũng phải đầu hàng.

Tuy nhiên, phong-trào kháng-chiến không chấm dứt mà lại bộc phát trở lại dưới sự lãnh đạo của Phan Đình Phùng ([48]). Hưởng ứng phong-trào Cần-vương từ tháng 11-1885, Phan Đình Phùng đã không nản chí sau khi vua Hàm-Nghi bị bắt. Vào cuối năm 1893, ông lập căn-cứ kháng-chiến trên núi Vụ-Quang trong tỉnh Hà-Tĩnh là yếu điểm kiểm tra các sự giao thông giữa Việt-Nam, Lào và Xiêm-La. Với những cộng sự viên như Cao Thắng, Phan Đình Phùng tổ chức một quân-đội thiện chiến với phương pháp và kỷ luật bắt chước theo Pháp, và võ trang với những loại súng tối tân, mà một phần được chế tạo tại chỗ. Nhưng Cao Thắng tử trận ở Nghệ-An, còn Phan Đình Phùng kiệt sức đã chết vào năm 1895; đồ đệ của ông hoặc trốn sang Ai-Lao, hoặc bị bắt ra đầu hàng, nhưng tất cả đều bị trừng phạt nặng nề. Từ nay, miền Trung phải chịu khuất phục.

  1. Giặc Bắc-kỳ (Piraterie tonkinoise).

Danh từ “giặc” đã được người Pháp dùng để chỉ định lẫn lộn bất cứ những ai đã chống cự quân Pháp. Danh từ này có thể được áp dụng đối với các tàn quân Cờ Đen, Cờ Vàng, v.v…: hòa-ước Thiên-Tân chấm dứt tình trạng chiến-tranh giữa quân Pháp và quân nhà Thanh, nhưng các dư-đảng của giặc Cờ Đen, Cờ Vàng sau một thời gian rút vào các miền rừng núi, đã lại xuất đầu lộ diện để chống Pháp; các hoạt động của họ làm cho xứ Bắc-kỳ trải qua một giai đoạn bất an. Tuy nhiên, ta không thể coi hành động của bọn giặc Khách này như là sự thể hiện của tinh thần chống Pháp của dân Bắc-kỳ, vì họ không buông tha dân chúng vô tội nếu những người này có chút tài sản, và hoạt động chính của họ là cướp phá, buôn lậu thuốc phiện và khí giới, bắt cóc trẻ con để đem bán ở Trung-Hoa. Để dẹp bọn giặc này, chính-quyền quân-sự Pháp đã áp dụng nhiều biện pháp ([49]):

  • Từ năm 1885 đến năm 1889, bộ chỉ-huy Pháp tổ chức những đoàn quân di động (colonnes mobiles) để hành quân trên miền cao nguyên Bắc-Việt. Mỗi khi thảo phạt xong, các đoàn quân này lại rút về căn cứ. Nhưng biện pháp này không đem lại một kết quả mỹ mãn nào, vì giặc Khách ẩn trốn và chỉ hoành hành khi quân Pháp đã bỏ đi.
  • Từ năm 1890 đến năm 1894, chính-phủ bảo-hộ áp dụng chính-sách chiêu-hồi, nghĩa là kêu gọi giặc Khách qui thuận. Để đổi lấy sự qui thuận này, chính-phủ tặng họ nhiều phẩm vật và nhất là phát cho các tướng giặc những lãnh-thổ trong đó họ được quyền thu thuế và có quyền đặt tổ chức quân-sự riêng của họ mà không mảy may bị kiểm tra bởi người Pháp. Song chính-sách này cũng vẫn thất bại, vì các tướng giặc sẵn sàng phản bội khi vắng mặt quân Pháp.
  • Kể từ năm 1894 trở đi, chính-phủ bảo-hộ chia miền cao nguyên thành 4 khu quân-sự; trong mỗi khu, mọi quyền hành đều tập trung trong tay các sĩ-quan cấp tá như Servière, Pennequin, Galliéni… Ngoài công việc binh bị, các sĩ-quan này còn lo về những vấn đề hành chánh và xã hội nữa. Nhờ chính sách này mà giặc Khách mới được dẹp yên dần.

Bên cạnh các giặc Khách, sự thật đã chỉ giữ một vai trò phụ trong lịch sử chính-trị Việt-Nam, còn có những đoàn quân kháng-chiến Việt-Nam trong bao nhiêu năm trời đã chống lại chính-phủ bảo-hộ. Các đoàn nghĩa-quân này hoàn toàn khác với giặc Khách, tuy có vài tác giả Pháp đã cố ý đồng hóa họ với giặc Khách ([50]). Họ có căn cứ điểm trong các dãy núi từ Sơn-Tây ra biển: Ba-Vì, Tam-Đảo, Đông-Triều, Yên-Thế, v.v…, và cả trong miền trung châu nữa. Tại những vùng này, họ đều lợi dụng địa thế để áp dụng lối đánh du-kích, tấn công các đồn, phục kích các đoàn tuần tiễu, đốt phá các xóm làng đã qui phục người Pháp. Nếu trên miền cao nguyên, họ có đủ điều kiện thiên nhiên để thành công, thì trong miền trung-châu, họ lại được sự ủng hộ của dân chúng.

Các đội nghĩa-quân này có nhiều khí giới, có kỷ luật, được chỉ huy bởi những vị lãnh tụ có khí phách. Ví dụ, giữa năm 1885 và 1891, tất cả miền Hải-Dương đã được Nguyễn Thiện Thuật kiểm tra; cùng một lúc, các lãnh-tụ khác như Đốc Tít ở vùng Đông-Triều, Đề Kiều ở vùng Hưng-Hóa, Đốc Ngữ ở vùng Yên-Thế, đều đồng lọat khởi nghĩa. Nhưng dần dần, quân Pháp và quân của Hoàng Cao Khải, được cử làm Tiễu-phủ-sứ, đã thắng được các đoàn nghĩa-quân. Năm 1892, Nguyễn Thiện Thuật phải bỏ trốn qua Trung-Hoa; các bộ hạ của ông bị bắt, hoặc bị giết: sự kháng cự tại miền châu thổ chấm dứt dần.

Từ năm 1892 trở đi, chỉ còn Hoàng Hoa Thám tiếp tục chiến đấu chống Pháp mà thôi ([51]). Cho đến năm 1897, từ căn cứ ở Yên-Thế của ông. Hoàng Hoa Thám xâm chiếm Bắc-Giang, Thái-Nguyên, Hưng-Hóa. Ba lần quân Pháp vây bắt, nhưng cả ba lần con hùm xám Yên-Thế đều thoát được cả. Nhờ vậy, Đề Thám đã nổi tiếng và chính-phủ bảo-hộ đã phải thương lượng với ông: năm 1897, để đổi lấy sự cai quản một lãnh thổ gồm 22 làng trong vùng Yên-Thế, Đề Thám chịu đặt khí giới. Phải đợi đến năm 1909, sau khi tổ chức xong một hệ thống đường sá và đồn binh, chính-phủ bảo-hộ mới lại tìm cách diệt trừ Đề Thám. Bị bao vây và bị phản bội, Hoàng Hoa Thám chết năm 1913; với cái chết của ông, chấm dứt giai đoạn chống Pháp bằng khí giới.

Sự kháng cự bằng khí giới đã hoàn toàn thất bại. Muốn thành công, sự kháng cự phải có tính cách quốc-gia, phải được dân chúng ủng-hộ. Nhưng phong trào đã lại thiếu một sự lãnh đạo trung-ương; các đoàn nghĩa-quân thường được tổ chức theo khuynh hướng địa-phương, tự trị. Các vị lãnh-tụ thường chỉ gây được uy tín trong những vùng tại đó họ xuất thân, chứ không có ảnh hưởng trên những lãnh thổ rộng lớn; tinh thần địa phương của họ quá mạnh, nên họ thường chống đối sự thống nhất phong-trào kháng-chiến trên một qui mô rộng lớn. Khi những vị lãnh-tụ này chết đi hay bị bắt, thì đồ đảng của họ hoặc giải tán, hoặc đầu hàng. Họ cũng không chú trọng đến việc gây ảnh hưởng chính-trị trong khối quần chúng, trừ Nguyễn Thiện Thuật đã cố gắng kêu gọi dân quê Hải-Dương tham dự cuộc chiến đấu quốc-gia.

Thêm nữa, các đội nghĩa-quân tuy là những đội quân ái-quốc, một lòng chống Pháp, đã không được lòng của dân quê nhiều lắm. Để có phương tiện sống và chiến đấu, họ thường cướp phá và bóc lột dân làng. Vì thế, quân nổi loạn cũng có nghĩa là giặc cướp.

Sự phát triển của phong-trào chống Pháp còn bị ngăn chặn bởi những mâu thuẫn nội-bộ của xã-hội Việt-Nam nữa. Các sự mâu thuẫn này bắt nguồn từ sự ly khai của đoàn thể tín-đồ Thiên-chúa-giáo và của các dân tộc thiểu số. Các giáo-dân là những nạn nhân đầu tiên của các cuộc khởi nghĩa; do đó, họ cảm thấy phải tự vệ trước các sự tàn sát mà nghĩa-quân cổ động. Bản năng tự vệ của họ khiến họ thông báo tin tức cho quân Pháp dẹp phong-trào Văn-thân tại miền Trung. Ở Bắc-Việt, linh-mục Triêm tổ chức miền công giáo Phát-Diệm và cộng tác với chính-quyền bảo-hộ ([52]).

Sự qui phục chính-quyền bảo-hộ của các dân tộc thiểu số phù hợp với khuynh hướng lịch sử của các giống dân này: không bao giờ họ đã chịu nhận quyền lực của người Kinh. Nhờ vậy, Galliéni đã có thể áp dụng một chính-sách chia rẽ chủng-tộc (politique des races): các quan viên người Việt tại các miền thượng-du đã bị sa thải, và thay thế bởi các đầu-mục của các bộ-lạc người Thượng. Chính sách này đã khiến người Thượng đứng về phía người Pháp. Người Mường đã giúp bắt vua Hàm-Nghi; các bộ-lạc Thái của Đèo Văn Trí, các bộ-lạc Mán, Mèo, Nùng và Thổ đã cắt đứt các sự lien lạc của quân kháng-chiến với Trung-Hoa, làm cạn nguồn cung cấp khí giới của họ. Thêm nữa, quen thuộc với miền rừng núi, dân Thượng đã giúp quân Pháp chiến tranh phản du-kích một cách hữu hiệu.

 

THƯ MỤC SƠ LƯỢC

BLANCHARD Marcel, “Correspondance de Félix Faure touchant les affaires coloniales (1882-1898)”, Revue d’Histoire des Colonies, 1955, tr. 133-185.

CHAVANAY P., “La conquête de l’Indochine et le capital financier, (1873-1885)”, Cahiers Internationaux, 1954, tr. 65-76.

DUTREB M., L’amiral Dupré et la conquête du Tonkin. Paris, 1924, xxiv-137tr.

EVANS B.-L., The attitudes and policies of Great Britain and China towards French expansion in Cochin China, Cambodia, Annam and Tongking (1858-1883). Luận án Ph.D. University of London, 1961.

GAISMAN Albert, L’œuvre de la France au Tonkin. Paris, 1906, 240 tr.

GANIAGE Jean, L’expansion coniale de la France sous la Troisième République (1871-1914). Paris, Payot. 1968, 436 tr.

GAULTIER Hippolyte, Les Français au Tonkin (1787-1884). Paris, 1884, 450 tr.

GAULTIER Marcel, L’étrange aventure de Ham-Nghi empereur d’Annam. Paris, la Nef de Paris, 1959, 196 tr.

GRANDJEAN Georges, L’Epopée Jaune. Paris, Malfère, 1929, 253 tr.

HUAN LAI CHO, Les origines du conflit franco-chinois à propos du Tonkin jusqu’en 1883. Saigon, 1938, 240 tr.

MAROLLES, Le prologue de la conquête du Tonkin. Paris, Plon, 1932.

MARQUET J. và NOREL J., “L’occupation du Tonkin par la France (1873-1874)”, Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, 1936, tr. 5-199.

MARQKET J. và NOREL J., Le drame tonkinois (1873-1974). Deuxième étude d’après des documents inédits. Hanoi 1938, 204 tr.

MURPHY Agnes, The ideology of French imperialism (1871-1881). Washington, 1948, viii-241 tr.

PEYSONNAUX H. và BÙI VĂN CUNG, “Le traité de 1874”, Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1920, tr. 365-384.

PEYSONNAUX H. và BÙI VĂN CUNG, “Journal de l’ambassade envoyée en France et en Espagne par S.M. Tự-Đức”, Bulletin des Amis du Vieux Huế. 1920, tr. 407-444.

POWER Thomas F., Jules Ferry and the renaissance of French imperialism. New York, 1944.

RIVIERE Armand, La guerre aves la Chine. La politique coloniale et la question du Tonkin. Paris, 1883, 24 tr.

SOGNY L., “M. Rheinart, premier chargé d’affaires à Huế: journal, notes et correspondance”, Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1943, tr. 1-246.

Nhận xét