23 Tháng Mười, 2019
Những công trình đầu tiên được người Pháp xây dựng ở Sài Gòn đến nay đã thay đổi hoàn toàn hoặc vẫn còn nguyên vẹn, thành biểu tượng của thành phố.
Xin mời bạn đọc xem lại hình ảnh xưa và nay của các công trình tiêu biểu này sau đây.
Bưu điện Sài Gòn
Khi chiếm được Sài Gòn (1859), thực dân Pháp đã thiết lập hệ thống thông tin liên lạc. Năm 1860, “Sở dây thép” Sài Gòn (tức bưu điện) được thành lập.
Năm 1886, bưu điện Sài Gòn được xây lại, thay thế cho “Sở dây thép”. Công trình hoàn thành năm 1891, mang phong cách kiến trúc châu Âu kết hợp với nét trang trí châu Á. Phía trước bưu điện trang trí theo từng ô hình chữ nhật, trên đó ghi danh những nhà phát minh ra ngành điện tín và ngành điện.
Nhà ga xe lửa
Khi người Pháp vào Sài Gòn, họ đã nhanh chóng xây dựng hệ thống xe lửa. Tuyến đường sắt đầu tiên ở Việt Nam dài 70 km, nối Sài Gòn với Mỹ Tho hoạt động năm 1885 sau bốn năm xây dựng. Nhà ga xe lửa ở Sài Gòn khi ấy ở vị trí công viên 23/9 hiện nay. Nhà ga này tồn tại đến năm 1978 thì được di dời về Hòa Hưng (quận 3) và chuyển thành công viên, bến xe buýt như hiện nay.
Cầu Mống
Cầu Mống bắc qua kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, nối quận 1 và quận 4 do công ty Levallois Perret (tức Eiffel cũ) thi công từ năm 1893-1894, là cầu có trụ móng đầu tiên ở Sài Gòn.
Cầu dài 128 m, rộng 5,2 m, được xây bằng thép kiên cố. Thành cầu uốn cong có những khoảng trống, sơn xanh (ban đầu cầu có nước sơn màu đen). Hình dáng vòng cung giống cầu vồng nên người dân gọi tên là cầu Mống.
Trong giai đoạn thi công Đại lộ Đông – Tây và Đường hầm sông Sài Gòn, cầu được tháo dỡ hoàn toàn. Sau khi công trình này hoàn tất thì nó được lắp ghép lại theo nguyên bản và gia cố thêm phần trụ móng kèm trang bị chiếu sáng mỹ thuật.
Nhà thờ Sài Gòn
Khi quản lý Sài Gòn, bên cạnh xây dựng hệ thống bưu điện, cầu đường… người Pháp không quên lập nhà thờ, làm nơi cử hành thánh lễ cho người theo đạo Công giáo. Trên khu đất vốn là ngôi chùa nhỏ của người Việt, năm 1863, linh mục Lefebvre đã động thổ xây dựng nhà thờ đầu tiên bằng gỗ, hoàn thành vào năm 1865, gọi là nhà thờ Sài Gòn.
Vị trí nhà thờ ở ngay cạnh con Kinh Lớn, sau người Pháp đổi tên thành kinh Charner. Đến năm 1887, con kinh được lấp, trở thành đại lộ Charner, tức đường Nguyễn Huệ ngày nay.
Trước đó, do nhà thờ làm bằng gỗ tạp nên sớm hư hại, Thống đốc Nam kỳ quyết định tổ chức thi thiết kế mẫu nhà thờ Sài Gòn mới. Cuối cùng bản vẽ của kiến trúc sư J.Bourad đã được chọn, và đó cũng là hình dáng của Nhà thờ Đức Bà ngày nay.
Năm 1885, tòa Hòa giải dùng làm nơi để phân xử án được người Pháp xây dựng trên nền nhà thờ gỗ. Công trình này tồn tại đến năm 1995 thì bị phá bỏ để xây cao ốc như hiện nay.
Hồ Con Rùa
Năm 1878, một tháp nước được xây tại vị trí Hồ Con Rùa ngày nay để phục vụ nhu cầu cung cấp nước uống cho cư dân trong vùng. Đến năm 1921, tháp nước bị phá bỏ và thay vào đó là tượng đài.
Tượng đài tồn tại đến năm 1956 thì bị Chính quyền Việt Nam Cộng hòa phá, chỉ còn lại hồ nước nhỏ. Năm 1967, Hồ Con Rùa với hình dáng như ngày nay được xây dựng và trở thành vòng xoay và đươc đặt tên chính thức là Công trường Quốc tế.
Do ở đây có con rùa bằng đồng đội bia đá nên người dân quen gọi với cái tên Hồ Con Rùa. Đầu năm 1976, tấm bia và con rùa bị phá hủy trong một vụ nổ nhưng người dân vẫn quen cách gọi cũ thay vì tên chính thức.
Bùng binh đầu tiên ở Sài Gòn
Bùng binh đầu tiên ở Sài Gòn nằm ở góc đường Bonard – Charner (Lê Lợi – Nguyễn Huệ), có vị trí đắc địa, sầm suất nhất Sài Gòn cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Bùng binh có từ sau khi con kinh Lớn được lấp thành đại lộ Charner. Người dân hay quen gọi bùng binh với cái tên Bồn Kèn.
Qua thời gian, giao lộ Lê Lợi – Nguyễn Huệ được người dân Sài Gòn gọi là Bùng Binh Cây Liễu bởi vòng xoay lúc nào cũng được phủ kín bởi những cây liễu. Ở giữa bùng binh là một đài phun nước. Ngay tại góc bùng binh này là nơi tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ. Ở đây còn có Thương xá Tax, nơi buôn bán sầm uất bậc nhất thành phố.
Hiện vị trí bùng binh này đã trở thành phố đi bộ Nguyễn Huệ từ năm 2015, còn Thương xá Tax cũng bị dỡ bỏ để xây trung tâm thương mại mới.
Bót Catinat
Tòa nhà nằm ở đầu đường Đồng Khởi (xưa tên Catinat), cạnh nhà thờ Đức Bà là nhà tù đầu tiên do người Pháp xây ở Sài Gòn. Trại giam được xây dựng năm 1881, ở vị trí gần với tòa án để có tiện giải tù nhân đến tòa. Người dân thường quen gọi trại giam với cái tên bót Catinat.
Khi khám lớn (nay là thư viên Tổng hợp TP.HCM) hoàn thành, công trình này được sử dụng làm trụ sở của Sở Mật thám Nam Kỳ, Sở thuế, Kho bạc. Từ năm 1955 – 1975 là trụ sở Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng Hòa. Hiện tại tòa nhà này là Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM.
Nhà hát
Nhà hát được khởi công năm 1898 và hoàn thành sau hai năm, là nơi trình diễn ca nhạc kịch cho Pháp kiều xem. Năm 1956, nơi đây được dùng làm trụ sở Hạ nghị viện của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Đến tháng 5.1975, trở thành nhà hát thành phố đến nay.
Continental – khách sạn đầu tiên ở Sài Gòn
Continental – khách sạn đầu tiên ở Sài Gòn được ông Pierre Cazeau – nhà sản xuất vật liệu xây dựng và đồ gia dụng – khởi công năm 1878 và hoàn thành sau 2 năm. Kiến trúc, nội thất cũng như cách bài trí đều theo tiêu chuẩn của một khách sạn hạng sang tại Paris.
Khách sạn là nơi dừng chân của các viên chức, sĩ quan cao cấp của Pháp đến công tác xứ thuộc địa. Từ năm 1955 nhiều nhà văn, nhà báo, chính khách nghỉ ở khách sạn để thảo luận, tình báo… về chiến tranh Việt Nam. Sau năm 1975, khách sạn đổi tên thành Hải Âu cho đến năm 1990 thì trở lại tên cũ.
Nhà thương Chợ Quán
Năm 1862, bệnh viện đầu tiên của Sài Gòn được xây dựng, mang tên Chợ Quán. Bệnh viện tọa lạc ở khu đất 5ha, đối diện kênh Tàu Hủ, tiền thân là nền cũ trạm cứu thương của thực dân Pháp khi đánh đồn Chí Hòa.
Từ 1954 đến 1957, hai trong ba cơ sở bệnh viện được sử dụng làm nơi điều trị bệnh lao cho binh lính và đổi tên thành Viện bài lao Ngô Quyền. Cuối năm 1957, bệnh viện được trả về cho dân sự, lấy lại tên ban đầu là Bệnh viện Chợ Quán.
Năm 1972, khu nhà chính 6 tầng của bệnh viện được xây dựng như hiện tại. Công trình với sự trợ giúp của Hàn Quốc, hoàn thành sau 2 năm và mang tên mới là Trung tâm Y Khoa Hàn – Việt. Sau năm 1975 bệnh viện được gọi bằng tên cũ. Đến năm 1989, UBND TP HCM đổi thành Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Nhận xét
Đăng nhận xét