Chuyển đến nội dung chính

Nhà vườn Huế

Huế là một thành phố vườn, cả thành phố là một công viên vĩ đại, ở đâu cũng thấy được một màu xanh mát dịu của sông, hồ, đồi núi, cỏ cây.

Khi xây dựng cố đô Huế vào đầu thế kỷ XIX, các nhà kiến trúc cổ đã dùng núi Ngự Bình làm tấm bình phong để che chắn những gì sâu xa không cho xâm nhập vào ngôi nhà của mình là Kinh Thành và Đại Nội. Sông Hương trở thành một cái hồ phẳng lặng để soi bóng các công trình kiến trúc nghệ thuật ở đôi bờ. Thuật phong thủy gọi phần thủy điện đó là "minh đường", một bộ phận phải có ở trước mặt các công trình kiến trúc. Trên sông lại nổi lên hai hòn đảo nhỏ, là Cồn Hến và Cồn Dã Viên, được dùng làm thế "tả Thanh Long hữu Bạch Hổ", chầu về ở giữa để bảo vệ đế đô. Khu vườn có độ rộng lớn ấy đã được quy hoạch và xây dựng với những đường nét đối xứng rõ rệt. Và đặc biệt là người xưa rất quan tâm đến sự thưa thoáng của không gian kiến trúc.



Người Huế đã thu gọn không gian kiến trúc ấy vào trong các khu vườn của mình với một bố cục tương tự. Mãi đến ngày nay, người Huế vẫn còn bảo lưu được một số nhà vườn truyền thống như thế. Ai đã từng đi dạo trong vườn nhà bà Lan Hữu ở Kim Long, hay vườn nhà cụ Đô ở vùng Gia Hội, hoặc một số nhà vườn khác ở Vĩ Dạ, phường Đúc, An Cựu, Bao Vinh, Chợ Cống..., chắc đều cảm thấy lòng mình trở nên thanh bình, yên ổn. Màu sắc đằm thắm của cỏ cây, hương thơm dịu nhẹ tỏa ra từ hoa trái, tiếng chim hót líu lo trong không gian tĩnh mịch làm cho lòng người thư thái, nhẹ nhàng và thấy mình đang được sống thật gần gũi với thiên nhiên đầm ấm.


Mỗi khu vườn như vậy là một thế giới biệt lập, rộng khoảng vài mẫu hoặc năm ba sào, bao bọc bằng luỹ tre xanh hay hàng rào chè tàu được cắt xén ngay ngắn, tươm tất. Trong phạm vi ấy ngoài ngôi nhà giường kiến trúc bằng gỗ quý, chạm khắc tinh tế dùng để thờ tổ tiên, vài ngôi nhà phụ dùng cho con cháu ăn ở, không gian còn lại là sân vườn với những ao hồ, bể cạn, non bộ, bình phong, giếng nước, và đôi khi còn có cả ngôi mộ của người đã có công tạo lập ra cơ ngơi ấy.




Người ta đi vào vườn bằng một chiếc cổng nhỏ xây bằng vôi gạch, hoa cỏ trồng dọc lối đi. Nhưng lối đi ấy không bao giờ được trổ thẳng vào gian giữa của ngôi nhà chính, vì đây nhà gian nhà thiêng liêng dành để thờ phụng tổ tiên. Lối đi ấy được chặn lại bằng một tấm bình phong cao quá đầu người và phải rẽ phải qua hướng khác để vào sân nhà. Tấm bình phong có thể xây bằng vôi, gạch, tô nối bởi chữ "thọ" chữ "phúc", hay một hàng cây dâm bụt, hoặc một dãy chè tàu đơn giản.


Sau tấm bình phong là hòn non bộ, nhưng đôi khi hòn non bộ ấy còn giữ chức năng của tấm bình phong. Non bộ là những cảnh sơn thủy hữu tình được chủ nhân yêu thích và thường do chính bàn tay mình thu nhỏ lại. Ở đó có núi đồi, hang động, sông suối, cỏ cây, cầu cống, và đôi nơi còn thể hiện một vài sinh hoạt của con ngwoif. Mấy tiều phu làm củi bên bờ suối. Và cũng có thể có đủ bốn hình ảnh: ngư, tiều, canh, mục. Với chiếc bể cạn xây hòn dã sơm, chủ nhân thường trồng lên đó một số hoa cỏ sống được cả bốn mùa: mai, lan, cúc, trúc hoặc: mai, liên, cúc, tùng tượng trưng cho tứ thời: xuân - hạ - thu - đông.




Như vậy, cả không gian lẫn thời gian đều đã được thu gọn lại trên mặt bằng mỗi bề năm ba mét. Ở vườn phú cụ Đô, trên hòn non bộ còn thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước. Trước mặt dãy Trường Sơn trùng điệp là hình ảnh chùa Một Cột (miền Bắc), chùa Thiên Mụ (miền Trung) và Tháp Mười (miền Nam). Hình ảnh Tổ quốc Việt Nam đã được thu nhỏ lại một cách gọn gàng, xinh xắn, để hàng ngày chủ nhân nhìn ngắm, nâng niu. Và ở đó, người ta thấy rõ được hình ảnh "cỏ cây chen đá, lá chen hoa" của Bà huyện Thanh Quan thuở trước.
Nếu khu vườn rộng của cố đô có Cồn Hến và Cồn Dã Viên thì trong sân vườn này cũng có hai tảng đá hình thù đặc biệt dựng ở hai bên sân trước nhà để tượng trưng cho thế "rồng chầu, hổ phục". Nếu kinh thành Huế có con sông Hương trước mặt thì vườn nhà ở đây lại có ao trồng sen thả cá với những chiếc ghế đá, ghế gỗ đặt dưới những gốc dừa, gốc mít trồng dọc bên bờ. Mặt ao là một tấm gương trong suốt phản chiếu hình ảnh các công trình kiến trúc và cảnh vật trong khu vườn ấy. Tất cả là một màu xanh tươi tắn, dịu dàng:


Nhà vườn An Hiên


Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
(Hàn Mặc Tử).


Trong khu vườn Huế, người ta còn trồng nhiều loại cây lưu niên để cho bóng mát và quả chín bốn mùa. Nhiều loại cây ăn quả ở đây được đưa từ miền Bắc vào và từ miền Nam ra, có cả nhãn lồng Hưng Yên lẫn sầu riêng Nam Bộ.


Ngôi mộ trong vườn tạo cảm giác gần gũi thân thương giữa người chết và người đang sống. Đó là một thể hiện tình cảm gắn bó và một sự biết ơn của những người trong gia đình đối với tiền nhân. Và cũng nói lên rằng nằm dưới mộ như đang còn sống và ăn ở trong vườn, trong nhà cùng con cháu. Người sống và người chết ở bên nhau. Người xưa xem chuyện sinh tử là chuyện bình thường. Có được nhân sinh quan như thế, cuộc sống của con người sẽ càng được ung dung, thanh thản.




Người Huế đã thể hiện lòng khao khát chế ngự thiên nhiên của mình bằng cách khái quát không gian rộng lớn và thời gian vô cùng vào trong bố cục của sân vườn. Nhà vườn Huế thể hiện rõ nét thú tiêu khiển thanh tao, sự chăm sóc kiên trì, tưới bón cẩn thận, bàn tay tài hoa và khối óc đất chất văn hóa của chủ nhân.


Nhà vườn là một nét đặc trưng trong nhân văn Huế. Không thiên hẳn về mục đích kinh tế như một số nơi khác, chủ nhân ở đây vừa dùng nó để nuôi dưỡng chính mình, vừa để bảo tồn một phong cách sống đẹp của con người./.

Nhận xét