- Trụ sở TAND TP.HCM (mang tên Palais de Justice de Saigon thời Pháp) được xây dựng năm 1881, đến năm 1885 thì khánh thành. Công trình do hai kiến trúc sư người Pháp là Jule Bourard thiết kế phần kiến trúc và Alfred Foulhoux thi công phần trang trí mỹ thuật.
Toàn cảnh trụ sở TAND TP.HCM nhìn từ trên cao
Toàn cảnh trụ sở TAND TP.HCM nhìn từ trên cao
Những điểm độc đáo
Phong cách chiết trung được thể hiện trong bố cục công trình tuy đăng đối, nghiêm trang như những công trình hành chính, cơ quan quyền lực của chính quyền Pháp cùng thời (như dinh Norodom hay tòa án Paris ở Pháp), nhưng về hình thức, thiết kế tòa nhà không tuân theo những luật lệ trước đó mà pha trộn giữa cái cũ với cái mới, giữa phương Đông và phương Tây, giữa sự khoa trương và khiêm tốn, ồn ào và yên tĩnh, có thể nói là pha trộn giữa mọi phong cách.
Bản vẽ của tòa nhà trong hồ sơ gốc.
Tòa nhà gồm một trệt và một lầu, mỗi tầng cao 6,2m. Mái lợp ngói với độ dốc lớn, kết cấu đỡ mái gồm khung thép và gỗ. Phía dưới tòa nhà có tầng bán hầm để làm kho lưu trữ và phòng lưu phạm nhân trong quá trình xét xử.
Cũng giống như dinh Thượng Thơ, mặt bằng tòa nhà với bốn mặt đều có dãy hành lang chạy xung quanh nhà để cách ly, che mưa che nắng, tạo không gian thoáng mát cho các phòng làm việc. Các chi tiết hành lang, lan can, con triện, cầu thang gỗ, cột tròn Ionic vẫn thường thấy ở các công trình của Pháp xây dựng vào thời kỳ đầu tại Sài Gòn (trước năm 1900).
Tòa án Sài Gòn (Ảnh tư liệu do KTS Cao Thành Nghiệp cung cấp).
Tòa nhà được xây dựng cách đây hơn 130 năm nên công trình xuống cấp nhiều, nhất là hệ mái và kết cấu đỡ mái hư hỏng nặng do trong quá trình sử dụng lâu dài không được trùng tu mà chỉ sửa chữa chống dột... Nhưng tòa nhà này đã được chính những người ngồi làm việc trong đó hiểu được vẻ đẹp và tầm quan trọng kiến trúc của nó.
Lãnh đạo Tòa án tối cao khi ấy là ông Trương Hòa Bình - chánh án TAND tối cao, nay là Phó thủ tướng Chính phủ - đã xúc tiến nhiều việc để công trình được lập hồ sơ công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2012. Sau đó, ngày 27-3-2016, công trình được khởi công tu bổ bảo tồn. Toàn bộ ekip thực hiện dự án bảo tồn này là người Việt, và các vật liệu sử dụng trùng tu đều được lấy tại VN.
Đó cũng là một quá trình tu bổ, phục dựng gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi vừa thi công vừa phải đảm bảo các hoạt động xét xử diễn ra bình thường cho Tòa án thành phố và Tòa án cấp cao. May mắn là chủ đầu tư của dự án này - TAND TP.HCM và lãnh đạo Tòa án tối cao - đã theo sát diễn tiến, yêu cầu cho phục dựng nguyên trạng các chi tiết kiến trúc, mỹ thuật được phát hiện, khắc phục hết mọi tình trạng xuống cấp của công trình trước đây.Trong suốt quá trình tu bổ từ đó đến nay, chúng tôi phát hiện nhiều chi tiết mới lạ của tòa nhà như tranh tường, cửa đi, cửa sổ, chi tiết trang trí, phù điêu hoa văn mới hết sức ý nghĩa và ấn tượng, tiết lộ nhiều điểm về đặc điểm nền tư pháp và hoạt động xét xử trong thời Pháp.
Mặt trước cổng là phù điêu nhiều ý nghĩa
Mặt trước cổng là phù điêu nhiều ý nghĩa
Khi kiến trúc đi cùng pháp luật
Đến nay, việc phục hồi cổng vào tòa án đã hoàn tất. Đó là cổng sắt bốn cánh được nhập từ Pháp bằng thép đúc rất nặng, có thể mở vào trong hay ra ngoài linh hoạt bởi một trụ thép nằm giữa. Trên đầu trụ thép có đèn chiếu sáng cho lối vào ban đêm. Hai bên cổng là hai trụ cột vuông mỗi cạnh 1m.
Trên hai trụ cổng là đầu tượng nữ - biểu tượng của cuộc cách mạng 1789 của Pháp - nàng Marianne. Chúng ta thường thấy hình ảnh nàng Marianne xuất hiện trên nhiều tài liệu, văn bản chính thức của Chính phủ Pháp, trên tem thư và các đồng tiền xu. Trên đầu tượng là một con nhân sư ngự trị, có đôi cánh thể hiện sức mạnh của pháp luật có thể vươn tới bất cứ nơi đâu.
Bức tượng thể hiện biểu tượng của cuộc cách mạng 1789 của Pháp - nàng Marianne.
Tượng được đặt trên một cuốn sách thể hiện một văn bản luật, một bộ luật, một khế ước xã hội đặt ra để quản lý con người và mọi hoạt động chi phối trong xã hội. Phía dưới cuốn sách là các bông hoa, chi tiết hoa văn thể hiện những bàn tay nâng đỡ cuốn sách (bộ luật) với ý nghĩa chính con người đã viết nên những bộ luật để quản lý xã hội chứ không phải thần thánh.
Bên dưới là tượng đầu con sư tử, hình ảnh mà ta bắt gặp hầu hết trong các cơ quan công quyền của Pháp và châu Âu. Tượng đầu con sư tử với miệng sư tử bị xích lại thể hiện ý nghĩa quyền lực phải cần được kiểm soát.
Dưới cùng là hệ thống họa tiết hoa văn trang trí, trong đó có nổi bật hai chi tiết: bên trái là một thanh kiếm, thể hiện công lý phải được thực thi, đối xứng thanh kiếm là một cành cây thể hiện sự mềm dẻo trong ứng xử của pháp luật, tính chất khoan hồng của pháp luật. Ở giữa là hai chữ cái RF (République Française - Cộng hòa Pháp). Tất cả các chi tiết đều đối qua một trục, thể hiện tính chính nghĩa, nghiêm minh.
Cổng Tòa án Nhân dân TPHCM sau khi được trùng tu.
Nổi bật nhất trong tòa nhà là hệ thống tượng phù điêu trên đỉnh mái, hệ thống các hoa văn, họa tiết, phù điêu. Tiêu biểu là tượng thần Công lý, tay phải cầm kiếm, tay trái để lên cuốn sách luật (CODE - bộ luật). Hai bức tượng người ngồi hai bên, một là tượng người phụ nữ búi tóc cao, tay cầm nón, thể hiện hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với phong thái nhẹ nhàng, nữ tính, hiền dịu; tượng người đàn ông đầu đội khăn đóng với nét mặt nghiêm trang, chăm chú, thể hiện tính chính trực, thẳng thắn, nghiêm trang.
Những người dựng cụm tượng này muốn thể hiện một tổng thể ý nghĩa của pháp luật: ngoài tính nghiêm minh, cần có tính khoan hồng, ngoài việc vận dụng các quy định của pháp luật, sự xét xử cần phải có người dân tham gia.
Khu vực trùng tu gần xong, sáng lòa, rực rỡ
Khu vực trùng tu gần xong, sáng lòa, rực rỡ
Đi thẳng vào sảnh, ta có ba ô cửa chính với các chi tiết hoa văn độc đáo. Các cánh cửa được nhập từ Pháp. Bên trong là gian sảnh lớn với hai bên là hai phòng xử sơ thẩm: một là phòng xử hình sự, một là dân sự, hành chính...
Cầu thang chính được lát đá cẩm thạch nhập từ Ý. Không gian hành lang, sảnh chính tầng 2 rộng thoáng đãng, hệ thống cột Corinth xung quanh sảnh chính tuyệt đẹp. Rất nhiều họa tiết hoa văn từ trần nhà, cột, tường nhà thể hiện nét kiến trúc Hi Lạp cổ đại pha lẫn kiến trúc Phục Hưng và kiến trúc dân gian Việt Nam. Hai bên sảnh tầng 2 có bốn bệ tượng với ba pho tượng toàn thân (khuyết một tượng) thể hiện các bộ dân luật của Pháp nhưng lấy hình tượng là người Á Đông.
Cầu thang chính rộng và cao, dẫn lên các phòng xử phúc thẩm lầu trên. Hai bên cầu thang là hai tượng nữ, bên phải là tượng nữ thần Công lý cầm kiếm, bên trái là tượng nữ thần Đoàn kết. Trên đầu cầu thang là hệ thống các chi tiết hoa văn trong các truyền thuyết thần thoại Hi Lạp tuyệt đẹp. Sở dĩ hai phòng xử án tầng 1 có gam màu tối, trần cao là nhằm mục đích khiến người phạm tội sợ hãi, khuất phục nhận tội.
Hai phòng xét xử tầng 2 cũng có rất nhiều chi tiết trang trí mỹ thuật: những đầu tượng nữ thần, họa tiết hoa văn chỉ trần cùng với sơn tường giả đá màu trắng sen lẫn màu vàng hòa lẫn với ánh sáng thiên nhiên tràn ngập vào phòng xử bởi dãy cửa sổ hai bên. Tất cả các chi tiết, từ cầu thang dẫn lên sảnh chính và hai phòng xử trên này đều trang trí những họa tiết hoa văn nhằm để người phạm tội nhìn thấy sự nghiêm minh của pháp luật đồng thời với sự trong sáng, khoan hồng của công lý, để người phạm tội có thể thấy niềm hi vọng tìm lại cuộc sống.
Hai bên cánh của công trình là hai dãy phòng làm việc với hệ thống cửa đi rộng cao hơn 3m tạo thông thoáng, lấy sáng đón gió tự nhiên. Một bên là dãy phòng làm việc văn phòng của tòa, bên còn lại là các phòng hòa giải, phòng thông ngôn, phòng luật sư và các phòng giúp việc khác. Nối các phòng xử với các phòng làm việc là phòng nghị án với các dãy hành lang rộng, cao, bao quanh công trình nhằm tránh nắng mưa cho các phòng làm việc, tạo hành lang thông gió đến tất cả các phòng chức năng.
Các hoa văn tuyệt đẹp lộ ra sau lớp vôi vữa cũ.
Ở hành lang, một hệ thống cột Ionic đỡ mái thẳng tắp tựa một hàng quân đứng trang nghiêm, thể hiện sự bảo vệ vững chắc của pháp luật trước những hành vi nguy hại của con người. Hơn 130 năm qua tòa nhà vẫn cho thấy sự vững chãi, dù một số chi tiết bên trong và mái ngói đã xuống cấp trầm trọng.
Điều may mắn là trong hơn 130 năm qua, qua nhiều chế độ, công trình vẫn chỉ giữ một chức năng là xét xử. Dẫu chịu đựng sự phá hủy của thời gian và vài hoạt động ngăn chia của người sử dụng nhưng tòa nhà vẫn còn nguyên tính mỹ thuật kiến trúc thể hiện bằng câu chuyện pháp đình. Dù chỉ sử dụng gạch xây và thép hình gác lên để tạo thành dầm, sàn nhưng công trình đến giờ vẫn cho chúng ta thấy sự chắc chắn tuyệt vời.
??
Kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp.
Khi tiến hành trùng tu công trình này, tôi đồng thời có dịp ghé qua tòa nhà Dinh Thượng Thơ gần đó. Đó cũng là một công trình rất đặc biệt với nhiều công năng khác nhau (riêng cổng công trình đã là một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật mà chúng ta không thể gặp ở đâu khác trong thành phố này).
Tuy quy mô nhỏ hơn TAND TP.HCM nhưng các chi tiết công trình, họa tiết hoa văn, lan can bên ngoài cũng hết sức đặc biệt. Qua khảo sát sơ bộ, bằng kinh nghiệm chuyên môn, tôi cho rằng sự hư hỏng, xuống cấp của công trình Dinh Thượng Thơ không nặng bằng TAND TP.HCM nên việc tu bổ, phục dựng là hoàn toàn có thể.
Bảo tồn công trình Dinh Thượng Thơ trong quần thể các di tích xung quanh nó (nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Nhà hát thành phố, UBND thành phố, Bảo tàng thành phố, TAND TP.HCM...) chính là bảo tồn sự đa dạng của các nền văn hóa, ghi nhận sự phát triển và mối giao thoa văn hóa trong cuộc sống, cùng diễn tiến lịch sử của vùng đất này. Tổng thể ấy được phục hồi sẽ không chỉ mang lại lợi ích công năng sử dụng mà còn trả lại không gian ký ức của đô thị, giá trị lịch sử của Sài Gòn - TP.HCM 300 năm, giữ được cả nét đặc trưng của Sài Gòn hoa lệ - hòn ngọc Viễn Đông một thời.■
(*) Anh đã đoạt nhiều giải thưởng kiến trúc quốc gia, trong đó có giải thưởng quốc gia về bảo tồn công trình.
(*) Toàn bộ hình ảnh trong bài do KTS Cao Thành Nghiệp cung cấp.
Tầng hầm của tòa nhà cũng được gia cố, làm tăng thêm diện tích sử dụng và các chức năng phụ cho công trình, giúp tòa nhà phát triển bền vững trong tương lai mà không phải xây chen công trình phụ bên ngoài, bảo tồn được nguyên trạng công trình xây dựng trong thời kỳ đầu. Giai đoạn hai sẽ tiếp tục chỉnh trang khuôn viên công trình, tạo điều kiện tối đa để vừa đảm bảo công năng xét xử, vừa mở cửa đón người dân và du khách tham quan.
Tầng hầm đang được trùng tu. (Ảnh: Cầm Phan)
Nhận xét
Đăng nhận xét