THĂM NHÀ CỔ TRẦN BÁ THẾ Ở CÙ LAO TÂN LỘC – CẦN THƠ

 


Cách trung tâm TP Cần Thơ hơn 40km với khoảng 15 phút qua phà, cù lao Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt) không chỉ hấp dẫn du khách bởi những vườn cây ăn trái trĩu quả, xanh mát, mà còn ấn tượng với những ngôi nhà cổ kính, mang đậm nét văn hóa của vùng đất Tây Nam Bộ. Tân Lộc hiện còn lưu giữ khoảng 10 căn nhà cổ lớn mang nhiều phong cách kiến trúc khác nhau. Trong đó không thể không nhắc đến Nhà Cổ Trần Bá Thế là một trong những ngôi nhà cổ nhiều tuổi đã hàng trăm năm tuổi, mang đậm kiến trúc xưa nơi miền sông nước Cửu Long, nhưng đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn, từ kiến trúc lai Pháp đến những vật dụng nội thất trong nhà và nhiều loài cây cổ thụ.

Ngôi nhà do Hội đồng Trần Thiên Thoại (Long Xuyên) – thân phụ ông Trần Bá Thế xây dựng và hoàn thành năm 1935. Vừa đặt chân đến thăm, du khách sẽ thấy ngay từ vẻ ngoài của ngôi nhà, đã toát lên vẻ giàu có một thời của chủ nhân. Hay nói cách khác, sự bề thế chuẩn mực của một ngôi nhà Nam Bộ thời hoàng kim được thể hiện khá rõ.

Toàn cảnh nhà cổ

Phảng phất kiến trúc phương Tây, thường thấy ở các ngôi nhà thế phiệt của những người Nam Bộ giàu có thời xưa, song ngôi nhà vẫn đậm hồn Nam Bộ bởi mái lợp, vòm cửa trạm trổ phù điêu với hoa văn sắc nét và tinh tế.

Nhà có 3 căn bố cục liên hoàn trong khuôn viên rộng, gồm: nhà trước, nhà sau và nhà bếp. Điểm khác biệt của nhà này so với các nhà cổ khác ở Tân Lộc là hai đầu hàng hiên thuộc hai chái 2 bên nhà có 2 phòng nhỏ, diện tích 10m2, dùng làm phòng đọc sách cho gia đình.

Cấu trúc kiến trúc của ngôi nhà với ô cửa cao, trần cao với những chiếc đèn lồng bằng gỗ tinh xảo, khiến cho không gian vừa thoáng mát, vừa rất nghệ thuật theo một cách riêng đúng kiểu cách của người Nam Bộ xưa.

Bên trong, nội thất được bày trí khéo léo, với nhiều cổ vật còn nguyên tựa như “bảo tàng cổ vật” thu nhỏ: trần có treo những chiếc đèn lồng bằng gỗ theo phong cách Trung Hoa vào khoảng cuối thế kỷ 19, đèn măng-sông, đèn dầu lửa Hoa Kỳ ở những năm đầu thế kỷ 20, những bàn ghế, chén dĩa, bình hoa được chạm khắc tinh xảo.

Đặc biệt, gian thờ gia tiên, phụ mẫu, người thân với 5 tủ thờ gỗ chạm được cẩn ốc xà cừ khá công phu cùng những liễn đối, tranh thờ, khánh thờ… toát lên hồn dân tộc với vẻ cổ kính, uy nghiêm. Đối diện với gian thờ, trên bức tường phòng khách treo bảng “tông chi” 10 đời của họ tộc bên nội và bên ngoại như lời nhắc nhở con cháu nhớ đến cội nguồn, tiên tổ.

Bên cạnh đó là bức ảnh đen trắng phóng to chụp gia đình Hội đồng Thoại trước cửa căn nhà cách đây gần 80 năm- lúc ông Sáu khoảng mười ba, mười bốn tuổi- như một minh chứng sống động về sự tồn tại của căn nhà với thời gian.

 Trước hiên nhà là khoảng sân vừa rộng với những cây cảnh vẻ cũng nhiều tuổi, tạo dáng mềm mại. Đi du lịch Cần Thơ về thăm miền đất Nam Bộ, những căn nhà cổ luôn dễ làm du khách mang cảm giác bâng khuâng về một thời.

Đến thăm ngôi nhà cổ của ông Trần Bá Thế cũng vậy, chắc chắn những bâng khuâng bồi hồi ấy hiển hiện thật rõ ràng. Không gian bình yên nhưng nhuộm đầy dấu tích của một thời Nam Bộ xưa.

Đi du lịch Cần Thơ, đến thăm cù lao Tân Lộc rồi ghé nhà cổ ông Trần Bá Thế mang lại cho du khách nhiều cảm xúc mới lạ. Một không gian bình yên in dấu nhiều dấu tính của một thời vàng son khiến du khách không khỏi bâng khuâng, bồi hồi. Vẻ đẹp mộc mạc của ngôi nhà cổ cứ níu chân chẳng muốn rời đi…

Những căn nhà cổ ở Tân Lộc đâu chỉ đẹp ở đường nét kiến trúc cổ kính, ở những cổ vật quí báu… mà còn đẹp bởi lối sống gia đình đậm nghĩa tình, giàu truyền thống… Đó cũng chính là hồn phách của nhà cổ, là vốn quí của xứ sở cù lao.

Nhận xét