Để hiểu thêm về tính cách người Sài Gòn, có lẽ nên nhìn qua những con người cụ thể, nhưng con người đã từng để lại dấu ấn trong tâm trí của nhiều thế hệ. Khó lý giải tại sao thế hệ trước đây lại có những hành động lạ lùng đến thế. Hiểu sao về nhân vật Phan Xích Long? Mới ngoài 20 tuổi, tự xưng là con trai của Vua Hàm Nghi, tự lên ngôi Hoàng Đế, đặt tên vương quốc là Đại Minh Quốc, có cả quốc kỳ là cờ vàng đính 7 ngôi sao.
Năm 1913, Phan Xích Long giương cờ khởi nghĩa. Thất bại. Bị nhốt trong Khám Lớn (Chí Hoà) . Nhưng sau đó, những binh tướng của ông lại xông vào phá Khám Lớn, hô vang khẩu hiệu: “Đại ca”! Những hình ảnh ấy không hào hùng sao? Tôi thử hình dung ra khuôn mặt của Phan Xích Long khi bị xử bắn ở Đồng Tập Trận năm 1916. Không hiểu tại sao, tôi cứ thấy trên khuôn mặt tươi trẻ ấy có nhếch nụ cười khinh bạc trước hòn tên mũi đạn! Đó là tính cách người Sài Gòn chăng?
Mới đây thôi, chừng vài chục năm trôi qua, nhưng đôi lúc ta lại tưởng như nhân vật Nguyễn An Ninh xuất hiện từ trong huyền thoại. Mỗi lúc giẫm chân trên đại lộ Lê Lợi, trong tâm trí tôi lại mường tượng ra chàng thanh niên có mái tóc bom-bê, tay ôm báo “Tiếng Chuông Rè”, miệng rao lanh lảnh: “Báo đây! Báo đây!”. Mới ngoài 20 xuân, nhưng ông lại diễn thuyết bằng tiếng Pháp, từng vào tù ra khám vì hoạt động chính trị. Dù là con nhà giàu, từng đi Tây, học giỏi và yêu tư tưởng “Tự do, bình đẳng, bác ái” của Cách mạng Pháp, nhưng ông sẵn sàng chống lại thực dân Pháp. Lạ thật, đó là con người của tư tưởng, lại cũng là con người của hành động. Nếu cần thì ông cạo trọc đầu đi tu, đi bán dầu cù là và thành lập Đảng Thanh niên Cao Vọng! Nếu cần thì ông sẵn sàng ra chợ Bến Thanh đứng bán hàng rao với dòng chữ tự tin, bản lĩnh:“Năm nay còn ăn Tết được”. Điều gì đã hun đúc nên khí phách Nguyễn An Ninh? Thật khó trả lời.
Tôi sực nhớ đến Lý Tự Trọng trước khi bước lên máy chém đã cất cao tiếng hát: “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian…”. Tôi sực nhớ đến Nguyễn Văn Trỗi khi bị xử bắn, giật phứt khăn bịt mắt để nhìn thẳng vào nòng súng của kẻ thù. Đó là những tính cách của người Sài Gòn chăng. Nhà văn Vũ Hạnh có lý khi cho rằng: “Dù biến thể cách nào, tính cách anh hùng là một truyền thống lâu đời của người Sài Gòn, và truyền thống ấy vẫn còn luân lưu ở trong huyết quản của họ. Theo các sách sử thì đa số người miền Nam ngày xưa là người dân Việt từ Nghệ Tĩnh trở vào. Tuy anh hùng tính là một bản sắc rõ nhất của giống nòi ta, vì ở nơi đâu trên xử việt này cũng không thiếu những anh hùng, nhưng phải thừa nhận rằng con người Nghệ An, Hà Tĩnh có những biểu hiện cá tính rất là mạnh mẽ, dễ tìm thấy trong biểu lộ cá tính của người Sài Gòn hay người miền Nam, dù cách bày tỏ đã bớt gay gắt hơn nhiều do sự thích nghi với những sinh hoạt mới lạ”.
Điều gì đã góp phần tạo nên tính cách người Sài Gòn? Vì yêu công lý chăng? Nhà văn hoá lớn của đất Gia định xưa là Trịnh Hoài Đức đã có nhận xét: “Nhân dân ở đây khinh rẻ tiền của, nhưng rất mộ công lý”. Điều này khiến tôi nhớ đến chàng Lục Vân Tiên “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả” của cụ Đồ Chiểu. Và tính cách của cụ Đồ Chiểu cũng là tính cách của người Sài Gòn chứ sao? Khi thực dân Pháp mua chuộc bằng cách trả lại đất đai của cụ, cụ đáp: “Nước chung đã mất thì đất riêng làm sao còn?”
Người Sài Gòn cũng giàu nhân nghĩa, và đề cao tinh thần tôn sư trọng đạo. Sau hoà ước 1862, những sĩ phu yêu nước ở Nam Kỳ đã dấy lên phong trào “Tị địa”, họ chọn Vĩnh Long, Bình Thuận để làm nơi tiến hành các hoạt động cứu nước, chứ không thèm ở trong vùng đất mà giặc đã tạm chiếm. Trong khi đó, mộ của bậc Gia Định Xử võ sĩ Võ Trường Toản còn nằm trong đất giặc, thế là đám môn sinh đã dời mộ cụ về làng Bảo Thạnh (Vĩnh Long). Tinh thần tôn sư trọng đạo như thế thật hiếm có thay. Đối với cụ Phan Châu Trinh, những năm tháng cuối đời đã được nhân dân Sài Gòn đùm bọc chí tình. Lúc cụ mất, Hội tương tế Nghĩa trang Gò Công đã dành một phần đất để an táng cụ. Và cũng từ Sài Gòn này, đám tang Phan Châu Trinh đã lan rộng cả nước để trở thành quốc tang, và là một trong vài sự kiện đáng chú ý nhất của năm 1926.
Mới đây nhất, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã làm lễ trang trọng đặt tên đường Nguyễn Hữu Cảnh – người có công lớn khi vào Nam kinh lược năm 1698. Thật ra, không phải đợi đến thế kỷ 17 người Việt mới đặt chân tới vùng đất : “Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh” rồi:
Chèo ghe sợ sấu cắn chưn
Xuống sông sợ đỉa, lên rừng cọp um.
mà có thể trước đó rất lâu, nhưng đến nay thế hệ hậu sinh vẫn ghi nhớ công ơn của Nguyễn Hữu Cảnh. Xin hãy nghe nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng lý giải – mà qua đó chúng ta có thể hiểu thêm về phần nào tính cách người Sài Gòn: “Ông thuộc lớp khai cơ – theo nghĩa người đầu tiên bố trí hệ thống quản lý Nhà nước trên miền đất mới. ý nghĩa quan trọng nhất của việc làm này nằm ở chỗ dân lưu tán được thừa nhận là công dân của Việt Nam, ruộng đất khai phá được vào sổ bộ chính thức, làng mạc được bảo vệ như mọi làng mạc của lãnh thổ VN. Sự xác lập cương vực quốc gia đã tránh ít nhất về mặt pháp lý những mối đe doạ an toàn từ bên kia biên giới. Cho nên dân khai hoang xem ông như người đại diện của Tổ quốc. Ông thoả mãn cả yêu cầu quyền lợi, lẫn tình cảm của dân lưu tán. Có thể nói , ý thức quốc gia, dân tộc của dân lưu tán đã tôn vinh Nguyễn Hữu cảnh”.
Rõ ràng ở đây, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn ” rất rõ nét trong tình cảm người dân Sài gòn và cả dân miền Nam nói chung.
Khi đề cập đến tính cách của một dân tộc, không thể tách rời vị trí địa lý của vùng đất mà dân tộc đó đã sinh sống từ nhiều năm tháng. Với Sài Gòn, có vị trí tốt, là cảng biển để dễ dàng giao lưu nhiều nguồn văn hoá, mà tạo nên dấu ấn Sài Gòn. Chính vì sự giao lưu rộng rãi này sẽ lý giải vì sao bài thơ mới đầu tiên trong lịch sử thi ca VN chỉ có thể ra đời đầu tiên tại Sài Gòn. Đó là bài Tình già của Phan Khôi in trên Phụ Nữ Tân Văn số 122 (10/3/1932). Bài thơ in trên báo phát hành tại Sài Gòn nhưng tiếng vang khắp vùng trong cả nước.
Tính cách của bà chủ bút tờ báo này là tính cách phổ biến của người Sài Gòn: Năng động, nhạy cảm thích nghi với cái mới, cái tiến bộ – nên mới dám in bài thơ đã vượt khỏi niêm luật cổ điển từ ngàn năm trước. Khi cái cũ, lỗi thời, lạc hậu thì họ dám bỏ một cách dứt khoát, không chần chừ – nói như GS. Trần Văn Giàu thì “đã tròn thì rất tròn, đã vuông thì rất vuông, dứt khoát rõ ràng, như rựa chém đất, không lắt léo, khó hiểu”. Tôi chỉ là một người yêu Sài gòn mà có đôi điều nhận xét nông cạn và hời hợt này. có ai lại trách gã si tình tỏ tình lắp bắp một cách thành thật, trước người đẹp mà gã quá yêu.
Lê Minh Quốc
Nhận xét
Đăng nhận xét