Sau loạn Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng cho phá hủy tòa thành do ông Olivier de Puymanel dựng dưới thời Gia Long. Thành được thay thế bằng một công trình nhỏ hơn mà sau này bị người Pháp chiếm vào năm 1859.
Tường thành cổ và kênh rạch chằng chịt
Với các bờ tường thành cổ Sài Gòn, đầu tiên hãy xuôi xuống bờ dốc bên trong, nghĩa là toàn bộ phần dưới, từ đường d’Espagne [nay là Lê Thánh Tôn - ND] đến mép sông Sài Gòn. Khu vực này vốn là một phần của châu thành thương mại An Nam xưa, với những ngôi nhà, cửa hiệu nằm rải rác và những con hẻm nhỏ xấu xí chạy ngang dọc, nó lọt trong địa phận của bốn ngôi làng, từ cửa rạch Thị Nghè đến rạch Bến Nghé, Hòa Mĩ [xưởng đóng tàu Ba Son], Tân Khai, Long Điền và Trường Hòa, giới hạn của nó là đường Mac-Mahon [nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa].
Phần phía trên thuộc làng Mĩ Hội, và đất của làng này thâu trọn cả thành. Vào thời điểm đó, xã trưởng của làng này là một trong những xã trưởng lớn nhất thành phố. Ông được phép đội mũ bonnet [hình trái bí] và có quyền hạn hành chính ngang một chánh tổng.
Làng bắt buộc phải dựng một đình, một ngôi chùa hay một ngôi nhà chung, nhà vua cử đại diện đem năm quan tiền và tặng phẩm đặt trên khay mạ vàng đến mừng lễ khánh thành những công trình đó.
Khu phố có tên Hàng Đinh (những chiếc đinh) nằm ở phần trên của đường Catinat [nay là Đồng Khởi], phía bên khách sạn Laval cho đến Dinh Thượng thơ [nay là trụ sở Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM, 59-61 Lý Tự Trọng]. Tại tòa thị chính Sài Gòn hiện tại [nay là trụ sở UBND TP.HCM, 86 Lê Thánh Tôn], có một con kênh chảy qua cống gọi là cống Cầu Dầu (cống của cây cầu dầu).
Bờ sông Sài Gòn đầy những ngôi nhà sàn. Phía dưới đường Catinat [nay là Đồng Khởi], ở chỗ nay là bến phà Thủ Thiêm, có Thủy Các (nhà gác của vua trên mặt nước), Lương Tạ [涼榭, nơi nhà vua hóng mát và lên thuyền du ngoạn], nhà tắm của vua dựng trên những bè tre nổi. Nơi này gọi là Bến Ngự (Compong-luông trong tiếng Cao Miên), bến thuyền của nhà vua.
Từ cửa sông Thị Nghè đến điểm đường de la Citadelle [nay là Đinh Tiên Hoàng - Tôn Đức Thắng], có các xưởng đóng tàu (xưởng) và đội thuyền (thủy) neo đậu phía trước.
Một cầu cảng nhô ra sông được gọi là Cầu Gọ hoặc Cầu Quan. Trước khi đến xưởng pháo binh, một kênh tên là Cây Cám [sau bị san lấp tạo thành trục đường Lê Thánh Tôn như ngày nay] ngược lên đến tận đường d’Espagne, qua bãi pháo kết thúc ở khu công binh.
Kênh chợ Sài Gòn là kênh Chợ Vải [hoặc Kênh Lớn, sau san lấp, nay là đại lộ Nguyễn Huệ], chạy đến giếng nước cùng tên, đối diện nhà của ông Brun, người làm yên ngựa.
Giữa nhà Wangtaï [Vương Thái] và nha thương cảng [nay là cảng Sài Gòn], một rạch khác gọi là rạch Cầu Sấu (rạch cầu Cá Sấu) [sau san lấp, nay là đường Hàm Nghi], uốn khúc và chạy đến thượng nguồn kênh Chợ Vải, kênh Coffine được đặt theo tên vị đại tá, sau khi xây lại tường thành, ông đã cho đào kênh này để nối hai đầu những con kênh cũ. Kênh Coffine sau đó bị lấp, ngày nay biến thành một đại lộ [Bonard, nay là đường Lê Lợi] đi qua trước tòa thị chính...
Rạch Cầu Sấu được gọi như vậy, vì trước đây là một vựa cá sấu được nuôi bán thịt cho lò mổ.
Nha thương cảng ngày nay nằm ở vị trí xưa kia dựng một đồn binh và một dinh thự cho sứ giả từ Huế vào và từng là nơi Duệ Tông [Nguyễn Phúc Thuần], Mục Vương [Nguyễn Phúc Dương] và Gia Long [Nguyễn Phúc Ánh] lánh nạn.
Choáng ngợp bởi sự biến đổi nhanh chóng
Đối diện Sài Gòn, bên kia bờ có gì? Vào thời Gia Long, đó là xóm Tàu Ô (xóm thuyền đen); chỗ này từng là nơi trú ngụ của hải tặc người Hoa, họ có những chiếc thuyền nhỏ sơn đen. Khi họ thần phục Gia Long, nhà vua thu nhận và bố trí họ làm Tuần hải đô dinh, đặt dưới quyền của tướng quân Xiền. Họ có nhiệm vụ tuần tra bờ biển. Những người còn lại được tuyển dụng làm công việc xảm kín tàu thuyền của hạm đội nhà vua. […]. Những chi tiết trên đây được dẫn từ Souvenirs historiques sur Saïgon et ses environs (Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng phụ cận, 1885) của Pétrus Trương Vĩnh Ký.
Nếu so sánh Sài Gòn trước kia với Sài Gòn hiện nay, người ta hẳn sẽ choáng ngợp bởi sự biến đổi nhanh chóng diễn ra trong vòng ba mươi năm [1864 - 1894]; vì vậy, ông Delteil, dược sĩ cao cấp của hải quân, trong Guide du voyageur à Saigon (Hướng dẫn du lịch Sài Gòn), đã có lý khi nói: “Phải có một kẻ sáng tạo thiên tài thực sự để trong một thời gian ngắn như vậy có thể lấp đầm lầy, bồi đắp đất đai, đào cống, xây dựng nhà cửa trang nhã và đền đài nổi bật, mở những con đường rộng đầy bóng cây, đại lộ, quảng trường, đặt khắp nơi những đài phun nước tuôn ra một loại nước tuyệt hảo, nói tóm lại, làm mọi thứ để dựng lên một thành phố nửa Âu nửa Á, thanh lịch, xinh đẹp, tiện nghi, đầy sức sống, năng động với dân số hiện có là 35.000 người [số liệu năm 1887]”.
...Ba mươi năm để hoàn thành một công trình như vậy, không kể đến tổ chức dân sự, chính trị, quân sự và tài chính của toàn bộ một thuộc địa hai triệu dân, đó không phải là một kỳ công thực sự sao?
Nhận xét
Đăng nhận xét