Nhiều năm về trước tại Sài Gòn từng có một công trường mang tên Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy. Tuy nhiên sau khi làm lễ đặt tên không lâu, người ta lại gỡ biển công trường xuống… Người may mắn chụp được những hình ảnh tại Sài Gòn trong ”Lễ đặt tên Công trường JFK” là Basil Lee Baker (1916-2003), người từng tham chiến tại Việt Nam và cũng là tác giả bộ sưu tập ảnh “Lee Baker Collection”.
“Hỡi các công dân Mỹ, đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho chúng ta; hãy hỏi chúng ta có thể làm gì cho tổ quốc.” – Đó là câu nói của cố Tổng thống John F. Kennedy mà người dân Hoa Kỳ còn mãi ghi nhớ như là một lời nhắc nhở về tinh thần trẻ trung, khai phá với những lí tưởng cao đẹp của một nước Mỹ hùng mạnh được lãnh đạo bởi một vị tổng thống mới 43 tuổi, tràn đầy nhiệt huyết nhưng ra đi quá sớm.
John F. Kennedy (JFK) lên cầm quyền chưa được đầy ba năm thì bị ám sát chết tức tưởi và đầy bí ẩn. Khi tin JKF từ trần được loan đi, người Mỹ sững sờ xúc động đến tột cùng, giây phút đột ngột đó đã là một mốc thời gian mà cho đến ngày nay, sau nhiều thập niên của những bàng hoàng, oan nghiệt, người dân Mỹ vẫn thường hỏi nhau: “Where were you?” (Bạn đang ở đâu, khi nghe tin JFK lìa trần?). Khoảnh khắc thời gian như ngừng lại ở đó: 1 giờ trưa, giờ Trung bộ Hoa Kỳ ngày 22.11.1963. Đó là một ngày tang lớn của nước Mỹ.
Lịch sử gắn liền với hình ảnh của một ngày đẹp trời ở Thành phố Dallas, bang Texas, khi JFK đi thăm dân, rồi bỗng trở thành tang thương và cho đến giờ còn như sống động trong lòng người dân Mỹ.
Khi JFK bị ám sát chết thì tôi còn là một đứa bé thích bắn bi, đánh đáo, thả diều, chơi khăng… Tại Sài Gòn, tin này tôi nghe bố mẹ cùng hàng xóm loáng thoáng nói với nhau. Thực ra họ còn đang mang mang những nỗi lo cho đất nước cùng với cái chết đầy bất ngờ của cụ Ngô Đình Diệm, một vị tổng thống mà bố mẹ tôi thương mến. Tôi chỉ nhớ sau khi JFK chết, bố tôi nói một quảng trường ở Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đã được đặt tên là: “Công trường Kennedy” để tưởng nhớ vị tổng thống Mỹ.
Cụ Ngô chết đi và JFK chết đi, nước Mỹ và Đệ Nhất Cộng Hòa của những năm sau đó đầy biến động. Cuộc chiến tại Việt Nam leo thang với lính tác chiến Mỹ được đổ vào. Những vụ ám sát chính trị xảy ra ngay trên đất Mỹ: Robert F. Kennedy, em của JFK, bị giết khi đang vận động tranh cử tổng thống; Martin Luther King Jr., nhà tranh đấu dân quyền bị ám sát; rồi cả vụ Watergate đưa Richard M. Nixon xuống vực thẳm chính trị…
Tôi đã lớn lên trong một đất nước đầy yên bình dưới thời Tổng thống Thiệu, tuy nhiên vẫn mịt mù khói lửa chiến tranh và trở nên quen thuộc với tên của những người Mỹ như Robert McNamara, Lyndon Johnson, Richard Nixon, Henry Kissinger, Bunker, Martin. John F. Kennedy được nhắc đến như một anh hùng bạc mệnh, một người lãnh đạo tài giỏi của nước Mỹ với câu nói để đời trở nên phổ quát và cũng thường được truyền tụng trong giới sinh viên, học sinh Nam Việt Nam như một nhắc nhở về tinh thần phục vụ tổ quốc của người dân.
Đất nước Việt Nam sau nhiều năm chiến tranh, tưởng như đã có một hiệp định vãn hồi hòa bình, và tôi lạc quan tin tưởng hòa bình sẽ ló dạng và người người sẽ cùng góp một bàn tay xây dựng đất nước.
Buồn thay, hai năm sau miền Nam Việt Nam sụp đổ, để lại một vết đen trong lịch sử Hoa Kỳ. Còn Tổng thống Thiệu, nếu như ông không từ chức thì cũng sẽ lãnh hậu quả như cụ Ngô Đình Diệm. Năm mươi chín nghìn lính Mỹ và hàng ngàn binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ mạng và bị bức tử, cùng hàng trăm tỉ đô la đã đổ vào để cuối cùng không có ai là kẻ thắng – cả Hoa Kỳ và người dân Việt Nam…
Nhận xét
Đăng nhận xét